Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2020

CHỢ HOA, VÀ KHÔNG CHỈ CHỢ...



          Chả biết tự bao giờ, dân Việt ngoài ăn tết còn chơi tết. Cái món chơi tết này ngày càng lấn át ăn. Ngày xưa ăn là chủ yếu, nên cái câu "Ăn tết" nó vẫn sừng sững đến giờ. Đến giờ, tức là khi ăn đã lui xuống thứ yếu, sự chơi lên ngôi, nhưng người ta vẫn thói quen mà gọi, là ăn tết.

          Ăn tết thì có cỗ. Ngày xưa, từ thời đói khổ ấy, bên cạnh ăn, ăn cỗ tết, thì vẫn có chơi, ấy là gì thì gì, tôi nhớ, các cụ (đa phần phía Bắc ấy), sát tết vẫn cứ phải thửa cho bằng được, ít nhất là cặp tranh Đông Hồ hoặc Hàng Trống, cứ là phải treo lên vách, dù cái vách nhà ấy, nó đơn sơ và tối tăm, nó thấp và nhôm nhoam. Treo lên là thấy tết về, là sáng bừng ngôi nhà tranh cũ kỹ ấy.

          Nhà thành phố có thể còn thêm đào, thủy tiên vân vân.

          Chơi tết ngày xưa chỉ đến thế, còn lại là tập trung cho sự... ăn tết.

          Giờ, khi cái sự ăn nó không quá "trầm trọng" như ngày xưa nữa,  thì người ta chơi tết.

          Có nhiều kiểu chơi tết, nhưng đa phần là, bắt buộc phải có trong nhà, là hoa. Ít nhất là hoa vạn thọ, hoa Lay ơn để cắm bàn thờ. Rồi đào, rồi mai, rồi quất, rồi các loại hoa thửa từ nước ngoài về, từ những vùng quý hiếm...

          Nhiều nhà kỹ, đặt hoa từ hồi giữa năm.

          Và vì thế đa phần các địa phương đều có các chợ hoa.

          Ban đầu có thể là nó chỉ tự phát, mấy người bán tự động gom vào ở đâu đó, một mảnh đất trống đầu chợ, một ngã tư, một nền nhà bỏ không vân vân, nhưng lâu dần thì rất nổi tiếng, thậm chí trở thành một địa chỉ văn hóa, lịch sử như chợ hoa hàng Lược, chợ hoa Quảng Bá (Hà Nội) vân vân, sau rồi chính quyền vào cuộc, tổ chức những khu chợ hoa rất lớn, rất bài bản quy mô, như chợ hoa Nguyễn Huệ, chợ hoa Sa Đéc...

          Ấy là bởi, cũng là buôn bán, nhưng buôn bán hoa nó khác, nó là văn hóa, nó sang trọng và đẳng cấp, chứ không giống như bán tôm bán cá bán gạo bán khoai.

          Chợ hoa hàng Lược chẳng hạn. Người mua bán ít hơn người đi ngắm. Tôi có một lần lạc vào đấy, và mãi không về được. Cái không khí, cái phong thái, cái ý thức, cái phong vị... của nó, của những người ở đấy, không phải là mua bán, mà là cái gì đấy cao hơn, nó chứng tỏ một đời sống tâm hồn hết sức phong phú, nó minh chứng là, hoa là một thứ không để bán mua thông thường, không phải là vật chất đơn thuần, mà nó là... hoa.

          Nhiều tỉnh thành chuẩn bị rất kỹ những chợ hoa này, coi nó như một hoạt động văn hóa lớn của địa phương. Ngoài Hà Nội và Sài Gòn là đương nhiên, năm nào cũng thế, thì còn các tỉnh khác, coi hoa là một trong những điểm nhấn của tết, hơn cả pháo hoa, hơn cả thành lập những đoàn đi (chính xác là chạy), rất nhanh, rất vội vã và rất... lấy được, chúc tết các gia đình chính sách. Tết nhất đến nơi, ai cũng vội, cả người đi chúc và người được chúc. Tôi cũng từng tham gia vài đoàn như thế, đa phần là được mấy địa chỉ đầu, sau đấy là gửi quà lại, nhờ huyện chuyển tiếp. Huyện lại nhờ xã, xã lại nhờ thôn... chứ quả là cũng chả có thời gian mà đi hết.

          Có một thực tế là, rất nhiều người đến chợ hoa không chỉ để mua, mà là ngắm, là chơi, là dạo, là học, là tìm tứ, tìm cảm xúc, để thư giãn, để qua hoa mà thấy người, thấy văn hóa một vùng đất, thấy trầm tích, thấy truyền thống, và cả tương lai vùng đất ấy. Nói nôm na như dân hay nói, là thấy trình của người tổ chức.

          Thành phố Pleiku nơi tôi sống mấy chục năm qua cũng khá thăng trầm với hoa.

          Hồi đầu, tết đến bà con toàn chơi vạn thọ. Khổ đến sấp mặt, chiều ba mươi tết lao ra chợ mua mấy chậu nhỏ, hoặc bó vạn thọ. Hoa bó thì trưng bàn thờ, mấy cái chậu thì để trước sân. Coi như là xong tết.

          Rồi dần dần tiến lên, dân chơi hoa tết ngày càng đông đến rất đông.

          Chợ hoa bắt đầu từ khoảng 20 tháng chạp, đến giao thừa thì chấm dứt. Ban đầu là ở các con đường xung quanh chợ. Tôi với mấy anh bạn tối ba mươi nào cũng lôi nhau lên đấy ngắm hoa, có anh về làm thơ hoa ba mươi có câu tôi nhớ "Đêm ba mươi mua hoa thờ mùng một". Nhưng quả là nơi ấy chật chội, hoa lẫn với cá, với rau. Mấy năm sau con đường chính trong thành phố và cái sân nhà triển lãm được trưng dụng. Tất nhiên là cấm xe, nhưng vài ngày ăn nhằm gì, dân tình hả hê vì rộng rãi sạch sẽ, mua hoặc ngắm đều rất hợp.

          Nó đang gần đúng nghĩa là chợ hoa thì một khu đất trống phía gần nghĩa địa được quy hoạch để làm chợ hoa. Nó bụi, nó nắng... nó trở nên tiêu điều và xệch xạc. Ai cũng kêu nhưng cũng vẫn cứ mở. Không bán thì nghỉ. Kết quả là, người bán thì... méo mặt. Công phu chở hoa từ Nam ra, từ Bắc vào, đóng đủ thứ tiền, giờ không có người lên mua, làm sao mà về? Người mua thì lơ thơ vì họ tìm những điểm nhỏ (bán vụng trộm ngoài quy hoach) để khỏi hứng nắng hứng bụi hứng mồ hôi... Và mua là đúng nghĩa mua, hùng hục như chạy... nắng chứ chả ngắm nghía xem chọn bình tán trầm trồ thưởng ngoạn gì?

          Năm nay, lại đang lao xao nghe đồn thổi, lại đến mấy khu đất ở các nơi khác (không phải cái nơi bụi và nắng cũ, may thế), nhưng cũng kín đáo, cũng xa, được quy hoạch để làm chợ hoa, chính xác là... giấu hoa vào các nơi ấy.

          Trời ạ, chợ đúng nghĩa là chợ nhé, chỉ để mua bán nhé, như cá như tôm, như gà như vịt. Mà lại đến mấy nơi, tha hồ lượn như là xăng không hề tăng giá đúng chiều 31 tháng 12 dương lịch.

          Tại sao không biến nó thành một sinh hoạt văn hóa nhỉ, là ngoài bán mua, nó còn tôn vinh hoa, tôn vinh văn hóa, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ và giúp cho nhân dân giải trí một cách lành mạnh, sang trọng...

          Mà như thế thì cái quảng trường to oạch ấy, xung quanh rất nhiều không gian trống ấy, sao không làm.

          Và làm hẳn thành cái lễ hội hoa đi, thì cũng vẫn bán, vẫn mua, nhưng nâng cấp nó lên, còn dành cho người đi ngắm hoa, đi thưởng thức cái đẹp nữa.

          Muốn yêu hoa cũng khó, và khổ nữa. Đầu tắt mặt tối cả năm, ngày cuối năm lại tất tả chạy ra cái chợ, đúng nghĩa chợ, mua hoa, tiện thể mua thêm ít khoai, ít cá. Ơ hay đấy cũng là cách giúp dân thanh thản ạ?

Bài đã đăng báo, link gốc Ở ĐÂY ạ, mang về để lưu ạ.


Hoa ở thành phố Pleiku hiện tại

                                                                       

Không có nhận xét nào: