Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

PLEIKU NHỮNG NGÀY GIÃN CÁCH


          Từ 0 giờ ngày 28 tháng 8/ 2021 thành phố Pleiku nơi tôi đang sống thực hiện chỉ thị 16 theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai. Nói thế nhưng tin đã rò rỉ từ trưa hôm ấy. Và buổi chiều 27/8 thành phố Pleiku y hệt như chiều 30 tết. Người nghìn nghịt đổ ra đường, đích đến là siêu thị, chợ, các cửa hàng tạp hóa, ào ạt như gió, khi đi xe không khi về lặc lè chở nặng. Có cảm giác như mỗi nhà lúc này là một cái kho hàng. Cũng thông cảm thôi, dân ta có nhiều kinh nghiệm "cứu mình trước khi trời cứu" khi đã trải qua chiến tranh, rồi bao cấp, và mới nhất là một số địa phương tuy nói rằng đừng lo nhưng người đói là có thật...

          Sáng sớm hôm sau, tôi nhô lên đường quan sát. Dân Pleiku chấp hành rất nghiêm, đường vãn hẳn. Lúc này đường phố lại giống như ngày mùng một tết. Tuy thế người có việc vẫn ra đường được. Vợ tôi có cái hẹn với người bán gà, khoảng 8 giờ sáng cô ấy chở đến nhà tôi... 5 con gà đã làm sẵn. Tôi hỏi: Đi đường có bị hỏi giấy tờ gì không? Dạ không chú ạ. À thì ra nhiều người nhầm chỉ thị 16 với 16 cộng như ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Pleiku chỉ hạn chế ra đường, và ra thì phải giữ khoảng cách vân vân. Và quả là, nhiều người bảo, cứ gọi tên theo chỉ thị nó khó nhớ, thà cứ quy định theo cấp độ, cấp độ 1 được làm gì, cấp độ 2 được làm gì vân vân. Đã coi như chống giặc, tức như chiến tranh thì cũng cần ngắn gọn dễ hiểu dễ nhớ...

          Nhưng mà địa giới Pleiku với các huyện thì căng. Ngay tối ấy các huyện thị đều có thông báo khẩn: Những người từ huyện/ thị về Pleiku nghỉ cuối tuần phải trở về huyện thị trước 0h. Sau đấy nếu về thì phải cách ly. Và ngược lại. Những chuyến xe trong đêm xé gió, những cuộc rời nhà vội vã.

          Cuối con đường lớn ở Pleiku là đường Phan Đình Phùng có một cái cầu treo rất đẹp. Bên kia cầu là địa phận huyện Ia Grai. Lâu nay chả ai nhớ là nó thuộc huyện vì thấy nó rất gần trung tâm thành phố. Sáng ấy lừng lững một cái chốt, ngay đầu cầu. Vợ chồng trẻ nhà anh Thiều Ngọc Minh, vợ dạy Cao đẳng Gia Lai, chồng chuyên viên sở tư pháp, lâu nay cứ nghĩ mình là dân thành phố, sáng vẫn ăn sáng rồi đèo nhau đi làm. Tới chốt không được qua, bèn quay lại về nhà viết giấy xin nghỉ phép.

          Rất nhiều trường hợp như thế. Nhưng rồi vài ngày cũng quen hết. Ngành giáo dục là có đông người liên quan huyện và thành phố nhất, may là chưa khai giảng. Tuy thế những ngày này giáo viên cũng cần có mặt ở trường để chuẩn bị khai giảng. Và rồi cũng có cách để làm việc phù hợp.

          Lại nguyên nhân Pleiku phải thực hiện chỉ thị 16, là uỵch phát, có trường hợp gia đình 3 người dương tính không rõ nguồn lây. Kể, nếu biết nguồn lây thì dễ, nhưng đây truy vết không ra nên đành phong tỏa. May tới giờ, tất cả những F1 của gia đình này vẫn đều âm tính. Nhưng số F1 này khá nhiều. Có cả lái xe tắc xi, có nhân viên ngân hàng, có các quán ăn, có cả nhà báo...

          Ba ngày sau giãn cách, tôi xách xe đi một vòng. Chuẩn bị giấy tờ, máy ảnh để nếu bị hỏi thì khai lý do ra đường. Té ra chả ai hỏi, và đường cũng rất vắng. Tức là người dân đã rất tự giác, ý thức chấp hành rất cao. Thì bao nhiêu gương tày liếp đấy, cả về nhiễm bệnh và cả bị phạt nếu vi phạm nên có liều cũng chả dám. Ghé siêu thị, hàng ê chề, người mua vắng. Các chợ vẫn mở, nhưng hạn chế người vào, có chốt gác, khai báo y tế và khử khuẩn rồi vào. Rất nhiều hàng tươi, vợ tôi vẫn mua được cua đồng, cá diếc ruộng, rau xanh mới hái...

          Nhưng quảng trường trung tâm thì vắng tanh, không một bóng người. Nơi này bình thường sáng và chiều đông nghẹt người đi bộ thể dục. Nhà tôi ở trong con hẻm trông thẳng lên quảng trường. Gọi là hẻm nhưng khá rộng, xe ô tô quay đầu được, dài khoảng 100 mét. Thế là bà con thay nhau đi bộ ở đấy, thay vì lên quảng trường như mọi khi.

          Khi tôi đang viết bài này thì chính quyền điện tử Gia Lai gửi thông báo:

"Tính từ 07 giờ 00 phút ngày 02/9/2021 đến 07 giờ 00 phút ngày 03/9/2021, tỉnh Gia Lai đã lấy mẫu xét nghiệm cho 1.949 người, trong đó ghi nhận 15 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, cụ thể:

- 01 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đang cách ly tại nhà tại huyện Chư Sê (là F2 của tài xế lái xe luồng xanh, địa chỉ ở Đak Nông, phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 khi thực hiện test nhanh tại Bệnh viện quân y 211 trước đó).

- 02 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại khu cách ly trường Dân tộc nội trú huyện Krông Pa (01 trường hợp là F1 bệnh nhân H; 01 trường hợp là F1 của bệnh nhân L).

- 02 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại khu cách ly tập trung là 02 phụ nữ mang thai từ Bình Dương về.

- 05 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại khoa Nhiệt đới bệnh viện đa khoa tỉnh ( là F1 liên quan đến bệnh nhân chạy thận nhân tạo phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 đêm 19/8 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai).

- 05 trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2 sau khi điều trị khỏi, xuất viện và thực hiện giám sát y tế tại nhà (huyện Đức Cơ: 01 trường hợp; thị xã Ayun Pa: 01 trường hợp; Bệnh viện 331: 02 trường hợp; 01 trường hợp tại Tp Pleiku).

Như vậy tính từ ngày 28/5/2021 đến 07 giờ 00 phút ngày 03/9/2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 483 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (có 34 trường hợp tái dương tính); đã xuất viện 154 trường hợp, hiện có 363 trường hợp đang được điều trị tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Gia Lai, Bệnh viện 331, Bệnh viện Lao phổi; Bệnh viện YHCT-PHCN và Trung tâm Y tế huyện Ia Pa.".

Hầu như ngày nào cũng có thông báo này, dân biết và yên tâm hẳn.

Tỉnh Gia Lai là một trong những tỉnh đến bây giờ số ca nhiễm tăng rất chậm, và đa phần đều cô lập được. Là một trong những tỉnh đầu tiên có sáng kiến tiếp xăng cho bà con về quê những ngày đầu tiên bà con từ HCM, Bình Dương, Đồng Nai ùn ùn về quê, chủ yếu bằng xe máy. Cũng là tỉnh làm lều dã chiến cho bà con nghỉ khi tới địa giới tỉnh Gia Lai với Đăc Lắc ở cầu 110. Bà con tới đấy, mời nhận xăng, đồ ăn rồi vào lều ngủ, nghỉ, đợi đủ đoàn thì cảnh sát dẫn đường cho tới địa giới tỉnh Kon Tum. Ai về nhà ở Gia Lai thì được đưa đi cách ly. Thế nên số bị nhiễm từ dòng thác người này rất ít. Rút kinh nghiệm các tỉnh, và từ tình hình thực tế, tỉnh Gia Lai có nhiều biện pháp khá hiệu quả, ví dụ, một số tỉnh cho người từ các tỉnh thành có dịch như HCM, Bình Dương, Đồng Nai cách ly tại nhà. Gia Lai yêu cầu cách ly tập trung, mệt tí nhưng an toàn, và quả là đã an toàn, trừ mấy trường hợp bất khả kháng như một xe chở bệnh nhân chạy thận từ bệnh viện Quy Nhơn lên bệnh viện Gia Lai, tới mấy ca dương tính, hoặc gia đình 3 người chưa rõ nguồn lây đã nhắc trên.

Tỉnh Gia Lai cũng thống nhất: Chống dịch thì nên căn cứ vào các dữ liệu khoa học, phải lấy y tế làm trung tâm, các quy định về y tế phải chi phối các hoạt động khác, chứ không thể cào bằng được.. Hôm qua, tại bệnh viện 331, có 2 ca sinh, một cháu ra đời lúc nửa đêm và một cháu lúc nửa buổi sáng, đúng quốc khánh. Trong khu cách ly quân đội, có một số thai phụ, ban đầu chị em rất ngại, và quả ban đầu anh em cũng có lúng túng, nhưng sau bộ đội xử lý tốt hết.

Ngoài ban chỉ đạo như tỉnh thành nào cũng có, tỉnh Gia Lai thành lập thêm 4 nhóm, gồm 1, nhóm chuyên môn do trưởng phòng nghiệp vụ y sở Y tế làm trưởng, 2, nhóm truy vết do công an và CDC phụ trách, 3, truyền thông do phó giám đốc sở Thông tin truyền thông, có sự tham gia của công an, tuyên giáo, đài, báo... thông tin liên tục và xử lý tin giả tin sai, cùng truy vết..., và 4, nhóm hậu cần do phó chánh văn phòng ủy ban phụ trách điều phối tiếp nhận hỗ trợ... Các công dân Gia Lai khó khăn ở HCM, Bình Dương, Đồng Nai được tỉnh chuyển khoản hỗ trợ 1 triệu đồng/ người. Còn trong tỉnh, trong diện nhận hỗ trợ thì chi trả sớm nhất trong khả năng có thể...

Cái thói quen của tôi (và nhiều người nữa) là ly cà phê sáng tại quán, đã phải bỏ cả chục ngày nay rồi cũng đã quen. Thực ra ấy mà, người ra quán cà phê đa phần không phải là vì... cà phê, mà là không khí cà phê, nên rất nhiều người vào quán cà phê mà có gọi cà phê đâu. Còn dân ghiền thứ thiệt, như tôi, thì chỉ cần cà phê đúng gu. Thì tôi, ngay buổi sáng đầu tiên giãn cách, gọi cho hãng cà phê tôi hay uống, hỏi có cà phê bột không, bảo có, anh chạy lên đi, em đợi. Thế là chạy lên xách về 1 cân. Và giờ, cứ sau ăn sáng, tại nhà, tất nhiên, lại lọ mọ tự pha một phin dù lâu lắm rồi, phải tới cả năm, toàn chơi cà phê  Espresso. Thì đã bảo, cái vĩ đại nhất của con người là khả năng thích nghi mà. Nhưng quả là, nếu cứ thích nghi mãi kiểu giãn cách với phong tỏa thế này cũng mệt. May, chúng ta đã tìm ra một phương thức mới: sống chung để tồn tại với virus. Điều này chính thủ tướng Phạm Minh Chính công bố sau rất nhiều căng thẳng, vất vả và rất nhiều mất mát, chúng ta mới rút ra để có thể mọi sự trở lại bình thường. Và tất nhiên để sống bình thường, chúng ta phải thiết lập một thói quen sống mới, trong đấy có khẩu trang và... không bắt tay. Nghĩ kể cũng tiếc, bố mẹ sinh ra cho khuôn mặt đẹp mà lại phải che đi. Nhưng lại cũng hay, nhờ thế mà những đôi mắt mới xinh tới lung linh lên. Còn bắt tay, nói thật, tôi sợ nhất đi ăn cưới mà phải bắt tay. À mà, ngay đám cưới, đám ma... sắp tới sẽ cũng phải khác...



Bài in mục phóng sự bút ký báo Người Lao Động số cuối tuần hôm nay, link gốc sửa Pleiku thành phố núi, cái tên nhà cháu rất ghét hihi và đặt tít phụ thì nhà cháu lại rất ưng hihi. Nhà cháu ít khi đặt tít phụ vì nó bị ngắt cảm xúc. Link gốc Ở ĐÂY Ạ.


Ngõ nhà cháu cho sân bay thuê làm chỗ đậu máy bay dự phòng. Con i10 thần thánh nhà cháu bị con Toyota bán tải che mất, nhà nhà cháu đối diện đấy.
                    Ngay ngõ nhà cháu nhô lên ạ


Ảnh phố nhà cháu của nhà cháu. 

Ảnh các bé sinh đúng ngày 2/9 của các bác sĩ bệnh viện 331 chụp gửi ra.

                                                              

 

  

2 nhận xét:

Quế Sơn nói...

-CP đã làm hết cách, huy động sức người sức của ở mức cao nhất, nhưng TPHCM và các tỉnh ven đô, tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu lạc quan. An toàn, an ninh, an sinh để tạm an dân. Kinh tế lớn, nhỏ khá bi quan. Buồn thương cho nhân dân, cho đất nước. Và rồi, cũng chỉ biết cầu nguyện, cầu mong.
-Lại chút thoáng buồn: Chị Văn Thùy Dương, ái nữ của Nhà Giáo Văn Như Cương, Phó hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh, xăm trổ đầy người, trưng hình ảnh cha mình làm biểu tượng, đứng thuyết giáo trực tuyến về ngày khai trường 5.9 vừa qua. Đau. Đau người. Đau đời.

Văn Công Hùng nói...

1. về dịch, em e rằng chúng ta vừa chậm vừa sai, nên cứ phải sửa hoài. HN, sau SG, đang lúng túng việc ra đường, đang loay hoay. Nhẽ ngay từ đầu đã phải đặt vấn đề vắc xin, nhưng chúng ta, cụ thể là anh 7, tự mãn sớm quá, hihi.

Tất nhiên vẫn hy vong trong những ngày tới, tình hình khá hơn, chứ kiệt quệ lắm rồi, cả dân và chính phủ.

2. Về trường Lương Thế Vinh, em có suy nghĩ ngược bác hihi.
Ông Cương xứng đáng là tấm gương học và dạy giỏi, vượt khó. Thêm nữa trường của ông ấy, ông ấy là chủ, rồi lại hiệu trưởng... thì việc trưng ảnh lên để học sinh lấy đấy làm gương cũng hợp nhẽ. HS trường này, từ đã ra trường tới đang học đều rất yêu ông Cương, yêu thật sự chứ không giả tạo.

Còn hình xăm, nó khác xa thứ chúng ta gọi là xăm trổ ngày xưa, hihi. Em có thăm dò nhiều cô giáo, rất đông xăm, ở kẽ tay, dái tai, gáy... nó là nghệ thuật, là tattoo ạ. Tất nhiên đừng loang lổ quá. Con gái em cũng xăm ở gáy và ngón tay, và em ủng hộ. Có báo đặt em một bài về xăm nghệ thuật cho mục "tiếng nói nhà văn", hôm nay em viết, hihi.