Thứ Năm, 22 tháng 7, 2021

SỰ NHẠY CẢM CHỮ NGHĨA

           Tôi ngồi xem đi xem lại cái clip một nhóm bạn trẻ ở Sài Gòn, đi xe máy, trên xe chất đầy các thùng, trong các thùng là những phần cơm. Họ đi khắp các con hẻm, trong đêm. Và những cảnh đời hiện ra. Chị nhặt rác, anh shipper, ông ăn xin, bé vé số, người lang thang... tới đâu họ đều xuống xe với giọng hết sức yêu thương: Ông bà cô bác ơi, mời ông bà cô bác dùng cơm... có cả những người ngái ngủ, chả hiểu gì, dụi mắt ngơ ngác. Là họ ngủ ngay trên vỉa hè ấy. Có người nở nụ cười rất tươi: Ngoại ăn rồi, cám ơn con, mang cho người khác nhé...

          Mà đấy chỉ là một đốm rất nhỏ trong rất nhiều bếp lửa yêu thương của người Việt giữa cơn dịch.

          Ngay trong giới nhà văn, rất nhiều người, hoặc lặng lẽ âm thầm một mình, hoặc một nhóm nhân việc mình làm lên để kêu gọi ủng hộ, xin thêm được cho người nghèo bao nhiêu tốt chừng ấy...

          Nhóm nhà văn nữ ở thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn. Họ lăn xả trong những ngày dịch đi quyên góp, rồi liên hệ mua gạo rẻ và ngon, chở đi phát cho các bếp ăn từ thiện, hoặc bếp hai ngàn. Từ ý định ban đầu định mua mấy tấn sau số tiền quyên góp được lên tới mấy trăm triệu. Những Huệ Triệu, Trần Mai Hường, Phương Huyền... thành những shipper thứ thiệt, đàn chị Bích Ngân là cầu nối để công việc ấy cứ lan tỏa ra.

          Nhà văn Trương Thị Thương Huyền ở Hải Dương, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh ở Thái Nguyên, cũng lăn ra làm từ thiện. Kêu gọi, quyên góp, mua sắm, rồi mang đi trao. Họ làm như một công việc hết sức tự nhiên phải thế, như một thôi thúc nội tại, một tận tâm với đời...

          Và đừng nghĩ, cứ mang đồ từ thiện phát không là được hưởng ứng. Các cụ ta từ xưa đã nói "của cho không bằng cách cho" chí lý tới tận... ngàn năm sau.

          Cái cách dân ta làm từ thiện cũng rất dễ thương. Bếp 2 ngàn chẳng hạn. Lấy 2 ngàn một suất ăn trị giá mấy chục ngàn, nhưng phải lấy để người ăn không mặc cảm, không nghĩ là mình được bố thí. Cầm tờ 2 ngàn đồng, đổi lấy cái phiếu, thế là đàng hoàng bước vào, bình đẳng với mọi người và với phần ăn ba bốn chục ngàn kia. Cái clip mà tôi xem kia cũng thế. Họ, những người đi phát cơm ấy, trước khi phát cơm thì phải bỏ tiền ra, đi chợ mua thực phẩm, nấu, cho vào hộp, rồi đi phát, thế mà gặp ai cũng rất xởi lởi: Con mời ông bà cô bác/ em mời anh chị ăn cơm. Xong trước khi đi còn chúc ăn ngon miệng nữa. Hay cái quán cơm của mấy anh em ruột, tự bảo nhau nấu cơm rồi đóng hộp, bày lên bàn trước nhà mình, treo cái biển: "Kính mời: Quý ông bà, anh chị xa quê- bán vé số- khuyết tật nhận phần cơm mang về của tấm lòng chúng con. Kính chúc quý vị ngon miệng và nhiều sức khỏe. Sẽ tiếp tục vào lúc 10h00 sáng thứ 2, 4, 6 hàng tuần- xin cám ơn". Nói thật là tới lúc gõ lại nguyên văn những chữ trên tấm băng rôn này tôi vẫn nguyên xúc động, thậm chí rưng rưng nước mắt.

          Trong dịch đợt này, phẩm chất người Việt hiện lên rất rõ, ấy là yêu thương san sẻ, là đùm bọc thương yêu, là hy sinh cho người khác.

          VTV vừa có một loạt phóng sự rất hay về công nhân vệ sinh của một công ty ở Hà Nội gần cả năm không có lương vì chỗ này đẩy chỗ kia. Phía sau sự kiện ấy, khi biết tin, rất nhiều người đã lặng lẽ tới biếu tiền số anh chị em công nhân này, không ít, cả về số tiền và số công nhân. Họ làm việc ấy lặng lẽ, không ai biết, khác hẳn cách làm từ thiện của một số nhóm hiện nay, trống giong cờ mở, tới đâu chụp ảnh và Livestream tới đấy, trao quà không nhìn người được trao mà nhìn... ống kính. Thậm chí nhiều nơi đi làm từ thiện với điều kiện phải có... báo chí. Cảm động nữa là chính những người công nhân khốn khổ này lại nhường nhịn nhau những suất tài trợ quý hóa ấy khi có người còn khổ hơn mình, hoặc được lĩnh sau mình mà nhà đang cần tiền ngay.

          Và không chỉ đợt dịch này. Truyền thống dân tộc ta là thế, cứ khi nào "có việc" là lại rất thương yêu, đùm bọc nhau, đúng nghĩa "đồng bào".

          Là kể những điều nhỏ nhặt, những chuyện thường ngày, chứ lớn hơn thì nhiều nữa. Những y bác sĩ, những chiến sĩ công an, quân đội tuyến đầu vân vân, khiến cho những người giàu cảm xúc rất dễ rơi nước mắt khi đọc báo hay ngồi trước màn hình ti vi.

          Nhưng bên cạnh đấy, lại vẫn có những chia rẽ, những rạn nứt, những lao xao đàm tiếu... và nó lại liên quan tới... chữ nghĩa.

          Ấy là cái cách người ta dùng chữ nó "ngạo nghễ" quá, nó hừng hực quá, nó đầy lý thuyết, đầy tính từ, mà quên rằng, các cụ nói rồi, nói phải củ cải cũng ừ, mưa dầm thấm lâu... cứ gì phải hiên ngang với ngạo nghễ mới là mạnh mẽ...

          Ví như cái thông cáo báo chí của VNa, những là "hành trình thần tốc", là "mở ra "đường Hồ Chí Minh trên không" ", là "chiến trường miền Nam", rồi "tiếp lửa" rồi tham chiến" vân vân, cộng với vài hành động non nớt khác của các cháu sinh viên đã biến thành một scandal truyền thông gây khủng hoảng giữa lúc rất cần đoàn kết, thống nhất. Nguy hiểm hơn, nó gây ra một cuộc chia rẽ Bắc Nam, điều chúng ta đã rất nỗ lực nhiều năm nay để thực hiện ước nguyện "dân tộc Việt Nam là một".

          Nghĩ cho cùng, nó lại do cái thói quen dùng chữ, chứ chưa chắc những người thảo, người ký những cái thông cáo, công văn kiểu như trên chủ ý như thế.

          Không có quy định cụ thể, nhưng càng ngày số người dùng hòa bình, thống nhất thay cho giải phóng để chỉ ngày 30/4 càng nhiều. Và 30/4 năm nay, rất nhiều tờ báo lớn đã gọi đấy là ngày thống nhất, ngày hòa bình, ngày sum họp chứ không "giải phóng" như các năm trước nữa.

          Hơn ai hết, nhà văn, nhà báo phải luôn là người có trực cảm chữ nghĩa.

          Lâu nay cứ tới ngày 30/4 ấy, rất nhiều bài báo nhắc tới phía bên kia với thái độ hết sức trịch thượng, dù người nhắc ít tuổi hơn người được nhắc rất nhiều, thế mà cứ là y, hắn, gã... hoặc trống không: Thiệu, Minh, Phú, Trưởng vân vân...

          Nó tạo ra một sự "ngạo nghễ" ý thức hệ, trong khi chính sách rất lớn của chúng ta là hòa hợp, hòa giải, Bắc Nam một nhà. Và cái sự chia cắt kia nó xảy ra đã nửa thế kỷ rồi, thế mà giờ chính chúng ta cứ xát muối vào vết cắt ấy. Tự chúng ta làm chúng ta đau, làm chúng ta xót, tự làm tổn thương, chúng ta tự mình chia rẽ dù với cuộc chiến tranh lâu đến như thế, gia đình nào ở đất nước này mà chả đã từng 2 chiến tuyến?

          Cái thói quen chữ nghĩa nó tạo ra đường mòn trong ý thức là như thế.

          Thì tôi để ý, ngay cái từ rất đơn giản là đào ngũ nhưng rất nhiều nhà văn nhà báo hồn nhiên biến nó thành "đảo ngũ", dùng rất nhiều trong tác phẩm. Và nhiều chữ nữa cũng như thế...

          Các vết thương cần phải để liền da, phải gượng nhẹ, phải chăm sóc bằng thứ tình cảm trong trẻo vô tư nhất.

          Tưởng không liên quan, nhưng té ra chữ nghĩa lại gắn với đời sống đến thế. Nó đủ nhạy cảm để làm sự nhạy cảm thành... nhạy cảm.

Bài trên báo Văn Nghệ bộ mới số 3.




                                                                       

7 nhận xét:

Nặc danh nói...

Anh nói đúng hàng ngày cứ nghe trên TV, báo đài nào là: vinh quang, cất cánh, bay lên, tự hào, vươn đến những tầm cao mới...rất mệt

Văn Công Hùng nói...

Vầng, he he hihi

Quế Sơn nói...

+Chất tử tế có sẵn trong mỗi người dân Việt và dòng chảy thời gian, sễ phải xua đi những gì không hợp đạo sống. Chẳng sức cản nào ngăn được sự tự sàng lọc, tự chọn lựa của nhân dân để hướng đến chân thiện mỹ.
+Chưa rõ trong ngữ cảnh nào xuất hiện từ đào ngũ, đảo ngũ để góp bàn đúng, sai. Có điều, đào ngũ là trốn khỏi đơn vị công tác; đảo ngũ là trốn khỏi đơn vị công tác này nhưng khai man để được gia nhập tại đơn vị công tác khác. Hai từ này cùng tồn tại, không lẫn lộn. Đảo ngũ ít dùng. Đào ngũ thì thường dùng hơn.
Bấy lời.

Văn Công Hùng nói...

Vầng cụ, người ta hay dùng để chỉ sự trốn khỏi đơn vị về nhà ấy ạ, chứ từ đơn vị này sang đơn vị khác thì hết sức hãn hữu. Rất nhiều nhà văn dùng sai một cách hùng dũng huhu...

Hongtran nói...

Hãy bớt đi những khẩu hiệu đã lỗi thời. Hãy tôn trọng nhau dù ở bên nào vì họ cũng là một phần lịch sử của dân tộc.

Chau Thanh nói...

Đáng lẽ bác phải làm sếp tuyên giáo.

Văn Công Hùng nói...

@Chau Thanh trù ẻo tôi hả?
@Hongtran, hihi nhất trí cao ạ.