Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020

VÂN VI GHI CÁCH LY



          Đã qua sáu ngày giãn cách rồi. Và té ra, cũng không có gì khủng khiếp như trước đấy người ta đã nghĩ ra.

          Cả xã hội sống chậm lại. Thay vì đi xe thì ta đi bộ. Thay vì ra quán cà phê pha máy thì ta quay lại với phin nhỏ giọt tại nhà. Thay vì ào phát ta có thể tiếp cận với thứ cần mua thì giờ xếp hàng cách nhau 2 mét. Thay vì tiêu tiền xoẹt xoẹt thì giờ cái ví cứ nằm mãi trong túi vì ít có điều kiện rút (là nói các quý ông chứ các bà vợ thì vẫn phải chợ búa chi tiêu hàng ngày). Thay vì suốt ngày chen nhau ngoài đường, giờ ta nhìn xã hội qua... cửa sổ, màn hình ti vi và điện thoại.

          Và rất nhiều chuyện vui trên mạng về những ngày cả xã hội cách ly này. Vui nhất là cái "lịch" du lịch trong ngày, dựa theo lịch tour du lịch. Rồi bày ra các món ăn trên... phây. Rồi đếm gạo, muối, đếm quạt trần quay, nhìn thạch sùng yêu, ngắm bông hoa từ từ nở... Là cứ kể trên facebook thế để giết thì giờ.

          Và biết đâu ta lại có một cách sống khác, văn minh hơn, phù hợp hơn, để ứng xử với một thời đại khác. Thời đại con người không còn là chúa tể, thời đại giãn cách, con người không cần tới công sở, không cần lên lớp, không cần ra đường... thời đại mà mạng internet giúp con người tất tật. Lâu nay đã biết vai trò của internet, của kỹ thuật số, nhưng qua vụ đại dịch này, mới thấy vai trò của nó, và con người mới có điều kiện để... thực tập.

          Cũng qua vụ dịch mới thấy, không cứ to là khỏe, không cứ con người là vô địch. Cuộc chiến với virus lần này như là cuộc chiến vô hình, một cuộc chiến đấu mới đang diễn ra, âm thầm, lặng lẽ và hết sức lạ lẫm. Chiến đấu mà không thấy kẻ thù, chiến đấu mà không tiêu diệt đối thủ, mà phải tránh và tự cách ly mình.

Chiến đấu mà các chiến đấu viên lại được lệnh là... ở đâu ở yên đấy, ngồi đâu ngồi yên đấy. Và càng ngồi một chỗ lại càng yêu nước, càng chiến thắng...

Thực ra ban đầu là chỉ thị về cách ly xã hội. Nhưng hôm sau thì sửa thành giãn cách xã hội. Một bạn bác sĩ giải thích cho tôi là, "Social Distancing" là một biện pháp kéo giãn và hạ thấp đỉnh dịch, hạn chế số lượng quá lớn người bị nhiễm bệnh cùng một lúc. Bệnh viện sẽ không quá tải, người bệnh được chăm sóc tốt hơn, qua đó sẽ giảm tỉ lệ tử vong. Mặt khác miễn dịch cộng đồng sẽ được tạo ra mà không cần phải hy sinh những người có nguy cơ cao như người có bệnh lý nền, tuổi cao. Dịch ra tiếng Việt vẫn chưa thống nhất, giữa cách ly xã hội, giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc xã hội và cả... xa cách xã hội...

Thực hiện "Social Distancing" thì ở nhà chỉ là một một trong những biện pháp. Ngoài nó ra thì còn phải thực hiện các biện pháp khác nữa như: Đóng cửa trường học, làm việc từ xa, trợ cấp an sinh xã hội, huy động quân đội và công an chống dịch... và chính vì thế mà thủ tướng đã dựa vào luật để công bố dịch toàn quốc, nếu không thì chính phủ và thủ tướng sẽ không có đủ quyền lực để phòng chống dịch một cách hiệu quả.

Và thế là có nửa tháng giãn cách.

Rất nhiều người nói, cách ly nó khiến xã hội giống như... tết. Ấy là đường rất vắng, thênh thang đến ngỡ ngàng, đến ngạc nhiên, ơ có đúng con đường này ngày thường mình phải chen nhau từng nửa bánh xe không? Và thứ 2 là... ăn miến, mì tôm, cơm rang, bánh chưng... ở nhà. Thì tết cũng thế. Dân ta có thói quen cứ tết là tích trữ thức ăn, dù bây giờ mùng 2 là siêu thị đã mở cửa, chợ đã họp lại. Và tết thì... ăn sáng ở nhà, còn ngày thường thì ra quán. Và nhiều nhà chuẩn bị một nồi chân giò hầm măng, sáng chỉ việc thả miến, mì tôm (là chủ yếu) vào rồi là ăn.

Đang viết đến đây thì một bạn phây từ Hải Phòng nhắn tin. Đọc xong tin thì thấy không cần viết gì nữa, cop nguyên tin nhắn vào đây là quá hay rồi: "Em nhắn cho anh sau khi vừa nói chuyện với em trai em, nó đang cách ly ở Thủ Đức. Nó thương anh em bộ đội phục vụ quá anh ạ. Các cháu trẻ, đang sức ăn sức ngủ mà bị vắt kiệt sức lực, đêm chỉ ngủ mấy tiếng, ngày thì việc gì cũng đến tay, vạ vật. Sáng nay có cháu mang đồ ăn lên xong mặt mũi xanh xám, đứng thở không ra hơi. Nó bảo các anh chưa chết thì em đã chết trước rồi. Nghĩ nó đau quá anh ạ. Nhà em ở bên ngoài, phân công nhau mỗi hôm một người gửi một tin nhắn cho 1407 để ủng hộ chính phủ. Mong các cháu phục vụ và y bác sĩ có thêm động lực làm việc. Em thực sự thấy áy náy khi mình thì ngồi yên mà để chính phủ loay hoay...".

Cũng như thế, đọc cái nhật ký cách ly của một cháu du học sinh từ Hà Lan về mà không cầm được nước mắt. Ban đầu thì cháu hơi khó chịu vì bị cách ly, nhưng rồi càng ngày thì yêu thương đong đầy trước sự phục vụ nhiệt tình, hết sức vui vẻ, đầy sự sẻ chia của các "chú" bộ đội từ những câu chào thiệt tình buổi sáng đến những cử chỉ tự thân như nó là phẩm chất từ trong máu, không khách sáo khuôn mẫu mà là hết sức nhiệt tâm từ những cảnh huống cụ thể, và cuối cùng vỡ oà là cách chú bộ đội cúi người chào "đồng bào", và "đồng bào" cũng không hề biết mặt chú... Đọc hết nhật ký của cô bé du học sinh này, không thể không xúc động, không thể không sống tử tế hơn, tốt hơn...
Và thấy, bộ đội ta có những người lính vĩ đại thật. Vĩ đại từ những cư xử hàng ngày. Họ được huấn luyện, bồi dưỡng không chỉ kỹ năng chiến đấu, mà cả kỹ năng phục vụ nhân dân, phục vụ "đồng bào" vừa tận tâm vừa lịch sự, lễ phép từ một cái nền văn hóa rất vững.
Quả là, cứ ngồi một chỗ chỉ lo việc ăn rồi làm gì cho hết ngày, nó có vẻ bất nhẫn với những người, hàng triệu người, đang lao vào chống dịch, mà tin nhắn tôi trích và câu chuyện của cô bé du học sinh trên kia chỉ là một đốm nhỏ. Và hai, điều này khiến tôi lâng lâng mấy hôm nay, ấy là dân ta giờ đã gọi chính phủ một cách rất thân thương và tin tưởng. Nhớ mấy bài báo tôi viết khi đi nước ngoài về, bên ấy, chính phủ là câu cửa miệng của công dân: Chính phủ bảo thế này, chính phủ bảo thế kia. Việc này chính phủ cho làm, việc này chính phủ không cho làm... và ước ao, bao giờ dân ta cũng nhắc đến chính phủ của ta tin cậy và thân thương đến thế. Thì qua vụ chống dịch này, tôi đã thấy điều ấy. Rất nhiều người gọi chính phủ trìu mến và tin cậy, chứng tỏ uy tín đang lên rất cao của chính phủ...

Những điều tốt đẹp cứ dâng lên hàng ngày, quanh ta.

                                                                        




Không có nhận xét nào: