Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

"VẼ" MÌNH

 Tờ Tạp chí Du Lịch HCM mần bài này về nhà cháu, có khi họ coi nhà cháu cũng như một sản phẩm du lịch, như... tượng mồ, như ghè rượu như chuột như sóc he he. Đăng lại ở đây ạ.

-------

Cú đi công tác xuống làng Tây Nguyên đầu tiên của tôi là đầu năm 1982.

Cuối năm 1981, cách tết đâu chừng một tháng, tôi đeo ba lô lên Gia Lai - Kon Tum nhận công tác ở Ty Văn hóa Thông tin. Khi ấy chưa biết Tây Nguyên là gì, mở bản đồ thấy Pleiku gần Huế nhất, thế là chọn. Lý do chọn: 4 thằng chơi với nhau, muốn sẽ mãi mãi chơi với nhau, bèn chọn nơi mà chắc chắn sẽ nhận cả 4 đứa. Thứ 2 nữa, tôi thích bài hát của Phạm Duy và Vũ Hữu Định có câu "Em Pleiku má đỏ môi hồng". Kết quả, mỗi mình tôi đi, ba đứa kia ở lại.

Cú công tác ấy cũng vui.


Đương lơ vơ chả biết làm gì ở cơ quan, cái cơ quan hành chính mà nói như nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo trong lời bài hát vui của ông ấy: Ơi cái ngành trời ơi đất hỡi (Bài này ông Tạo hát cho cả ông Trần Hoàn nghe khi ông Hoàn đương kim bộ trưởng) thì có đoàn công tác của Viện Văn hóa dân gian ngoài Hà Nội vào để xuống làng điền dã. Thấy có người trong đoàn ngỏ ý muốn tìm người biết sử dụng máy nổ thuê đi cùng để chạy máy nổ cho đoàn. Tôi hỏi anh bạn họa sĩ cùng phòng: Ông biết chạy máy nổ không? Thì cứ giật dây là nó nổ chứ có gì đâu? Thế là tôi với ông họa sĩ nhận làm chân máy nổ.

Xuống làng, gặp giáo sư Tô Ngọc Thanh, trưởng đoàn. Ông hết sức ngạc nhiên khi thấy hai ông thợ máy nổ một ông là cử nhân văn chương, ông kia là cao đẳng Mỹ thuật. Ông hỏi tôi: có thích làm Fonclo không? Tôi nói ngay: Dạ không, mộng của em là lên đây để sáng tác, chuyến này là chuyến xuống làng đầu tiên của em. Thấy ông Thanh thở dài nhè nhẹ, chắc trong mắt ông tôi là kẻ ngựa hoi háu đá.

Thế mà rồi, tới nay, tôi đã có chẵn 40 năm ở Tây Nguyên, thành người Tây Nguyên, chết với cái danh "Hùng Tây Nguyên".

Nói cho công bằng, tôi không có chuyên môn sâu về Tây Nguyên. Tôi chơi với mấy anh bạn, học hàm học vị hẳn hoi, tôi học chuyên môn sâu từ họ, dù vẫn có người học hàm học vị rất kêu nhưng kiến thức lùn tịt, chưa kể toàn đi chép.

Cái chính là tôi chịu khó quan sát, và so sánh.

Cả triệu người cùng ở Tây Nguyên chứ, có xuất phát điểm cao hơn tôi nhiều, nhưng họ vẫn là khách lạ trước Tây Nguyên. Tôi thì, vừa ngơ ngác ngạc nhiên trước Tây Nguyên lại vừa như là người nhà.

Sau này thì ít, chứ thời kỳ đầu, thời gian ở dưới làng của tôi nhiều hơn trên cơ quan. Đơn giản, xuống làng thì được... ăn no. Ở Ty Văn hóa nên có nhiều vải đỏ, các thứ vật tư văn hóa, mà những món này bà con rất thích. Tôi thủ một ít vải đỏ, loại bên phòng thông tin cổ động làm băng rôn ấy, cho vào ba lô, xuống đổi gà, đổi rượu cần. Cứ thế lang thang làng này sang làng khác. Hồi ấy bà con còn rất hào sảng, cứ có khách là họ nấu cơm cho ăn, giờ thì khác rồi, du lịch phát triển, rồi người Kinh làm phiền nhiều quá, thêm nữa, như thế mới đúng, nên thường thì quy ra tiền, kể cả chụp ảnh.

Và làm việc hoặc chơi với bà con thì phải biết cách, không thì lún vào đấy rồi say như họ thì không làm việc được. Mà xa cách quá thì lại cũng chả ai nói chuyện với anh. Tôi có mấy anh bạn nhà văn nhà báo, thi thoảng trách: Đi với ông mất thời gian quá, ông  cứ lún vào ăn nhậu, lúc nào mà về. Kết quả khi về họ chỉ trần sì số liệu trong sổ, còn tôi thì chả sổ sách gì, nhưng có số liệu trong... bụng. Sống và hiểu quan trọng hơn ngồi hỏi rồi ghi.

Nhớ hồi đầu tôi đi sưu tầm truyện cổ dân gian, một bác người Jrai ở phòng văn hóa huyện Chư Păh đi cùng để làm phiên dịch. Thấy có đoạn ông nghệ nhân kể mọi người lăn ra cười, mấy cô gái thì đỏ mặt. Ông cán bộ văn hóa nghiêm mặt nói gì đấy, ông nghệ nhân chấm dứt đoạn ấy. Tôi phải cật vấn rất kỹ thì ông cán bộ văn hóa khai: Ô cái đoạn ấy nó tầm bậy tầm bạ mà, nó nói tục mà, lại mê tín nữa, không được đâu, không đúng đường lối. Nói miết ông ấy không dịch. Tối, tôi thoát ông ấy, lôi một anh du kích lõm bõm tiếng Việt đi cùng, tới cạy cục ông nghệ nhân, rồi cùng anh du kích dựng hoàn cảnh, ráp ngôn ngữ để khôi phục cái đoạn ấy, trời ơi nó thú vị vô cùng. Nhờ thế mà sau này có lần tôi giúp một cô học viên cao học đăng ký đề tài thạc sĩ "Yếu tố biển trong sử thi Tây Nguyên", nhưng tiếc nó không được duyệt vì cả hội đồng duyệt ngạc nhiên Tây nguyên liên quan gì tới biển, tới khi nghe tôi giải thích họ mới ồ à?

Giờ thì yếu bụng rồi, chứ một trong những nguyên tắc để đi làng, dự những cuộc mà sau này chúng ta gọi là lễ hội ấy, là phải lăn xả vào ăn và uống với bà con. Lễ Pơ thi họ làm trong khu nhà mả, hàng chục con bò mà chỉ có dăm gùi nước. Thì có gì đâu, tất cả mọi thứ, cả tiết và các thứ trong dạ dày, ruột, bóp chung vào cái nồi, rồi thứ thì gói lá, thứ thì ủ than, nướng sơ lên, và chén. Rồi chuột, tắc kè, rắn... chén hết, nướng rồi chén, nước rửa rất ít. Thậm chí các loại thịt cho vào ống nứa, cơ bản là không muối, gác lên giàn bếp, có khách họ đổ ra ăn, khách quý mới được ăn, mà mình là khách quý...

Tôi cũng từng một mình làm một con chó lúc 8 giờ tối để 10 giờ thì có ăn trong hoàn cảnh một cái làng giữa rừng, chỉ có muối và sả và lá lốt, và một con dao găm. Và tôi đã hoàn thành suất sắc bữa thịt chó ấy phục vụ ông anh hùng Núp về thăm lại chiến khu xưa. Sở dĩ bà con mang chó đến đón ông Núp vì nơi này xưa là chiến khu, bộ đội ở và hay làm thịt chó. Hòa bình, bộ đội về hết, hai chục năm sau, mới có mấy ông Kinh quay lại, bà con bắt chó khiêng đến để vừa là đãi ông Núp vừa là nhớ hương vị một thuở, dù họ không hề hỏi trước có ai biết làm thịt chó không, và lấy gì để nấu với chó? Cũng nhân nói chuyện ông Núp, tôi với ông xuất phát từ Pleiku lúc sáng, định khoảng trưa là tới, thế mà cuối cùng phải 8 giờ tối mới tới. Đơn giản là, đi qua mỗi làng ông lại ghé vào, bà con lại bê ghè rượu ra, lại vít cần, lại là đà. Đa phần là uống suông, chứ bà con không như người Kinh, trong nhà thường sẵn cái gì đấy để lai rai, hoặc là nhanh nhạy bắt con gà. Đây toàn ngồi trong nhà rông, uống cạn ghè lại đi, thấy làng lại vào, cứ thế, chuyến đi ấy của tôi theo ông Núp kéo dài cả tuần, học được bao điều, dù say bí tỉ, về mệt bã ra, và ông Núp khi ấy đương kim chủ tịch mặt trận tỉnh, nhẽ là phải 8 tiếng ngồi bàn giấy.

Tôi cũng được đi với các đấng các bậc như giáo sư Từ Chi, giáo sư Tô Ngọc Thanh nhiều lần nữa, mỗi lần đi là một lần học.

Và cũng bị nhiều người ghét.

Là đi rồi nhớ rồi nhập tâm rồi biết thế nào là đúng. Thấy họ làm sai, viết sai là nêu ý kiến. Cái sai có nhiều lý do. Có lý do là không hiểu biết nhưng nói liều, viết liều. Có cái sai do tham, biết sai nhưng là dự án, làm thì có tiền, nên cứ nhắm mắt làm.

Mới nhất một tờ báo một tỉnh Tây nguyên đăng một bài về mâm cỗ của người Tây Nguyên. Nó sai toàn bộ từ đầu tới cuối. Tác giả đã tả mâm cơm của người Kinh và người Mường cộng lại thành "mâm cỗ" Tây Nguyên, hân hoan và nóng sốt.

Trước đó là phong trào làm "nhà rông văn hóa" nó sai hoàn toàn về bản chất nhà rông. Phải cả chục năm phong trào này mới chấm dứt sau khi tiêu cả ngàn tỉ vào đấy. Và giờ, rất nhiều những cái "nhà rông văn hóa" như thế để không, như cục nợ với đời.

Làm việc với nghệ nhân cũng phải biết cách. Đấy là những người cực giỏi, thông minh, giàu kinh nghiệm và cũng cực đoan, chỉ họ là đúng, làng họ là đúng, dân tộc họ là đúng. Nhưng họ chỉ ở trong nhà họ, làng họ, họ không biết nhà khác, làng khác, dân tộc khác như thế nào. Mình là người đi nhiều, phải biết tập hợp lại, tìm ra những nét chung nhất, chứ không thì mình cũng... như họ, và chắc chắn là không bằng họ, chắc chắn không thể bằng.

Hiểu biết lộp chộp nên cũng nhiều lần hớ. Vui nhất là lần tôi làm bài thơ "Tháng năm này gió thổi dọc Trường Sơn", có câu "Những cây khộp già đăm chiêu trong chiều vắng". Bài ấy nhiều người thích và thuộc. Một hôm có ông đồng nghiệp nhắn: Khộp là cây nào chỉ cho ông ấy với. Tìm hiểu thì chết thật. Nó không có cây khộp mà là rừng khộp, là một loại rừng nghèo, trong ấy có các cây dầu là chủ yếu. Nó cũng như rừng Tai Ga ở Nga, là một loại rừng chứ không phải rừng có cây Tai Ga. Phải viết đến mấy bài báo thanh minh, nhưng giờ cái câu thơ ấy lan truyền nhiều rồi. Bù lại cũng giúp nhiều người, kể cả rất nhiều thầy cô giáo dạy văn ở ngay Tây Nguyên biết cây Xà nu, cây K'nia, cây/ hoa Pơ lang là gì, dù họ dạy học trò ngày này sang năm khác?

Thì một hôm tờ Reatimes mở mục Rea Blogs, mời mỗi nhà văn nhà báo giữ một ngày. Tức đến ngày của ông nào thì ông ấy phải có bài, xuất bản vào lúc 7h sáng, tùy các ông viết gì thì viết. Toàn các nhà văn nổi tiếng. Và nhà văn Nguyễn Thành Phong, người giữ trang ấy, đặt cho mỗi người một cái tên để gắn vào mục, như "chuyện của Tiến Trọc" là của nhà văn Phạm Ngọc Tiến, "chuyện của Tuấn cơm có thịt" là ông Trần Đăng Tuấn nguyên phó tổng VTV, "chuyện của Lão Tạ" là nhà văn Tạ Duy Anh, "Chuyện của Thiều làng Chùa" là của nhà văn Nguyễn Quang Thiều vân vân. Chơi với nhau lâu, hồi làm TBT tờ Lao động Xã hội hay đặt bài tôi nên Nguyễn Thành Phong rất hiểu tôi, vì thế khi mời tôi tham gia viết bài cho mục này, anh ấn luôn cho tôi cái nick "Hùng Tây nguyên" cho mỗi sáng thứ 2 hàng tuần, và từ đấy tôi chết tên, tới mức có tờ báo khi giới thiệu tôi đã ghi rất rõ: Ông từng là người Kinh, sống ở Pleiku. Tức là tờ báo sợ bạn đọc tưởng tôi là người... Tây Nguyên.

Hồi đầu, quả là tôi có mặc cảm với cái sự Tây Nguyên của mình. Những năm tám mươi của thế kỷ trước, mỗi lần về phép xong lại không muốn lên, lên rồi cả tháng cứ lơ ngơ không muốn làm việc. Nhưng rồi, một mặt là thích nghi. Mỗi lần xuống làng Tây Nguyên là như dự một lớp học. Thêm nữa, sự thông thương nó dễ dần. Đặc biệc  là khi internet mở ra, tất cả khoảng cách gần như xóa nhòa. Tôi là một trong những nhà văn nhà báo đầu tiên của nước này xài mạng, từ thuở mỗi tháng dồn lương lại chưa đủ trả cước điện thoại. Bù lại, tôi như có mặt ở khắp nơi. Giờ ở Pleiku nhưng tôi có thể bay vào Sài Gòn dự đám cưới trưa, chiều nhậu thêm trận nữa với bạn bè thân thiết rồi ra sân bay về lại, tối ngủ ở nhà để sáng mai lại uống cà phê với bạn bay chuyến sớm từ Hà Nội vào, rồi lái xe đưa bạn lên Kon tum hoặc sang Buôn Ma Thuột. Và có bạn bảo, ông Hùng giờ tới đâu là nhà ngả đâu là giường vì bạn bè tôi ở khắp nước. Và chính vì thế mà mình không thiếu thông tin, thậm chí tôi còn siêng cập nhật hơn bạn bè ở các trung tâm lớn. Và mới nhất, chuyến phượt bằng ô tô của tôi từ Pleiku ra Bắc khiến tôi hiểu thêm rất nhiều điều, tôi thấy mình được thừa hưởng rất nhiều từ quê hương, mà tính ra tôi lại có khá nhiều quê: Huế, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và... Tây Nguyên. Tôi trở thành tôi bây giờ là nhờ được hít thở, được nuôi dưỡng từ những vùng văn hóa ấy. Mà nghiệm ra, đấy toàn đất vua. Đi, nhặt nhạnh, để ý, tìm hiểu, rồi đọc, rồi suy ngẫm, so sánh, rồi viết, kẽo kẹt viết... tôi giờ có 3 cái thú là đi, đọc rồi viết. Tất cả phục vụ cho cái thú lớn hơn: Chơi.

Mà giờ, tôi tự nguyện là người Tây Nguyên mà. Tới mấy lần định đi, lần về Huế quê cha, lần xuống Sài Gòn với con gái, mà cuối cùng, vẫn ở Pleiku, thành Hùng Tây Nguyên...

"Pleiku như chân trời định mệnh
xa ngái nào cũng thấp thoáng mây trôi
…"- 2 câu thơ trích từ bài "Những buổi chiều không mất" của tôi.

Link gốc ạ

 


                    


                     

                              

 


5 nhận xét:

Hongtran nói...

Văn hóa lùn là do thiếu "dinh dưỡng" hay do "gene"? Vậy bác. Hii.

Văn Công Hùng nói...

@Hongtran: Do người á.

Nặc danh nói...

Tôi hay đọc anh vì văn anh nó tửng tửng gần giống Bọ Lập
Anh chả phải giáo sư tiến sĩ gì nhưng tất cả do yêu, thích va chạm, thích xê dịch nên vốn sống nhiều và viết khỏe. Anh có một công việc thú vị không nhiều người có (một người nữa mà tôi rất thích là anh Trần Đức Anh Sơn cũng vậy). Giờ hưu lại càng thú vị hơn. Chúc anh Hùng Tây Nguyên khỏe và viết nhiều.

Văn Công Hùng nói...

Ôi giời cám ơn bạn rất nhiều ạ. Được đánh giá cao quá cũng ngại hihi.

Lắp đặt âm thanh hội thảo nói...

Mỗi nơi công tác có những thuận lợi, khó khăn riêng; người thích khám phá lại thường chọn những nơi khắc nghiệt nhất đẻ khám phá được nhiều nhất những điều kỳ diệu