Mấy
tháng nay, cả tỉnh Thừa Thiên Huế đang nổi lên một "sự nghiệp", phải
gọi đúng là sự nghiệp, bởi nó rất lớn và mới, dù bản thân nó rất... cũ và cũng
bình thường thôi, ấy là tất cả mọi người, nam phụ lão ấy, mọi ngành mọi nghề...
đều xắn tay dọn rác. Không ai ngoài cuộc, từ học sinh sinh viên, công an bộ đội
tới các mệ các ôn, chị em tiểu thương, các bác nông dân, từ trung tâm thành phố
tới các làng xã xa xôi, từ vùng biển tới vùng núi.
Tôi
quan tâm mạnh tới việc này nhờ 2 việc, một là ông bạn Lê Thanh Phong võ sĩ võ
sư nhà báo nhà văn trông rất hầm hố nhưng hình như vẫn rất Huế khi anh lăn vào
cuộc chiến xanh, với những tút ngắn khác hẳn với lối thâm trầm vốn có của mình.
Theo tôi biết thì anh sống và làm báo ở Sài Gòn nhưng cứ chiều thứ 6 thì bay ra
Huế, vừa trực tiếp làm, vừa tổ chức, hô hào cùng với "hệ thống chính trị"
và sự tự giác của dân. Vừa thấy viết tút khen tổ 6 Điền Hòa đã lại thấy đăng ảnh
công an Hương Thủy, Vừa đăng mấy câu động viên bà con Nôốc Thuận An đã lại bon
bon A Lưới, với những câu rất tếu: Cứ ri rồi rác mô mà dọn nữa hè? hoặc: Mưa thì mặc áo mưa, rác thì phải dọn, chỉ có
dân nước Huế. Đội mưa đi dọn rác, cả cụ già tóc bạc, chỉ có là Nam Đông. Bà con
Quảng Điền với Chủ nhật xanh. Rác đi thì hoa mọc lên vân vân, nó rất khác với
kiểu viết hàng ngày của anh, hình như nó có cái gì đấy lâng châng giữa cổ động,
hân hoan, giữa khích lệ với tự hào.
Anh tự hào về
Huế của mình.
Cái sự dọn rác
một cách quyết liệt, thẳng tưng và đầy ý thức như thế, hình như Huế đã chứng
minh rằng, mình không chỉ yểu điệu, không chỉ thục nữ, không chỉ làm duyên,
không chỉ... dạ. Huế còn xắn tay áo lên khi cần quyết liệt với một thói quen, một
sự trì trệ, một sự vô lý nhưng lâu nay sống quá lâu đến mức thành... có lý.
Một hôm nào đấy,
lại đọc cái tin ông chủ tịch tỉnh đi thăm lớp học.
Thì nó cũng
bình thường, chủ tịch tỉnh đi thăm đâu chả được, huống là thăm lớp học.
Nhưng nó không
bình thường là ông không đi giữa cờ hoa, giữa hai hàng giáo viên và học sinh cầm
cờ hoa vẫy, ông cũng vẫy rồi ghé qua quýt vào một lớp nào đấy, bắt tay (tôi rất
dị ứng với cảnh người lớn bắt tay trẻ con) xoa đầu vài cháu học trò, rồi lên
văn phòng, huấn thị một hồi cho giáo viên, rồi... về. Đây ông vào lớp, ngồi cầm
sổ chăm chú như một học sinh. Khiêm tốn và không làm phiền. Nhưng mà nắm được vấn
đề, hiểu được công việc. Cũng có người nói ông làm màu. Cơ khổ, làm màu là phải
chói lòa cờ hoa là máy ảnh camera tanh tách chứ, là đứng chém chứ, ai lại ngồi
lặng lẽ thế.
Cũng như thế,
tôi lại ấn tượng cảnh ông đi thăm bà con được/ bị giải tỏa ở khu Thượng Thành
và dẫn bà con đến giới thiệu khu tái định cư. "Tiện thể" có cụ bà bán
vé số cũng trong đoàn người định cư ấy, ông mua một xấp tặng cho tất cả bà con
có mặt, bằng tiền túi, tất nhiên, với lời chúc bà con may mắn. Có thể sẽ không
có ai "may mắn" trong số người được tặng vé hôm ấy, nhưng cái sự thân
mật, cái sự thấu hiểu, sẻ chia của ông thì bà con sẽ nhớ mãi. Lại nhớ đến bao vụ
đền bù giải tỏa mà mãi vẫn không giải quyết xong, có cả những vụ phải tù tội...
Như một song
kiếm hợp bích, bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cũng thảo thư kêu gọi
giúp đỡ người dân nghèo, mà ở thư này, nói thẳng là để giúp bà con vùng Thượng
Thành có thêm đồng ra đồng vào khi về nơi ở mới. Tôi hình dung nó giống như một
món quà mừng nhà mới cho bà con, từ tấm lòng thơm thảo của mọi người, trong đấy,
sự châm ngòi, sự thắp lửa của bí thư tỉnh là điều kiện tiên quyết để những tấm
lòng đến với những tấm lòng.
Dân mà thuận,
thì chả việc gì mà không xong. Nhưng vai trò người khởi xướng, người đầu tàu rất
quan trọng.
Lại
nhớ một khuya nào đấy, đang ở Huế thấy Lê Thanh Phong gọi, bảo có rỗi không, đi
ngồi với anh Đại Vui tí. Tôi quen anh Vui từ hồi làm bí thư Phong Điền. Té ra
là nhen nhóm cái vụ làm sạch Huế là từ hồi này. Tất nhiên là tôi hăm hở đi
ngay. Tới nơi, bên ly bia lạnh vỉa hè, rất dân dã, nhưng chúng tôi toàn nói
chuyện về Huế, về tương lai Huế và những việc phải làm để Huế xứng đáng là Huế.
Tất nhiên tôi chỉ là người nghe, bởi nói tiếng là người Huế, tôi mới chỉ hiểu
Huế ở cái mức... hình như.
Có
một thời tôi hay đùa, Huế rất là... hình như. Giờ tôi khẳng định, hình như Huế
đang rất quyết liệt, rất cụ thể, rất chân phương trong từng đường đi nước bước,
để cái hình như ấy cứ phải quyện lấy Huế, làm nên một thương hiệu Huế, Huế hình
như...
Bài đăng báo Thừa Thiên Huế số tết Canh Tý 2020
Bài đăng báo Thừa Thiên Huế số tết Canh Tý 2020
4 nhận xét:
Ở đâu có cán bộ tốt, ở đó phong trào thực chất, dân được nhờ. Mong làm sao cán bộ toàn là người tốt , thay thế dân loại cán bộ là sâu mọt đục khoét công quĩ
Ở đâu có cán bộ tốt, ở đó phong trào thực chất, dân được nhờ. Mong làm sao cán bộ toàn là người tốt , thay thế dân loại cán bộ là sâu mọt đục khoét công quĩ
Ở đâu có cán bộ tốt, ở đó phong trào thực chất, dân được nhờ. Mong làm sao cán bộ toàn là người tốt , thay thế dân loại cán bộ là sâu mọt đục khoét công quĩ
Ở đâu có cán bộ tốt, ở đó phong trào thực chất, dân được nhờ. Mong làm sao cán bộ toàn là người tốt , thay thế dân loại cán bộ là sâu mọt đục khoét công quĩ
Đăng nhận xét