Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

MIỀN TRUNG MỎNG VÀ SẮC

          Trong đời, may mắn tôi đã có dịp đi gần hết đất nước, la cà, thăm thú và thưởng thức. Xa hoa thì chưa nhưng đặc sản thì có, những là châu chấu cào cào, nhộng tằm, niềng niễng, chuột đồng, cá trên cây (thòi lòi) vân vân... để rồi quay lại thương miền Trung đứt ruột.

          Miền Trung, tôi sinh ra và lớn lên ở đấy dẫu quê không phải đấy. Nơi tôi sinh là xứ Thanh, cũng thuộc miền Trung, chính xác là Bắc miền Trung, đầu của miền Trung, nơi mà từng có thơ đùa “Khu Bốn đẩy ra khu Ba đẩy vào”...

          Phải tới sau năm 1975 thì tôi mới được đặt chân tới các tỉnh miền Trung phía trong Thanh Hóa, bắt đầu là Nghệ An, tỉnh giáp xứ Thanh nhưng suốt bao nhiêu năm tôi luôn nghĩ nó xa lắm, thăm thẳm lắm. Chiến tranh mà, thêm nữa hồi ấy nếu có đi tôi toàn ra Bắc, nhảy tàu chợ ra Ninh Bình quê ngoại, “tiện thể” vươn ra Hà Nội ngó tí rồi về.

          Nên sau này để bù lại, tôi rất nhiều lần đi qua đi lại đoạn Huế - Thanh Hóa, bằng xe khách, tàu lửa và cả tự lái xe.

          Và được chơi với rất nhiều các ông bà miền Trung là các văn nghệ sĩ nổi tiếng, rồi đọc họ.

          Rồi ám ảnh bởi miền Trung từ thơ của 2 ông. Một là 2 câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi: “Gió Lào thổi rạc bờ tre/ Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn”.

          Tôi đã có lần viết trên báo Nghệ An về lần đầu tiên tôi gặp Nghệ, nó như thế này: “Tôi cầm 2 bò gạo gói trong cái khăn mùi xoa, cứ men theo đường tàu mà đi, một đoạn thì gặp một ngôi nhà, đèn dầu lờ mờ. Vào, chào rất to thì cô chủ nhà xuất hiện. Tôi trình bày lý do, hoàn cảnh, mục đích ý nghĩa... sau mấy phút dò xét thì cô bảo: vào bếp mà nấu.

          Nhà chỉ 2 anh em trai nên việc nấu cơm của tôi chỉ là dễ như... rửa tay. Rất nhanh thì nồi cơm đã chín, đang loay hoay giữa việc lại gói cơm vào khăn mang về hay xin giấy báo thì... cô con gái chủ nhà xuất hiện.

          Không hoạt bát nhanh nhảu như con gái bây giờ đâu. Bạn này e lệ ấp úng mặt đỏ tưng bừng rồi nói, nắm lại mà mang về. Ừ nhỉ. Tôi giặt khăn mùi xoa định dùng nó để nắm thì cô này lại bảo: Có mo cau đấy. Thú thật là, thi thoảng tôi có nắm cơm nhưng bằng khăn mặt, chứ mo cau thì chưa từng. Tất nhiên là lóng lóng, từ cái cách rửa mo cau cho nó mềm và sạch, thế là cô bé... xắn tay.

          Đấy là cái thứ tiếng Nghệ mà tôi nghe ngọt nhất cho tới lúc này, dù nói thật có nhiều câu tôi... không hiểu. Mà cái hơi thở cũng nhẹ, cái sợi tóc mai hơi bết mồ hôi cũng như run lên. Cái chiều sâm sẫm Vinh ấy, đến giờ tôi cũng vẫn... ước được trở lại. Giờ vẫn nhớ, cô ấy học sau tôi một lớp...”.

          Gió Lào thì ở cái lần đầu tiên tôi về Huế ngay năm 1975, phải nằm lại Vinh mấy ngày đợi tàu liên vận, tôi đã hưởng, nó nóng kinh hoàng thật. Còn tiếng Nghệ nhọc nhằn, ơ kìa, tôi có thấy đâu nhỉ, từ cái tiếng đầu tiên tôi nghe ở cô gái nấu cơm nhờ ấy.

          Đến khi đọc và được chơi với anh Hoàng Trần Cương thì tôi nhận ra một Nghệ khác nữa, đối nghịch, đối lập, dữ dội, yếu mềm, ngang đến thẳng đuột, hiền đến ngu ngơ.

          Đọc thơ Hoàng Trần Cương tôi nhận ra một chiều khác nữa của tính cách Nghệ: “Cay đắng lắng vào trái ớt lúc còn xanh/ Đất vắt kiệt mình nước mọng múi chanh/ Ngẩng mặt đụng trời xanh nhức mắt/ Dằng dặc dải làng quê thưa thắt/ Những vạt lúa đỏ đuôi luội mình  đổ rạp/ Chỏng chơ nồi cơm ngày đói khát/ Tảng cháy cạy đi rồi/ Còn hằn vết móng tay/ Cày lên/Sưng cả đáy nồi...”. Đọc, thấy còn nỗi khổ nào, sự đói nào, khắc nghiệt nào khốc liệt hơn thế, ghê gớm hơn như thế, bỏng rộp hơn như thế?

          Bản thân Hoàng Trần Cương là một khối Nghệ rừng rực. Anh đọc thơ, không, anh gào thơ, run rẩy với thơ, khóc với thơ, có người gọi anh quát thơ, nạt thơ, một kiểu trình diễn thơ với cảm xúc tận cùng, và anh bộc lộ mình tới tận cùng, sẵn sàng đập cái ly đang cầm trên tay vỡ choang. Xong ôm mặt khóc. Phải yêu quê đến như thế nào, hiểu về quê đến như thế nào, đau đớn với quê thế nào, thắt lòng thắt ruột với quê thế nào mới nhận ra quê mình sắc lẻm như thế này: Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa/ Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam... Những đứa con văng như mảnh đạn/ Thương mẹ một mình trời sinh đá mồ côi... Đọc, sừng sững một miền Trung khốc liệt nhưng vẫn trữ tình, như cái dải lụa sông Lam kia. Và một miền Trung chiến trận khi mà “Những đứa con văng như mảnh đạn”, và hệ quả của nó là “Thương mẹ một mình trời sinh đá mồ côi”.

          Những phát hiện vừa tinh vừa sắc vừa nhuyễn vừa sâu mà không phải ai cũng có thể, nhưng đọc anh Cương xong thì lại thấy nó hết sức thân thuộc, hết sức máu thịt, như là một phần đời của con người Miền Trung: “Câu ví dặm nằm nghiêng/ Trên nắng và dưới cát/ Đến câu hát cũng hai lần sàng lại/ Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm”. Rồi lại: “Bao giờ em về thăm/ Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt/ Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ/ Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ/ Không ai gieo mọc trắng mặt người”. Cái câu Chỉ bão gió là tốt tươi như cỏ/ không ai gieo mọc trắng mặt người nó bộ lộ hết sức sự khốc liệt, sự tàn phá dữ dội của thiên nhiên đối với mảnh đất này. Một bên là núi, một bên là biển, miền Trung như cái đòn gánh gánh hai đầu đất nước. Miền Trung hứng tất cả những gầm thét của tự nhiên, những cơn giận liên miên của cái thế lực hết sức bí ẩn và vô biên kia. Và những ý tứ, những đối nghịch ngôn ngữ được nhà thơ dùng như một cách để nửa như giải tỏa, nửa như minh chứng, lại như lý giải sự đối nghịch đến không thể hiểu nổi kia: Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ. Lúa mà người. Người mà giông bão tự nhiên...

          Có người giải thích cho tôi cái chữ mồng/ mùng tơi trong câu “Nghèo rớt mùng/ mồng tơi” nó không phải là cái quả mồng/ mùng tơi trẻ con một thời vất vả khó khăn hay dùng thay mực, và lá để nấu canh ăn với cà muối, mà nó chính là cái mùng/ mồng của cái áo tơi, tức cái cổ áo tơi. Nghèo đến cái mồng tơi ấy cũng rớt. Nhưng gì thì gì, anh Cương sử dụng ý ấy vào câu thơ tài quá: Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt.

          Giờ thì miền Trung, khúc ruột nghèo của đất nước ấy đã khác xưa rất nhiều. Tôi vừa đi qua một loạt tỉnh miền Trung, rất khó nhận ra dấu ấn xưa. Giờ những đô thị đẹp đến ngỡ ngàng, những phố, những khu công nghiệp, những tòa nhà, quán xá, nhà hàng... lừng lững mọc lên. Duy gió Lào vẫn thế, những con sông vẫn thế, nắng vẫn thế và bão mưa lũ lụt cũng vẫn thế.

          Và những phận người, những tâm hồn miền Trung, những hòa quyện, những tan chảy, những bung mở, những mảnh vỡ, những đào sâu chôn chặt... còn bao điều để nói về mảnh đất này.

          Nhà thơ Lê Huy Mậu có vẻ đã nói hộ ta một phần: Quê hương ta nghèo lắm/ ta rửa rau bến sông cho con cá cùng ăn/ ta mổ lợn/ con quạ khoang cũng ngồi chờ chia thịt/ cá dưới sông cũng có tết như người/ trên bãi sông/ ta trồng cây cải tươi/ ta ăn lá còn bướm ong thì hút mật/ lúa gặt rồi- còn lại rơm thơm/ trâu đủng đỉnh nhai cả mùa đông lạnh…

          Phần còn lại, của ta?...

Bài trên tạp chí sông Lam số tết dương lịch 12/ 2021

Một lần với xứ Nghệ, quê 600 năm trước của nhà cháu. Thắp hương trên núi Đại Huệ với TBT báo Nghệ An và nhà thơ Phạm Đức Long

Với bạn bè ở Vinh




                                                                      

 

2 nhận xét:

Nguyên Vũ nói...

Hay quá bác Hùng ơi, con khóc rồi

Văn Công Hùng nói...

Cám ơn cháu, hihi