Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2023

LẦN ĐẦU GẶP BÁC NÚP (bản Full)- Gia Lai cà kê

 


          Ba ngày sau khi lên Gia Lai- Kon Tum nhận công tác, tôi được gặp bác Núp.

          Ấy là đương đi “thám thính” Pleiku theo cái vòng tròn Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Hai Bà Trưng thì tôi quặt xuống Hoàng Hoa Thám, khi ấy nhỏ và nhiều cây chứ không như giờ. Thấy một ngôi biệt thự, và trước ngôi biệt thự 2 tầng khá đẹp ấy là một ông già, tóc râu rất đẹp, mắt nhỏ hấp háy và sáng, mặc nguyên bộ comple, địu một đứa bé sau lưng. Tôi rất lạ, lạ nhất là lại có người mặc com lê ngay cả khi địu cháu. Và, tôi còn kịp thấy đứa bé tè một bãi rất hoành tráng lên áo ông già. Ông vẫn lững thững vơ vẩn xung quanh chỗ ấy, chân đi đôi dép nhựa trắng đã rách, gần giống dép tổ ong giờ.

          Về, cứ thắc thỏm, dân Pleiku oách thật, mặc vét ngoài giờ làm việc.

          Hai hôm sau nữa, tôi được giao việc, viết một bài thật ngắn cho bác Núp, chủ tịch Mặt trận tỉnh đọc trong buổi tiến sĩ Nikulin, một nhà Việt Nam học, người Liên Xô, nói chuyện văn học với công chúng ở nhà văn hóa trung tâm tỉnh, giờ là trụ sở đoàn Đam San.

          Muốn viết, phải tìm gặp ông Núp. Tôi nhờ bạn đồng nghiệp Hồng Vân, “ma cũ” của phòng, dẫn đi gặp ông.

          Trời ạ, té ra là ông già hôm trước tôi gặp.

          Nói chung, cuộc gặp diễn ra suôn sẻ, và cái buổi ông Núp thay mặt tỉnh đọc bài chào mừng TS Nikulin cũng suôn sẻ, cái quan trọng là, tôi được “mục sở thị” anh hùng Núp, huyền thoại của Tây Nguyên và của cả Việt Nam.

          Tôi may mắn là trước khi lên Tây Nguyên vẫn biết bác Núp còn sống, và chỉ có bất ngờ là không nghĩ được gặp ông một cách giản dị tới thế. Cứ nghĩ người anh hùng tới huyền thoại ấy, nó phải khác cơ. Buồn cười nhất là, cả chục năm sau đấy, rất nhiều thế hệ sinh viên sau tôi, khi ra trường lên Gia Lai, đều rất bất ngờ khi biết, bác Núp còn... sống. Ai cũng nghĩ ông đã hy sinh rồi, nhất là hồi ấy còn có quan niệm, đã được vào sách thì đa phần là... liệt sĩ.

          Sau này nhiều lần được đi công tác với ông, rất nhiều lần uống rượu với ông, mà ông thì, khi đã uống rất khó... dừng. Có 2 lần khiến tôi nhớ mãi.

          Lần thứ nhất, khi ấy nhà văn Nguyễn Khắc Trường vào Gia Lai. Trước đấy ông Trường đã có cái bút ký về anh hùng Núp, hình như được giải thưởng của Đài tiếng nói Việt Nam, muốn gặp để viết sâu hơn, thành một cuốn sách. Ông bảo tôi tìm cách có một chuyến đi với ông, chỉ mấy anh em thôi. Anh Chử Anh Đào phân công luôn: anh sẽ lo xe lên Kon Tum, còn lên tới đấy thì  cụ Núp là “pháo” rồi, anh em ta chỉ là pháo thủ, Kon Tum sẽ đón tiếp pháo rất trọng thể, không lo việc ăn trưa. Ông Hùng, tức tôi, lo làm việc với Mặt trận tỉnh, “mượn” ông Núp.

          Tôi sang mặt trận, gặp chú Thiệu, nói chuyện “mượn” cụ Núp với 2 lý do. một là nhà văn Nguyễn Khắc Trường muốn tiếp xúc với ông, và 2 là, sinh viên trường Trung cấp sư phạm Kon Tum muốn được tiếp xúc với người anh hùng huyền thoại của họ. Lúc này ông Núp và vợ là bà Ch’rơ đang ở 1 phòng ngày trong trụ sở cơ quan Mặt trận tỉnh. Ông Thiệu giao hẹn, trả đúng giờ và không được để ông Núp say.

          Kết quả cả 2 sự giao hẹn của ông phó chủ tịch Mặt trận tỉnh đều... không thực hiện được. Phải 10 giờ đêm chúng tôi mới về tới Pleiku, và 2 là, cụ Núp rất say. Sáng sau, khi tôi vào xem tình hình cụ Núp thế nào thì gặp ngay chú Thiệu đang ở phòng ông, ông Thiệu “nghiêm khắc phê bình” chúng tôi. Khổ, tôi bảo lên tới Kon Tum thì chúng tôi không thể làm chủ tình hình được nữa, rất nhiều nơi chèo kéo, và nơi đâu cụ Núp cũng hết mình.

          Lần sau tôi cùng cụ Núp và nhà văn Nguyên Ngọc về thị trấn Dân Chủ rồi về nhà ông ở xã Nam, Kbang bây giờ. Tôi lại nhận ra một tư chất khác của bác Núp, ấy là tư chất... nghệ sĩ, rất nghệ sĩ.

          Xuất phát từ Pleiku lúc sáng, mà 12 giờ trưa chúng tôi vẫn lang thang ở Mang Yang. Ông Núp ghé hết làng này tới làng khác, không thể can được, và hoàn toàn không để ý tới việc sẽ ăn uống thế nào, ở đâu?

          Thế nên tận 8 giờ tối chúng tôi mới tới thị trấn Dân chủ, và ông Núp lại say sưa chuyện. Anh lái xe của cụ đã quen chuyện này, nhưng tôi lo ông Nguyên Ngọc đói. Vừa lúc ấy thì mấy anh du kích khiêng ra một... con chó. Không có bất cứ một thứ gia vị gì, tôi và anh lái xe loay hoay làm thịt và nấu nướng xong thì... 12 giờ đêm.

          Hôm sau về nhà bác Núp. Ngôi nhà 2 tầng tỉnh làm cho vợ chồng ông, giờ thành nhà lưu niệm anh hùng Núp. Dân làng kéo tới rất đông, và ông cũng vẫn... say sưa nói chuyện mà quên béng mấy ông khách là chúng tôi, trong đó có ông “đẻ” ra “đất nước đứng lên”.

          Lúc này vai trò của anh lái xe của cụ Núp lại phát huy. Trên xe có một số thứ anh mua sẵn lúc qua mấy cái quán ngoài ngã tư. Tôi và anh lại xắn tay làm bếp. Nhoáng cái, cơm, cá chuồn nướng giã với muối và lá thơm, một tô lòng lợn vừa kho vừa xào lõng bõng nước để ăn cơm. Tất nhiên tô lòng được để ngay cạnh ghè rượu, dân làng tới uống rượu và bốc ăn, chúng tôi ăn cơm với cá khô giã muối. Tất nhiên cũng uống rượu với dân làng. Họ mang sang rất nhiều rượu, cứ thế đổ nước vào uống.

          Vui nhất là sáng hôm sau, có một đoàn các cô giáo ở Thái Nguyên vào thăm chồng là sĩ quan quân đoàn 3 lúc này mới chuyển vào Gia Lai, tranh thủ vào “xem” cái làng S’tơ huyền thoại mà các cô đã dạy học trò bao nhiêu năm, thì gặp cả nguyên mẫu và nhà văn. Tôi thành người chụp ảnh. Và, tiếc thay, toàn bộ ảnh đã hỏng bởi tôi để sai chế độ. Máy cơ nên phải nhịp nhàng cả khẩu độ, tốc độ, anh sáng...

          Lần đi này với ông, tôi “vinh dự” được nếm trận sốt rét rừng đầu tiên, và thực sự hiểu sốt rét rừng là thế nào?

          Sau này, tới gần chục năm, bác Núp lấy khoa nội 4, là khoa dành cho cán bộ trung cao, làm nhà, cho tới những ngày cuối đời. Tôi ở khu tập thể Ty Văn hóa sát đấy, nên thi thoảng vào thăm hoặc dẫn khách phương xa vào thăm ông. Rất nhiều người không biết cái ông già râu tóc bạc phơ rất đẹp, mặc quần áo bệnh nhân, ngồi xe lăn có bà vợ đẩy xe rất ít nói ấy là anh hùng Núp và vợ, bà Ch’rơ, em ruột H’liêu trong tác phẩm “Đất nước đứng lên” mà ông Núp “nối dây” khi trở về miền Nam những năm sáu mươi thế kỷ trước.



 

                                                                              

Không có nhận xét nào: