Thứ Năm, 14 tháng 4, 2022

LẠI TÁN VẶT CÀ PHÊ


          Hồi tôi mới lên Pleiku nhận việc, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tiệm vàng "Ngọc Diệp" là một "thế lực". Dẫu thời ấy "nhân tài như lá mùa thu" thì những kẻ sinh viên mới ra trường như chúng tôi, dẫu là sinh viên văn khoa, vẫn chỉ là những hạt cát trước "thế lực" ấy. Ngoài chuyện giàu, tất nhiên, nhất là cái thời bao cấp đói khổ ấy, sở hữu một tiệm vàng nổi tiếng thì chả khác gì trong nhà có một kho bạc, thì cái tiệm vàng ấy còn sở hữu một tiểu thư xinh đẹp. Chính là bà Lê Hoàng Diệp Thảo bây giờ.

          Rồi thế nào, một ngày, tôi trở thành khách mời của bà trong cái sự kiện khai trương quán cà phê King tại thành phố Pleiku.

          Tôi là kẻ nghiện cà phê suốt 40 năm nay. Đều như vắt chanh/ tranh, cứ sau ăn sáng là phải một ly. Hôm khai trương cái quán  cà phê ở cái vị trí có thể nói là đắc địa nhất của thành phố Pleiku ấy, tôi đã gặp rất nhiều những "cà phê đồ" như tôi. Ai cũng nắc nỏm, ai cũng trầm trồ, dù Pleiku, ai cũng biết là, quán cà phê san sát, có những dãy phố các quán cà phê san sát nhau, còn thì về cơ bản, không con đường nào không có quán cà phê.

          Lịch sử loài người có hai phát minh vĩ đại để tăng chất lượng sống cho con người là sự phát minh ra rượu và... cà phê. Theo thần thoại Hy Lạp thì thần Dionidod là vị thần sáng tạo ra rượu. Nó giúp cho con người (nhất là tầng lớp bình dân) thăng hoa, tạm quên đi những gì đau khổ mà loài người đang và đã trải. Những bồng bềnh mênh mang, những ảo giác thánh thiện, những thăng hoa mây gió... giúp con người nhìn cuộc đời một cách thân thiện hơn, nhân hậu hơn, bao dung và cũng sắc sảo hơn. Cà phê thì ít nổi tiếng hơn rượu, nhưng sang hơn rượu khi nó sinh ra ban đầu là dành cho giới thượng lưu. Những tao nhân mặc khách, những văn nghệ sĩ trí thức, những lượt là thơm tho, những đầu mày cuối mắt, những trơn bóng khoan thai, những đăm chiêu trí tuệ và cả những tò mò khám phá...

Cà phê là một thứ du nhập, nó vào Việt Nam theo dấu chân thực dân, nhưng rồi cũng như chiêng cồng, như ghè rượu, là những thứ mà người Tây Nguyên không làm ra được, nhưng khi mua về, đổi về, người Tây Nguyên đã biến chiêng cồng, biến ghè thành đặc sản của mình, nâng nó lên tầm văn hóa, bắt cả thế giới phải khán phục. Khi vào Việt Nam, cà phê đã được Việt hóa một cách thông minh và đầy bản sắc, phù hợp với phong cách Việt, không khí Việt.

Và vui nhất là, giờ đây, cà phê Việt đang... xuất ngược.

Sự kiện mới nhất là King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang tận Mỹ mở nhà hàng.

Tôi lần tìm thông tin thì được biết, ở Mỹ có tới 7 thương hiệu cà phê nổi tiếng, trong đó có thương hiệu đã chiếm lĩnh hầu hết thị trường Mỹ, tràn sang châu Âu, châu Á và Việt Nam, là cà phê Starbucks. Tôi uống loại cà phê này lần đầu tiên khi sang Đài Loan. Giữa một cái phố cổ ồn ào, một quán cà phê đột ngột hiện ra, thơm lừng, kích thích hết con tì con vị. Và dù hết sức đắt nếu so với ly cà phê uống ở nhà, tôi vẫn phải làm một ly, và uống tới... no. Đúng thế, vì nó rất to và nhiều.

Để thấy, mang cà phê vào đất Mỹ là hoàn toàn không dễ dàng. Khó nhất là làm sao để hòa nhập với văn hóa cà phê xứ ấy, tôi quan niệm là cà phê nó có hẳn một văn hóa cà phê, mà lại vẫn giữ nguyên những gì là truyền thống, là bản sắc Việt, dù cái để tạo nên bản sắc cà phê Việt vẫn còn rất mong manh. Và vì mong manh nên càng khó...

Và thế là một sự kết hợp hoàn hảo văn hóa đông tây của King Coffee tại Mỹ ra đời.

Đấy là sự thiết kế quán vừa hiện đại vừa trữ tình. Sự trữ tình đến từ cái xích lô cổ đặt giữa nhà hàng, đến các góc, các điểm nhấn có yếu tố Việt, những mảng xanh, những đường cong. Là sự phục vụ thói quen ăn nhanh của người Mỹ khi trong quán có bánh mì, phở, và đặc biệt là phở khô Gia Lai, thứ giờ đã trở thành thương hiệu của Gia Lai với tên gọi "phở 2 tô Gia Lai".

Được biết hiện nay King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có mặt ở 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc bước chân vào thị trường Mỹ đánh dấu một bước tiến rất lớn, sự phát triển đầy nội lực của King Coffee, bởi ai cũng biết, đây là thị trường hết sức khó tính, ở tất cả các mặt....

Bài đăng Tạp chí Du Lịch HCM



                                                            

 

Không có nhận xét nào: