Thứ Năm, 27 tháng 10, 2022

TỪ PHÂY...

 NHÀ VĂN "TRẺ" ĐÀO TUẤN ẢNH VÀ CUỐN SÁCH ĐẦU TAY Ở TUỔI 72

Và qua cuốn sách này, tôi mới thêm một lần, thấy công dụng của facebook. Với người viết vì nghề, facebook chính là nơi để luyện nghề. Nó nuôi cảm xúc, cung cấp thông tin, là lực đẩy, nơi bắt mình phải chịu khó, phải quyết tâm không bỏ cuộc... và từ đấy, có thành quả, mà trường hợp nhà nghiên cứu lão thành, “nhà văn trẻ” Đào Tuấn Ảnh là một minh chứng.

-----------

          Chiều nay, 19/10/2022, tại Hà Nội, nhà xuất bản và đông đảo bạn đọc, bạn văn dự một cuộc ra mắt khá lạ. Lạ thứ nhất là tác giả được gọi là... Nhà văn trẻ khi đã... 72 tuổi, là phó giáo sư tiến sĩ khoa học nổi tiếng Đào Tuấn Ảnh. Lạ thứ 2, theo người dẫn chương trình là nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì đây là cuộc ra mắt sách có rất đông các giáo sư tiến sĩ khoa học dự. Và cái lạ thứ 3, ấy là cuốn sách này hoàn toàn là... từ phây.

          Là có một thời gian dài, chị Đào Tuấn Ảnh mỗi ngày viết một tus nhỏ, chuyện gia đình mình, quê hương mình, thời thơ ấu của mình... đọc rất thích. Nhiều người, có tôi, vào comment xúi chị tiếp tục viết để trở thành một cuốn sách, và khi ấy chị sẽ là... nhà văn trẻ mà... không trẻ.

          Và chị viết thật. Rồi cop lại, nhờ một số bạn bè đọc. Tôi là một trong những người được chị gửi cho file tác phẩm để đọc trước.

          Và tôi đã đọc một hơi tập bản thảo “Bà Đỡ” của chị Đào Tuấn Ảnh, khi còn vài chục trang có tâm trạng cứ sợ hết, nên đọc chậm lại, nhưng cũng thấy nó rất nhanh đến trang cuối cùng, dẫu trước đấy đã đọc lắt nhắt trên phây của chị như đã nói.

          Kinh nghiệm của tôi, khi đọc mà thấy nhanh hết ấy là cuốn sách hay.

          3 câu chuyện trong một cuốn sách xoay quanh cuộc sống của đại gia đình tác giả, đủ cả hỉ nộ ái ố. Đọc có đoạn cười sằng sặc như ma làm, có đoạn lại rưng rưng và lén lau nước mắt.

          Viết về gia đình mình nhưng không thấy cá biệt, không thấy kể lể phân bua riêng tư vặt vãnh, mà thấy hiện lên xã hội, hiện lên cả một thế hệ, một giai đoạn. Tôi cũng thấy có mình trong ấy.

          Cái quan trọng là, giọng kể rất hay. Câu chuyện cứ tự nhiên lộ ra, tác giả ý tứ ẩn mình đi, chỉ thấp thoáng, còn lại là bà, là mẹ, là chị, là em... là những nhân vật mồn một như đang trước mặt ta, đối thoại cùng ta.

          Mà cũng lắm chuyện nữa. Chuyện hồi hộp đường rừng, chuyện ẩm thực, chuyện tình yêu, chuyện cải cách ruộng đất, chuyện ngực chũm cau, chuyện quê chuyện phố, chuyện uýnh lộn...

          Tôi quen chị Đào Tuấn Ảnh qua... phây, và luôn nghĩ được làm bạn chị, chỉ bạn phây thôi, là một vinh hạnh. Giờ là thời đại của phây, cần gì người ta đều hỏi phây. Một thời Google là cố vấn mọi nhẽ. Giờ ông phây tiếm ngôi. Duy nhất mới một lần nghe giọng chị, ấy là lần tôi... gọi điện thoại cho chị. Trời ơi cái giọng trong vắt và nhẹ, đặc điểm của tiếng Bắc chuẩn thị thành. Nếu chưa biết trước là giọng của một phó giáo sư tiến sĩ nổi tiếng về hưu cũng đã lâu lâu thì chắc chắn tôi nghĩ mình đang nói chuyện với một thiếu nữ. Còn gặp mặt ngoài đời thì chị em hẹn nhau tháng 7 vừa qua mới off tại Pleiku, có nhà thơ cũng... U80 Nguyễn Duy tháp tùng.

          Đọc chị cũng trên phây, và nhận ra một sự sắc sảo thông minh kèm sự hóm. Phải thông minh người ta mới hóm được. Thực ra khen phó giáo sư tiến sĩ thứ thiệt thông minh là... rất láo, nhưng quả là, nhiều giáo sư tiến sĩ tôi biết, cái sự đạo mạo, nghiêm cẩn nó át cái sự hóm đi, nên đa phần thấy họ giỏi chứ sự thông minh nó lặn đâu mất.

          Văn phong cuốn này đọc rất sướng. Thì ban đầu tôi biết chị là nhà nghiên cứu, văn nghiên cứu của chị đọc rất dễ, dù viết về văn học Nga khi mà thời của Nga qua rồi, sắc sảo mặn mà và khoáng hoạt. Rồi đùng cái tôi đọc văn phê bình của chị. Lại cũng vừa sâu nhưng đậm chất báo chí, tức là cũng rất hấp dẫn. Cái bài chị trao đổi với nhà văn Đỗ Tiến Thụy đọc rất vào, tung tẩy, vi vút, đột ngột, vấn đề cứ phơi ra sau mỗi cái gạch đầu dòng đối thoại. Và giờ, văn xuôi. Chị như thoát ra toàn bộ  ảnh hưởng của văn nghiên cứu, phê bình, để tươi mởn trong tập sách này. Đây là tả cảnh: “Có cảm giác trời có long, đất có lở, thì dòng sông ấy vẫn cứ bình thản như vậy. Một cái vó to tướng đang từ từ kéo lên, vài con cá bụng trắng hếu cuống cuồng giãy, trước khi chui tọt xuống cái hom phía dưới. Bên kia sông, một màu xanh ngút ngát của lúa mới làm đòng chạy tít mãi về phía chân trời, nơi tôi nghĩ một hai sẽ tới. Phía xa, ở triền đê, một cây thị cổ thụ đứng một mình, cau có như muốn nói, già thế mà vẫn phải cáng đáng  đống con cháu chi chít này. Dưới gốc, thị rụng vàng ối không ai nhặt, vì nghe đồn cây thị có ma. Cả một vùng trời đất nồng nàn hương thị. Hình như để nó bớt cô đơn, một cây gạo mọc ngay gần đó. Hai cây chắc cùng tuổi, vì cao bằng nhau, già bằng nhau và cùng sần sùi, sứt sẹo như nhau. Bông gạo đỏ chót một vùng, những bông hoa mập mạp tựa những bàn tay xòe ngón giơ cao, như thể cố bứt lên phía trời xanh mà không được.” Đây là tả người:”Bà tiên của chúng tôi uyển chuyển nhún mình theo nhịp đàn, tiếng hát, lúc khoan thai dịu dàng, lúc nhanh dồn dập, những giải thắt lưng bồng bềnh tung bay, đôi tay như cặp bướm trắng mềm mại uốn lượn. Những cặp mắt hoan hỉ của những người ngồi xung quanh dõi theo cặp bướm, những tiếng “lạy cô, lạy cô” thầm thì, cung kính. Bà không nhún nhẩy, uốn tay một cách đơn điệu, như phần lớn các ông đồng, bà đồng trong các giá đồng sau này tôi được xem. Những làn điệu của chiếu chèo cửa đình hình như thấm vào vũ điệu của màn hầu đồng, khiến nó trở nên phong phú, đời thường và thật gần gũi. Người xem hầu như mê mẩn bởi âm thanh, màu sắc, quen thuộc, mà lạ lùng. Đầu họ lắc lư, đôi người còn vỗ tay theo nhịp đàn sáo và tiếng hát khoan nhặt. Trong khoảnh khắc, như được truyền một thứ năng lượng sống kì lạ, họ nhập đồng, đến với cô Hai, cô Ba, cô Năm, cô Chín, kể lể đời mình. Còn bà tôi, qua các cô tiên ấy, gặp bà Chúa Liễu – mẹ của muôn loài, giãi bày nỗi niềm, hỏi về những điều mà bà không sao hiểu nổi..”. Đây là... hóm: “Bà ngoại tôi và cô tôi, hai đại sứ lưu động của “ngoại giao con thoi” đưa đón tôi từ nhà nội về nhà ngoại và ngược lại. Là hai đầu sợi dây kết nối tôi với ruột thịt hai nhà. Là hai đầu thước đo cái thế giới có chiều dài hơn 10 km của tuổi thơ tôi”. Quan sát rồi viết như thế này thì, theo tôi thuộc hạng thặng thừa rồi:  Một đám mây đen to tướng túm lấy mặt trăng nhét vào cái túi khổng lồ rồi dùng chiếc kim băng cũng to tướng – giải sáng mờ, đính chặt miệng túi lại. Sau khi chén no nê cái bánh đa khổng lồ giát chi chít vừng-sao, đám mây đen nở to, choán hết chỗ còn lại của bầu trời. Và đây nữa “Tới khi lửa bếp chừng như không chịu nổi cơn thèm, nhẩy đánh vèo lên miệng chảo, tính chộp lấy một miếng thịt, bác mới tắt bếp, nhanh tay xúc thịt ra đĩa.. .

        Đang có mấy cuốn sách hay dạng chuyện tự kể thế này trên văn đàn, mỗi cuốn hay mỗi kiểu (là nói những cuốn tôi đã được đọc). Cuốn của chị Đào Tuấn Ảnh hay cả chuyện và văn. Bà già U80 viết văn thi thoảng chêm phong cách facebook nên rất nhiều đoạn vừa đọc  vừa phải wao lên như bọn teen Selfie...

        Nhưng, cả quyển sách mà đòi “tóm lại” trong vài trang chữ là sự rất liều mạng. Mà tôi thì chưa bao giờ dám liều mạng, nên bèn nhút nhát mà trả lại quyền đọc sách cho các bạn.

        Tất nhiên tôi vẫn giữ cho mình sự thú vị khi đọc bản thảo này trên laptop do tác giả ưu ái ông em mà mail cho...

        Và qua cuốn sách này, tôi mới thêm một lần, thấy công dụng của facebook. Với người viết vì nghề, facebook chính là nơi để luyện nghề. Nó nuôi cảm xúc, cung cấp thông tin, là lực đẩy, nơi bắt mình phải chịu khó, phải quyết tâm không bỏ cuộc... và từ đấy, có thành quả, mà trường hợp nhà nghiên cứu lão thành, “nhà văn trẻ” Đào Tuấn Ảnh là một minh chứng.


 



                                                              

Không có nhận xét nào: