Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

DU LỊCH XANH TRONG CƠN LỐC TĂNG TRƯỞNG NÓNG



Du lịch bây giờ đang là xu hướng làm kinh tế sạch về nhiều nghĩa được cả thế giới ồ ạt ứng dụng, coi như một cách để thoát nghèo, để tăng trưởng kinh tế. Hầu như tất cả mọi sự phát triển, mọi sự đầu tư, mọi dự án, dù làm ở ngành nào, đầu tư vào gì thì đều gắn với du lịch. Các công trình lớn khi thiết kế người ta đều ưu tiên cho du lịch trước tiên. Ví dụ, để làm thủy điện, thay vì chỉ thủy điện với việc làm ra điện để bán (như ở Việt Nam lâu nay), thì Thái Lan thiết kế nó thành khu du lịch trước đã. Khi nhà máy thủy điện khánh thành thì đồng thời với nó là đón khách du lịch vào tham quan. Thuỷ điện Srinagarind thuộc tỉnh Kanchanaburi khách nườm nượp vào thăm đập, chụp ảnh búa xua rồi lại ra thác, lại chụp ảnh, rồi lăn ra bãi cỏ, rất rộng và đẹp, rồi mấy cái nấm giả vân vân... mà chả thấy thu vé gì. Ở Việt Nam cũng có vài nơi tổ chức cho khách du lịch tham quan, nhưng khi thiết kế chỉ là làm thủy điện, đến khi xong rồi thấy khách khoái tới xem thì... thành lập một ban du lịch, của nhà máy, tất nhiên. Nên nó hết sức nghiệp dư và luộm thuộm. Và bán vé, tất nhiên. Hết sức tủn mủn và tạm bợ, kiểu hàng xén chứ không mang tầm quốc gia như một thể thống nhất, dù Thái Lan nhất nhất là... tư nhân, trong khi du lịch chúng ta có sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương tới địa phương.
          Mới nhất của xu hướng này là sân bay Changi của Singapore. Người Singapore đã biến toàn bộ cái sân bay khổng lồ này thành một đại siêu thị, đại công viên, đại công trình văn hóa, đại thu hút khách, từ khắp nơi trên thế giới, đổ về, từ nội đô Singapore đổ ra, trong khi sân bay vẫn hoạt động, hoạt động một cách nhàn nhã dù nó là nơi trung chuyển hàng không vào loại lớn nhất thế giới. Khác hẳn bên ta, sân bay chỉ để phục vụ hàng không, và phục vụ rất ì ạch, hàng không giờ cũng tắc đường như xe buýt, xe máy.

          Và cũng vì coi như là ngành kinh tế mũi nhọn nên nhiều khi chúng ta cũng hết sức... kinh tế trong việc tính toán kinh tế, tức là tận thu, là bằng mọi giá kiếm tiền, là tạm bợ, là chắp vá, là chụp giật... mà nhiều khu du lịch đang mắc phải. Nặng nhất là văn hóa bị biến dạng, môi trường bị xâm hại, thậm chí con người bị thay đổi tâm tính, tất cả quy ra... tiền. Cứ đi xuống các làng xa xa một chút, làng nào du lịch đã vào là biết ngay, dân ít thân thiện, và chỉ chịu chụp ảnh khi... có tiền, khác hẳn ngày xưa, khách đến thăm làng luôn luôn là thượng đế.

          Nhưng lại có một khu du lịch tôi biết, đang âm thầm chứng minh rằng, du lịch sạch vẫn có thể tồn tại, nếu như con người có tâm, và có tầm, tất nhiên. Ở đó, mọi thứ thuộc về thiên nhiên được tôn trọng, những gì thuộc về văn hóa được giữ gìn. Ở đó, không chỉ cây cỏ có hồn mà đến đất cũng có hồn, đất cũng phải được thở, được vươn vai.

          Với khoảng hơn 20 héc ta đầm lầy thuộc chiến khu bưng biền cũ, những người làm ở khu du lịch sinh thái văn hóa "Một thoáng Việt Nam" đã đổ xuống đấy gần triệu mét khối đất để cải tạo thành một khu đất nổi để có thể trên ấy xây dựng một khu du lịch.

Điều cốt lõi nhất của dự án khu du lịch "Một thoáng Việt Nam" là việc khích lệ lòng tự hào dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hoá một cách tinh khiết, giới thiệu những nét tinh hoa và đặc sắc nhất của văn hoá Việt. Từng cái cây khắp nơi được đưa về, từng hiện vật lịch sử, văn hóa được nâng niu bảo quản. Đây là nơi lưu giữ không gian văn hóa từ đồng bằng Bắc Bộ tới miền Trung Tây Nguyên, rồi cả vùng Nam Bộ, với những hiện vật gần như có một không hai...

"Một thoáng Việt Nam" còn lưu giữ hàng loạt các nghề truyền thống bằng cách mời nghệ nhân bản địa về làm và biểu diễn tại chỗ, như đan lát, như làm giấy, dệt... nhằm vừa giới thiệu vừa bảo tồn vừa truyền nghề.

 Bên cạnh văn hóa truyền thống, "Một thoáng Việt Nam" còn đầu tư khoa học công nghệ để nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm quý hiếm. Hiện có hơn 150 sản phẩm đã lưu hành trên thị trường. Ở đây cũng có hệ thống phòng nuôi cấy mô, phòng lab nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm hỗ trợ nông nghiệp, sản xuất các sản phẩm hữu cơ, áp dụng công nghệ cao (chế phẩm nano, chế phẩm sinh học cao cấp), sản xuất và giới thiệu các loại hương liệu, các loại nấm, từ thượng hoàng, tới đông trùng hạ thảo, rồi nấm linh chi, nấm hầu thủ, nấm sò, nấm bào ngư, nấm sữa, nấm mối đen, tre và các sản phẩm từ tre. Hiện có hơn một trăm giống tre trên khắp thế giới đang được ươm tại đây. Mục đích của việc lưu giữ và phát triển những sản vật này là để những người dân bình thường cũng có thể được sử dụng những mặt hàng quý hiếm, cao cấp.

Đây là một cách làm du lịch mới, bền vững và sâu, cặn kẽ và tôn trọng đời sống, hòa đồng nhưng có đầu tư, "Một thoáng Việt Nam" là một dự án khiến cho khách đi tham quan học được nhiều sau mỗi chuyến đi và thực sự cảm thấy trân trọng hơn các giá trị tự nhiên và văn hóa quý báu của người Việt Nam.

Trong nước, giờ nhiều tỉnh thành lấy du lịch làm mũi nhọn, coi du lịch là cái mỏ... tiền, khoan thoải mái. Lúc nào cũng kêu gọi đầu tư, chỗ nào cũng xẻ ra làm du lịch, nhưng rồi thấy rất nhôm nhoam. Có nơi khách đến một lần rồi... cạch, có nơi bày ra chờ khách đến nhưng họ đến bằng đường nào thì... không biết. Kinh nhất là nhiều nơi, du lịch dính vào là tan nát văn hóa luôn, dù nơi đấy được quy hoạch làm du lịch... văn hóa. Văn hóa bản địa bị băm chặt, bị áp đặt, bị cưỡng... chế. Người dân làm du lịch bằng cách... thu tiền khách, kể cả chụp ảnh.

          Du lịch chính là văn hóa, nó làm ra tiền nhưng từ từ, chứ đòi nhanh như... đền bù giải tỏa thì chỉ là một thứ du lịch cũng ngang đền bù giải tỏa, lấy du lịch làm... nghị quyết, và mãi mãi nó nằm trên giấy...

          Là nghĩ lan man thế, chứ vẫn rất tiếc nếu Việt Nam không thể trở thành cường quốc du lịch. Nhưng ngoài quyết tâm và cả hệ thống chính trị vào cuộc, còn rất cần con người, những con người cụ thể, không chỉ nhăm nhăm thu tiền mà phải biết phục vụ, một cách hiểu biết và tôn trọng sản phẩm du lịch, tài nguyên du lịch và thành quả du lịch...

          Có một thực tế là, sau thời kỳ hào nhoáng với những hời hợt bề ngoài, không kết dính, không có độ sâu, đầu tư dàn trải làm loãng những gì nhẽ ra phải được cô đặc dồn tụ, hiện nay du lịch đang có một cái nhìn khác, để nó thực chất hơn. Có người nói vui, làm du lịch tức là... không làm gì cả, cứ nguyên sơ thế. Là một cách nói, để làm sao chúng ta nhúng tay vào mà như không nhúng, đầu tư nhưng ẩn kỹ, không lộ diện như mấy cô gái quá lứa cứ lấy trang sức son phấn lòe loẹt để tự giới thiệu mình. Tôi cứ nhớ mãi cách giải thích của bà chủ khu du lịch "Một thoáng Việt Nam": Chị không bê tông hóa, mà lát gạch trên các con đường, để cho đất nó thở. Em có tin không, đá nó vẫn tiếp tục phát triển, lớn lên, sinh sôi... khi mình mang nó về nhà đấy. Và chị đã cho tôi xem viên đá chị "nuôi" trong nhà, đặt trên cái đĩa. Những mầm đá li ti như đầu đũa chen nhau mọc trên bề mặt viên đá chị lấy về từ một hội chợ. Hiểu thiên nhiên đến thế, tôn trọng thiên nhiên đến thế, chắc chắn không thể can thiệp thô bạo vào thiên nhiên, như một số vụ ồn ào vừa qua trên nước ta, bởi các nhà làm du lịch ăn xổi ở thì...

Bài đăng Báo tết "Nhà đầu tư" tết Canh tý 2020 ạ.


         






Ảnh trong bài của Huy Tịnh
                                                                         



Không có nhận xét nào: