Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

CHUYỆN MỐT MỘT THỜI

 

Bài hôm nay trên reatimes ạ, Link gốc đây 


Nhân thấy cái ảnh ông bạn phây Phan Chí Thắng khoe thời trẻ đầu có cái đường ngôi thẳng tắp, chói lòa, lại nhớ cái thời cấp 3 trường huyện ở Thanh Hóa của tụi tôi.

Tôi là dân thành phố sơ tán về nên hay được coi là đầu têu các món ăn chơi. Đầu tiên là... cái đầu. Tụi bạn cùng lớp thấy đầu tôi có ngôi mà của chúng cứ bờm xơm dựng ngược hết lên nên mới hỏi cách làm cho có ngôi. Tôi tận tình bày mấy việc, một là mỗi buổi sáng nhúng đầu vào chum nước rồi chải. Nhưng tóc cứ khô thì lại dựng. Thì hà hơi vào tay mà vuốt, tôi lại xui. Thế là thấy mấy đứa con trai đứa nào cũng suốt ngày vuốt vuốt sau khi khum bàn tay vào miệng hà cật lực đến phì cả nước bọt vào tay. Nhưng thằng Ân thì không thể được vì đầu nó 2 xoáy. Tôi bảo để tao, thế là một hôm tôi đè đầu nó ra, lấy kéo xén một đường làm ngôi. Nhưng xén vụng nên cái đường ấy vừa to vừa cong. Đầu nó thành cái luống khoai rất kỳ dị.

Tiếp đến là... quần. Thời ấy quần ống Tuýp đang là mốt. Bó cứng lấy chân, cạp liền, quai nhê (ai sống thời ấy thì nhớ, tôi không giải thích cặn kẽ được, đại loại là có cái dải kéo liền quần để không phải dùng nịt). Nhưng bố mẹ tôi thời ấy rất nghiêm, cấm quần ống tuýp (ngay ra đường lớn phớn là bị cờ đỏ đút chai bia vào, nếu không vừa là cũng dùng kéo xoẹt ngay). Tôi với mấy thằng trọ học cấp 3, buổi chiều mang quần ra... khâu ống lại. Khâu đi khâu lại mới xong vì đàn ông mà khâu tay nó buồn cười lắm. Tôi khâu xong thì cứ để thế mặc, còn thằng Ân thì... cương quyết đoạn tuyệt nên lấy con dao thái chuối của bác chủ nhà chặt phăng cái phần túm vào còn thừa đi. Hôm sau lên lớp là một cơn bão dư luận (may hồi ấy chưa có phây). Cô giáo chủ nhiệm kêu lên nói thầy hiệu trưởng cấm mặc quần ấy, nếu không nghe sẽ đuổi học. Tôi chỉ việc ra sau lớp, tụt quần ra, lấy răng cắn đứt chỉ rồi mở đường khâu ra, cái quần lại như cũ. Thằng Ân thì không thể được nữa. Mà nhà nó nghèo, có mỗi cái quần ấy, quần bộ đội của bố nó. Thế là tôi phải cho nó mượn quần, mặc mấy tuần rồi mọi người quên đi nó lại mang cái quần bộ đội ống túm ra mặc. Mình nó mặc nên không ai để ý, thế là nó chung thân với cái quần buồn cười ấy cho đến khi đi bộ đội.

Vẫn nhớ, ba mẹ tôi hồi ấy rất nghiêm khắc. May quần áo cũng ba mẹ đưa đi, ống đúng 22 phân, túi thẳng chứ không được chéo, không quai nhê quai nhiếc gì hết. Cắt tóc cụ cũng ra tận nơi hẹn thợ: 3 phân nhé, không được tóc dài trùm gáy, không được mai dài, không được đít vịt... Đâu ngờ, giờ đầu 3 phân, 2 phân, thậm chí... trọc đương là mốt. Quần ống nhỏ thì lâu lắm chưa trở lại (với nam thôi, chứ con gái giờ quần ống nhỏ guốc cao gót đang đẹp kinh người), nhưng ống đứng, ông loe, loe từ đầu gối rồi loe từ háng cứ xà quầng quay đi quay lại miết.

Lại nhớ ngày xưa ấy mấy bác thợ cạo (cắt tóc là chủ yếu, không ngoáy tai, cạo rất sơ sài mà sao hay được gọi là thợ cạo) là rất oách. Vì là "lao động gián tiếp", không phải lội ruộng, lại dẻo miệng, chuyện gì cũng biết. Quan trọng là, luôn có tiền mặt trong túi, chứ nông dân có nhà cả tháng chả thấy tờ tiền ở đâu. Tông đơ bằng tay, cái miếng vải màu cháo lòng cả năm vẫn không giặt được dùng để khoác vào người làm khăn hứng tóc. Cái lược cáu bẩn, con dao cạo đánh bằng thép có miếng da để liếc cho sắc, một cái ghế gấp và cái gương tự cầm hoặc gắn lên bức tường, cành cây tùy chỗ ông thợ đặt ghế, là thành... tiệm cắt tóc. Và quan trọng nhất là cái... kéo.

Bất cứ ông nào học cắt tóc thì việc đầu tiên là phải học đánh kéo. Giờ chả thấy ông thợ cắt tóc nào làm thế. Ngày xưa thì cái tiếng lách tách ấy cứ liên tu lục tịch ở cái ghế bác cắt tóc.  Mà nhìn kỹ thì, cái kéo ấy nó không hề chạm sợi tóc nào. Chạm tóc là nhiệm vụ của tông đơ. Cái kéo chỉ có nhiệm vụ duy nhất là... giải quyết khâu oai. Ngồi trên cái ghế xếp bé tí, nghe tiếng kéo lách cách trên đầu cứ tưởng nó đang xẻo tóc mình ghê lắm, té ra nó chỉ cắt... gió. Thế mới vui.

Tóc thời ấy mốt là đít vịt. Là cái gáy ấy tóc nó khum khum lại như cái đít vịt. Đằng trước thì xoáy tròn, không có điều kiện thì... phun nước, khá hơn tí thì có loại dầu, chắc nó như dầu dừa bây giờ, bôi lên, trơn bóng.

Thế rồi cố gắng dành dụm mua thêm đôi dép nhựa Tiền Phong. Màu trắng là đỉnh cao, bí quá thì màu nâu. Anh nào có cái xe Diamant của Đức hoặc Favorit Tiệp nữa thì thôi rồi. Không có thì Phượng Hoàng, Vĩnh Cửu Trung Quốc, xe cuốc Liên Xô cũng choáng. Mà mèng ra thì Thống Nhất của Việt Nam vẫn thượng lưu. Chưa hết, một cái đài (radio) đeo hông, hoặc ngoắc trên ghi đông xe, trong ấy chị Bích Liên đang hát "Em là thợ quét vôi" hoặc "em tới thăm nhà người giỏi chăn nuôi"  cao vút nữa thì là đỉnh của đỉnh, siêu của siêu... đi tới đâu cả trăm cặp mắt nhìn theo, rạo rực.

Giờ chỉ nguyên cái đầu thôi, có cả nghìn kiểu tạo mốt. Từ quốc kỳ tới trái bóng, từ hình người tới con số. Có cả những cái đầu rất ngộ mà lâu lâu dân mạng đưa lên phây khiến cộng đồng cười nghiêng ngả.

Cái thời chúng tôi ấy, người ta coi mốt là... nội dung, là đạo đức. Còn giờ, mốt trở về đúng ý nghĩa của nó, là trào lưu, là hình thức, đẹp hay xấu còn tùy, chứ nó chả nặng nề như ngày xưa nữa. Nhà thơ Thanh Thảo từng đưa một nhân vật xăm trổ đầy mình nhưng rất tốt vào trường ca của mình, để rồi kết luận, "Xăm trổ mà tốt".

Nhưng mà nhớ về ngày xưa, lại cứ rưng rưng thương, dẫu đầy khốn khổ, cả do chủ quan và khách quan. Đã khổ lại còn hành hạ nhau, nhưng mà lại vẫn thương nhau...




                                                    Ảnh không liên quan tới mốt ạ          

2 nhận xét:

Quế Sơn nói...

+ Thợ cắt tóc có 02 loại kéo- kéo cắt và kéo tỉa. Kéo tỉa gồm hai lưỡi kéo hình chiếc lượt, dùng để xén bớt những lọn tóc, vùng tóc dày, rậm, dọn đường cho kéo cắt làm nhiệm vụ. Kéo tỉa không khua nhịp vì cắt thô, còn chừa lại được khá nhiều tóc và không thể phát ra âm thanh trong giòn (âm thanh đục, đứt quảng do khoảng cách các răng cắt).
Khi sử dụng đến kéo cắt, người thợ phải mở đóng lưỡi kéo liên tục, nhịp kéo vang ngân,
và, kéo đáp xuống điểm nào, vùng nào của đầu tóc mà mắt thợ đã vừa khua kéo nhịp nhàng vừa định vị "hạ cánh". Không khua nhịp kéo mà cắt thì đường cắt sẽ lỗi, đầu tóc sẽ có nhiều vết sâu cạn xen nhau vụng về. Khua nhịp kéo cắt là thao tác kỹ thuật bắt buộc. Có chăng, người thợ càng lành nghề thì có khoe nhịp khua kéo thuần thục của mình. Nói "cắt gió" thì không đúng đâu.
+ Đến hiệu cắt tóc, thử chọn cách cắt tóc không dùng tông-đơ. Đầu tóc ít lộ việc mới cắt tóc, tóc lại gọn, đẹp tự nhiên.
+ Hồi ấy, trong sách giáo khoa tiểu học, môn khoa học thường thức, miền Nam có câu: "Không cho thợ cạo lấy ráy tai". Cũng hồi ấy, vùng nông thôn cộng Việt trú quân lâu dài, các thôn nữ thèm được gần gụi các anh bộ đội hội đủ các "món" này để hiến thân: 'Một cái pin ngoéo. Một chéo dù hoa. Một standard (radio). Một K.59' !

Văn Công Hùng nói...

Hihi giờ mới nhớ cái kéo chải, cám ơn bác ạ.