Thứ Hai, 26 tháng 9, 2022

NGÀY ĐẦU CAO SU TRÊN ĐẤT GIA LAI- Gia Lai cà kê

          Đâu như năm 1985, chúng tôi mấy đứa đi Ayun Pa về, bằng xe máy, 2 cái cup Cánh én chở 4. Chiều thâm thẫm, qua thị trấn huyện Chư Sê một đoạn thì trời mưa, mưa tối mặt tối mũi không thể chạy tiếp được. Thấy bên đường có mấy cái nhà ván lợp tôn, chúng tôi tấp vào trú nhờ.

          Một nhóm anh em đang ngồi xúm xít quanh một cái bàn. Nghe chúng tôi ngỏ ý xin trú mưa, người ngồi giữa bàn đứng dậy rất lịch sự mời chúng tôi vào nhà.

          Té ra đấy là bộ khung của công ty Cao su Chư Sê sau này. Người đứng dậy mời chúng tôi vào là anh Chín Ngừng, tức Hồ Văn Ngừng, giám đốc công ty.

          Vẫn rất mưa, chúng tôi được mời ở lại ăn cơm chiều, sáng mai hết mưa hẵng về.

          Bữa ăn có thịt thỏ rừng anh em bắt được ngay trước sân, có rau lang luộc và... rượu. Rượu đế nấu bằng sắn đổ vào cái chậu, pha thêm chục ống philatop uống rất vào. Cái mốt pha philatop vào rượu tôi học được ở đây, và hồi ấy cũng không phải lúc nào cũng có thể mua được philatop để pha rượu vì... không có tiền, mà nó là loại thuốc bổ cao cấp. Con thỏ hôm ấy chắc cũng khơ khớ tuổi, bằng chứng là, đa phần cứ gắp lên mút mát tí rồi lại thả xuống chứ nó dai không thể tả. Nhưng chậu rượu thì hết. Sau tôi có sáng kiến bỏ toàn bộ số thịt thỏ ấy vào nồi nấu cháo, và nó giúp chúng tôi an tâm ngủ mà không bị đói. Ngủ giữa mưa hắt vào vách ván và gõ rất to trên mái tôn. Hai người một cái giường cá nhân bé tí, nằm úp thìa, cả khách và chủ lẫn lộn...

          Sau này quen và thân với anh Chín Ngừng, anh Khánh (người tiếp nối anh Ngừng làm giám đốc sau khi anh Ngừng sang Campuchia mở công ty mới), hiểu thêm nhiều về cao su.

          Té ra cái cuộc “đổ bộ” lên Tây Nguyên mở các nông trường (sau mới thành công ty) của công ty mẹ là công ty cao su Dầu Tiếng nó rất lãng mạn và ngẫu hứng.

           18 người chất nhau lên một cái xe tải thì phải, cứ thế đi, mang trong người cái quyết định thành lập nông trường cao su ở Tây Nguyên của Tổng cục Cao su và công ty Cao su Dầu Tiếng, tất nhiên trên xe có một thứ rất quan trọng nữa: Một thùng tiền.

          Tới Chư Sê, thấy đất đỏ giống Dầu Tiếng, bèn dừng lại, tấp tạm vào mấy cái nhà bỏ không của huyện đội, rồi vào gặp chính quyền huyện và tỉnh làm các thủ tục. Tỉnh Gia Lai - Kon Tum hân hoan đón nhận bằng cách cử hẳn một phó chủ tịch tỉnh tham gia vào ban lãnh đạo Tổng cục cao su, làm phó tổng cục trưởng, và cử một phó chủ tịch huyện Chư Sê là người Jrai tham gia vào ban lãnh đạo công ty Cao su Chư Sê làm phó giám đốc. Bác này chuyên về việc vận động bà con tham gia làm công nhân cao su.

          Hồi ấy Fulro vẫn còn hoạt động, mà nông trường thì mở rộng. Rồi thì sốt rét, những cơn sốt rét kinh người. Nhưng khó nhất là việc vận động bà con người dân tộc thiểu số bản địa tham gia trồng cao su rồi cầm tay chỉ việc cho họ...

          Bây giờ cao su ngút ngàn rồi, thậm chí còn có ý kiến xem lại việc phát triển cao su ồ ạt, coi nó như rừng. Ý kiến này cũng đúng nhưng xin không đề cập ở bài này, bởi cao su không thể là rừng, không thể thay thế rừng, dẫu là rừng nghèo, mà việc chủ trương phá 50 ngàn héc ta rừng nghèo mới đây để trồng cao su là một ví dụ. Nhưng rõ ràng, cái thời đầu ấy, cái thời cây cao su bắt đầu đặt chân lên đất Gia Lai thì nó là một sự kiện lớn.

Chư Sê hồi ấy là một huyện rất nhỏ và cũng… hoang vu dù nó cách thành phố Pleiku đúng ba mươi tám cây số. Lèo tèo dăm chục ngôi nhà khinh khỉnh quay lưng ra đường bởi rất bụi, quay mặt ra là chết vì bụi ngay. Dân hầu như không dám mặc áo trắng, toàn một màu tối sùm sụp cho nó dễ… lẫn với bụi đỏ. Mùa mưa thì nhão nhoẹt bùn, cũng đỏ...

          Từ Cao su Chư Sê, sau đấy phát triển ra Mang Yang, Chư Prông... rồi lên Kon Tum là cả một chặng đường dài nhưng lại cũng rất nhanh. Nhiều văn nghệ sĩ đi thực tế với cao su để sáng tác. Tôi nhớ nhà thơ Trúc Thông từ Hà Nội lặn lội vào ở cả tuần với cao su Chư Sê cái thời còn rất khổ ấy, rồi về anh có mấy bài thơ rất hay. Có người ví cái màu vàng của cao su mùa rụng lá nó như màu vàng trong tranh Levitan.

Tôi chứng kiến thời ấy, khi cao su đã lông lống, rất nhiều bạn trẻ vào rừng cao su chụp ảnh cưới. Đẹp rực rỡ và trầm lắng. Là nói cái sắc độ màu của ảnh, giữa trắng tinh khiết của váy áo, sẫm nâu hoặc bạc của đất của thân cây và vàng của lá, lại thêm cái lỗ chỗ của nắng xiên xuống. Và bất chợt từng thốt lên những câu thơ: “Chắt đến tận cùng sự sống/ lá vàng đau úa cả chiều/ nhựa cây ứa trào như máu/ cao su oằn mình trong mưa./ Bao nhiêu lời thơ lá vàng/ bao nhiêu bài ca nhựa trắng/ bao nhiêu con đường rợp nắng/ dập dìu tình yêu đi qua./ Chiều nay giật mình đứng lặng/ lá vàng rơi nát  không gian...”. Quả là, chạy xe trên con đường 14 ấy, quang cảnh 2 bên chả khác gì đang chạy xe ở một vùng thảo nguyên nào đấy ở nước ngoài. Đẹp và khoáng hoạt, kỳ vĩ và đầy xúc cảm.

Cái đẹp nhiều khi rất lạ. Nó là sự hy sinh, đau đớn của chủ thể. Mùa rụng lá là mùa cao su đau đớn nhất. Lá rụng đã đau, rụng để bảo vệ cây, hy sinh cho cây thì ý nghĩa càng đau. Lá vàng rực rụng như mùa thu trút lá dù hình như mùa cao su rụng lá không phải mùa thu. Những cành cây khẳng khiu vươn lên trời, những thân cây thẳng tắp, luống cũng thẳng tắp. Đẹp đến nao lòng, nhưng nếu nghĩ kĩ một chút, đấy là lúc cao su đang đau đớn...

 


                                      


                     

 

Không có nhận xét nào: