Mãi cuối năm 1981, chính xác là ngày 26 tháng 11 năm 1981, tôi mới đặt chân lên Pleiku, với một cái ba lô, ba lô bộ đội thứ thiệt chứ không phải ba lô thời trang bây giờ. Trong ấy là 4 bộ quần áo, cái màn cá nhân, cái chiếu gấp đôi. Chục cuốn sách và giáo trình văn học cơ bản, bộ hồ sơ có lá đơn xung phong lên Gia Lai Kon Tum công tác, quyết định phân công công tác của hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Huế về Ty Văn hóa Thông tin Gia Lai Kon Tum...
Hiểu biết của tôi về Pleiku khi ấy chỉ là từ bài hát “Còn chút gì để nhớ”, hồi ấy vẫn còn chưa được phổ biến. Tôi nghe bài hát này từ cái băng cát sét cũ ở nhà chị tôi thời còn sinh viên mỗi khi lên nhà chị chơi. Và nói luôn, tôi là một trong những người có công, nhỏ thôi, nhích từng chút một, để bài hát này được phổ biến như bây giờ, trở thành một bài hát hay nhất về Pleiku.
Mở bản đồ ra, từ đồng bằng nhìn lên, phía ấy Cao nguyên xanh mờ. Không, trên cả xanh, chả biết màu gì. Nhưng nó thu hút ghê gớm, nó mời gọi ghê gớm, nó hấp dụ ghê gớm. Thế là đặt bút viết đơn đi, chứ hồi ấy, cả miền Trung Tây Nguyên mới có mỗi trường Đại học Tổng hợp Huế này, mà lứa tôi là khóa 1, đắt như tôm tươi. Mà nhà tôi lại ở Huế, ba mẹ và em trai ở đấy. Nhưng đi là đi... Mới biết cái sức hút của Văn học Nghệ thuật, của văn hóa một vùng đất nó mãnh liệt với con người tới mức nào?
Có rất nhiều điều để nói, để kể về hơn bốn chục năm tôi đã trải qua ấy, từ cái thời khổ ơi là khổ, đói ơi là đói. Mà không chỉ bốn chục năm, bởi lên đây rồi, sống và hiểu, nghĩ và tìm, mới ngộ ra những khoảnh khắc từ trăm năm dồn lại.
Tự nhiên lúc này, một buổi sáng đầu tháng tư, mây và gió, nắng và lạnh, phố liêu xiêu lá, người co ro túi áo túi quần, rất đặc trưng Pleiku, tôi lại nhớ và nghĩ về những con người Pleiku mà mình từng gặp trong hàng vạn con người đã gặp.
Những năm đầu tiên của tôi ở Pleiku, còn độc thân, chủ nhật, các ngày lễ tết, mấy anh em trí thức chúng tôi hay ngồi với nhau ở cà phê Kim Liên, khi ấy đang ở đường Hùng Vương. Vì 3 nhẽ. Một là... cà phê, tất nhiên. Hai là ông chủ quán tên Giáp, một người lịch lãm, quan hệ rộng, gần như là “trung tâm ngoại giao” của Pleiku thời ấy. Dáng cao và sang, luôn áo bỏ trong quần phẳng phiu với bộ ria rất đàn ông. Và thứ 3, cô con gái của ông, không xinh, nhưng rất tiêu biểu Pleiku trong tưởng tượng của chúng tôi. Lạnh và dịu, nghiêm mà không cứng, xa cách nhưng đủ để mơ tưởng. Những ngày tết không về thăm nhà, biết đi đâu ngoài vào đấy ngồi đồng. Chủ nhật cũng thế. Cứ thế, rồi thân rồi quý ông Giáp. Có thể nói ông là chứng nhân một thời của Pleiku, là cái “trạm” liên lạc của Pleiku với... thế giới ngoài Pleiku.
Tất nhiên, như tuyệt đại người Pleiku khác, ông không phải gốc Pleiku, là dân Bắc di cư.
Báo Gia Lai mới có bài viết về ông Nguyễn Quang Hiền, nguyên phó giám đốc điện lực Gia Lai. Theo tôi, ông cũng là một người Pleiku tiêu biểu, dù cũng như ông Giáp, ông Hiền cũng người Bắc di cư.
Ngoài chuyện có chuyên môn rất giỏi, thời ấy điện đóm ở Pleiku và Gia Lai rất kém, ông có công rất lớn trong việc hàng đêm thị xã Pleiku, dẫu không tưng bừng như bây giờ, nhưng vẫn có thứ le lói gọi là điện, dẫu các bóng đèn tròn cho thứ ánh sáng đỏ què đỏ quạch, ông còn là người mê và yêu Pleiku đến kỳ lạ. Một trong những việc ấy là, dù tay ngang, nhưng giờ ông là một trong những người có nhiều tư liệu nhất về Pleiku thời “xưa”. Nguyên việc ông kỳ cạch sưu tầm rồi lưu theo hệ thống một cách rất khoa học, và rồi cung cấp cho những người cần tư liệu về Pleiku một thuở đã là rất đáng nể.
Ông Giác, cà phê Thu Hà (đã mất) cũng là một cư dân Pleiku khá lạ.
Dân vùng biển Phan Thiết, lên Cao nguyên Pleiku lập nghiệp. Từ một quán cà phê Thu Hà nhỏ, quán cóc, ông gầy dựng nên một thương hiệu Thu Hà. Bây giờ Pleiku rất nhiều hãng, nhiều thương hiệu cà phê, nhưng có một thời, nhắc tới cà phê Pleiku là người ta chỉ nhắc tới Thu Hà. Ông Giáp Kim Liên là thương hiệu quán cà phê. Ông Giác này là thương hiệu cà phê bột Thu Hà, dẫu quán của ông cũng rất đông khách cho tới giờ. Tôi nhớ bạn bè tôi tới Pleiku, bao giờ cũng yêu cầu một cuộc cà phê Thu Hà, uống xong mua cà phê bột mang về dùng tiếp.
Có 2 bạn trẻ tên Vũ. Một là Đào Phúc Quang Vũ, người vừa bỏ vốn bỏ công ra tự làm bộ phim về Pleiku “Vai anh em tựa vào”. Còn nhớ ngay trước buổi công chiếu đầu tiên bộ phim, bị “bắt cóc” phát biểu, tôi nói: “Tôi mặc dù không phải người Pleiku nhưng đã có 40 năm sinh sống ở mảnh đất này. Tôi cũng mang một tình yêu như Vũ trong những trang viết, tác phẩm của mình đối với Pleiku. Vì vậy, tôi rất quý trọng những người dành tình yêu cho vùng đất này. Pleiku vốn dĩ là vùng đất rất giàu truyền thống văn hóa, từng là nơi quy tụ rất nhiều văn nhân, nghệ sĩ nổi tiếng tạo nên đời sống văn hóa sôi động, phong phú. Nhưng có cảm giác nó có nguy cơ mai một, lụi đi, vì vậy tôi rất hy vọng lớp trẻ hiện nay có thể làm điều gì đó cho thành phố cao nguyên này... Thú thực tôi không nghĩ tại Pleiku lại có người đứng ra làm phim. Việc một bạn trẻ bỏ công sức, tiền của để làm một bộ phim về nơi mình sinh sống khiến tôi bất ngờ nhưng cũng đầy hy vọng. Nó hay dở thế nào chưa nói, nhưng tôi đánh giá rất cao tình yêu lẫn sự liều lĩnh ấy”.
Một bạn nữa cũng tên Vũ, Huỳnh Quang Vũ, bí ẩn như... đạo sĩ. Rất trẻ, nhưng chơi toàn với các đấng các bậc nhiều chữ. Là người kết nối để mời các thi nhân nổi tiếng như Phạm Thiên Thư, Du Tử Lê lên Pleiku mở ra những sinh hoạt văn học bổ ích như đã từng. Người Sài Gòn nhưng lên Pleiku làm quản lý cho mấy quán cà phê lớn, rồi tự mình mở quán cà phê, độc lạ và rất... Pleiku, từ cái tên là Kupplei để đọc kiểu gì cũng ra là Pleiku. Tức anh cũng đã chọn Pleiku là nơi để sống. Giờ Vũ cũng như anh Giáp Kim Liên một thời, các văn nhân kẻ sĩ ghé Pleiku đều tìm Vũ. Trẻ nhưng có sức đọc sức nghĩ rất đáng nể. Và chính Vũ cà phê này đã sát cánh cũng Vũ phim làm bộ phim “Vai anh em tựa vào”, cả công sức tiền của, và trực tiếp sắm vai, như một cặp bài trùng đạo diễn diễn viên, thậm chí là đồng đạo diễn.
Huỳnh Quang Vũ, nhà cháu, Nguyễn Quang Thạch (vua sách) Đào Phúc Quang Vũ (từ trái sang)Gần một trăm năm hình thành và phát triển thành phố này, hàng triệu người đã sống, chết, đã đi qua, ở lại, đã cùng đổ mồ hôi, đã cùng sôi nước mắt từ những ngày đầu lơ thơ bụi đỏ với cỏ tranh quỳ dại để giờ là một nơi nhiều người mong được đến, và những người đang ở đây thì tự hào về nó. Trong hàng triệu người hữu danh vô danh ấy, có những tên người những gương mặt, thầm lặng mà trách nhiệm, nhẫn nại và tử tế, thổi tình yêu vào mảnh đất họ đã coi là quê hương, cái quê hương họ tự nhận, họ tự nguyện mang vào để rồi mà có yêu thương có xa xót, có nụ cười có nước mắt, có gánh vác có sẻ chia... để tôi, một kẻ cũng yêu nơi này đến xa xót, đến đau đớn, nhớ tới họ, tri ân họ, dẫu họ chỉ là một phần rất nhỏ của thành phố này, cùng chung nhau giọt mồ hôi để có những buổi chiều rưng rưng nắng...
Và còn hàng triệu người đã/ đang/ từng là công dân Pleiku khác nữa, họ cũng lặng lẽ ẩn hiện đồng hành cùng Pleiku...
-------
Bài nhà cháu được ban tuyên giáo tỉnh Gia Lai đặt cho đặc san kỷ niệm 90 năm thành lập tỉnh. Nhà cháu không chọn những nhân vật mặt tiền, những vấn đề nóng, rộng lớn... mà mấy hôm nay truyền thông của tỉnh liên tục nhắc, lãnh đạo đương nhiệm liên tục đi thăm, nhà cháu nhắc về những con người bình dị, nhưng là 1 phần của Pleiku. Nếu không có họ, Pleiku khuyết đi một góc ký ức, một cung bậc tình yêu thầm lặng. Họ không góp vào sự náo nhiệt kia, họ góp một góc lặng để Pleiku cân bằng, thế thôi, có chi mô nơ?
Pleiku tháng 4/2022
Thời mới lên Gia Lai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét