Bài này tôi được một ban biên tập một cuốn sách về Tố Hữu đặt viết nhân kỷ niệm
100 năm sinh ông. Thôi cái gì qua thì cũng đã qua, cái gì còn thì còn. Chửi bới
thì cũng thế mà hân hoan như xưa thì chả ai làm nữa. Tôi viết dưới góc nhìn của
tôi, một người nhỏ hơn ông nhiều tuổi và cũng từng hân hoan đọc/ học thơ ông, rồi
lại bẵng đi...
----------------------
Thế
hệ tôi, Tố Hữu là một người hùng vĩ. Thơ ông xuất hiện liên tục, bài nào in ra
cũng được hân hoan đón nhận. Thậm chí, có người phân tích thơ ông để tìm ra những...
thông điệp chính trị, ngoại giao, cả tin chiến trường nữa.
Trong lịch sử
thi ca Việt Nam, Tố Hữu là một hiện tượng rất đặc biệt và lạ. Ông gần như là thống
soái trên thi đàn một thời. Ông Trường Chinh uy quyền thế, thi thoảng cũng làm
bài thơ, cũng được khen lên ngút ngát, nhưng vẫn không thể bằng Tố Hữu. Cụ Hồ
hào kiệt thế, thơ đỉnh cao thế, nhưng về mặt nào đó có khi cũng xem xem Tố hữu.
Thơ Tố Hữu không có đối thủ trong tất cả mọi lĩnh vực, từ quan hệ quốc tế, đọc
thơ ông thì thấy tình cảm của Việt Nam khi ấy đối với từng quốc gia như thế
nào, kể cả những quốc gia môi hở răng lạnh như Liên Xô, Trung Quốc, Cu Ba...
các lãnh tụ vĩ đại như Stalin, Lê Nin, Mao Trạch Đông... đến tình hình đối nội,
tình hình nhân dân, diện mạo đất nước, từ “Chào sáu mốt đỉnh cao muôn trượng”
cho đến đêm khuya lặng lẽ nghe một tiếng đàn, từ Bà Bầm bà Bủ đến cô gái Ngọc
Hà bắn máy bay qua làn nước mắt... vân vẩn vần vân cái gì cũng có trong thơ
ông. Hồi ấy cánh học sinh yêu văn như chúng tôi thấy đất nước có sự kiện gì cứ
nhăm nhăm tìm báo Nhân Dân đọc thơ Tố Hữu để hiểu thêm sự kiện ấy cho nó tường,
như kiểu bây giờ đọc xã luận để biết rõ định hướng vậy. Có thể nói, nam phụ lão
ấu, toàn thể nhân dân trên lãnh thổ ta đều thuộc thơ Tố Hữu, nó chứng tỏ một
tình yêu thơ vô bờ của dân ta, và cũng chứng tỏ vị trí độc tôn của Tố Hữu trên
thi đàn.
Văn chương Việt Nam hiện đại khó có nhà thơ nào có sức hấp dẫn kỳ
lạ như ông. Trẻ già trai gái đều thuộc thơ ông. Biết chữ hay không biết chữ
cũng thuộc thơ ông. Yêu nhau người ta cũng trích thơ ông trong thư tình gửi cho
nhau: Trái tim anh đó/ rất chân thật chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng
cho Đảng phần nhiều/ Phần cho thơ và phần để em yêu. Ru con các bà mẹ cũng
lấy thơ ông ra mà ầu ơ: Con ong làm mật yêu hoa/ con cá bơi yêu nước, con
chim ca yêu đời/ Con người muốn sống con ơi/ Phải thương đồng chí yêu người anh
em... Thơ ông có mặt ở mọi lúc mọi nơi. Cả một thế hệ thanh niên lên đường
ra trận chống Mỹ đã lấy thơ ông làm kim chỉ nam Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/
mà lòng phơi phới dậy tương lai, một cách cụ thể hoá tư tưởng thời đại: Không
có gì quý hơn độc lập tự do mà cụ Hồ là vị chỉ huy tối cao.
Rồi ắng đi. Giờ
người ta không ra đề thi thơ Tố Hữu nữa, hay chính xác là ít hơn. Người ta cũng
không thuộc thơ ông như thế hệ chúng tôi trở lên nữa. Có rất nhiều lý do, cả
khách quan thời cuộc đến chủ quan thơ ông. Hồi ấy thơ Tố
Hữu ra tập nào hết veo veo tập ấy, bài thơ làm xong in chưa ráo mực thì toàn
dân cũng đã thuộc. Mà thơ ông toàn in trang nhất báo Nhân Dân. Tôi nhớ bài thơ
"Việt Nam Máu và hoa" của ông làm năm 73, khi vừa ký hiệp định Paris,
gần như ngay lập tức cả trường cấp 3 của tôi đã thuộc và bình phẩm ào ào. Chúng
muốn ta biến thành tro bụi/ Ta hoá vàng nhân phẩm lương tâm/ Chúng muốn ta bán
mình ô nhục./ Ta làm sen thơm ngát giữa đầm. Thấy câu nào cũng hay, ý nào
cũng thú. Dù rằng thú thực, bây giờ đọc lại thấy nhiều câu ông viết cũng... vội.
Ngày xưa, thậm chí có người còn trích thơ ông trong thư gửi người yêu,
trong khi, nếu tìm một khiếm khuyết trong thơ ông thì có lẽ đấy là ở thơ tình,
ông yêu... lý trí quá, buồn cười quá, rạch ròi và duy lý quá. Tuy thế, có
một bài thơ ông mà nhạc sĩ Trần Hoàn đã phổ nhạc thì lại hết sức
tình tứ, bài “mưa rơi”, ông viết về chính tình yêu của ông, thuở
chiến khu, hết sức cá nhân, nhưng lại cũng hết sức bao quát, giờ nó
vẫn nằm lẫn với hàng loạt những bài tình ca hiện đại. Thì đã bảo thế
mới đặc biệt và lạ. Thơ hay không kể thời gian và không gian, người tốt thì sống
mãi...
Tôi cũng là một
trong những người cùng thế hệ tôi, thuộc thơ ông làu làu. Làm tập làm văn
bình về thơ ông thì thôi rồi, xoay ngang, lật dọc, chiều nào cũng ca ngợi, phía
nào cũng thấy thơ ông là một cái gì đấy, không phải thơ, vượt qua thơ. Nó như một
mệnh lệnh, như những chủ trương, như một cách... tuyên truyền nghị quyết, phổ
biến thời sự. Tất nhiên là hết sức tài hoa. Bà Bầm bà Bủ vào thơ ông được. Lục
cục lào cào vào thơ ông được. Các con số chỉ năm, tháng, thế kỷ... vào thơ ông
được: Những là sáu mốt, sáu tám. Rồi địa danh, từ sông Pô Tô Mác đến Hậu Giang,
từ điểm danh một loạt tỉnh miền Trung đến nhắc tên các tỉnh Tây Bắc... Tóm lại,
cái gì vào thơ ông thì nó là thơ.
Nhưng
cũng tôi, từ cái hồi học sinh ấy, đã đọc thơ ông một cách khác. Tôi vẫn thuộc
hết những bài thơ của ông trên báo Nhân Dân, trong các cuốn sách giáo khoa phải
học, hình như cấp nào cũng có thơ ông... nhưng vẫn lẳng lặng thích những bài hồi
ấy không được nhiều người thuộc, như bài “Nhớ Đồng”. Tôi nhớ, trong “sổ tay văn
học” mà hầu hết bọn học sinh giỏi văn hồi ấy đứa nào cũng có, tôi đã ghi những
dòng ngô nghê: “Mình đã thức suốt đêm trằn trọc vì những câu thơ của Tố Hữu: Gì sâu bằng những trưa thương nhớ/ hiu quạnh
bên trong một tiếng hò. Rồi: Núi hỡi
từ đây băng xuống đó/ chừng bao nhiêu dặm mấy ngày đường. Mình nhận ra sự
cô đơn, thậm chí là bất lực của ông ở những câu thơ này”...
Trời
ạ, đâu như lớp 9, lớp 10 gì đấy tôi đã viết những câu ấy trong sổ tay văn học,
trong khi trên lớp vẫn học “Từ ấy trong
tôi bừng nắng hạ”.
Sau
này, cuối đời, ông lại trở lại với những tâm trạng cô đơn ấy. Và giờ, khi đã là
nhà thơ, tôi cũng phát hiện, không cô đơn rất khó làm thơ, và nếu làm rất khó
hay.
Đọc
thơ ông học được rất nhiều điều từ đời sống. Ví dụ biết quê tôi (Huế) có món...
chột nưa, nhưng chỉ là hình dung thế, qua cách tả của ông trong “con cá
chột nưa” chứ có biết nó là cái gì đâu. Sau này về quê mới tận mắt thấy
và được ăn nó, món ăn của nhà nghèo, tương đương như môn ngứa, khoai nước
một số nơi muối để nấu canh chua hoặc kho cá. Biết sông Hương có... đĩ.
