Thứ Hai, 11 tháng 7, 2022

NHỮNG TRIỆU NĂM VÀ KHOẢNH KHẮC...


           Nhưng quả là, Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng có sức hút kỳ lạ. Có tới mấy lần tôi có những lời mời hấp dẫn về một vùng đất khác, hoặc về quê, là Huế ấy, với chức to hơn, công việc thuận lợi hơn, thu nhập tốt hơn... nhưng rồi, tôi vẫn ngồi đây tới giờ này để gõ những chữ này.

          Sự phóng khoáng, chân chất, nguyên sơ mà lại thấm đẫm nhân tình của con người của vùng đất níu bện con người.

          Thiên nhiên hoang sơ mà vĩ đại với tầng tầng tầng lớp lớp những bí ấn những kỳ bí khiến những con người còn khả năng khám phá luôn say mê trong vô tận những tưởng tượng và khao khát.

          Những vỉa những tầng văn hóa, mới nhìn tưởng hoang dại nhưng té ra nó thấm đẫm tính nhân sinh, duy mỹ và duy tình dẫu cũng rất cương trực và tự do khiến con người thấy mình đáng sống, đáng lao vào khám phá và càng khám phá càng thấy mình nhỏ nhoi để mà soi vào và sống tử tế.

          Vân vân. Tôi bập vào đấy, và đóng đinh vào đấy.

--------


          Cách đây 40 năm thôi, nói Gia Lai rất nhiều người ở miền Trung không biết chứ đừng nói là miền Bắc với miền Nam.

          Tôi cũng không biết. Tốt nghiệp đại học tôi lên Gia Lai là do một gã bạn rủ, nó bảo bạn bè muốn làm việc cùng nhau thì chỉ có xung phong lên Tây nguyên chứ nếu ở đồng bằng lại mỗi người mỗi ngả. Bèn mở bản đồ ra, thấy Gia Lai Kon Tum gần Huế nhất. Thế là duyệt. Mà là hồi sinh viên ấy, cũng đã năm ba lần ngẩn ngơ nghe bài hát có câu “Xin cảm ơn thành phố có em”, nghe trộm thôi vì hồi ấy vẫn bị cấm, thấy Pleiku cũng gì phết, thì lên 3 năm rồi về.

          Lên rồi quyện luôn.

          Cũng không phải là thênh thang hanh thông gì đâu, mà cũng rất gập ghềnh, thậm chí đã ăn đòn, có lúc từng rất hoang mang, rất nản, muốn đeo ba lô về với mẹ.

          Nhưng quả là, Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng có sức hút kỳ lạ. Có tới mấy lần tôi có những lời mời hấp dẫn về một vùng đất khác, hoặc về quê, là Huế ấy, với chức to hơn, công việc thuận lợi hơn, thu nhập tốt hơn... nhưng rồi, tôi vẫn ngồi đây tới giờ này để gõ những chữ này.

          Sự phóng khoáng, chân chất, nguyên sơ mà lại thấm đẫm nhân tình của con người của vùng đất níu bện con người.

          Thiên nhiên hoang sơ mà vĩ đại với tầng tầng tầng lớp lớp những bí ấn những kỳ bí khiến những con người còn khả năng khám phá luôn say mê trong vô tận những tưởng tượng và khao khát.

          Những vỉa những tầng văn hóa, mới nhìn tưởng hoang dại nhưng té ra nó thấm đẫm tính nhân sinh, duy mỹ và duy tình dẫu cũng rất cương trực và tự do khiến con người thấy mình đáng sống, đáng lao vào khám phá và càng khám phá càng thấy mình nhỏ nhoi để mà soi vào và sống tử tế.

          Vân vân. Tôi bập vào đấy, và đóng đinh vào đấy.

          Tôi nhớ mãi những bữa nhậu được họa sĩ Xu Man mời. Ông ở phòng cạnh tôi ở cái khu gia binh của của quân đội Việt Nam cộng hòa khoảng những năm 1981- 1984. Lâu lâu lại sang cười giơ lợi: Hùng sang uống rượu với chú. Rượu mía mua ngoài đường. Mồi là... tắc kè, rắn mối (thằn lằn) ông bắt từ hồi nào để đấy, dồn đủ bữa nhậu thì mang nướng làm mồi. Ông Y Vin, nguyên là diễn viên múa của đoàn văn công Đam San thì cởi trần khoe cơ bắp cuồn cuộn kể chuyện mình... cãi nhau với ông hổ. Thế mà hổ thua, không vào làng bắt bò bắt chó nữa. Bếp lửa giữa phòng cứ bập bềnh tối sáng, chúng tôi có những đêm Tây Nguyên giữa phố như thế...

          Rồi tôi xuống làng. Mùa khô rét cắt ruột. Sáng lập bập bấm chân xuống suối dốc trơn như đổ mỡ, rửa mặt đánh răng, gặp những những người phụ nữ Bahnar đang... tắm cho con. Mà đứa bé đỏ hỏn, mới sinh chừng tháng. Sương phủ trắng rừng, cá suối lờ đờ vì lạnh.

          Suốt thời tuổi trẻ, tôi đã đi xuống gần hết các làng Gia Lai, sống đúng nghĩa là nhờ làng, làng nuôi mình, bởi ở cơ quan thì đói quá, toàn ăn độn. Xuống làng được ăn cơm không độn. Những cái tết còn độc thân không về quê được, chúng tôi lại rủ nhau xuống làng, bởi trên phố thời ấy, tết là tất cả hàng quán không hoạt động, bếp tập thể lại càng không. Hồi ấy các cơ quan đều có bếp ăn tập thể, ngoài ra có cái bếp liên cơ tôi nhớ ở đường Tăng Bạt Hổ bây giờ, anh em cán bộ độc thân ở tập thể nộp phiếu gạo phiếu thực phẩm và tiền là có ăn ngày 2 bữa.

          Gia Lai và Tây Nguyên, thế tóm lại, ai là cư dân bản địa?

          Trước khi người Việt lên đây, mà tôi đồ chừng rằng, những nhóm người Việt đầu tiên lên là có anh em nhà Tây Sơn lên An Khê buôn trầu, tất nhiên đất này cư dân bản địa là nhóm những là Jrai, Bahnar, là Sê Đăng Jer Triêng, là Ê Đê, M’nông, là Lạch, Mạ vân vân...

          Họ là chủ nhân của cái dãy Trường Sơn Tây Nguyên hùng vĩ này.

          Nhưng họ từ đâu đến cũng là một câu hỏi hết sức thú vị.

          Rồi chúng ta phát hiện ra Rộc Tưng, một trong những nơi xuất hiện loài người tối cổ cổ xưa nhất, cách đây gần 1 triệu năm. Phát hiện này mở ra một cái nhìn mới về địa chỉ cứ trú của loài người, và những con người cổ xưa trên đất Gia Lai không còn là những mơ hồ mù mờ nữa.

          Rồi người ta phát hiện ra những di chỉ Chăm rải rác nhưng đủ nối kinh đô Chà Bàn xưa với những Ăng Ko Campuchia. Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương nói với tôi: Những người Chăm tiên phong đi mở đường là người rất thông minh, giỏi tính toán. Họ là những người đi buôn, mở đường cho người Chăm mở rộng lãnh thổ.

          Nói người Chăm lại nhớ, có hồi tôi khá say mê tìm hiểu những yếu tố biển trong các câu chuyện được kể của bà con mà sau này ta gọi chung là “sử thi”. Trong các “Sử thi” ấy thì yếu tố biển rất nhiều, mà nhiều nhất là những cảnh các “tù trưởng” đánh nhau trên biển. Chính xác là đánh nhau trên trời, nhưng phía dưới là biển. Những cuộc chiến tranh bộ lạc liên miên, các ông “tù trưởng” tay khiên tay đao giữa biển khơi bay như... chim đánh nhau bất phân thắng bại ngày này sang ngày khác. Rồi sau thấy báo chí đưa tin phát hiện vỏ sò khổng lồ ở Tây Nguyên, rồi những di tích Chăm, dân tộc chỉ sống ở biển, rồi vân vân và vân vân.

          Tức là trong ký ức và cả thực tế của Tây Nguyên xưa, đã có sự hiện diện của biển.

          Rồi rừng, những bí ẩn rừng, mông lung rừng, luật tục rừng, văn hóa rừng và văn minh rừng... chúng tôi mê mụ trong những mịt mù minh triết ấy.

          Chúng tôi, là cái nhóm trí thức lên Gia Lai đầu những thập kỷ tám mươi của thế kỷ hai mươi ấy. Một anh giáo viên toán, một anh kỹ sư nông nghiệp và một cử nhân văn chương, chúng tôi lên từ sự bỡ ngỡ, đến chấp nhận và rồi dấn thân.

          Cả ba chúng tôi giờ đều là nhà văn, nhà thơ. Và những trang viết đau đáu nhất của chúng tôi, hào sảng nhất và cũng đắm đuối nhất, là về Tây Nguyên. Thơ tình nhẽ là được bạn đọc ưu tiên và dễ thích, nhưng chúng tôi đã dành cái sự tinh khiết, trinh bạch, sự say mê đến đớn đau khổ sở của tuổi trẻ, để khám phá và viết về Tây nguyên, về mảnh đất mà mình chọn, dẫu bị động hay chủ động, thì giờ nó là một phần đời của chúng tôi.

Những trang viết ấy nó như thế này: “Khoảng trời lá thông, bạn bè tôi cũng nghèo/ Thương nhau tránh cái nhìn cùng quẫn/ Thương nhau giữ tròn lẽ sống/ Giữa trắng đen, hư thực, thăng trầm”- Phạm Đức Long. Và thế này: “một chiều mùa đông quán cóc ta ngồi/ em đi phố về bước ngang qua đó/ xin cảm ơn/ còn chút gì để nhớ/ xin cảm ơn/ một vạt tóc thề.”- Hương Đình. Và đây nữa: “Những đứa trẻ lớn lên lá rừng thay tiếng hát/ lời trái tim nói giọng của rừng/ rừng che chở cơn hoài thai tuổi trẻ/ đất rùng mình đón nhựa tình yêu./ Những đứa trẻ chuốt mình tên nhọn/ vút vào đêm khoảnh khắc của rừng/ những đứa trẻ đen tròn củ ấu/ lầm lũi chiều âm u./ Những đứa trẻ quắt mình thành đá/ lăn trong khắc nghiệt thời gian/ những đứa trẻ mang linh hồn của đá/ vạm vỡ chiều thiên di”… Văn Công Hùng.

Chúng tôi là những cái lá, vâng, chỉ là những cái lá, góp cho rừng Tây Nguyên một chút xanh, dù rằng, rừng Tây Nguyên càng cố giữ thì có vẻ như càng ít đi.

          Trong một bài viết trước đây, tôi từng liệt kê, để góp cho mảnh đất này thành như hôm nay, hàng triệu con người đã sống, tồn tại, đi qua, chết và hy sinh... cho chúng ta có hôm nay. Có những người luôn được nhắc tên trong các cuộc kỷ niệm, lễ hội, nhưng rất nhiều người vô danh mới là quan trọng. Họ là cỏ để cho đất xanh, là lá để cây sống, nhiều cây thì thành rừng. Từ những cụ kỵ gần triệu năm trước, tới những cô công nhân vệ sinh quét đường hôm nay. Từ những chủ quán cà phê mang đậm dấu ấn văn hóa Pleiku tới cái quán cháo bò đầu đèo An Khê, từ những Yă Đố, Yă Bom tới các vị vua lửa vua nước vua gió, từ Bok Vừu tới Núp, tới các cháu rất nhỏ rất trẻ hôm nay chơi chiêng, T’rưng rất điêu luyện nhưng vẫn nói tiếng Anh như gió với khách du lịch... Tầng tầng lớp lớp làm nên một diện mạo để Gia Lai hôm nay khi nhắc tên thì hầu như ai ai trên đất nước này cũng biết, không thể không biết.

          Ngọn lửa ấm Cao Nguyên vẫn ủ nóng trong các khuôn bếp nhà rông nhà sàn, ở các buôn làng, dù các tiện nghi bếp ga bếp từ đang hiện diện. Đấy là ngọn lửa của trao truyền của tiếp nối, của nhân sinh của hiện tồn. Cũng như thế, các điệu quan họ, hò sông Mã, dân ca ví dặm tới tuồng Quảng Nam hát bội Bình Định... vang lên giữa đất và trời Gia Lai như một minh chứng của đất lành chim đậu.

          Gia Lai, những ngọn núi lửa triệu năm đã ngủ yên, nhưng dư chấn nham thạch vẫn hun cho cái màu vàng của dã quỳ bất tử. Và vẫn trắng trinh nguyên những thảm xuyến chi khiến ta vô ngôn trong những chiều rợn ngợp gió và nắng.

          Nhớ cái thời khoảng năm 1982 - 1983, khi biết chúng tôi dao động, có ý định bỏ cuộc về xuôi, sếp Ty Văn hóa Thông tin Gia Lai Kon Tum khi ấy, một người rất đáng trọng cả về nhân cách và tri thức, ông Trịnh Kim Sung, đã nói với số anh em trí thức vừa rời ghế đại học lên đây vài năm rằng, chỉ mươi năm nữa, tôi sẽ cho đóng cửa đèo, không nhận người lên nữa...

          Là ông tiên đoán, và mơ, về một ngày Gia Lai phát triển, để người các nơi phải đổ về, như về miền đất hứa. Vừa để động viên chúng tôi, nhưng đấy là biểu hiện sự lạc quan của người hiểu thời thế, nắm được quy luật. Tiếc là ông đã mất sớm vì những di chứng từ hồi còn ở trong rừng, khi chưa thấy Gia Lai như hôm nay...

Nhà cháu, ngoài cùng bên phải.

 

Nhà cháu, đồi thông Mang Yang thời... anh Quyết còi chưa sinh.

      

  Nhà cháu giơ tay dưới thấp nhất tết 1982 ở Biển Hồ, Pleiku                                                              


Không có nhận xét nào: