Thứ Hai, 13 tháng 4, 2020

NHỮNG NƠI NGÀY XƯA LÀ RỪNG



          Tôi vừa về lại nơi mà cách đây chỉ hơn chục năm, từ Pleiku vào được đến đấy là một kỳ tích.

          Đấy là một trong vài xã rất xa, rất sâu của tỉnh Gia Lai. Thực ra xa thì chưa hẳn, vì té ra như vừa rồi vừa đi vừa đo thì nó chưa quá sáu mươi cây số. Nhưng sâu thì đúng, bởi chỉ tầm ấy cây số mà ngày xưa muốn vào, phải mất tới hai ngày.

          Là cái xã Hà Tây của huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.

          Chả hiểu sao ở tỉnh Gia Lai lại có 2 xã rất sâu trong rừng nhưng lại mang tên rất... gần Hà Nội, là Hà Tây và Hà Đông. Hà Đông sau này được... chia cho huyện Đăk Đoa, cái huyện chỉ cách trung tâm Pleiku mười mấy cây số, nhưng vào tới xã này, ngày xưa cũng mất hai ngày.

          Tất nhiên là nó thâm u rừng. Muốn vào Hà Đông phải băng qua khu rừng nguyên sinh Konkaking, giờ được bảo tồn quốc gia. Vào Hà Tây cũng thế, cũng len lách rừng già, âm u rừng già, hiểm trở và bí ẩn.

          Giờ, xe chạy bon bon, tốc độ trung bình 60 cây số giờ.

          Phải nói ngay điều này. Nhờ việc mở đường mà các làng xa được gần lại, đời sống của cư dân trong làng gần với phố xá hơn. Vào làng Kon Măh gặp chi tiết... nhờ đường này, ấy là có anh chàng tên Nguyễn Thanh Hải, sinh năm 1986, nhà ở Pleiku, đi làm phụ hồ cho thầu vào làng này xây nhà chế độ 134 cho bà con, gặp cô gái Bahnar tên Oăn, hơn mình một tuổi, thế nào mà rồi thành vợ chồng, và chỉ 5 năm cho ra đời liên tục 5 đứa con, trứng gà trứng vịt...

          Nhưng ngược lại, rừng toang hoác, giờ vào làng, cứ thông thống. Những cái nhà 134 (nhà của nhà nước hỗ trợ bà con dân tộc) vì được làm vừa nhanh, vừa... tiết kiệm, thông qua rất nhiều khâu, nên cuối cùng giờ nó cũng rất là... 134, trông hết sức thảm cảnh.

Thời ấy, năm 1981 của thế kỷ trước, tôi là gã sinh viên mới ra trường, xung phong lên Tây Nguyên công tác. Và cả năm trời đã ngơ ngác với cảnh rừng viền quanh thành phố, chỉ bước ra mấy bước chân là đã thấy rừng. Từ Pleiku lên Kon Tum (thời ấy còn chung một tỉnh) 45 cây số, chạy xe ban đêm lổn nhổn thỏ rừng. Lái xe dừng lại, thỏ đóng đèn đứng im, thế là... tóm. Xuống làng thì khỏi nói, rừng bao quanh làng, che chở làng, và bình yên cùng làng.

Người ta thống kê có mấy giai đoạn rừng bị phá dữ dội nhất. Tất nhiên là đều có lý do khách quan, lý do chính đáng, những lý do giờ nghe lại có vẻ buồn cười, vô lý nhưng hồi ấy cực kỳ có lý, cực kỳ chính đáng.

          Đầu tiên là trồng sắn cứu đói. Cả nước đói, và phải tự túc. Tây Nguyên, và một số tỉnh “có điều kiện” như Bình Trị Thiên chẳng hạn, tự túc bằng sắn. Sắn được trồng bạt ngàn, nhà nhà trồng sắn, người người trồng sắn, nông dân trồng sắn, cán bộ công nhân viên trồng sắn, sinh viên trồng sắn, học sinh cũng được huy động trồng sắn... Sắn trở thành thứ lương thực chủ lực ngày ấy, giúp cả dân tộc qua cơn đói, và, rừng cũng kịp tuẫn tiết theo sắn...

          Sau đấy là việc thành lập các liên hiệp lâm nông công nghiệp mà liên hiệp lâm nông công nghiệp Đăkglay là một ví dụ. Hồi ấy riêng ở Gia Lai Kon Tum có đến 2 liên hiệp như thế, một là Đăkglay và 2 là Kon Hà Nừng. Cả 2 nơi này đều là rừng nguyên sinh. Đăkglay là rừng Ngọc Linh vĩ đại với đỉnh Ngọc Linh quanh năm mây phủ, từ dưới ngước nhìn lên chỉ thấy thăm thẳm xanh, và Kon Hà Nừng cũng vậy, rừng già thâm u, nơi đây có khu căn cứ địa của cách mạng thời chống Mỹ, gọi là thị trấn Dân Chủ. Tận năm 85, tôi đi cũng ông Núp và ông Nguyên Ngọc vào đây, giữa trưa mà vẫn ngước cổ mãi mới thấy vài sợi nắng xuyên, còn lại thì nước cứ nhỏ tí tách dưới tán rừng. Thế mà chỉ sau mấy năm, giờ toàn đường nhựa với nhà cửa san sát. Chưa ai thống kê thử xem các liên hiệp kiểu này làm được những gì, chỉ biết chắc chắn, rừng bị phá vô tội vạ, phá kinh hoàng...

          Mới đây nhất là chủ trương phá 50 nghìn héc ta rừng nghèo để trồng cao su. Vụ này cũng khủng khiếp đến không tin nổi. Biết là không còn rừng già, người ta nghĩ cách tấn công rừng nghèo. Mà với Tây Nguyên, khái niệm rừng nghèo rất là tương đối. Người ta tính rừng giàu nghèo là tính theo trữ lượng, theo kinh tế. Nhưng rừng không chỉ là kinh tế, nó là văn hóa, là đời sống xã hội gắn với số phận con người, cộng đồng dân tộc.

          Bởi rừng không chỉ là gỗ. Nó là kết tinh của kinh nghiệm sống của con người từ rừng, phản chiếu ở rừng, và ứng xử với rừng. Nó chính là văn hóa, là sự kết giao giữa rừng với con người, nó gắn chặt với con người Tây Nguyên từ đời này sang đời khác, làm nên một bản sắc văn hóa, một văn minh rừng thông qua hệ thống luật tục với rất nhiều điều lý thú và bổ ích mà những con người sống cùng rừng chết cùng rừng tự nguyện làm theo.

Rừng phải là nhiều loại cây con hợp thành, chứ chỉ có một loại nó không phải là rừng. Nhiều loại, loại này hỗ trợ nâng đỡ nuôi dưỡng kèm cặp loại kia để cùng tồn tại, dù đấy là cuộc tồn tại khốc liệt. Nhưng nó đã sinh tồn và phát triển trong sự khốc liệt ấy. Và văn hóa Tây Nguyên, làng Tây Nguyên, con người Tây Nguyên đã hình thành, tồn tại và phát triển song hành trong sự tồn tại và phát triển của rừng như thế. Nói đến làng Tây Nguyên mà không nói tới rừng là chưa thành làng. Nó gắn quện, nó hỗ tương, nó tạo nên hẳn một nền văn hóa lấy rừng làm đối tượng để mà thờ cúng và tôn thờ. Sau này chúng ta định cư, nhiều làng  của người Tây Nguyên bị bứng khỏi rừng, vì nhiều lý do, và những ngôi làng đều tăm tắp như thế nó mất hẳn cái hồn cái cốt của làng, mất hẳn sinh khí, sự hiền hòa đáng yêu vốn có. Và ngay cái việc UNESSCO phong tặng di sản văn hóa phi vật thể cho cồng chiêng Tây Nguyên cũng đâu có phải là cho riêng cồng chiêng, mà là cho không gian văn hóa ấy, mà không gian văn hóa của Tây Nguyên, của cồng chiêng, chính là làng và rừng, làng gắn với rừng.

Lại nhớ đến cái cuộc "cúng rừng" năm ngoái, khi tôi được bí thư huyện ủy Ia Grai khi ấy mời đi cùng.

Cứ tưởng là rừng già, rừng nguyên sinh, nhưng té ra, toàn rừng non, rừng tái sinh. Và người ta mừng vì, cuối cùng thì vẫn còn khu rừng này để mà... cúng. Để thể hiện quyết tâm của lực lượng kiểm lâm và dân làng cùng giữ rừng.

Một tờ báo vừa có loạt bài điều tra về thực trạng phá rừng ở Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, từ sau khi thủ tướng có lệnh đóng cửa rừng. Đọc thì mới thấy, đóng thì có đóng và... mở thì vẫn mở, bởi giờ tìm cửa rừng khó quá, chỗ nào cũng là... cửa rồi. Đặc biệt là những ngôi nhà của những vị nguyên lãnh đạo, đương kim lãnh đạo... vẫn đầy gỗ. Cả một ngôi nhà tiếp khách của một cơ quan quan trọng cũng... toàn gỗ.

Thì làng phải tơ hơ ra là phải.

Nhưng người ta lại cấp tiền cho làng để... xây tường rào cho nhà rông, là cái mà, lâu nay nó được mở ra bốn phương tám hướng, vì nó ở giữa làng, nó tạo điều kiện cho dân làng tiếp cận nhà rông từ mọi hướng.

Cái nghèo nhất ở Tây Nguyên bây giờ, là mất đi một chiều sâu của văn hóa rừng, một sự gắn kết hữu cơ giữa người dân với rừng. Làng rừng Tây Nguyên đang vắng đi một yếu tố hết sức quan trọng, hết sức hữu cơ, hết sức mật thiết, là rừng. Chỉ còn những ngôi làng, trơ trọi giữa nắng, giữa gió, và bụi. Những ngôi nhà sàn truyền thống tiện dụng hiền hòa đang được thay bằng nhà xây 134, 135 hết sức lạc lõng với những cư dân Tây Nguyên sống thơm thảo tình nghĩa với rừng hàng ngàn năm nay...

Bài đăng ở Reatimes, Ở ĐÂY

Một ngôi nhà ở cái làng thuộc loại sâu xa nhất của Gia Lai, giờ nó là nhà xây, nhà 134

Con của gia đình, bám cửa sổ nhìn... tác giả.

Cái nhà rông rất đẹp, nhưng được cấp kinh phí để... xây tường rào

Cổng vào nhà rông. Tác giả sẽ trở lại việc... rào nhà rông

Một cái nhà rông đểu nhưng được các đồng nghiệp chú thích là... vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng. Vâng, rất hùng vĩ...

                                                              


7 nhận xét:

Lê Nguyễn nói...

Khốn!
Nẫu người!

Văn Công Hùng nói...

Hơn cả nẫu ạ

Quế Sơn nói...

Việc Anh VCH và Anh Nguyễn Duy hiện diện và hoài niệm Boudarel trong sáng rải tro cốt của ông ấy ở Sông Bé, sẽ có ảnh cảnh trong phim phóng sự đặc biệt của VTV1 "Giữa những quê hương"- BTV Trần Thu Hiền-công chiếu vào khung giờ vàng đầu tháng 5/2020 này. Vậy là trong hắt hiu của đại dịch covid 19, các Anh Chị cũng có được chút rộn ràng. Chúc mừng!

Văn Công Hùng nói...

Ôi giời sao bác tài thế ạ, gì cũng biết. Nhà cháu chả biết gì, không biết là hôm ấy có VTV đi cùng, và họ làm họ, mình làm việc mình...

Quế Sơn nói...

Xin được trò ba hoa với Anh VCH một tí cho vui. Nhớ đâu nói đó. Nghĩ gì gõ ấy. Không sắp xếp, không chủ đề, Anh VCH nghen.
+Anh khen tôi'gì cũng biết', tôi ngại, vì 'gì cũng biết' nó thường liên tưởng đến kết cục là'không biết gì'.Nói vui. Bể học mông mênh mà. Miễn sao, trong tiếp giao, trao đổi, đều trên nền của chữ thành là quí nhất. Được biết, quê ngoại Anh, Ninh Bình. Quê nội Anh, Huế. Anh được đẻ ra ở xứ ba vua, 2 chúa. Chưa kể đến yếu tô bẩm sinh, họ Văn; chừng ấy cũng loáng thoáng được căn cơ về văn tài, thi tài của Anh.
+Cái phim'Giữa những quê hương' được Ban Đối Ngoại đài truyền hình VN chủ trương thực hiện từ giữa năm 2018. Tìm hiểu thông tin, kết nối nhân vật, ghi hình nhiều nơi, trong và ngoài nước. Chủ đích là ca ngợi về cái tài "địch vận" của Cụ Hồ, nhân kỷ niệm 19-5-2020, chứ không phải chiêu niệm Gorges Boudarel(Pháp), Erwin Borchers(Đức), Kostas Sarantidis(Hy Lạp)đâu.
+Đành rằng, lẽ đời và lẽ trời, xưa giờ, hễ du cư tìm cuộc sống mới thì chim phải thẳng hướng Nam mà bay. Nhưng đáp xuống, xây tổ, lập làng rồi đặt ngay cái tên Hà Đông, Hà Tây là các anh chị chim đầu đàn ấy không biết gì về chuyện xưa, nay, dù, nơi ấy là vùng sâu, vùng xa. Ông bà mình dạy 'cư an, tư nguy'. Vì sao quên đi những AN, những THUẬN, những NGHĨA, những HÒA...trong hình thành địa danh?
+Khoe với Anh và bà con chút: Tôi được con cái nó biếu một suất Âu du cả tháng. Một tuần thăm thú ở Bỉ. Dân Bỉ họ to nhỏ rằng, xưa họ với Hà Lan là một nước, Pays- Bas(xứ đất thấp). Sau này, quên mất năm, họ xin tách ra thành vương quốc Bỉ. Người Hà Lan họ bị thất tán gốc Họ. Chỉ còn lại rất ít, mà cũng không chính thống lắm, là họ Van, họ De. Van, De là tiền tố, làm họ, chọn hậu tố là đặc điểm nghề nghiệp, sinh quán... làm tên. Ví dụ: Van Bruggen (Người này có gốc từ Bỉ đến)...
Thành ra, Anh VCH với ông Van Gogh là không cùng họ Văn à nghen. Hi hi...
+Dịp nào Anh Hùng dự họp Họ Văn toàn quốc, Anh góp ý giùm tôi, cái lô-gô của họ Văn không nên dùng Tộc Văn Việt Nam mà phải dùng HỌ VĂN VIỆT NAM. Đừng nghĩ nhầm Tộc là Họ và Họ là Tộc. Trong thuật ngữ dòng họ thì Tộc đồng nghĩa với phái, với vùng miền. Họ có nhiều Tộc. Ví dụ: Tộc Văn Duy Xuyên, tộc Văn Hậu Lộc...đều trực thuộc họ Văn Việt Nam. Cái này nữa: Từ và tự đều có nghĩa là THỜ. Nhưng, từ là danh từ, còn tự là động từ. Viết Từ Đường Họ Phan, họ Phạm. Không thể viết Tự đường họ Phạm, họ Phan. Tạm dừng.

Văn Công Hùng nói...

Ôi giời bác thức khuya thế ạ. Cám ơn bác rất nhiều về những góp ý, đặc biệt là việc họ và tộc Văn, hì bản thân nhà cháu cũng... không để ý sâu việc này. Bác đọc kỹ đến mức biết tông ty nhà cháu hihi.

Cái vụ Boudarel ấy, nhà cháu quen chị Tố Nga, chị ấy là người từ Pháp cùng anh Nguyễn NGọc Giao mang cốt Boudarel về. Chuyện ông Giao về cũng hay nhưng chưa viết được. Đại loại ổng bị nhà nước VN cấm cửa, có lần tới sân bay rồi còn bị trục xuất quay lại. Lần này ổng về không có visa, cái ý không visa là nói ổng á. Tới sân bay an ninh ra dẫn vào, và ấn định ngày về, đúng ngày thì về. Có việc này là sự sắp xếp của VTV4, bộ ngoại giao với công an. Đến nơi mới biết là cuộc thả tro có VTV chứ trước đấy chỉ nghĩ là một việc nghĩa. Nhóm "ngoài kịch bản" chừng dăm người vô tình thành... diễn viên quần chúng hihi.

Văn Công Hùng nói...

À thêm với bác vụ Hà Đông Hà Tây, nó không phải là bản địa Tây Nguyên, mà (chắc là) do mấy ông cán bộ vô sừng vô sẹo đặt, họ cứ đặt bừa đặt phứa không theo một quy tắc nào, huhu, nên giờ nó tréo ngoe thế. Cán bộ mình mà viết được về họ, phải hàng thiên tiểu thuyết. Thi thoảng nhà cháu mới chỉ đá một chút thôi ạ.