Thứ Năm, 14 tháng 7, 2022

ĐỪNG BIẾN TÂY NGUYÊN THÀNH... ĐỒNG BẰNG

 

Báo QĐND vừa có vệt bài về Tây Nguyên đã nêu lên được một số vấn đề mà những ai quan tâm, tìm hiểu về Tây Nguyên đều thấy đấy là những vấn đề khá nan giải hiện nay. Thế giới đều có những mâu thuẫn giữa văn hóa và phát triển, giữa bảo tồn và văn minh..., nhưng có vẻ như ở Tây Nguyên, những vấn đề này nó gay gắt hơn.

Văn hóa Tây Nguyên gắn với làng. Làng Tây Nguyên gắn với rừng. Giờ rất nhiều thay đổi mà muốn bảo tồn thì quả là hết sức đánh đố. Mà đưa cái mới vào, phải có thời gian thích nghi, bởi không phải cái gì mới cũng đều tốt, đều tiến bộ.

Ví dụ như nói bảo tồn văn hóa cồng chiêng, nhưng không gian đâu để bảo tồn, để cồng chiêng không bị “mốc”. Cũng như thế là các nghệ nhân. Người Tây Nguyên không có các làng nghề chuyên nghiệp, mà chỉ là những nghệ nhân riêng lẻ, truyền nghề. Giờ nghệ nhân già yếu, không có điều kiện truyền nghề. Ví dụ: làm nhà rông. Những nghệ nhân Tây Nguyên chỉ bằng kinh nghiệm và công cụ là rìu và rựa, với toàn bộ vật liệu từ rừng, hoàn toàn không có thép xi măng gạch đá bê tông... mà làm nên những cái nhà rông sững sững, rất đẹp và hợp lý, đạt tỉ lệ vàng trong kiến trúc, bền vững với thời gian... nhưng giờ không có nhà rông để làm thì làm sao truyền nghề.

Vừa rồi có việc là tỉnh Gia Lai tổ chức cái “Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số” tạm coi là thành công. Ấy là họ đưa bà con lên phố nhưng không phải thi thố, không ban tổ chức, giám khảo, không đạo diễn, không liên hoan không festival... mà giao cho mỗi làng một khu đất ở một góc quảng trường có nhiều cây. Bà con tự sống đúng đời sống của mình như khi ở buôn làng. Việc này nhẽ làm thường xuyên ở buôn làng nhưng không gian buôn làng biến đổi nhiều quá nên đành... lên phố. Nên nhớ, UNESCO công nhận “không gian văn hóa” cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại chứ không phải là cồng chiêng.

Các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương về kinh tế để phát triển Tây Nguyên nên tham khảo các yếu tố văn hóa để nó hài hòa. Ví dụ như nông thôn mới, nếu không hiểu sẽ làm mất làng Tây Nguyên vốn dĩ đã đang rất nhiều biến đổi. Ví dụ phát triển du lịch Tây Nguyên khéo mà biến Tây Nguyên thành đồng bằng, thành Tây Nguyên giả cầy. Một Tây Nguyên phát triển chính là một Tây Nguyên hài hòa giữa phát triển và  bản sắc, giữa tăng trưởng và ổn định, giữa du nhập và hướng nội...

 Tôi mới lên làng Kon Rơ Bàng, thành phố Kon tum. Vốn dĩ nó là cái làng Tây Nguyên rất đẹp, nhưng giờ nhà cửa chen chúc chật chội lộn xộn với mật độ dân số có lẽ dày hơn phố cổ Hà Nội...

                                                                        Nhà thơ Văn Công Hùng

Làng Kon Rơ Bàng, phía sông Đăk Bla
Đang "thuyết minh" và chứng minh cho PGS TS Đào Tuấn Ảnh rằng làng Kon Rơ Bàng giờ mật độ dân số đông hơn phố cổ HN
 


 

Không có nhận xét nào: