Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

TỪ NHỮNG GÓC PHỐ PLEIKU...

 

          Vẫn nhớ mồn một cái cảm giác những ngày cuối năm 1981, sau 3 ngày vừa đi, ngủ nhà trọ, vừa xếp hàng mua vé, chàng sinh viên Ngữ văn vừa tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Huế, là tôi, đặt chân xuống bến xe Pleiku.

          Khi ấy bến xe là một khu đầy thông cổ thụ. Những cái quán lè tè phục vụ khách đi xe. Những cái xe khách cũ kỹ đậu ngổn ngang dưới các tán thông. Không ai có thể hình dung cái bến xe ngày ấy giờ là khách sạn Hoàng Anh Gia Lai toàn đón khách sang.

           Huế cũng có thông, những đồi thông rất nổi tiếng, nhưng nó ở ngoại ô.

          Đây, thông ngay trong phố. Bởi khi tôi xốc ba lô bước ra khỏi cổng bến xe, thì bập vào mắt cũng là rất nhiều thông.

          Và hun hút một con dốc.

          Như cái võng, phía đầu dốc bên kia thấp thoáng cái khách sạn. Chính là khách sạn Hùng Vương bây giờ.

          Nhẽ ra đi thẳng vào Ty Văn hóa Thông tin Gia Lai Kon Tum trình quyết định phân công công tác, thì tôi lại nảy ra một quyết định bất ngờ: Vào khách sạn thuê phòng nghỉ, hôm sau hẵng vào nhận nhiệm sở. Đấy là quyết định khá mạo hiểm đối với một sinh viên mới ra trường vì tiền mẹ cho trong túi rất ít mà chưa biết ngày mai sẽ như thế nào.

          Và tôi đã thấy mình quyết định đúng.

          Tôi đã có một ngày lội bộ khắp thị xã Pleiku với dốc và thông.

          Hồi ấy thông dày đặc phố. Chỗ nhà tôi ở bây giờ, khi ấy là trụ sở Ty Công Nghiệp, thấp xuống một bậc so với đường Lê Lợi, là nguyên một đồi thông.

Không nhiều thành phố trên nước ta có nhiều thông cổ thụ đâu.

          Tạo hoá đã cho Pleiku một địa thế tuyệt vời, không dễ gì một đô thị lại được xây dựng trên một hệ thống miệng núi lửa, đồng nghĩa có rất nhiều dốc và thung lũng. Hình như các con đường đổ vào nội đô Pleiku đều là dốc. Những con dốc miệt mài song hành cùng người dân Pleiku hàng trăm năm nay, làm thành... thương hiệu, dẫu cho dốc mỗi ngày một ít dần đi. Nó hòa vào tiến trình xây dựng đô thị hiện đại!

Ngay khi lên Pleiku nhận công tác, tôi đã được làm chung phòng với một đồng sự là cựu nữ sinh Plei Me. Nghe đồn hồi ấy, nữ sinh Plei Me đi học có xe Jeep đưa đón. Chả biết thực hư thế nào, nhưng nữ sinh như chị đồng nghiệp tôi kia thì cũng đáng được như thế lắm... Sau này lục tài liệu, xem lại ảnh trường Plei Me ngày ấy, thấy cứ nao nao, dù mình chả liên quan gì. Vào đấy, dưới những vòm xanh, lại cứ muốn cất lên “Xin cảm ơn thành phố có em”. Cũng như thế, tôi xem những bức ảnh đen trắng chụp Pleiku từ năm 1969 mà thấy Pleiku đẹp lạ. Thông ơi là thông, cây ơi là cây, tôi mới hiểu tại sao Vũ Hữu Định lại viết: Phố xá cây xanh trời thấp thật gần.

Đấy là một thành phố đầy thông xanh, lẳng lơ dốc và man mác sương mù buổi sớm mai. Cái địa thế tuyệt vời khi nó bung biêng trên mấy quả đồi, trập trùng dưới mấy thung lũng nguyên là miệng núi lửa mà lại cao hơn mặt nước biển gần nghìn mét khiến cho về kiến trúc, Pleiku xứng đáng là một thiên đường.

Pleiku từng đẹp như cổ tích. Những đường lượn kỷ hà giữa phố, những nhấp nhô dốc, những thung lũng giữa mây, những thông, những gió, bướm…, và sương mù.

Sương mù như một đặc sản của Pleiku. Nó không quá đặc để người phải tan ra, cũng không quá dầy để người phải cứng lại. Cũng không mảnh mai quá để ta phải co ro và cũng không là đà để em phải cúi đầu vuốt tóc. Nó vừa phải, như vận vào tâm trạng từng người. Đủ để an ủi, sẻ chia. Đủ để nâng niu tôn trọng. Hôm rồi tôi đi bộ ở quảng trường Pleiku lúc 5 giờ sáng và quay một đoạn clip. Những bóng người nhấp nhô trong sương, cực đẹp, rất trữ tĩnh, gửi cho bạn, lại tưởng tôi đang ở Đà Lạt hoặc Măng Đen, 2 địa điểm có độ cao hơn Pleiku tới mấy trăm mét. Cũng đã có những buổi sáng mùa khô, tôi phóng xe vượt dốc Hội Phú, sang phía bên kia dốc, để ngắm... sương mù. Rồi nhìn về thành phố, bồng bềnh trong sương, ẩn hiện trong dốc. Ngày xưa đèn điện màu vàng, nó càng quện với sương và dốc...

Và vì thế, mỗi khi đi xa, Pleiku trong nỗi nhớ của tôi luôn là những con dốc trập trùng ẩn hiện trong những hàng thông già hư ảo bởi sương mù. Sương như tấm voan khoác hờ trên cổ một cô gái ngái ngủ giữa ngày đông. Dốc như cánh võng bung biêng nhấp nhô trong mắt lữ hành. Và thông, cổ tích mà non tơ mà thánh thiện trong trường tồn như giấc mơ của tạo hoá gửi xuống cuộc đời này để minh chứng cho sự bất tử của thiên nhiên trong tiến trình hoà nhập với con người, với phố núi Pleiku. Chớp mắt trong phù du, tôi còn gặp từng thảm bướm vàng yên bình trong vòng quay của bánh xe đạp, những tà áo dài phất vào chiều làm xốn xang bao trái tim nhạy cảm của tuổi đương trai, những tiếng guốc cập kênh ngõ nhỏ, mùi dạ hương ngan ngát trên đường Trần Hưng Đạo hoà trong tiếng cười lảnh lót phía Nguyễn Du. Đấy là sự hoà sắc vĩ đại của thiên nhiên gửi tặng mà con người được tiếp nhận và giữ gìn...

Vừa rồi, tôi xem cái phim của một người trẻ Pleiku làm về Pleiku, anh Đào Phúc Nguyên Vũ, tôi lại gặp Pleiku một thời.

Ấy là dốc, những con dốc ngoắt ngoéo ngoằn ngoèo đặc trưng Pleiku.

Tôi hình dung những tiếng guốc cập kênh phía ấy. Những tiếng cười hun hút ngõ nhỏ. Và những bờ rào dã quỳ. Trời ơi, nếu vắng dã quỳ, Pleiku còn lại gì?

Những con đường mở rộng, bằng đi, thì vẫn còn những ngõ nhỏ, với những con dốc. Và tôi nhận ra, hồn cốt Pleiku bây giờ không hẳn ở những con đường hiện đại mới mở, mà chính là ở những cái ngõ nhỏ và ngoắt ngoéo ấy, ở những ngôi nhà với hàng rào lắt lay hoa và gió. Những con dốc và những phận người, nó mang đầy hơi thở đời sống và ký ức... Một đô thị không ký ức, không những mong manh đứt gẫy, những kỷ niệm, dẫu phập phồng mơ hồ... nó trở nên vô hồn như những đại lộ, dù vẫn suốt ngày ầm ào và đông đặc người...

Có lần tôi tả dốc Pleiku như thế này trong một bài thơ: “Dốc đổ dài ai xuống thấp lên cao/ có một kẻ lữ hành đang lạc lối” và nữa: “dốc trập trùng ngơ ngác bỗng nhiên thông”... Một bài khác như thế này” “Phố khuya như ngọn đèn gầy nhấp nhô”... Trong tôi, chỉ có Pleiku mới có đèn gầy nhấp nhô như thế...

Báo Dân tộc và Phát triển tết Quý mão 2023



 



Không có nhận xét nào: