Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2021

DẤU VĂN NHÂN

 

          Lẩn mẩn tìm hiểu kỹ, té ra cái mảnh đất Gia Lai, hẹp hơn là Pleiku này, đã từng lưu dấu rất nhiều dấu chân văn nhân nổi tiếng.

          Thực ra thì, cùng là 2 tỉnh sát nhau, thậm chí có thời còn từng là một, nhưng có vẻ như đất Kon Tum từng là nơi có không khí văn nghệ nhộn nhịp hơn Pleiku. Đô thị Kon Tum được hình thành sớm hơn, có vẻ thơ mộng hơn đô thị Pleiku vốn dĩ là một đô thị phục vụ chiến tranh. Cứ nhìn kiến trúc 2 đô thị này thì biết.

Nhưng Pleiku ngay từ trước năm 1975 đã có những thi nhân nổi tiếng sống và có những tác phẩm đến giờ vẫn như mới. Sống ở Pleiku chẵn bốn mươi năm, mà nhiều khi vẫn còn ngỡ ngàng với đất này. Nhiều thứ ngỡ ngàng, như mới đây tôi vừa ngỡ ngàng rằng, té ra đất này đã từng có rất nhiều văn nhân nghệ sĩ đặt chân đến, hoặc sống ở đây cả vài chục năm, hoặc đến rồi đi nhưng để lại dấu ấn.

Ấy là nhà thơ Vũ Hữu Định với bài thơ “Còn chút gì để nhớ” mà nhạc sĩ Phạm Duy cũng trong một lần lên đây bắt gặp và phổ thành một ca khúc bất hủ tới giờ về Pleiku. Rất nhiều người lên Pleiku vì bài hát ấy, trong đấy có tôi. Chính cái hình ảnh “em Pleiku má đỏ môi hồng/ ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông” đã khiến tôi, năm 1981, tốt nghiệp đại học là xung phong lên Pleiku dù hồi ấy chưa hình dung nó ở đâu nữa chứ đừng nói hiểu nhiều về nó. Sau này nhà thơ Vũ Hữu Định về Đà Nẵng sống và qua đời tại đấy.

          Ấy là nhà thơ Kim Tuấn với những câu thơ về Pleiku như thế này: “buổi chiều Pleiku không có mặt trời/ chỉ có mây bay trên đầu ngọn núi” (Buổi chiều ở Pleiku), và đặc biệt là bài thơ “Kỷ niệm” được nhạc sĩ Y Vân phổ nhạc: “từng bước từng bước thầm/ hoa vông rừng tuyết trắng/ rặng thông già lặng câm/ hai đứa nhiều hối tiếc/ sương mù giăng mấy đồi/ tay đan đầy kỷ niệm/ mưa giữa mùa tháng năm/ dật dờ cơn gió thổi”. Theo họa sĩ Đinh Cường thì ngày xưa nhà thơ Kim Tuấn ở đường Phan Bội Châu bây giờ. Ông có rất nhiều thơ được phổ nhạc, trong đó có bài “Kỷ niệm” vừa nhắc mà khi phổ, nhạc sĩ Y Vân đổi thành “Những bước chân âm thầm”. Năm 1974 nhà thơ Kim Tuấn cùng một số người bạn tổ chức sự kiện “Tuần lễ văn hóa Pleiku” kéo được rất đông văn nghệ sĩ nổi tiếng từ Sài Gòn lên góp mặt. Cuối đời ông về thành phố Hồ Chí Minh sống và qua đời ở đấy, dù quê gốc ông ở Hà Tĩnh, vào Huế rồi lên Pleiku.

          Là nhà thơ Du Tử Lê với : “và những bông hoa quỳ/ rét vàng vai cỏ héo/ không còn dấu vết nào/ cho ta tìm ta nữa” (Pleiku và hoa quỳ). Rất nhiều người Việt Nam lưu trong điện thoại bài hát “Khúc thụy du” nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ ông. Ông cũng để lại những câu thơ da diết về quê hương, Tổ quốc: “khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/ nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi/ bên kia biển là quê hương tôi đó/ rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì”... 

Tôi cũng từng có một bài viết về cái sự trong thời kỳ mà cả thị xã Pleiku là một trại lính khổng lồ, được coi là cứ điểm quân sự một con ruồi bay không lọt, thì đã từng có 2 ông Việt Cộng, sau này là 2 nhà văn nổi tiếng, có mặt ngay tại trung tâm thị xã một cách vô cùng ngang nhiên và hoành tráng. Người thứ nhất là nhà văn Trung Trung Đỉnh hồi ấy là bộ đội địa phương, trong một đêm đột nhập vào Pleiku ông bị kẹt lại. Thế là suốt ngày ông nằm dưới cống Hội Phú để nhập nhoạng thì đóng khố đeo gùi ngậm tẩu nhập vào đoàn bà con dân tộc thiểu số về nhà để thoát ra ngoài. Ông Đỉnh là người Hải Phòng, số phận run rủi khiến ông “Lạc rừng” trở thành một anh lính địa phương của tỉnh đội Gia Lai, và đến bây giờ thì ông là một nhà văn nổi tiếng với nhiều tác phẩm về Tây Nguyên như “Đêm Nguyệt thực”, “Lạc rừng”, “Lính trận” vân vân.

Người thứ hai có mặt ở Pleiku thời kỳ trước 1975 ấy là nhà văn Trương Vĩnh Tuấn. Ông vốn là tình báo kỹ thuật của quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng có thời lọt được vào dinh cơ tướng Phú, tư lệnh quân đoàn 2 của quân đội Việt Nam cộng hòa, khi ấy đóng ở Pleiku, cả tháng trời. Kể cho tôi nghe ông cười hịch hịch mà rằng, cô con gái tướng Phú còn có cảm tình với ông nữa. Nhà văn Trương Vĩnh Tuấn sau này là Phó tổng Biên tập báo Văn Nghệ Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhưng nhà văn người Kinh đầu tiên lên Gia Lai thì phải kể tới Nguyên Ngọc. Từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước, ông Nguyên Ngọc đã là một người lính, về làng S’tơ của ông Núp để chuẩn bị cho trận đánh nổi tiếng GM 100 ở Đăk Pơ. Khi ấy ông Núp là đội trưởng du kích. Lâu nay nhiều người, cả tôi, cứ nghĩ là mãi cho đến đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền thì ông Núp mới được “giao” cho ông Nguyên Ngọc để ông Ngọc khai thác viết “Đất nước đứng lên”. Mãi gần đây khi đi cùng ông Ngọc về thăm lại làng S’tơ tôi mới biết thì ra ông đã thông thuộc “Kông Hoa” tự đời nào. Đấy cũng là một lý do để “Đất nước đứng lên” thành công, bởi ông đã quá hiểu mảnh đất, con người ở đấy, nên ông đã rất tự nhiên cho ông Núp tự do hoành hành trong tiểu thuyết của mình hết sức chân thật nhuần nhuyễn như chính ông là người trong cuộc.

Và còn nhiều văn nhân nữa đã lưu dấu nơi này, có điều kiện chúng tôi sẽ xin kế tiếp.

Chính họ, đã là những người đặt nền móng, bằng đá tảng, cho văn chương Gia Lai, góp phần làm nên một mảng đặc sắc của văn hóa Gia Lai bằng văn học, cùng với văn học dân gian Jrai, Bahnar...

Khi in báo, đoạn nhắc đến nhà thơ Du Tử Lê bị cắt hihi. Hôm nọ viết nguyên bài cũng bị gác, hình như có lời nhắc không nhắc đến bác. Tất nhiên đăng ở đây thì đủ ạ.



Ảnh nhà cháu chụp năm 2006, ông Trung Trung Đỉnh và ông Y Điêng

                                                   

Ông Nguyên Ngọc và bé Dâu nhà cháu.


Ông Nguyên Ngọc chụp 2 con gái nhà cháu khi chúng còn nhỏ bằng máy phim du lịch. Ông vào nhà thấy chúng đang học bèn chụp phát. Nhà hồi ấy là một gian tập thể ở đường Trần Hưng Đạo, Pleiku, kê bàn ghế ngoài hè cho chúng học. Cũng phải ba chục năm rồi.


Thăm và cà phê với ông Ngọc và ông Nguyễn Sự ở Hội An. Trong ảnh có ông Thanh Thảo và ông Phạm Đương nữa.


Nhà văn Trương Vĩnh Tuấn, nhà cháu chụp năm 2006 tại trụ sở báo Văn Nghệ 17 Trần Quốc Toán Hà Nội.
Báo Gia Lai cuối tuần hôm nay, 24/12/2021. Mục này chỉ cho tối đa 1000 chữ huhu




Không có nhận xét nào: