Thứ Ba, 20 tháng 7, 2021

BÁNH MÌ, MÀ KHÔNG PHẢI BÁNH MÌ, LẠI VẪN LÀ BÁNH MÌ, RẤT LÀ KỲ...

           Chiều muộn ngày 19/7, thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính lại chủ trì họp chính phủ về vấn đề Covid. Nói "lại" là bởi hầu như liên tục từ khi nhậm chức tới nay, thủ tướng liên tục phải chủ trì các cuộc họp như thế, không chỉ ở văn phòng chính phủ, ở Hà Nội, mà còn ở TP HCM, ở một số tỉnh phía Nam.

          2 ý chính thủ tướng nêu ra tại cuộc họp chiều 19/7 là "Các địa phương không được tạo giấy phép con trong phòng chống dịch"- tít của một tờ báo, và "Lãnh đạo, chỉ đạo chống dịch cần tập trung, thống nhất, chuyên sâu" cũng tít phụ một tờ báo khác.

          Cùng lúc ấy, trên báo chí và trong dư luận nhân dân xôn xao bởi mấy quyết định có phần cục bộ của các tỉnh, như không chấp nhận test nhanh khi vào tỉnh Quảng Ninh, như cấm đi làm bằng xe máy ở Bà Rịa Vũng Tàu. Và đỉnh điểm là việc một phó chủ tịch phường ở Nha Trang tịch thu giấy tờ, giữ xe máy của một công nhân vì anh này ra ngoài mua bánh mì và nước uống. Cái sai lớn nhất của vị phó chủ tịch phường này là rất hách dịch với dân, mày tao trấn áp anh công nhân, dọa bắt anh này vì anh ấy bảo anh ấy không nghĩ là đi mua bánh mì mà lại bị bắt. Và sai nặng nữa là giải thích cho anh công nhân: lương thực là gạo rau củ, thực phẩm là mắm muối cá thịt, bánh mì là món ăn chứ không phải lương thực thực phẩm... Một việc nữa khiến rất nhiều người phẫn nộ là anh phó chủ tịch phường này kỳ thị người "ở núi" khi hỏi anh công nhân là ở núi về hả, và nhắc tên mấy địa phương ở Tây Nguyên: Đăk Lăc Gia Lai, Buôn Ma Thuột...

          Nó chứng tỏ một điều thế này, là chúng ta chưa thống nhất trong điều hành chống dịch. Ngay việc thành phố HCM đóng cửa rụp cái tất cả các chợ đầu mối cũng không phải là không có ý kiến bàn ra tán vào. Và thực tế là, sau mấy ngày, hàng hóa hết sức khan hiếm, người dân rất khổ, rồi hôm nay chợ đầu mối đã đang được mở lại, tất nhiên là trong khả năng kiểm soát. Trước đấy thì là việc tỉnh này thắt chặt tỉnh kia nới lỏng tỉnh nọ nghiêm cấm... đón người từ vùng dịch về hoặc đi qua địa phương mình.

          Trong thực tế thì các tỉnh có những quyền riêng của mình để điều hành công việc của tỉnh, nhất là giữa tình hình dịch bệnh, chống dịch như chống giặc. Nhưng nó lại cũng có một thực tế thực tế hơn nữa là, trong hoàn cảnh hiện nay, từng tỉnh không thể là ốc đảo, mà nó liên thông với nhau rất nhiều thứ nhiều việc. Việc lưu thông hàng hóa là điều kiện tiên quyết để nền kinh tế hoạt động bình thường, và cụ thể hơn, để nuôi nhau, nuôi dân, tỉnh này hỗ trợ, chính xác là, trao đổi, giao thương với tỉnh kia. Chỉ một khâu bất hợp lý, ách tắc, là người dân khốn đốn, đời sống đình trệ.

           Chả phải ngẫu nhiên mà trong cuộc họp chiều 19/7 ấy thủ tướng đã phải chỉ rõ: Người dân vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể tham gia; tham gia phòng chống dịch vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của mỗi người dân.

          Thực ra chỉ để bảo vệ địa phương mình thì cách dễ nhất là cấm vận, là rụp phát phong tỏa. Nhưng như thế người dân sẽ rất khổ, sẽ trở tay không kịp, nhất là những người kiếm ăn hàng ngày như bán vé số, lao động tự do, và cả những người như anh công nhân ở Nha Trang kia.

          Cũng chiều nay, 19/7, có một sự việc khiến ai biết cũng đều lè lưỡi kinh ngạc: thất nghiệp vì dịch Covid, bốn mẹ con làm thuê đã... đạp xe, vâng, xe đạp ạ, bốn người trên hai chiếc xe không mới nếu không muốn nói là cũ, từ Đồng Nai về Nghệ An. Tới Ninh Thuận thì "bị" phát hiện. Những người trực ở chốt đã vét hết tất cả tiền trong túi ủng hộ họ được một triệu đồng để họ đạp xe đi tiếp. Khi tới chốt Ninh Phước, Ninh Thuận ấy bốn mẹ con đã đạp xe 11 ngày, được 282 kilomet. Và để về tới quê Nghi Lộc Nghệ An, họ còn tới 1383 kilomet nữa, với tốc độ như đã thì họ còn 40 ngày nữa mới tới nhà.

          Nó chứng tỏ là, với người nghèo đi làm thuê kiếm ăn qua ngày, trở về nhà, dù là rau cháo, vẫn yên ổn hơn, có chỗ để gửi niềm tin hơn, chứ ở đất khách quê người, họ hoàn toàn như người múa tay trong bị. Và ở Việt Nam bây giờ, số người đi làm thuê như thế nhiều lắm.

          Cũng như cái clip ai xem cũng rớt nước mắt, anh bảo vệ tên Nguyễn Bảo Hùng nọ, liên tục trong nhiều ngày chỉ ăn mì gói, ngày 2 gói, 2 ly sữa. Mỗi tuần ăn đúng 200 ngàn tiền mì gói để cầm cự qua ngày. Trực từ 19h tối tới 7h sáng, anh ngủ để quên... đói. Ăn một gói mì lúc 22h, gần sáng uống sữa, 7h về ngủ ở nhà trọ tới 17h dậy ăn gói mì đi làm. Hôm đi làm thì bị cảnh sát giao thông "hỏi thăm" vì giấy tờ xe dưới quê chưa gửi lên kịp cũng vì dịch. Nhẽ là bị phạt, nhưng khi nghe anh trình bày thì cảnh sát đã để cho đi.

          Thế thì việc lo cho họ miếng ăn hàng ngày ở những thành phố họ đang nương thân, và tạo điều kiện cho họ về quê để ổn định cuộc sống đều quan trọng.

          Tôi có nhiều bạn văn ở Sài Gòn. Đa phần họ sống ở những khu lao động. Và những ngày này, họ đang làm những việc rất hữu ích là... đi xin rồi phân phát lại. Những xe lương thực thực phẩm được chở tới cho họ, rồi họ đi phân phát tiếp, đi suốt đêm. Và giờ nhà họ là địa chỉ quen để những người đứt bữa tìm đến. Và té ra những người đứt bữa rất nhiều. Họ làm công, ngày nào ăn ngày ấy. Dư chút ít thì trả tiền nhà trọ và gửi về nhà. Giờ hết việc, họ đứt bữa. Và những túi gạo, quả trứng, gói mì tôm và cả những ổ bánh mì giúp họ sống qua ngày, đợi hết dịch.

          Và cũng những ngày này mới thấy tấm lòng cả nước với Sài Gòn, với những người dân vùng dịch. Lương thực thực phẩm được quyên góp rồi gửi vào. Từng đoàn xe dằng dặc. Những ngày đầu việc xin phép và xét nghiệm hết sức khó khăn. Rau vào tới nơi có khi đã thành... dưa...

          Tháo gỡ những việc ấy là một công việc cũng cấp thiết như chống dịch dập dịch nên thủ tướng và chính phủ đã phải quyết liệt chỉ đạo để công việc thông suốt, để chống dịch, nghĩ cho cùng, là bảo vệ cuộc sống an lành của người dân.

          Trở lại việc anh công nhân đi mua bánh mì ở Nha Trang, bằng hành xử như của vị phó chủ tịch phường và tổ công tác, nó chứng tỏ thêm một điều là, cuộc chống đại dịch Covid của chúng ta còn rất nhiều cam go khi có những vị cán bộ như thế trong  bộ máy. Và té ra, trong cuộc chiến đấu này, nếu có thể gọi như thế, chúng ta có nhiều sĩ quan rất yếu kém, từ cách hành xử tới kiến thức cơ bản. Chúng tôi cũng vừa có trong tay cái văn bản của sở Công thương Khánh Hòa ký, trong đó có liệt kê các hàng hóa thiết yếu thì không có... bánh mì. Và lại cũng có thêm clip, cũng anh phó chủ tịch phường này đi "trấn áp" một lò bánh mì, tới mức, dân mạng phải kêu lên, hay là anh này có ân oán thù hằn gì với bánh mì.

Bài trên mục "Kính đa tròng" Báo Dân Việt. Link gốc



                                                            

 

2 nhận xét:

Quế Sơn nói...

Xuất phát từ những câu chữ của nơi ban bố lệnh: 'Chỉ được giao dich, bán mua các nhu yếu phẩm thiết yếu'. Mẹ kiếp, không chỉ từ lãnh đạo cao cấp mà đến lãnh đạo các tỉnh thành, cả báo đài đều răm rắp 'nhu yếu phẩm thiết yếu'. Các vị này không hiểu đang dùng thừa từ'thiết yếu'. Yếu tố 'thiết yếu' nó đã nằm gọn trong 'nhu yếu phẩm'. Nhu yếu phẩm là mặt hàng thiết yếu đang có nhu cầu. Dạng người khan chữ như này hiện nay trong xã hội nhiều vô kể. Biết sao bây giờ. Thành ra, bánh mì, rồi lò bánh mì, có thể, nó là nhu yếu phẩm nhưng nó bị nghĩ' nhu yếu phẩm không thiết yếu'!!!

Văn Công Hùng nói...

@Quế Sơn, hihi lâu lắm mới thấy cụ xuất hiện ạ.