Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

CÓ NGƯỜI LÍNH LẦN ĐẦU RA PHỐ

 

          Lục đống tài liệu cũ thấy rơi ra một bản thảo thơ chép tay, giấy đen nhưng phủ lem nhem màu đỏ bazan. Cái thời đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước ấy, người ta gửi bản thảo cho các tòa soạn báo đều bằng bì thư theo đường bưu điện. Anh nào sang, số này rất ít, thì bản thảo được đánh máy trên giấy pơ luya, còn không thì viết tay. Mỗi tòa soạn báo lại có một hoặc vài nhân viên đánh máy. Số này rất giỏi. Thứ nhất là đánh mười ngón không cần nhìn bàn phím mà chỉ nhìn bản thảo thôi. Và thứ 2 mới giỏi hơn, họ đọc được tất cả các loại chữ viết tay, có những bản thảo mà nhìn vào không biết là chữ Cam Pu Chia hay chữ Ả Rập mà họ vẫn đọc ra.

          Thời ấy tôi đang làm Tạp chí Văn Nghệ, trực thuộc Ty Văn hóa Gia Lai Kon Tum. Tạp chí Văn Nghệ là một phòng thuộc sở, kiêm thêm quản lý xuất bản và trực tiếp xuất bản sách.

          Một hôm nhận được một phong thư đỏ quạch màu đất, văn thư bóc ra rồi bấm tờ giấy thư kèm bì thư chuyển cho tôi. Địa chỉ nơi gửi là một hòm thư đánh số, nó chứng tỏ là từ một đơn vị quân đội. Tờ giấy đính kèm phong bì là một bài thơ, tác giả là Hoa Thanh An.

Có người lính lần đầu ra phố

Quen sống với rừng nên nhìn thứ gì cũng lạ

Một tà áo màu bay cũng xao xuyến khôn cùng…”

Đại để thơ véo von thế. Nhưng hồi ấy thì tôi rất mừng và xúc động. Thứ nhất là người viết ít, có một anh lính, lại ở biên giới (cuối bài thơ đề biên giới ngày tháng năm, vả nhìn cái phong bì thì biết đích thị biên giới, bụi quăng quật đỏ lòm), mà làm thơ thì quý quá. Thêm nữa, tôi luôn yêu quý nâng niu người viết mới và trẻ, luôn kính trọng những anh lính viết văn. Vậy nên đăng ngay là điều không cần bàn cãi.

Một hôm tôi đang ở trên phòng làm việc thì vợ tôi lên gọi (nhà tôi ở khu tập thể liền ngay cơ quan) bảo về có khách, là chú bộ đội. Tôi hơi giật mình. Hồi ấy ở Pleiku có một đơn vị quân đội thu dung, rất quậy, nhiều người ngại. Thì cứ về xem sao. Một ông bộ đội đen nhẻm ngồi chờ. Quần áo đỏ bụi, tóc xoăn, mắt sáng, da đen. Giới thiệu em là Phạm Đương, trước học Đại học Tổng hợp Huế, có nghe tên anh. Em là bộ đội đóng ở Đức Cơ, hôm nay đi theo xe đơn vị về bưu điện nhận thư báo, tiện thể thăm anh vì trước khi đi bộ đội đã biết anh làm ở Ty Văn hóa Gia Lai Kon Tum. Ôi giời mừng quá, trưa nay ăn cơm với anh nhé, anh bảo vợ nấu cơm. Dạ thôi, em được có một tiếng rồi lại phải theo xe lên đồn. Lúc nãy chị cũng có nói rồi nhưng em không ở được. Là em có làm mấy bài thơ, gửi anh xem hộ. Ôi hay quá, với lính thì anh hết sức trân trọng. Dạ nãy chị cũng nói thế, bảo anh rất quý lính. À anh hỏi, có chú lính nào ký tên Hoa Thanh An cách đây mấy tháng có bài thơ in trên tạp chí mà gửi nhuận bút nó trả về, chú có quen không, thơ nó rất khá? Dạ, đấy là... em. Ôi giời. Ra là chú à? Ra là ông này khi ấy thấy cô gái xinh xinh tên là Hoa, bán quán ở vùng Thanh An, Chư Prông, bèn làm thơ rồi lấy luôn tên cô ấy làm bút danh... Ngay lập tức tôi “mượn” tiền của vợ trả nhuận bút bài thơ cho Phạm Đương, rồi lên cơ quan truy lĩnh sau vì nhuận bút trả về đã nhập quỹ.

Sau cú ấy thì chúng tôi thân nhau, không chỉ tôi, mà cả Hương Đình, Phạm Đức Long nữa. Mỗi lần Phạm Đương về phố chúng tôi lại quấn quýt.

Hôm ra quân, ông Phạm Đương mặc bộ đồ lính bạc phếch tới thăm và chào tôi để về nhận công tác ở Ty Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình (chưa tách tỉnh), tôi gọi ông Hương Đình, Phạm Đức Long bày một cuộc nhậu vừa gặp mặt vừa chia tay tại nhà tôi. Hôm sau Hương Đình lấy xe đạp đèo ông Phạm Đương ra bến xe chỗ khách sạn Hoàng Anh bây giờ, ông Hương Đình nhìn cái áo lính hôi rình của Phạm Đương với vẻ thèm thuồng. Ông Phạm Đương cầm lòng không đậu, mở cái ba lô lép kẹp, lôi ra cái áo mới duy nhất đưa cho bạn. Theo Phạm Đương sau này tiết lộ là nhờ thế mà ông Hương Đình lấy được vợ. Vì mặc áo lính thời ấy như là được chở che, mạnh dạn lên rất nhiều. Thời ấy chúng tôi chơi với nhau, bạn của tôi cũng là bạn của ông Hương Đình, ông Phạm Đức Long và ngược lại, bạn văn chương bao giờ cũng là bạn chung, lấy nhà tôi làm “trung tâm tiếp đón”.

Sau này thì Phạm Đương trở thành nhà thơ, nhà báo nổi tiếng, hiện đang là ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, có tập thơ “Giờ thứ 25” được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013. Cũng một kỷ niệm nữa là cái năm tập thơ của Đương được giải thưởng, tôi đang là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và là thành viên ban chung khảo, bỏ phiếu cho tập thơ này. So với bài thơ đầu tay mà tôi chọn in nó là một bước tiến dài về mọi mặt.

Giờ thì anh đã nghỉ hưu sau bốn mươi năm là cán bộ Ty Văn hóa Nghĩa Bình rồi phóng viên báo Lao Động, báo Thanh Niên. Nhưng thi thoảng chat với nhau, anh vẫn mồn một những ngày đầu “khởi bút” từ Gia Lai, coi Gia Lai là bệ phóng...

                                                             

Đoạn này không đăng trên báo:

Là hồi ấy Pleiku rất loạn, lính biên giới lâu lâu về phố quậy rất kinh, chưa kể có hẳn một tiểu đoàn thu dung gọi là D5, đi đâu cũng súng, lựu đạn kè kè bên mình. Nhà cháu đã từng kể một ít trong mục “Gia Lai muôn mặt” trên blog này. Giờ những người không sống thời ấy không thể hiểu sao lại có cái thời kinh hoàng thế. Bản thân nhà cháu cũng từng bị cướp cái mũ nồi mới tinh, ông em vợ bị cái đồng hồ. Cái sân khấu ngoài trời ở đường Trần Hưng Đạo sau lưng nhà cháu là địa điểm oanh nhau hàng đêm, hihi...

Thì đương như thế, một hôm nhà cháu với ông Hương Đình đang đạp xe lơng tơng trên phố thấy một ông lính râu ria sậm sịt, da đen như củ súng, bộ quần áo lính cũ mèm đầy bụi đỏ kêu rối rít: Anh Hùng anh Hùng... Hương Đình ngoái lại rồi... đạp xe rất nhanh, nhà cháu cũng thế, chạy thôi. Tránh voi chả xấu mặt nào. Ông lính kia cũng hổn hổn chạy theo, em đây em đây. Bình tĩnh lại thì là... Phạm Đương.

Tối ấy nhà cháu chiêu đãi Phạm Đương món... thịt chó. Vợ đi trực, lôi mấy anh em phục kích bắt con chó chạy vào khu tập thể. Một ông giáo được giao chiếc Radio mở to hết cỡ để không nghe tiếng chó kêu. Ông Đương được yêu cầu mặc nguyên bộ đồ lính ngồi giữa nhà. Mấy đứa lúi húi làm rồi nấu. Kinh nhất là lúc nấu món nhựa mận, mùi nó bốc lên thảm thiết lắm. Đậy, quấn giẻ, lấy gạch đè vung... để mùi nhựa mận không tỏa ra ngoài. Bởi phía sau là cái sân khấu ngoài trời đương diễn cải lương, và con chó chính là của khu tập thể quân đội phía bên kia đường. Thế rồi cuộc chiêu đãi cũng... an toàn, ai nấy hể hả, sáng mai tiếp tục hâm lại ăn cơm nguội theo đúng nguyên tắc chó 2 lửa.

Giờ thì tất nhiên chả đứa nào ăn thịt chó nữa, chứ hồi ấy, nó chính là món chỉ nghe kể thôi bụng đã sôi sùng sục.

Còn chuyện nữa, nhưng đã hứa rồi, sống để dạ chết mang theo.

Phạm Đương và nhà thơ Trần Mạnh Hảo ở đại hội Nhà văn VN

Trở lại Đức Cơ, chiến trường xưa 10 năm trước

Bài trên báo GL hôm nay


 

 

Không có nhận xét nào: