Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2020

PHÍA SAU LÒNG TỐT



             Hôm qua một anh bạn điện: Anh có rỗi không, em nhờ tí. Tưởng nó có gì khúc mắc hay đại loại thế, nên nhờ. Chú nói đi, qua điện thoại hay gặp nhau. Dạ em trình bày qua điện thoại trước, rồi gặp anh sau.

             Là ở Chư Sê, có ông kia, không vợ con gì, nuôi 105 đứa trẻ con mồ côi, lít nhít. Nuôi lâu rồi, nhưng mới đây ông ấy bị u não, giờ sợ nhất là có bề gì thì ai nuôi lũ nhỏ. Ôi chỗ này anh biết rồi, hôm nọ vừa "hoa tiêu" cho ông bạn gửi xuống 5 triệu. Dạ, nhưng giờ nhờ anh, trang của anh nhiều người đọc và rất nhiều người tốt, tử tế và thương người, hãy thương 105 đứa trẻ ấy. Em xuống thăm rồi cứ bứt rứt không yên.

             Hôm qua ngồi uống cà phê với mấy cựu quan chức tỉnh GL, nhắc chuyện "trại điên" Phước Hạt, nhưng đúng là quên không nhắc vụ này. Vụ này khó khăn hơn nhiều, rất nhiều. Khổ lắm, toàn trẻ con mồ côi, một người đàn ông độc thân mang về nuôi, đa phần là cứu chúng (phong tục Tây Nguyên là mẹ chết thì chôn theo con, nhà cháu đã viết về phong tục này, gúc phát ra ngay). Hứa với tay kia là sẽ xuống, thứ 4 đi rồi, sẽ xuống trước đấy. Nhưng vẫn trừ hao, lỡ không xuống được, thì cái sapo này như lời kêu gọi của nhà cháu tới những người bạn hết sức tử tế của nhà cháu, hãy cứu giúp những đứa trẻ hết sức đáng thương kia, dẫu biết sức người là có hạn, mà các cháu thì...

            Các sở LĐTHXH đều có khoản tiền khá lớn để chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh, ví dụ như những tai nạn, những hoàn cảnh khó khăn... cựu giám đốc sở tài chính GL hôm qua nói, và nói với vị cán bộ sở LĐTBXH, rằng tại sao không san chỗ tiền này cho những chỗ như trại điên, như chỗ 150 cháu mồ côi này...


           Đại dịch Cô Vy xảy ra, rất nhiều điều ngoài dự liệu, nó khiến cuộc sống của chúng ta có nhiều thay đổi, tư duy cũng thay đổi, cách nghĩ cũng thay đổi.

          Và nó cũng bộc lộ nhiều điều về tính cách con người. Một trong những điều thấy ngay, ấy là lòng tốt.

          Mà cái chuyện phát minh ra cái máy phát gạo tự động do một thanh niên người Việt làm chả đã trở thành hẳn cả một trào lưu đấy thôi. Người ta gọi cho nhanh là... ATM gạo.

          Đầu tiên là từ Sài Gòn, rồi ra Hà Nội, rồi lan ra cả nước.

          Cái máy này nó tiết kiệm người vận hành, nó bảo đảm cách ly, nó vô tư với cả người cho và người nhận.

          Nhưng phía sau nó cũng có nhiều chuyện.

          Sở hữu được cái máy ATM rồi, việc đầu tiên là anh phải có gạo "nạp" vào đấy. Thường thì chủ máy lo việc này, rồi sau đấy thì lòng tốt lan tỏa, mọi người cứ thế chở đến, người ít dăm cân, người nhiều cả tấn... cứ thế nhân lên. Có nơi chủ máy phải tuyên bố... ngừng tiếp nhận gạo vì hết chỗ chứa.

          Thế nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

          ATM ở Hà Nội từng "vỡ trận" ngày đầu vì người tới nhận đông quá, lại không chịu xếp hàng, chen nhau như thời bao cấp chen nhau mua... vé xe. Thế là ào lên một cơn gạch đá.

          Cái anh thanh niên sáng chế ra ATM gạo mới đau. Bao nhiêu công sức bỏ ra làm máy, bỏ gạo vào máy, rồi từ đấy nhân ra, người mang gạo đến nạp, người đến "rút" gạo đi. Ngày càng văn minh, có nhận diện mặt nữa, có loa nhắc nhở nữa.

          Nói nhận diện lại nhớ chuyện, ngay giờ vào check in ở khách sạn, một số khách sạn đã có máy tự động chụp khách. Lúc xuống phòng ăn, thay vì phải chìa thẻ từ khóa phòng, anh đi qua cái máy nhận diện, nó mời anh vào ngay nếu nó đã lưu, còn không thì nó báo là không phải, anh phải móc chìa khóa ra. Việc này nó tiện cho cả 2 phía, khách và khách sạn. Khối anh ở trên cao chót vót, quên khóa hoặc người khác cầm, rồi mà cứ loay hoay mãi. Đây, thò mặt vào phát, kính chào quý khách ngay.

          Thì cái ngày đầu tiên máy ATM gạo có nhận diện khuôn mặt, đã ào lên một cuộc gạch đá, rằng là nhân quyền nhân văn, rằng này rằng nọ. Rồi đỉnh điểm là một cô bé vào nhận gạo, bị loại ra. Thế là anh chàng này lãnh đủ, đến mức chán quá, định bỏ cuộc.

          Nó có một thực tế thế này, ấy là bên cạnh những người nghèo thật sự, đầy lòng tự trọng, thì vẫn còn những người tham và rất tham. Thì ngay cả những người tưởng là sẽ không bao giờ tham, thế mà họ cũng vẫn tham đấy thôi. Thì cũng dịp dịch này, chẳng đã chứng kiến bao người tham đấy thôi. Công ty kia để một bàn đầy những túi quà, "ai thiếu lấy một túi, ai ổn thì thôi", nhưng chỉ... 2 người lấy là đã hết cả bàn. Một thanh niên lấy 3 túi, sau đấy là một chị, cầm cái bao ra cho tất cả vào xách đi. Xong.

          Cái vụ mời cô bé kia ra khỏi hàng là do một nhân viên làm, trong một phút bất cẩn, và mệt nữa. Họ làm việc hơn 12 tiếng một ngày, tiếp xúc hàng ngàn người. Đành rằng họ sai, nhưng nếu đặt mình vào địa vị ấy, thì sẽ thấy nên vị tha mà cho qua, bởi ngay sau đấy họ đã nhận sai, anh chủ máy rất tốt bụng kia đã đi tìm cô bé để nhận cô ấy vào làm việc. Thế mà thiên hạ ầm ầm gạch đá, kinh quá. Gầy được ngọn lửa giữa gió giữa mưa mới khó, chứ làm nó tắt thì dễ vô cùng. Lan tỏa lòng tốt, điều thiện mới khó, chứ vùi dập nó, đẩy nó về vị kỷ cũng dễ vô cùng.

          Tôi mới quen một cô chủ một tiệm vàng lớn, qua... phây búc và làm từ thiện. Cô này có một nỗi nghiện, là nghiện... làm từ thiện. Cô bảo nó như cái nghiệp rồi. Hôm rồi, cô ấy cũng bỏ tiền ra sắm 5 cái máy phát gạo mang về Gia Lai. Rất hào hứng, sôi nổi. 5 ATM gạo ấy đặt ở Pleiku và mấy huyện nữa. Nhưng không phải lúc nào công việc cũng phơi phới. Chả biết làm gì để giải tỏa, cô ấy... nhắn tin cho tôi. Sau cuộc nhắn tin này, sáng hôm sau cô ấy và các bạn trong "hiệp hội" thiện nguyện lại chở mấy xe hàng xuống các làng nghèo ở huyện K'bang, cách thành phố Pleiku chỗ các bạn ấy ở khoảng 150 cây số, phát cho bà con. Để chở đi, các bạn ấy đi xin, đóng gói, chất lên xe, chở đi, đến nơi lại khuân xuống và phát, giữa trưa nắng, huỳnh huỵch hơn cửu vạn, mà toàn ông chủ bà chủ...

          Trích nguyên văn đoạn chát và có lẽ không cần nói gì thêm:

          "Em mừng quýnh luôn. Em cám ơn anh. (Là bạn tôi vừa chuyển cho nhóm các cô ấy 8 triệu mua thêm gạo, và cô ấy làm một việc mà tôi ít thấy ở những người giàu: "Em cúi đầu cám ơn anh"- nhắn tin cho người chuyển tiền- và sau đấy nhắn tin cám ơn tôi, người chắp nối). Nhiều người nói cái kiểu làm của tụi em là vô bổ, và không thiết thực. Cho 2 ký quá ít, sao không làm như họ, bê cả bao tới nhà. Nhưng họ không nghĩ tới cảnh tụi em đi xin gạo. Mấy đứa tụi em đi xin gạo, cực lắm. Ai cho 10 ký, 5 ký cũng mừng rơi nước mắt, huống chi bạn anh cho mấy trăm ký. Người nghèo cũng nên chịu khó một chút, tới lấy 2 ký về ăn, hết rồi tới lấy tiếp thì họ mới trân quý. Bọn em chia nhỏ mỗi lần 2 ký là để nhà nào cũng có, chứ một lần 10 ký thì chỉ một số ít được, sẽ bị sót. Còn dùng máy thì sẽ không ai bị sót. Người tới nhận gạo là những người cần. Nhưng cũng không loại trừ có người tham muốn lấy nhiều và họ quay vòng. Nhưng đó là nghiệp của họ, tụi em không bao giờ chỉ trích, chỉ nhắc nhẹ: cô có rồi nhường người khác đi cô, tụi con đi xin cũng cực lắm cô. Em thấy nỗi lòng người đi quyên gạo còn cay đắng hơn nhiều người đi nhận gạo, sao không ai nghĩ tới điều này mà lại chỉ trích. Nhóm tụi em khá đông, đôi khi ngồi nói chuyện với nhau mà rớt nước mắt, nhiều lúc nản muốn bỏ cuộc, nhưng rồi lại thấy việc làm của mình được lan tỏa, nhiều người góp với tụi em, thì lại thấy vui. Giờ em quen và thân với rất nhiều người... nghèo. Họ khoe với em: Hôm qua cô được chị kia cho rồi, thôi con đem cho nhà khác đi, nhà kia hôm nay hết gạo kìa. Nhiều người thấy tụi em làm cũng sốt ruột. Xin họ không cho nhưng họ tự làm. Theo em thì kiểu gì cũng được, nhưng bà con nghèo nhận xong khoe với em là mãn nguyện rồi. À mà anh biết không, từ ngày em làm từ thiện, chồng em cũng mất bạn nhiều. Họ sợ em xin, nên họ né. Nhưng em tế nhị, không xin họ, mà chỉ đăng lên facebook, có lòng thì họ góp vào. Bao nhiêu người làm từ thiện, nhưng chỉ một hai lần là họ bỏ cuộc hết. Tụi em lì lợm nên mới tồn tại năm này qua năm nọ. Nhiều lúc cũng chán, nhưng nghe mấy người dưới huyện gọi điện lên, em ơi em ơi nhà nọ nhà kia bữa giờ đói quá em ơi, chả còn gì ăn, thế là lại chịu không nổi, lại đi xin. Có hôm ra sau bến xe gặp bà già chống gậy, đi không nổi, nhặt ve chai, thấy thương, nhưng sức mình có hạn, nên muốn cho thì phải đi xin. Muốn xin được thì một là mình phải bỏ ra trước, rất nhiều á, hai là phải hết sức minh bạch. Cả hai thứ ấy em có. Ở huyện đến đâu cũng thấy người khổ, người đói. Họ xin thì mình cho, còn họ lấy về dùng ra sao mình sao mà kiểm soát được. Nhưng nếu cứ suy nghĩ tiêu cực thì những người cần thật sự lại không có. Nghĩ lại cái "thằng" làm ra ATM cũng tội. Lỗi của người vận hành, mà giờ người ta chĩa súng vào nó. Em đây lại mới bị nè. Gạo đặt mua, đích thân một vị lãnh đạo đặt và tặng, tại cơ sở uy tín, mà thiên hạ đang đồn là gạo dở. Đời chi lạ. Thôi chào anh, em ngủ sớm, 4 giờ sáng mai dậy chỉ huy 5 xe xuống huyện"...


                                                                                  





Không có nhận xét nào: