Bài trên tạp chí Đầu tư Tài chính xuân 2023
Tôi vừa phải lên facebook cầu cứu.
Ấy là tự nhiên có một số điện thoại gọi tôi... đòi nợ.
Mà cách gọi đòi rất hỗn láo, tôi càng chứng minh mình không phải là con nợ, bên kia lại càng cột tôi vào, nói tôi cố tình trốn nợ, sẽ gửi công văn giấy tờ các cái tới những chỗ liên quan.
Rồi Zalo của tôi bị đổ vào hàng loạt bản chụp từ giấy nhận nợ tới giấy đòi nợ tới công văn gửi các nơi.
Ảnh đại diện là một cô gái rất xinh, tới mức tôi phải tự hỏi: Tại sao cô gái xinh thế lại có thể thốt lên những lời như thế lúc gọi cho tôi đòi nợ.
Tôi kể lại chuyện ấy lên facebook của tôi kèm một số ảnh, có ảnh đại diện của cô gái đòi nợ.
Một tuần sau có người liên hệ với tôi, đề nghị tôi hạ ảnh cô ấy xuống, vì cô ấy không liên quan gì?
Cô ấy bảo đã vào cái tài khoản zalo của người lấy ảnh cô ấy mạo danh kia thông báo nhưng lập tức bị chặn. Rồi hỏi tôi, thế giờ cô ấy phải làm gì? Ơ kìa, cô hỏi tôi thì tôi hỏi ai?
Trước đấy, tôi cũng bị một nick lạ hoắc bỏ bom trong inbox facebook đòi nợ một... bạn phây của tôi, giáo viên một trường biên giới. Tức thông qua tôi để đòi nợ cô kia. Món này rất phổ biến, đã nhiều người bị. Có hồi rộ lên, các hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục luôn bị bỏ bom đòi nợ giáo viên trường mình, chỉ vì họ là... hiệu trưởng, trưởng phòng, quản lý con nợ của chủ nợ.
Lại nhớ có lần, tôi chứng kiến hàng xóm nhà tôi, một doanh nhân, ngồi uống cà phê và gọi điện... vay tiền. Anh ấy cần ngay lập tức 2 tỉ để đáo nợ, cần ngay, và gọi điện thoại cho bạn bè để hỏi mượn, như tôi gọi mượn... 100 ngàn. Gọi 4 cuộc không được, anh ta bảo: thôi em liên hệ “ATM cột điện”, và tôi biết cái tên này từ đấy.
Chiều tôi hỏi anh ấy kết quả thế nào, bảo: xong ngay, 30 giây là xong, vì em chỉ vay 1 tuần, có nguồn trả rồi, chứ không thì liệu hồn...
Mới sực nhớ, cái trụ điện trước cửa nhà tôi, lớp chồng lớp các tờ quảng cáo hút hầm cầu và cho vay tiền không thế chấp.
Và rất nhiều người chết vì món vay không thế chấp này.
Nghe nói có cả những bài bản, lớp lang, rắc bả để dụ người vay. Những cú vay lãi mẹ đẻ lãi con, chồng cháu chồng chít, số tiền lãi tăng vùn vụt, chỉ một thời gian ngắn lãi gấp nhiều lần gốc. Trả gốc xong rồi, lãi vẫn là con số khổng lồ, vẫn có nguy cơ trả tới mấy đời không hết.
Những người vay là ai?
Như cái anh hàng xóm tôi kia là rất ít, hãn hữu, còn lại có 2 đối tượng chính, một là nhóm người có nhu cầu thật sự, đa phần là nghèo, khó khăn nhất thời, đọc qua các điều kiện vay, thấy đơn giản, lãi chả bao nhiêu nếu mình vay từng ấy từng ấy. Nhưng bụp vào mới biết, lãi nó đẻ lãi đến chóng mặt, không tưởng tượng nổi. Đa phần số này do... dốt toán, lại nghe dụ ngọt, nên sa cơ. Với lại cũng chả còn đường nào khác, nhất là vay nợ này để trả nợ khác... Và 2 là bị chăn, bị nuôi. Số này thường là giàu, nhất là mới giàu, chúng gạ cá độ các kiểu. Và đa phần là... thua. Thua thì phải chung, hết tiền thì gán nợ. Tôi chứng kiến nhiều người thành kẻ ở thuê ngay ở nhà mình, chủ quán phải thuê lại chính quán của mình.
Thành phần con nợ thì đủ, từ người nghèo buôn thúng bán bưng, người làm công ăn lương, công chức, viên chức nhà nước, cả người làm việc trong các cơ quan pháp luật, tới các đại gia, người mẫu, hoa khôi vân vân, mà vụ hoa hậu Thùy Tiên đang ì xèo kiện cáo là ví dụ. Cũng xin nói luôn, qua sự kể của cô hoa hậu Thùy Tiên này thì thấy một mảng của các cuộc thi người đẹp, hoa khôi, hoa hậu... lộ sáng, ví dụ như cần rất nhiều tiền để đi thi, và có người sẵn sàng cho mượn, và một bước, người đẹp thành... con nợ. Không hiểu có liên quan gì tới việc lâu lâu ta lại nghe có vụ người đẹp, hoa khôi người mẫu... bán dâm bị bắt.
Thế đòi nợ thế nào?
Dùng xã hội đen, đa phần là thế.
Nhẹ nhất là dùng chất bẩn: sơn, mắm tôm, nhớt cũ, phân... tạt vào nhà.
Rồi lên mạng bêu xấu, thóa mạ các kiểu, công bố “tài liệu gốc” là các văn bản vay nợ.
Thêm tí nữa, gọi điện khủng bố, bất kể giờ giấc, dọa dẫm, xúc phạm nhân phẩm. Không chỉ con nợ, mà bố mẹ vợ/ chồng anh em, tới bạn bè và thủ trưởng con nợ như tôi kể trên kia, dù tôi hoàn toàn không liên quan cũng bị.
Nữa là, tới nhà, chiếm nhà, đánh người. Số này nhân danh các công ty đòi nợ nữa. Vụ tôi bị gọi điện là nhân danh một văn phòng luật sư ở Đà Nẵng, có tư cách pháp nhân đàng hoàng.
Một dạo, toàn nghe dọa xã hội đen Hải Phòng mà vào đòi nợ là xong. Nhớ có lần ngồi cà phê với một bạn nữ Hải Phòng, bảo sao em hiền dịu thế mà họ toàn lôi xã hội đen người quê em ra dọa, bạn ấy cười kể, em có mấy đứa em cũng được thuê đi đòi nợ, mà chúng hiền khô à, bảo bọn em có làm gì đâu, chỉ đến ngồi/ đứng ở đấy, đội mũ lưỡi trai đen, kính đen, có nói có làm gì đâu, mà họ sợ.
Thế mà được việc phết.
Lâu lâu lại nghe thông tin chỗ ấy chỗ ấy có người tự tử. Có vụ báo chỉ nói tự tử chưa rõ lý do, có vụ nói rõ: tự tử do nợ nần. Có vụ ông con nợ 2 cái nhà, ông bố kêu mấy chủ nợ tới, nói rõ: giờ tôi chấp nhận trả cái nhà này, tôi đi ở trọ, nhưng tôi tuyên bố, từ giờ phút này các anh mà cho con tôi nợ thì các anh coi như mất chứ tôi không chịu trách nhiệm. Đồng ý thì đưa toàn bộ giấy tờ đây đốt trước mặt tôi.
Việc vay “ATM cột điện” và đòi nợ kiểu xã hội đen đã vào nghị trường quốc hội nhiều lần. Ngày 8/6 vừa qua, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) chất vấn thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng: “Tình trạng nhiều người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa do có tên, số điện thoại trong danh bạ điện thoại của người vay tiền qua các ứng dụng vay online hoặc vay trực tiếp của các công ty tài chính khi người vay không trả nợ đúng hạn. Vậy với chức năng quản lý nhà nước, đề nghị Thống đốc nêu rõ sẽ triển khai các biện pháp như nào để từng bước hạn chế các hành vi vi phạm trên?”.
Ngày 26/10 cũng trên diễn đàn quốc hội, nữa đại biểu Phú Yên Nguyễn Thị Minh Hiền cũng đề cập tới đòi nợ. Sau khi nhắc việc một người bị chết có thể do đòi nợ, bà nói: ““Đằng sau cái chết đó là hoạt động của một số công ty tài chính. Người nhà của nạn nhân cho biết, băng nhóm đòi nợ đã liên tục có mặt tại nhà và lớn tiếng chửi bới, đụng tay đụng chân và đe dọa đánh chết nạn nhân trước mặt 2 đứa con nhỏ. Theo lời khai của con trai nạn nhân, các đối tượng liên tục tát vào mặt, xách tai trong khi nạn nhân chỉ biết cúi đầu khóc lóc chịu đòn”. Điều đau đớn và khủng khiếp là, việc tra tấn nạn nhân tại nhà lại diễn ra trước sự chứng kiến của người nhà, đặc biệt là các con nạn nhân. "Kinh doanh đa cấp, tín dụng đen đã “gõ cửa” từng nhà, đặt dịch vụ tận tay người dân bằng hàng trăm app điện thoại với thủ tục cho vay vô cùng đơn giản, những lời mời gọi hết sức nhân ái, tốt đẹp, như một chiếc phao cứu người đuối nước. Nhưng chưa kịp bơi vào bờ thì người dân lại trở thành nạn nhân đuối nước từ chính chiếc phao cứu sinh này”- Bà Hiền nói thêm.
Tất nhiên tất cả những việc làm phạm pháp liên quan tới đòi nợ, đa phần đều đã được “xử lý nghiêm”, nhưng cơ chừng, có vẻ các “ATM cột điện” vẫn đang phát huy khả dụng, vì nó tiện lợi nhanh nhẹn, trong khi để tiếp cận được nguồn vay từ ngân hàng, vừa lâu vừa rất lằng nhằng thủ tục, nhất là những người không có khả năng thế chấp và người nghèo ít hiểu biết...
Nói thật là, ban đầu tôi định viết một bài thật hài hước về cái món “ATM cột điện” kia, rồi tự nhiên nó lại ra... không vui nữa, biết làm sao?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét