Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

GÓC QUÊ GIỮA PHỐ

 


(Bài trên báo Nông nghiệp Việt Nam số đặc biệt chào mừng 75 năm thành lập báo)

          Tôi đang sống ở một nơi hết sức thú vị, ở cái lõi của khu bưng biền xưa, giờ được quy hoạch thành khu du lịch, cách Sài Gòn có... 50 cây số mà như lạc vào một thế giới khác.

          Đấy là khu du lịch "Một thoáng Việt Nam" ở Củ Chi. Thôi bỏ qua những chuyện về du lịch rất thú vị ở đây, như đi sâu vào văn hóa, loại văn hóa nhân bản, cổ truyền của dân tộc, vào lịch sử, truyền thống để khơi gợi lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước... mà vẫn hấp dẫn vân vân, chỉ nguyên chuyện nông nghiệp ở đây cũng đủ để mê mẩn.

          Người ta đã dành khá nhiều diện tích đất cho mảng nông nghiệp ở đây. Có mấy mục tiêu để hướng tới. Một là vì bữa ăn sạch. Trước khi bán ra thị trường thì phục vụ ngay hệ thống nhà hàng ở đây. Đây là vấn đề sức khỏe con người. Một thời kỳ dài chúng ta lạm dụng hóa chất cho nông nghiệp quá nhiều. Rồi vì một môi trường sạch. Không lạm dụng phân bón vô cơ, bởi nó không chỉ có hại sức khỏe con người, mà còn hại mặt đất, ruộng đồng, nguồn nước. Vừa rồi thấy Đà Lạt cũng kêu việc sử dụng nhà kính để trồng trọt. Giờ nuôi gia súc cũng bị hiệu ứng nhà kính. Và ở đây, rất nhiều cây xanh, như rừng, nên nhiệt độ luôn thấp hơn bên ngoài từ 1 tới 2 độ. Làm nông nghiệp sạch ở đây còn tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân. Bên cạnh các kỹ sư, các nhà khoa học, là bà con nông dân địa phương...

          Và, nó còn một tác dụng lớn nữa là chỗ cho học sinh thực hành. Rất nhiều học sinh, mà chả cứ học sinh, kể cả một số sinh viên đại học, cũng chả biết hạt gạo được làm ra như thế nào. Điều này tôi chứng kiến khi được mời giảng bài cho lớp hướng dẫn viên du lịch của đảo văn hóa dân gian Vinpearl Nam Hội An hồi nào. Các bạn hướng dẫn viên toàn người địa phương loanh quanh đấy, bố mẹ làm nông, nhưng hỏi quy trình để có hạt gạo thì... chịu. Vì giờ, thu hoạch chẳng hạn, máy chạy ra ruộng, đầu vào là cả ruộng lúa, tích tắc đầu ra đã hạt lúa rồi. Rồi lại cũng máy xay thành gạo, nên có biết việc xay giã giần sàng của cha ông là như thế nào đâu?

          Thú vị là các tháp rau ở đây. Cái này mang về nhà thành phố, nhà cao tầng chung cư, đặt vào một góc, cứ thế có rau xanh ăn. Mà cái món này lại có thể thay được việc đổ rác hàng ngày, bởi ở giữa người ta thả trùn quế vào. Thức ăn thừa, vỏ hoa quả, rau già... cho vào đấy. Giun ăn thải ra phân. Phân ấy nuôi rau, cứ thế tuần hoàn. Cũng như thế là những phôi nấm. Giờ dân thành phố sáng tạo ra đủ thứ để trang trí, như củ khoai để trong ly nước cho nó lên mầm chơi thay hoa, và khi đủ lớn, có thể ngắt làm rau ăn. Dăm củ là được bữa rau lang luộc, sạch và ngon. Thì những phôi nấm mang về treo trong nhà cũng thế. Thay hoa, vì nó ra rất đẹp, hình dáng như hoa và nhiều màu sắc. Trẻ con biết thế nào là sự phát triển của nấm, tự tay tưới tắm hàng ngày sẽ kích thích lòng yêu thiên nhiên và hiểu biết về sự sống và phát triển của thực vật. Và cuối cùng là... thu hoạch. Còn cái thú nào hơn là được thu hoạch nấm tại... nhà mình, ở tầng thứ mấy chục cao ngất nghểu trong chung cư, do chính mình chăm sóc hàng ngày... Chưa kể còn những cách trồng rau vừa mới vừa sạch vừa khoa học vừa gọn nhẹ là thủy canh hồi lưu, thủy canh tĩnh... đều có thể vác về để trong phòng như để cái tivi, cái tủ lạnh, cái ghế cái bàn... và, có rau ăn, rau sạch, rất sạch, lại còn ngồi ngắm hàng ngày như ngắm hoa.

          Cũng ở đây còn một thế giới tre. Hơn một trăm giống tre trên khắp thế giới có mặt tạo nên một rừng tre vừa nhiều màu sắc vừa nhiều chủng loại. Ai nghĩ tre lại có nhiều màu đến thế, từ đen, trắng, tới vàng, xanh, tới sọc...

          Và cũng tới bây giờ tôi mới biết, té ra, tre chả bỏ đi một tí gì, dù hồi nhỏ tôi từng sống ở xứ nổi tiếng về tre là Thanh Hóa. Trong 5 thế mạnh liên quan tới chữ L của xứ Thanh, thì luồng có mặt chứng tỏ nó oai hùng tới thế nào, nhưng mãi tận giờ tôi mới biết hết công dụng của nó, từ lá tới rễ...

          Theo thống kê thì tre nhả ô xi 30% hơn các loại cây khác. Rễ nó giữ đất rất tốt, còn lọc được nước. Từng có nhà khoa học đề nghị trồng tre dọc biên giới để giữ đất. Không chỉ thế, nó có thể trồng được ở cả vùng ven đê sông biển. Ý tưởng giữ đê rất thú vị, đặc biệt khi Việt Nam là một trong năm nước bị ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu, của nước biển dâng. Tất nhiên không phải giống tre nào cũng có thể làm được việc này. Tre làm thực phẩm thì ai cũng biết rồi, ngoài món măng quen thuộc mà nam phụ lão ấu xứ Việt đều biết thì nó còn được chế biến thành nấm tre, muối tre (lại nhớ thời "Bắn Pháp chảy máu" dân làng Kông Hoa đốt tre lấy than ăn thay muối)... và dùng thay nồi nấu cơm, mà món cơm lam giờ đang thành đặc sản là ví dụ. Tre còn làm thức uống bổ dưỡng: trà lá tre, bia tre, rượu tre, nước uống lá tre, và cả nước... xông lá tre.

          Viết tới đây, tôi chợt nhớ, cái áo mình đang mặc được làm từ tre, và nó khá đắt, tương đương áo hàng hiệu. Ưu điểm lớn nhất là nó không phải ủi, giặt phơi xong lại mặc ngay. Vải tre có thể cản các tia có hại cho da, ấm mùa đông và mát mùa hè, diệt khuẩn, hút mùi... nó tương tự như than tre, giờ đang được sử dụng để hút mùi, cản các tia, hạn chế phóng xạ, lọc nước, không khí...

          Những ngôi nhà tranh tre nứa lá một thời được coi là biểu hiện của... nghèo, giờ lại là mơ ước của nhiều người.  Nó không chỉ lãng mạn, nên thơ mà những ngôi nhà tre đã có thể bền tới bốn, năm chục năm. Và kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa cũng nổi danh thế giới cũng từ việc làm nhà từ tre.

          Và cũng được biết, các ngự y triều Nguyễn đã nghiên cứu ra tới hàng trăm bài thuốc từ tre.

          Có thể so sánh, nếu trồng cây thì tối thiểu phải ba bốn chục năm mới khai thác, và cũng tốn chừng ấy thời gian trồng mới khai thác lại. Tre thì ngắn hơn nhiều và khai thác liên tục, cứ chặt cây này thì cây khác mọc lên, "tre già măng mọc" là thế. Một bụi tre có thể khai thác cả trăm năm là thế.

          Thế nên, chả phải ngẫu nhiên, mà khu tre và nấm ở đây lại luôn có đông người ghé thăm. Nấm đang dần trở thành thực phẩm chủ lực trong bữa ăn của người Việt. Nó vừa đủ dinh dưỡng, ngon, dễ chế biến và sạch. Còn tre, giữa trưa nắng, còn gì thú vị khi đi hoặc mắc võng nằm giữa rừng tre. Tôi vừa về quê, những rặng tre trong các con ngõ đã được... chặt để mở đường bê tông phục vụ chủ trương nông thôn mới. Thấy cứ thiêu thiếu. Đành rằng có quang đãng, có hiện đại, có thuận lợi cho ô tô vào tận ngõ, nhưng hình như cái hồn cái cốt của nông thôn Việt nó cứ phấp phỏng vơi đi như câu thơ ngày nào của Nguyễn Bính: "Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều". Mà thời cụ Bính, phố nó chưa thênh thang như giờ, chưa chói mắt như giờ. Phố hồi ấy mới hơn cái làng tí đường nhựa...





                                               Hoa gà tiên (Tiên kê)









5 nhận xét:

Tôn Thất Quỳnh Ái (Nhà báo Tôn Anh Giang) nói...

bài hay, cám ơn tác giả cho đi du lịch...

tôn thất quỳnh ái nói...

bài hay

quynhai1966@gmail.com nói...

quá hay,anh

Văn Công Hùng nói...

Hì, cám ơn bạn ạ.

Unknown nói...

Cám ơn tác giả đã cho tôi được đi du lịch an lành. Mong sớm được đến đây. Chúc anh luôn mạnh khỏe và có nhiều nhiều bài viết hay.