Nước ta, có vẻ như vỉa hè nó trở thành một phần của đời sống thành phố. Có người còn khái quát nó lên thành... văn hóa vỉa hè. Năm nào đấy, thủ tướng Võ Văn Kiệt ra nghị định về vỉa hè, thực ra là làm sao để đường thông hè thoáng. Thế là hàng loạt ngôi nhà bị đập, trả vỉa hè cho người đi bộ. Nhưng, đâu như chỉ vài năm, vỉa hè lại... như cũ. Rồi chuyện anh Đoàn Ngọc Hải, phó chủ tịch quận 1, trực tiếp đi giải phóng vỉa hè cũng rộ lên tiếng vào lời ra, và cuối cùng thì, thành phố HCM điều ông sang vị trí khác, và ông, giũ áo từ quan, về chạy marathon và làm từ thiện.
Thú
thực, tôi chả cổ súy cho những thứ buôn bán rị mọ vỉa hè, nhếch nhác và mất vệ
sinh, ảnh hưởng giao thông và cũng chả lấy gì làm văn minh cả. Tôi cũng biết, một
thành phố văn minh hiện đại là thẳng băng sạch sẽ, là gọn gàng chỉn chu, là
sáng choang bóng bẩy...
Ra
Hà Nội, ngại nhất là phải đi bộ trên... vỉa hè. Vỉa hè nhưng không phải vỉa hè,
bởi nó đã được chiếm hết, mà là đi xuống lòng đường. Gặp đoạn sạch sẽ còn đỡ,
chứ phải đoạn vỉa hè bẩn, nước lênh láng, váy áo xúng xính, hoặc đoạn khói mù mịt
từ những cái bếp than tổ ong, đi qua đến khổ.
Sài
Gòn có vẻ đỡ hơn, vẫn còn nhiều đoạn vỉa hè mà... đi bộ trên ấy được.
Và
cũng thú thật, tôi là người cũng... mê vỉa hè. Từng viết nhiều bài báo, làm dăm
bài thơ ca ngợi... vỉa hè. Những là thi vị, những là ký ức, những là nhấp nhô
trữ tình, rằng, không vỉa hè không ra phố Việt Nam. Tôi cho rằng, vỉa hè nó là
một "thuộc tính" của phố rồi, vấn đề là, sắp xếp thế nào để có thể lợi
cả vài ba đường, chứ không chỉ đôi đường.
Và
đấy là nguyên cớ để tôi vẫn cứ nhớ những cái bếp nướng bắp, chiên xôi, những đốm
sáng của đèn hột vịt... của Pleiku một thuở.
Ơ
mà chả một thuở đâu, giờ vẫn còn đấy.
Ra
Tam Đảo, Sa Pa, những vùng có khí hậu tương đối giống Pleiku, cũng lạnh se se,
cũng sương mù, cũng có dốc, cũng co ro tay trong túi ngồi xoa suýt bên những bếp
than rực hồng, bên má hây hây, mà nhớ Pleiku kinh khủng. Hình ảnh những cô gái
bên những bếp than nướng khoai, bắp tạo nên một “hình ảnh đặc sản” của những
vùng đất ấy.
Pleiku
cũng từng thế.
Phải
nói ngay điều này, là bắp (ngô) và khoai lang Gia Lai rất ngon, nướng hoặc luộc
đều ngon. Mỗi loại hình có cái thú riêng. Tôi đang nhớ về... bắp nướng.
Hồi
ấy trên đường Trần Hưng Đạo những đêm mùa khô luôn lập lòe các bếp lửa. Tất
nhiên bên mỗi bếp lửa ấy là một hoặc hai cô gái. Nó chỉ là một chậu than thôi,
và một bao bắp tươi. Từng cái bắp được bóc vỏ rồi ghếch lên than, chính xác là
bỏ trên một cái vỉ sắt. Mùa khô lạnh mà má cô gái lấm tấm mồ hôi. Bên cạnh là mấy
gã trai ngồi giơ tay sưởi đợi bắp chín. Tiếng lách tách của cả than và bắp xen
trong những câu chuyện không đầu không cuối. Người bán chăm chú lật lật xoay
xoay quạt quạt, người ăn hình như có nhu cầu ngồi hơn là ăn, tay như muốn vòng
ôm lấy lửa, mắt nheo nheo, miệng xoa xuýt. Cho đến khi đón lấy cái bắp bỏng rẫy
thì tay này lật tay kia, cái bắp liên tục được chuyền, được lăn trong những tiếng
rên khẽ. Câu chuyện câu được câu hụt bạt trong gió, trong lửa, trong sương mù,
trong cái thanh bình êm ả của đêm.
Cũng
có người mua về nhà. Thì cũng phải đợi thôi. Và khi đợi thì góp chuyện, ít nhất
là góp cái tiếng rên, tiếng xuýt xoa khe khẽ, tiếng lập bập của môi và cả tiếng
loạt xoạt của tay tìm... túi áo khoác.
Chúng
tôi, những gã trai trẻ đã qua những mùa khô Tây Nguyên như thế, để giờ nhớ đến
thắt lòng.
Giờ,
tất cả cứ sáng choang lên, chả còn những cái dáng liêu xiêu của bếp của người,
của gió của sương mù thuở nào, dù vẫn còn những bếp bắp nướng.
Thì
ngay bên đường gần nhà tôi ấy, vẫn có mấy cái bếp nướng khoai và bắp mỗi chiều
tới đêm. Tôi vẫn là khách quen của họ, nhưng không phải là đêm nữa, mà ngay
trong chiều, trên đường đi làm về. Mua cái bắp mang về nhà ăn trước khi đi thể
dục buổi chiều. Có cả những người đi bộ đến đấy, mua một cái bắp rồi vừa đi bộ
thể dục quanh quảng trường vừa ăn. Những cái bếp ấy mang tính thực dụng nhiều
hơn chứ không còn khả năng biểu cảm thẩm mỹ nữa, dù là sự biểu cảm hết sức tự
phát chứ chả phải cố ý sắp đặt gì.
Có
những cái đẹp là do nó vô tình được tạo ra chứ chả phải ý đồ gì. Những cái bếp
than nướng bắp ấy là hết sức vô tình, bởi về mặt nào đấy, nó là sự kiếm sống
lam lũ. Giàu có chả ai phải đi bán cò con như thế, mỗi đêm thức đến rạng sáng
hôm sau mà tiền lời lãi tính trên từng trái bắp. Nhưng mặt khác, nó vô tình điểm
xuyết cho phố sự nên thơ. Hay chí ít là ký ức, là dư vị một thời.
Hôm
nọ ngồi nói chuyện với một ông bạn từng ở Pleiku giờ ở Sài Gòn. Ổng bảo nhớ
Pleiku lắm. Mưa nhớ, nắng cũng nhớ, sương mù nhớ, rông rốc gió cũng nhớ. Ổng bảo
có điều kiện sẽ quay lại để... kinh doanh. Mà kinh doanh quá khứ thôi. Là dựng
lại một con đường như thế. Phải đi bộ vào. Hai bên đường lập lòe những cái bếp
nướng ngô. Tôi bảo chắc gì có khách. Giờ người ta trà sữa, trái cây lắc, đồ ăn
nhanh... ông trở lại ngày xưa để kéo lùi lịch sử à? Gã trầm ngâm, không phải
kéo lùi mà là... trở lại. Trở lại để tiếp tục hành trình chứ không phải trở lại
để... ở lại. Ai chả có ký ức, ai chả có một vùng thiêng liêng để thương để nhớ.
Tôi kinh doanh cái ấy. Hay chính xác, không kinh doanh, chỉ là giúp con người
có những khoảnh khắc thư giãn, những phút giây hoài niệm thanh sạch, những cú lặng
giữa náo nhiệt, những bước ngập ngừng giữa những vòng quay. Và họ cám ơn tôi về
điều ấy, bằng... tiền, tất nhiên. Và đấy là kinh doanh.
Thì
giờ người ta đổ xô lên Tam Đảo, Sa Pa, lên Măng Đen... có phải để tìm náo nhiệt
đâu. Và nếu những nơi ấy cũng náo nhiệt như nơi khác thì cần gì họ phải vất vả
tốn kém lên đấy.
Thì
ra con người có những nhu cầu rất lạ. Và cái quan niệm sướng khổ cũng chả biết
đằng nào mà lần. Có thể với người này là sướng thì người khác là khổ. Thời này
là khổ thì thời kia là sướng. Người ta phấn đấu kiếm tiền để mua xe, từ xe đạp
lên xe máy rồi ô tô, càng xịn càng sướng, để rồi sáng sáng chiều chiều lại trằn
người ra... đi bộ giữ sức khỏe. Người ta ăn đủ thứ cao lương mỹ vị cho tới lúc
phải... ăn kiêng. Và cũng như thế, những nhếch nhác một thời, những giản đơn ấm
cúng, những kiếm sống qua ngày, tạm bợ và qua loa... nếu biết xử lý, biết thu
vén, có khi lại là... du lịch.
Nghĩ
cho cùng, con người sống thì phải có có ký ức, hiện tại và tương lai. Ký ức
không quay lại được, không tạo dựng được, nhưng có thể được đánh thức, được thỏa
mãn và được phục vụ...
Thế
nên mới đây nhất, từ Sài Gòn tôi bay một cú Hà Nội, rồi ngược xe lên Tam Đảo.
Đêm ấy tôi rị mọ lần thần ngồi bên cái bếp nướng ngô của một cô gái Thái Bình.
Đừng nghĩ cứ lên vùng cao là gặp sơn nữ. Cô gái Thái Bình bán ngô nướng suốt
đêm, có cái quán hẳn hoi chứ không chỉ đèn hột vịt như ký ức Pleiku của tôi dạo
nào.
Buổi
chiều đã một cuộc chiêu đãi, nhưng dù thế tôi vẫn cố kỳ nèo bạn bè tôi tung
chăn ra phố, và sà vào quán ngô này. Khuya ấy về, có ít nhất 2 gã bạn làm thơ về
ngô và cô bán ngô, về than và lửa, về đêm và đôi mắt Tam Đảo (chính xác là Thái
Bình), và về một Tam Đảo cứ bồng bềnh đâu đấy trong ký ức, trong sương mù,
trong cái mớ hỗn mang hoài niệm mà có cố quắt quay quên nó lại cứ điềm đạm trở
về, như một minh chứng cho cái phẩm chất luôn thi vị hóa ký ức của con người...
Và
đấy mới chỉ là vỉa hè bắp nướng. Vỉa hè còn gắn với bao thứ nữa. Những nhếch
nhác thì dẹp đi, nhưng những thứ có thể chấp nhận, có thể làm cho phố xá sang
lên, chứa thêm một phần văn hóa, một phần ký ức, thì cũng nên có cách bảo tồn.
Như có lần tôi ngồi ở một vỉa hè Hà Nội, nhà văn Vũ Hồng chỉ cái bàn bằng đá sứt
sẹo và xiêu vẹo: Nhà văn Nguyễn Quang Sáng ngày xưa mỗi lần ra Hà Nội đều ngồi
đúng quán này, cái bàn này. Lại nhớ cái thuở đi học, đọc văn học Anh, Nga, Pháp… thấy nhắc đến những quán cà phê đầy ấn tượng.
Nơi này Gô Gôn đã ngồi, chỗ nọ Ban Zăc đã duỗi chân, bàn đằng kia là Đich Ken
kê bút… chao ơi là sung sướng ngất ngây con gà tây, chỉ mong ước một lần đến.
Xin kết thúc bài viết hết
sức tản mạn này bằng 2 câu thơ của tôi viết ngay trên một quán cà phê vỉa hè
Pleiku:
"mà nếu không còn những buổi
ngồi như thế
bao vỉa hè thất
thểu kéo nhau đi..."
(Bài đăng trên Cảnh sát toàn... thế giới ạ.).



Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét