Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

GIA LAI CHỖ NÀO CHẲNG... ĐÁ

             


Mấy hôm nay dân mạng và cả một số tờ báo đang rầm rộ chia sẻ ảnh mấy bãi đá cổ mới phát hiện ở Gia Lai. Chưa có những điều tra, khảo sát chính thức từ các cơ quan chuyên môn, nhưng người ta áng chừng nó có niên đại từ khoảng triệu năm về trước.

          Phóng viên tạp chí Du lịch TPHCM cũng đã lên tận bãi đá làng Vân và sẽ có bài trên tạp chí in số 3, bài này là... dạo đầu.

          Nhưng từ chuyến đi ấy, chúng tôi phát hiện ra rằng, té ra, Gia Lai không chỉ có những bãi đá cổ mới phát hiện này, mà nơi nào cũng có đá. Đá lạ, đá đẹp, đá quý.

          Ở các triền sông có đá, đã đành. Sông Ba, sông Ayun Pa, sông Sê San (nơi có thủy điện Ia Ly) suối làng Vân (có thể là một nhánh của sông Sê San), suối Đê Ar, thác Kon Chro vân vân...

          Trên núi cũng đá, cũng đã đành. Trong tiểu thuyết "Đất nước đứng lên" và thực tế mà chúng tôi đã lên tận nơi, rất nhiều đá. Ông Núp từng làm bẫy đá ở núi Kon Ka King để ngăn Pháp tấn công vào làng. Ở Plei Ơi huyện Phú Thiện còn cái hang đá tương truyền là đang lưu giữ cây gươm thần của vua Lửa, giờ là di tích lịch sử văn hóa.

          Và đến khu đất bằng cũng có đá. Là cái khu tiếp giáp giữa huyện Chư Sê và thị xã Ayun Pa, gần đèo Chư Sê ấy, cái xã H'bông toàn đất bằng, nhưng đất chỉ có khoảng 40 cm, dưới đấy là đá, miên man dằng dặc đá, dân làng ở đây chỉ có thể trồng những loại cây rễ chùm, ăn nông như ngô (bắp), ớt, cây ăn quả, cây có rễ cọc không thể trồng.

Huyện Kon Chro có những cái mỏ đá khổng lồ, được cấp phép khai thác, nghe nói đã... hoàn thành nhiệm vụ. Có cái thác, mà một lần vào, tôi đã viết về nó như thế này: "Ðá, một thế giới đá, mênh mang đá, điệp trùng đá, miên man đá, vĩ đại đá, dằng dặc đá... đến 3 ki lô mét đá với những khối vân đá kỳ lạ và tinh xảo như có bàn tay của con người sắp xếp đưa ta đến một con thác cao hơn 20 mét cực kỳ hoành tráng. Còn vĩ đại hơn cả thác Ia Ly hồi chưa xây dựng. Nghe nói đây là một vết gẫy của sông Ba, và cái vết gẫy này hiến cho con người cái tuyệt tác thiên nhiên vào loại hiếm hoi này.  Cái thác này có lẽ được nối với mỏ đá Kon Yang  cũng lạ kỳ không kém. Ðá lục lăng, đá hình trụ, tứ giác, ngũ giác... dài như những cây cột, nhẵn thín xếp cạnh nhau san sát như cọc Bạch Ðằng. Khi khai thác chỉ cần ngoắc cáp vào cho xe bò vàng kéo là ra, chả cần đục đẽo cưa xẻ gì mà viên nào viên nấy bằng nhau chằn chặn, bóng nhoáng như vừa lôi từ máy mài ra. Mà cả một quả núi như thế, đá cứ xếp hớ hênh tưng hửng dưới một lớp đất mỏng. Thiên nhiên bí ẩn và vĩ đại luôn biết cách để con người luôn luôn phải ngạc nhiên, mà ngạc nhiên là thuộc tính trong trắng khẳng định phẩm chất thi sĩ của loài người...!"...

Đặc điểm chung của những bãi đá này là nó được sắp xếp rất trật tự, cứ y như có một bàn tay rất tài hoa nào đấy lắp ghép theo một sự lập trình từ trước. Có nơi đá hình trụ, có nơi hình đĩa, lớp lớp triền miên...

Nữa là, nó đa phần là màu gan gà, khi bắt ánh nắng mặt trời, nhất là nắng quái buổi chiều, nó hiện lên cực đẹp. Có một số nơi, dân đặt tên cho những bãi đá này theo màu sắc như "Thung lũng hồng", "chân trời tím", có nơi đơn giản chỉ là "Suối đá"... Và cũng có những loại đá rất quý như đá hồng, đá đen, đá xám...

Và nữa, sự ăn mòn của nước, khiến những bãi đá ấy có những tạo hình rất đẹp. Cứ ngẩn ra nghĩ, trong cuộc đọ sức "ai thắng ai" giữa thứ cứng nhất là đá với thứ mềm nhất là nước, có vẻ như, nước đã thắng. Lại nghĩ thêm về vai trò của... nước mắt trong cuộc đời này.

Và cũng ở Gia Lai còn một loại đá rất quý nữa, có nhiều ở vùng huyện Phú Thiện, là gỗ hóa thạch. Những cây gỗ hàng triệu năm trước, trong một "big bang" nào đó, dưới sức nóng hàng ngàn, thậm chí hàng triệu độ, bị vùi lấp đột ngột, rồi hóa đá. Từng có những cây đá rất lớn như thế được rao bán. Giờ, người ta sẻ ra từng cục nhỏ bán làm quà lưu niệm...

Theo các nghiên cứu thì Gia Lai được hình thành trên cơ sở từ các miệng núi lửa và nền đá cổ rất lớn. Núi thì có đá là đương nhiên. Và dưới sức nóng của nham thạch núi lửa, đã tác động đến đá khiến nó mang nhiều yếu tố khác lạ cả về màu sắc và tính chất đá.

                                        Bàivà ảnh Văn Công Hùng, bài gốc ở đấy

 

                                      Săn con nghệ thuật đá


                     Đá sông Ayun Pa

                   Đá Kon Chro được mang về trang trí ở quảng trường Pleiku.

Đá Chư Sê đặt trên bệ ở quảng trường.

(Chả hiểu có ý tôn vinh không, nhưng ở cái quảng trường trung tâm thành phố Pleiku, một đầu  người ta để một cụm 54 khối đá Kon Chro tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, đầu kia thì nguyên một khối đá Chư Sê đặt trên bệ tượng. Cái tượng này nguyên thủy đặt tượng anh hùng Núp thời trẻ, cũng tạc bằng đá, sau người ta cẩu cái tượng đi và đặt cục đá lên.)


                       Đá ở suối làng Vân, thị trấn Ia Ly, Chư Păh.

 

                   Gỗ hóa thạch được bày trong nhà như vật trang trí.

                    Bàn ghế bằng đá nguyên khối đặt ở công viên.

                                 Bãi đá ở thủy điện H'chan, huyện Mang Yang
Đá ở sông Pô Kô đoạn biên giới Ia Grai. Trong ảnh là nhà văn Nguyễn Bình Phương, TBT tạp chí VNQĐ. Toàn bộ ảnh nhà cháu, tất nhiên

 

2 nhận xét:

Lắp đặt âm thanh hội thảo nói...

Đá có vẻ đẹp riêng cuả nó, chúng ta chỉ cảm nhận được khi ta được khám phá dưới góc độ nghệ thuật

Nắng gió Tây Nguyên nói...

cứ để đá ở chổ của nó sẽ đẹp hơn