Hồi ngoài Bắc, những gì liên quan tới gái điếm là ít được nhắc tới. Nhưng đây
là Tố Hữu, lại nói về chế độ bên kia, lại có những câu kết: Ngày mai em sẽ từ trong ra ngoài/ thơm như
hương nhụy hoa nhài... Rồi biết đồn Mang Cá, vì đọc “Lượm”, sau này dân văn
chương hay chệch câu của ông thành “Ở nhà sáng tác/ thích hơn ở nhà”. Mới
nhất, vụ các cháu học sinh nữ đánh nhau vì cái mũ ca lô, các báo
đưa tin, nhưng phóng viên không biết mũ ca lô là gì nên ghi theo sự nói
ngọng L, N của các cháu, ca lô thành ca... nô, vân vân...
Và
mới nhận ra rằng, đến giờ, cái người ta nhớ nhiều về thơ ông, chính là ở cái phần
hết sức cá nhân của ông, hết sức cô đơn, có phần yếu đuối nữa. Và nữa, là những
cái tên nhân vật. Thơ mà có nhân vật, nhiều nữa, là chỉ có ông. Và các nhân vật
ấy, họ là những thân phận đời thường, nhưng rồi, hoàn cảnh, tình yêu tổ quốc,
và qua cái nhìn của ông, trở nên lấp lánh, thăng hoa.
Ấy
là mẹ Suốt, “chín lần đẻ mấy lần sa tội tình”, một thân phận đàn bà, hết sức
đàn bà, nhưng rồi vụt thành người anh hùng, chỉ bằng việc chèo đò qua sông Nhật
Lệ, và qua cái nhìn hết sức giản dị, đời thường và nhân hậu của nhà thơ.
Là
Lượm, cậu bé giao liên “ca lô đội lệch/
miệng huýt sáo vang/ như con chim chích/ nhảy trên đường làng”. Tôi nhớ khi
phân tích bài thơ này, đã say sưa bình cái xuống hàng thần thánh của câu “Thôi
rồi Lượm ơi”. Cả bài thơ 4 chữ, mỗi câu ấy ngắt đôi xuống dòng. Nó vừa thảng thốt
vừa nghẹn ngào, vừa hẫng hụt vừa bi thương- Nhưng quả là, cái cậu giao liên tên
Lượm ấy đến giờ vẫn sống. Rất nhiều người lấy câu “thôi rồi Lượm ơi” cảm thán
trong những trường hợp cụ thể ngoài đời.
Cũng
như thế là Bầm, một bà bầm như mọi bà bầm nhưng lại rất cụ thể, rất cá biệt: “Bầm ra ruộng cấy Bầm run/ chân lội dưới bùn
tay cấy mạ non/ Mạ non bầm cấy mấy đon/ Ruột gan Bầm lại thương con mấy lần”.
Rất nhiều lần, hồi tôi còn bé, đã nghe dì tôi ngâm bài thơ này. Dì tôi quê
Ninh Bình, nơi gọi mẹ bằng Bầm.
Là
Phước, cái cậu bé đi ở rất là khổ sở trong mắt tôi. Ba tôi thường “văn hóa” cái
câu thơ thắt ruột này cho chúng tôi nghe: “Rứa
là hết chiều ni em đi mãi/ Còn mong chi ngày trở lại Phước ơi”. Cái chữ “Rứa”
đầu câu và chữ “ơi” cuối câu khiến câu thơ chùng xuống, khiến cảm xúc vọt lên.
Mà tiếng Huế, ba tôi đọc nghe mang mang như có nước mắt. Ba tôi “văn hóa” bài
thơ ấy là bởi ông kể về cái thời ông cũng phải đi ở đợ ở Huế, để tiết kiệm mấy
xu, thay vì qua đò, ông đã... chạy bộ qua cầu.
Và tôi luôn luôn nghĩ ông là thánh, chắc chả bao giờ được gặp
ông. Bởi ngoài là một nhà thơ lớn, ông còn là nhà lãnh đạo, là trưởng ban tuyên huấn trung ương, bí thư
trung ương, uỷ viên bộ chính trị, phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng... Người phàm
mà nghĩ tới thánh nó kỳ lạ lắm. Đã là thánh thì cuộc sống nó phải khác người
thường, nó không phàm tục như ta, không tiểu nhân tiểu trí như ta, không rị mọ
bản năng như ta. Tôi thấy ông trong suốt thánh thiện trong suy nghĩ của mình.
Tôi cứ nghĩ ông đã cầm đến bút đương nhiên phải ra thơ, mà là thơ hay. Thì đấy,
ông chả để cho anh Trỗi hô khẩu hiệu Hồ Chí Minh muôn năm ba lần trong thơ là
gì, rồi vỗ tay trong thơ rất hoành tráng Hoan hô chiến sĩ Điện Biên...
mà đọc cứ ngọt sớt. Rồi nữa, những xương sắt da đồng, những lục cục lào cào, những
trăm tay nghìn mắt, máu trộn bùn non, những bà Bủ, bà Bầm, ổ chuối khô, những
hai mốt phát đại bác, những dép lốp tàu vũ trụ... trong thơ ông nhuần nhị cứ
như nó phải thế, không thể khác. Ông là nhà thơ Việt Nam giỏi nhất viết những
điều cao siêu, nói những vấn đề cực lớn của đất nước, Đảng, Bác, thời đại bằng
thơ, và hay, và nhuyễn, bắt rất nhiều người phải tự nhiên mà thuộc. Là người
làm thơ, tôi hiểu những điều ấy khó biết nhường nào? Và vì thế mà tôi đã vô
cùng ngạc nhiên sung sướng khi được gặp ông, nắm tay ông, và còn được nói chuyện
với ông. Mà không chỉ một lần, tới bốn lần. Đấy là hai lần tôi dự đại hội Uỷ
ban toàn quốc liên hiệp Văn Học Nghệ thuật Việt Nam và một lần ở đại hội hội
Văn nghệ dân gian Việt Nam. Trong ba lần thì hai lần tôi... ngắm ông, còn một lần,
tôi liều mạng xông lên xin chụp ảnh chung với tổng Bí Thư Đỗ Mười, ông đồng ý
cho chụp và kéo thêm nhà thơ Tố Hữu vào. Chụp ảnh xong, tôi ngồi ngay bên cạnh nhà
thơ và rụt rè bắt chuyện. Khi nghe tôi nói rằng quê tôi cách quê ông một con
sông, thực ra là cái phá, phá Tam Giang, thì ông tỏ vẻ rất thú vị. Ông hỏi tôi
sao lại nói tiếng Bắc. Tôi nói lý do Ba Nam Mẹ Bắc, nhưng rồi như ma xui, tôi cất
giọng Huế ngâm hai câu thơ đau đáu những người trai Huế một thời như ba tôi rồi
chúng tôi: Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên... Ngâm
câu này tôi vụt nhớ đến lần được "thấy" ông cách đấy chừng hai mươi
năm. Ấy là lần ông về thăm Huế, người ta tổ chức một cuộc gặp mặt văn nghệ sĩ
Thừa Thiên Huế và ông tại giảng đường đại học tổng hợp số 3 Lê Lợi Huế. Tôi đã
vô cùng vất vả vượt qua mấy vòng bảo vệ để lọt được vào hội trường vì tôi chỉ
là một chú sinh viên năm thứ hai, còn ngồi trong ấy, ngoài nhà thơ thần tượng của
tôi, các thành phần khác cũng rất đáng kính, chỉ nghe tên thì một tên sinh viên
chân trắng như tôi cũng đã phát run. Ông đọc bài thơ tôi vừa trích, giọng run
run có vẻ rất xúc động. Mà cái giọng Huế của ông đọc thơ vô cùng truyền cảm. Sau
đấy thì nghệ sĩ ngâm thơ Lài Tâm lên ngâm trọn vẹn bài thơ này, rất nhiều người
chảy nước mắt. Hồi ấy sau Châu Loan thì Lài Tâm là người ngâm thơ giọng Huế tuyệt
vời nhất, chính Tố Hữu sau khi nghe Lài Tâm trình bày thơ mình đã ôm một bó hoa
rất đẹp lên tặng và còn đứng bình về giọng của chị, nói chị Lài Tâm ngâm
hay nhưng chưa... hết Huế. “Huế phải ri nì”, ông nói rồi đọc lại đoạn chị Lài
Tâm vừa ngâm. Cả hội trường vỗ tay đùng đùng. Mà đúng là cái giọng ông, một đêm
Huế mưa như thế, đọc nghe cứ muốn khóc. Tôi ngắm ông và ngạc nhiên, lúc ấy những
câu chào sáu mốt, bài ca mùa xuân 68... hình như nó xa tít tận đâu ấy, ở đây là
một Tố Hữu hết sức nhẹ nhàng, hết sức đời thường, có gì đấy run rẩy yếu đuối nữa...
Riêng tôi, nếu
chọn hai câu hay nhất của ông, tôi không ngần ngại chọn hai câu này: Gì sâu bằng những trưa thương nhớ/ hiu quạnh
bên trong một tiếng hò. Chỉ khi nào cô đơn nhất, buồn nhất, sống tận cùng với
mình nhất, thì thơ sẽ hay. Hai câu trên ở vào hoàn cảnh ấy nên nó xoáy vào lòng
bạn đọc, ít nhất là tôi. Hai câu thơ ấy trong một bài thơ Tố Hữu viết trong tù
từ rất lẩu lầu lâu rồi...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét