Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

NHỮNG ÁM ẢNH CHỮ NGHĨA

 Vẫn là thứ 2, bài trên reatimes ạ

          Tôi có cái thú... đi.

          Hồi nhỏ thì đi bằng sách, bằng các chương trình phát thanh của đài Tiếng nói Việt Nam. Cũng phải... như thế nào thì hồi ấy nhà tôi có cái đài (Radio nhưng chả hiểu sao thời ấy cứ gọi là đài). Và nó là tất cả thế giới của tôi. Lớn lên thì cứ nhăm nhăm để đi, tới đâu lại mở toang tầm mắt tới đấy.

          Thế nên tôi biết hồi xưa ấy, cả miền Bắc có mấy thành phố lớn, là Hà Nội thủ đô, thành phố cảng Hải Phòng, là thành phố dệt Nam Định, thành phố công nghiệp Việt Trì với ngã ba sông...

          Lớn lên, được tới các thành phố ấy, đầy háo hức và đầy... quen thuộc. Là bởi nghe những bài hát bài thơ bài văn về thành phố ấy, đọc những gì người ta viết về nó, rồi hình dung ra, và nó chết trong đầu mình những ấn tượng ấy...

          Thì tôi xuống Tuy Hòa, nghỉ ở một khách sạn sát biển, suốt đêm nằm nghe sóng vỗ, lâng lâng với món "đèn pha", tức là mắt cá ngừ đại dương hấp thuốc bắc bạn đãi lúc chiều, và nhớ về... Trần Mai Ninh, ông nhà thơ đã làm nên một Tuy Hòa lẫm liệt.

Dậy thật sớm, vệ sinh xong xỏ giày xuống sảnh đi bộ buổi sáng. Trước đấy đã ngó xuống sân thấy đen đen vì trời tối.

Gửi chìa khóa bước ra sân thì... lắc rắc mưa. Quay lại nở nụ cười cầu tài với anh chàng bảo vệ ngái ngủ để lấy lại chìa khóa thì mưa ào ào.

Trên đường quay lên phòng, chợt nghĩ, vai trò của văn chương nghệ thuật nó kinh thật. Này nhé, hồi chưa đến Hải Phòng vẫn đinh ninh ở đấy hoa phượng nhiều hơn... cỏ, là bởi cái tên thành phố hoa phượng đỏ bị ông Hải Như và ông Lương Vĩnh làm cho chết hẳn với Hải Phòng rồi. Háo hức lắm, đến lúc đến, thấy hoa phượng ở đấy cũng như mọi nơi khác thôi, có khi còn ít hơn ở Kon Tum nơi tôi cũng từng tới và... ngắm phượng. Trời cao nguyên rất xanh nên hoa phượng Kon Tum càng nổi bật. Nhưng đã có Hải Phòng rồi, phượng ở tất cả các nơi khác chỉ là... cỏ hết. Tôi được nhà văn Nguyễn Xuân Hiếu, tục gọi là Hiếu đồ cổ, một nhân vật Hải Phòng rất Hải Phòng, bỏ nguyên một ngày dẫn đi tìm phượng. Và cuối cùng thì ngồi ở ngay nhà hát lớn thành phố, dưới tán một cây phượng, uống cà phê. Khi nghe tôi bảo thực ra thì, phượng Hải Phòng cũng... thường thôi, so với những nơi tôi đã tới. Ông cười khục khục, thế nên Hải Phòng mới phải cám ơn Lương Vĩnh và Hải Như.

Cũng như thế, ông Trần Mai Ninh đã phong cho Tuy Hòa thứ tài nguyên mà bất cứ ai đã đến đều phải... tụng: ơi cái gió Tuy Hòa, gió chuyên cần và phóng túng. Nó gắn khít vào Tuy Hòa nên dù gió Nha Trang lồng lộng thế, gió Ninh Thuận đủ để làm phong điện thế, gió Cà Mau ào ạt thốc ra biển thế, thì vẫn "Ơi cái gió Tuy Hòa"... Bây giờ, muốn biết nơi nào gió nhiều, hãy xem ở đấy phong điện có phát triển không, muốn biết nơi nào còn... rừng, xem có dự án thủy điện nhỏ nào không, nơi nào nhiều nắng, hãy xem có nhiều dự án điện mặt trời không?

Nên hậu thế, đi đến đâu đều phải ngó nghiêng xem tiền nhân đã nói gì, viết như thế nào, để mà học, và tránh. Vừa học vừa tránh, chả dễ tí nào...

Học xong đại học, tôi viết một cái thư thống thiết để xung phong lên Pleiku, có mấy nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng là thích bài hát của Phạm Duy và Vũ Hữu Định, bài "Còn chút gì để nhớ" có câu "Em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông". Lên rồi mới biết, gái Pleiku không như thế. Hồi ấy dốc trập trùng, phố đầy bụi, đường lổn nhổn ổ trâu ổ bò, con gái đi ngược dốc, hình thể phát triển theo... dốc, nên cái dáng cứ chúi về phía trước, mông tít đằng sau, kiểu "ngực tấn công mông phòng thủ" ấy, và đa phần tròn lẳn như... củ khoai, cứ lụt cụt ngược dốc, những con dốc lịch sử giờ đa phần đã trở nên bằng sau rất nhiều công cuộc cải tạo, xây dựng để... bằng anh bằng em. Bây giờ đi đâu, nhắc tới Pleiku là người ta nhắc tới "Em Pleiku má đỏ môi hồng", dù nhiều nơi má đỏ hơn, môi hồng hơn. Mà đúng ra thì phải là môi đỏ má hồng mới đúng, chứ má mà đỏ quá nó ra... Tôn Ngộ Không mất, chắc các cô gái chả thích.

Rau má một thời được gán cho Thanh Hóa, có hẳn một bài thơ dài nhắc tới các "đặc sản" xứ Thanh, trong đó, tất nhiên không thể không nhắc tới món "quốc hồn quốc túy" này: "Nông nghiệp hàng đầu là cây rau má/ nền công nghiệp hóa là phá đường tàu". Nhưng té ra bây giờ, về quê tôi, cái vùng Quảng Điền, Phong Điền của Thừa Thiên Huế ấy, người ta trồng rau má mới nhiều. Nói gì nói, rau ăn kèm bún bò Huế mà không lẫn vài lá rau má vào thì nó chưa ra rau bún Huế. Giờ ở đấy người ta làm cả trà rau má. Tức là rau má vô thiên lủng, và nó ngon thực sự, có đủ lá rễ cành củ, chứ không dài loằng ngoằng bò trên đường tàu, dẫu hưởng các thứ khách đi tàu thải xuống nhưng vẫn già và dai. Thế nhưng, biết làm sao, đã nói tới rau má là người ta nhắc tới, nhớ tới xứ Thanh. Thậm chí, dân Hoa Thanh quế hài hước còn chế hẳn ra một lá cờ... rau má, trông vừa hiên ngang vừa dịu dàng, nhìn lá cờ là thấy văng vẳng nhịp hò sông Mã.

Lại nhớ lần đầu tiên lên Việt Trì cứ ngơ ngác vì chả thấy bóng dáng thành phố công nghiệp gì cả, dù trong đầu luôn ám ảnh bài hát mà hồi nhỏ tụi tôi thường hát lời hai "Bố mi chết trên cầu Việt Trì/ đêm ba mươi đánh điện về nhà/ ò í e con bò kéo xe"... Té ra nó là bài hát "Ánh sáng trên cầu Việt Trì" của bác Hoàng Hà, sau này tôi có gặp ở Vũng Tàu. Quả là, cầu Việt Trì, cho tới tận sau này khi tôi lên vẫn... chưa có điện. Tất nhiên thời chiến tranh lại càng không. Hồi ấy còn đèn Hoa Kỳ (đèn hột vịt) bé tí, còn phải che phải bịt bằng cách cho vào ông luồng, khoét lỗ cho ánh sáng nó ra để tránh máy bay Mỹ thì ai mà dám cho "ánh sáng trên cầu". Nhưng nó đã trở thành thương hiệu, thành mặc định rồi, nhớ tới Việt Trì là nhớ tới cây cầu ánh sáng...

Thì nó cũng như Cà Mau đã chết với câu thơ Xuân Diệu: "Tổ quốc tôi như một con tàu/ mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau", dù chả ai hiểu tại sao đương tàu lại biến thành thuyền nhanh thế.

Những ám ảnh nghệ thuật, ám ảnh chữ nghĩa nó ghê gớm thế, nó tạo dấu ấn thế, và nó cũng dư ba mãi thế, chả đùa được. Là tôi cứ tự nhắc mình thế...


                Ảnh này nhà cháu ở vỉa hè Hải Phòng ạ, chả thấy phượng đâu, hihi

                                                   

 

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đài: vị trí nằm trên cao (Đài thiên văn, đài quan sát, võ đài...)
Ngày mới có phương tiện này ở miền Bắc, nhà nước thường treo loa công cộng ở trên cao (cột điện, ngọn cây...). Do vậy, dân ta gọi là đài.

Văn Công Hùng nói...

Ahihi thú vị quá ạ.