Tôi viết bài này theo yêu cầu của nhà thơ Mai Nam Thắng cho mục "Tiếng nói nhà văn" của báo Văn Nghệ. Ngồi viết ở Cần Thơ, xong mail đi và... lo, vì "quy kết" cho thủy điện liên quan tới những vụ động đất liên tục vừa qua ở Kon Tum sớm quá. Về nhà ở Pleiku, bật TV, trời ạ, PTV đang đọc kết luận của viện vật lý địa cầu là nguyên nhân những vụ động đất liên tục vừa qua ở Kon Tum là do kích thích từ các hồ chứa? Thở phào.
--------------------
Những ngày tháng 3 và tháng 4 vừa qua, vùng Bắc Tây Nguyên, cụ thể là 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai chấn động vì những... chấn động từ động đất. Nhà tôi ở thành phố Pleiku, hôm ấy đang ngủ trưa, bỗng có cảm giác như không trọng lượng, choàng tỉnh thì thấy cửa kính của tủ quần áo như vừa có ai tác động vào trong khi rõ ràng mình ngủ có một mình. Ngơ ngác một lúc thì trên mạng thấy nhiều người thông báo cùng hiện tượng, và sau đấy vài chục phút thì xác định là động đất, tâm của nó là ở huyện Kon Plong, thuộc tỉnh Kon Tum. Và ngày hôm ấy có 3 trận như thế, trận mà tôi, cách tâm chấn cả trăm kilomet, cảm nhận được, là trận lớn nhất. Trước đấy có ngày tới 7 trận. Hàng trăm trận động đất kích thích diễn ra trong một thời gian ngắn đã khiến người dân hoang mang, chính phủ phải vào cuộc chỉ đạo và các nhà khoa học phải vào nghiên cứu và họp tại chỗ.
Trước đấy một thời gian là những trận như thế ở vùng sông Tranh, Quảng Nam, nơi có thủy điện sông Tranh.
Người ta đặt câu hỏi từ hồi Sông Tranh chấn động: Có sự liên quan gì giữa những hồ đập thủy điện chứa hàng triệu mét khối nước lơ lửng trên cao như thế với những cơn động đất. Và giờ, đến Kon Plong, thì người ta lại đặt vấn đề, và vấn đề là, không loại trừ ảnh hưởng. Báo Lao động dẫn lời ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu: việc tích nước của các hồ chứa thủy điện đều liên quan đến hoạt động động đất. "Theo đánh giá sơ bộ của chúng tôi, đây là động đất kích thích xảy ra sau khi Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước. Các trận động đất liên tiếp xảy ra ở Kon Tum là do động đất kích thích, hệ quả từ các hồ chứa nước của nhà máy thủy điện đi vào hoạt động. Động đất kích thích xảy ra khi có sự tác động của hồ chứa thủy điện tích nước lên đới đứt gãy hoạt động trong khu vực."...
Tôi là người sống ở Pleiku từ những năm tám mươi của thế kỷ 20, từng hân hoan cổ vũ viết bài ca ngợi khi chính phủ quyết định xây dựng thủy điện Ia Ly, từng hân hoan kể chuyện ông bí thư tỉnh ủy Gia Lai Kon Tum thời ấy tuyên bố nếu không cho làm thủy điện Ia Ly thì ông sẽ... đóng khố đi họp Quốc hội. Và quả là thủy điện Ia Ly đã làm đổi đời một vùng đất nước, giảm tải rất nhiều nguy cơ thiếu điện trên cả nước. Nó, thủy điện Ia Ly ấy, hồi ấy được ca ngợi là năng lượng sạch, không làm ô nhiễm môi trường như nhiệt điện, nhất là cứ lấy nhiệt điện Cánh Diều của Ninh Bình ra so sánh. Và nó, khi được xây dựng, có sự kiểm soát gắt gao của các hội đồng khoa học từ cấp công trường tới cấp nhà nước.
Nhưng rồi, sau này người ta bắt đầu phát hiện ra thủy điện chính là một cái mỏ vàng để khai thác. Thế là một chiến dịch nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện bùng lên. Có cảm giác khi ấy ai cũng có thể làm thủy điện, cứ có tiền là làm thủy điện. Cũng có người bảo, không nhất thiết người bỏ tiền làm thủy điện phải phân biệt thế nào là roto thế nào là stato, đâu là cửa nhận nước đâu là đập tràn, mà đã có đội ngũ kỹ thuật lo, mình chỉ việc bỏ tiền là xong. Là xong, nên mới xảy ra những vụ như ở Đăk Mek, Đăk Glei, Kon Tum, người ta đã sử dụng nhiều loại vật liệu khác thay cho bê tông cốt thép, kết quả là 109 mét tường ở đập thượng lưu bị vỡ, một người chết, đến mấy năm chưa xử lý xong hậu quả. Hay như vụ đập thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai) vỡ không chỉ một lần mà đến 2 lần, tàn phá không biết bao nhiêu tài sản của dân. Thủy điện An Khê Ka Nak thì liên tục lên diễn đàn hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai và cả quốc hội, mà một đại biểu quốc hội của Gia Lai khi ấy là ông Huỳnh Thành đã phải thống thiết mà rằng, đây là “sai lầm thế kỷ”. Nó khiến con sông Ba hùng vĩ vắt ngang Tây Nguyên, sổ xuống sông Đà Rằng giờ cạn khô đáy, lòng sông trở thành nơi bò gặm cỏ và ô nhiễm khủng khiếp, khiến cả vùng hạ lưu, trong đó có thị xã An Khê thành những vùng khô khát. Nhưng không hẳn chỉ khô khát, bởi thi thoảng, “hứng chí” nửa đêm thủy điện lại xả nước phát, cả thị xã lại chìm trong nước... Đã từng vì xả lũ bất ngờ mà 2 cô giáo ở huyện K’bang trên đường đi dạy bị lũ cuốn trôi, nhà nước tốn rất nhiều công và của để tìm được xác 2 cô. Cả 2 cô giáo đều còn rất trẻ, dẫu mưa gió nhưng vẫn đi vào trường dạy, và nước từ thủy điện An Khê Ka Nak ào ào xả xuống, họ đã không kịp chạy khi đang đi trên đường. Ngoài 2 cô giáo chết tức tưởi trong vụ này thì rất nhiều gia đình chỉ kịp chạy tháo thân mà không kịp mang theo gì, tất cả tài sản bị nhấn chìm dưới nước, không kể hoa màu lúa má...
Tỉnh Quảng Nam, nghe nói là địa phương có nhiều thủy điện nhất nước, thì năm nào đến mùa lũ là cả tỉnh lại thon thót vì đến mấy quả bom nước lơ lửng trên đầu, trong đấy “vĩ đại” nhất là 2 quả bom Phú Ninh và Sông Tranh. Năm nào xong mùa lũ lại cũng có những bài báo ca ngợi sự thông minh can đảm của một đồng chí lãnh đạo nào đó đã bình tĩnh khôn khéo, trong những giờ khắc quyết định đưa ra những mệnh lệnh sáng suốt để cứu hàng vạn dân không bị nhấn chìm trong bom nước. Năm nào xong mùa lũ cũng có những tiếng thở hắt ra để reo lên: Thoát rồi... Tôi từng một mình lái xe đi theo đường Hồ Chí Minh xuống Tam Kỳ, quả là phong cảnh rất ngoạn mục khi đi qua mấy con đập rất hùng vĩ. Nhưng quả là, có bận đi giữa cơn mưa, nghĩ trộm vía, nó mà lở một miếng như cái hồi tôi cũng từng ngủ đêm trên xe bất đắc dĩ ở Khâm Đức vì một góc quả núi bị sập xuống chắn ngang đường thì chả hiểu sự thể sẽ như thế nào?
Và cũng té ra, để làm thủy điện, rừng đã phải “hy sinh” rất nhiều, và theo đấy, môi trường văn hóa của khu vực ấy cũng bị biến đổi theo hướng tiêu cực rất ghê chứ không phải là bảo vệ môi trường như nhiều người từng nghĩ. Chỉ một ví dụ nhỏ thôi: Những ngôi làng tái định cư thủy điện, đố ai nghĩ đấy là làng, và nếu cho các ông bà làm nên những “ngôi làng” ấy vào ở, họ có dám ở không?
Ông Nguyễn Đình Xuân, đại biểu quốc hội 2 khóa XI và XII có lần phát biểu trên diễn đàn: “Thủy điện đã vượt tầm kiểm soát. Phong trào làm thủy điện rầm rộ 20 năm qua, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, chúng ta không phủ nhận những mặt có lợi của nó. Tuy nhiên tác hại của nó, đặc biệt là mất rừng ở thượng nguồn làm gia tăng lũ lụt, hạn hán bất thường ở hạ nguồn đã diễn ra nhiều hơn. Hiện nay, các công trình thủy điện đã vượt quá tầm kiểm soát của các cơ quan nhà nước, nhiều công trình kém chất lượng, hồ đập không an toàn. Tôi cho rằng chúng ta phải rà soát lại xem phải làm gì để bớt đi những rủi ro đối với những đập thủy điện đã làm rồi. Vì một công trình thủy điện chỉ có tuổi thọ nhất định, thường là 50 năm. Trên thế giới có những công trình thủy điện đã phải tháo dỡ trước hạn để trả lại đất rừng và sự thông suốt cho dòng sông... Vừa rồi xảy ra việc thủy điện chỉ có ôtô đâm vào mà đã nứt vỡ, chứng tỏ thiết kế và thi công rất kém. Cũng may là đã được phát hiện kịp thời, chứ nếu không có thể sẽ là một quả bom nước. Rõ ràng tính rủi ro rất lớn và điều này cần phải tính trong đánh giá chi phí lợi ích của quốc gia khi thực hiện các công trình thủy điện. Vừa qua, một số thủy điện đã gây tác động xấu như mùa khô thì không xả nước khiến đồng bằng thiếu nước, ngược lại mùa lũ thì xả ồ ạt khiến người dân không kịp đối phó... Lưu ý là có nhiều công trình thủy điện lẽ ra thuộc thẩm quyền của Quốc hội chứ không phải là của các cơ quan khác. Tuy nhiên bằng cách nào đó, chủ đầu tư đã lách luật để dự án của họ không đưa ra Quốc hội. Do đó, Quốc hội cần lắng nghe ý kiến cử tri, các nhà khoa học đối với những sự việc như vậy."…
Và mấy năm nay, với hàng loạt vụ động đất mà dư chấn của nó kéo dài hàng trăm kilomet ở vùng dày đặc thủy điện Quảng Nam và Kon Tum, với những “phát biểu dè dặt” của các nhà khoa học rằng, không loại trừ sự ảnh hưởng của các hồ đập thủy điện, sự hoang mang của nhân dân với việc họ chỉ đích danh thủ phạm là thủy điện, thì rõ ràng những cái “hồ trên núi” khổng lồ với hàng triệu mét khối nước treo lơ lửng giữa trời như những quả bom thế, đang là sự lo lắng hết sức chính đáng của những người dân ở đây. Các phát biểu của các ông đại biểu quốc hội Huỳnh Thành, Nguyễn Đình Xuân tôi dẫn ở trên diễn ra khi chưa có các trận động đất kích thích thời gian qua.
Ơn giời, mấy năm nay phong trào nhà nhà làm thủy điện người người làm thủy điện đã bớt đi, vấn đề bây giờ là, giải quyết hệ lụy của nó để người dân an tâm sống mà không phải nơm nớp lo âu...
Nhà thơ Văn Công Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét