Tôi
vừa về thăm lại cái làng mà hồi nhỏ tôi gắn với nó lâu nhất. Sở dĩ phải nói thế
bởi thế hệ tôi đa phần là phải lang thang sơ tán. Những người có hoàn cảnh như
tôi nhiều lắm, ba quê Nam, mẹ quê Bắc, gặp nhau ở một tỉnh trung gian, lấy nhau
sinh con đẻ cái, rồi cả gia đình cứ chu du trên xe đạp, sơ tán hết chỗ này tới
chỗ khác. 2 nơi in đậm trong trí óc non nớt của tôi là cái làng Đa Giá quê ngoại
ở Ninh Bình, sống ở đấy rất ít nhưng đầy ký ức. Và 2 là cái làng tôi đang nói
đây, làng Phú Điền, Triệu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, nơi có đền Bà Triệu nổi tiếng,
giờ là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Là
tôi đã ở đấy cho tới hết cấp ba thì mới chuyển về quê nội ở Huế vì lúc ấy cũng
vừa năm 1975.
Vừa
rồi về lại, ngủ lại, đi lại thăm lại những nơi mình từng sống, từ cái thuở cấp
2, cho tới lúc tim biết loạn lên vì một mớ tóc lòa xòa của cô bé hàng xóm vô
tình dựa bên cửa sổ.
Thấy
tất cả nó... bé tẹo.
Ơ
thế mà giờ nó bé tí, như cái rãnh, nước liu hiu vật vờ. Tất nhiên hai bên bờ
thì lại thành đường rất to, đường nhựa hẳn hoi, 2 ô tô tránh nhau được. Vật đổi
sao dời, mấy chục năm, mương thành rãnh và bờ đê nông giang thành đường liên
xã. Và cũng bởi là, những cánh đồng lúa từng xanh mướt mạ, vàng ươm lúa ngày
xưa... giờ đã thành... phố. Mà phố thì cần gì nông giang. Cần đường hơn chứ.
Cũng
như thế là cái ngõ nhà bà ngoại tôi. Ngày xưa chúng tôi phải cõng nhau lên để
nhìn sang phía bên kia, để bắt những con ốc sên be bé trên bờ rào xương rồng bẹ,
loại ốc sên dễ thương chứ không gớm ghiếc như loại to ùng bây giờ. Giờ, nó chật
và bé đến một mình đi mà cứ sợ đụng những viên đá xanh làm ngõ. Và ngay cái nhà
gỗ lim của bà cũng thế, giờ thấy nó tí hin, thế mà đã từng là lâu đài của chúng
tôi.
Đã
đành chúng ta lớn lên, thì ngay đến mẹ cũng bé lại, vì mẹ còng xuống. Nhưng
cũng phải thấy thêm một điều nữa, làng đang nở ra. Tôi dùng nở chứ không mở, bởi
mở từ khá lâu rồi.
Ấy
là từ khi hợp tác hóa, người ta xóa tên làng, đưa tên hợp tác xã vào. Một là đặt
tên theo số, hai là tên mới như Thống nhất, Đoàn kết, Tiến lên, Hợp nhất, Kết
đoàn vân vân... Các lũy tre chỉ còn trong ký ức bởi ý tưởng "ruộng đồng
bao la đẹp như gấm hoa". Trước đấy, làng lấy lũy tre làm biên giới. Phép
vua thua lệ làng. Phép vua là lớn nhất, nhưng đến lũy tre làng là phải dừng lại,
bởi ở đấy là một thế giới khác. Nó vừa tuân thủ phép nước, vừa song song lệ
làng tồn tại. Và trong chừng mực nào đấy, lệ làng mới là cái mà người dân phải
tuân theo. Chỉ vài ba chức việc trong làng phải theo phép nước, còn tuyệt đại
dân làng theo theo lệ làng. Không theo ư, đơn giản là anh sẽ phải sống một
mình. Giỗ không ai tới, cưới không ai sang, và kinh nhất là, chết không có người
khiêng.
Lũy
tre bỏ đi, làng mở ra, cây đa chỉ còn là ký ức, là hướng nhìn về chứ không phải
để đánh dấu làng, người dân đi tứ xứ kiếm ăn. Làng nở ra vô tận...
Có
lẽ người đầu tiên của làng đi khỏi làng Việt mà có danh có phận là anh... Chí
Phèo. Đang yên đang lành, hiền ngoan như thế, bóp chân bà Ba mà cứ run bắn lên,
dời làng lên phố phát, khi về anh thành... Chí Phèo lừng danh vua biết mặt chúa
biết tên.
Sau
này người Việt tha phương, nhiều người thành đạt, họ mang cả làng đi theo, theo
cái nghĩa thứ nhất là về quê đưa anh em bà con, thậm chí cả dòng họ đi. Rồi họ
lập làng, đặt tên hẳn hoi. Làm nhà thờ họ, làm đình làng. Làng di chuyển như thế,
nở ra như thế.
Người
Nghệ An Hà Tĩnh hay có kiểu này nhất. Họ tới đâu làm ăn được là đưa cả quê vào.
Có nhà thờ, có đình, cũng hương ước, lệ làng, tôn ti trật tự như... ở làng. Những
ngày hội làng ở quê mới là dịp để họ phô diễn sắc quê. Từ giọng/ tiếng nói đầy
bản sắc mà ngày thường họ phải nén lại, đến món ăn, đến cách ứng xử, tên gọi...
như ta đang sống ở chính vùng quê ấy.
Thừa
Thiên Huế có một làng vàng nổi tiếng là làng Kế Môn. Mấy trăm năm trước ông Cao
Đình Độ từ Thanh Hóa mang theo nghề vàng vào lập nghiệp ở đây. Và rồi Kế Môn trở
thành tổ của nghề vàng phía Nam. Dân làng tứ tán làm ăn. Đến bất cứ tỉnh thành
nào, thấy các tiệm vàng lớn thì đa phần là của người Kế Môn. Không làm chủ thì
cũng là thợ chính, thợ cấp cao. Và, họ lập những làng vàng ở khắp nơi như thế.
Hàng năm tổ chức cúng giỗ ở cả 2 nơi. Về Kế Môn là những đại gia, hàng đoàn xe
xịn ùn ùn về cái làng cát ven biển một thời rất nghèo giờ giàu hơn phố này. Còn
lại thì làm lễ tại "làng" mới, cũng gọi cúng làng, cũng đầy đủ thủ tục
như thế. Hơn ở quê còn bởi ở đây đông hơn, và ở đây không chỉ những người nói
tiếng Huế nữa, mà pha khắp nơi, ấy là chồng/ vợ con của họ, thợ của họ... ở quê
mới.
Thì
đấy là kiểu nở ra (quê mới) và teo lại (quê cũ).
Ở
quê, giờ chỉ còn người già và trẻ con. Người lớn đi làm ăn hết. Họ bung ra bằng
nhiều con đường, trong đấy có những con đường không chính thống, mà dắt díu
nhau, ngầm thông báo cho nhau... đi kiếm ăn rồi tết quay về. Cái rất hay của
người Việt là đi đâu làm đâu, tết là phải về, tết như là một cái neo giữ người
Việt trở lại với làng, là nơi để con người gửi gắm ký ức, nơi phần tốt đẹp được
cất giữ và thăng hoa. Và làng là nơi họ đau đáu hàng đêm ở xứ người để mà tịnh
tâm, mà phấn đấu, mà sống và kiếm tiền để... mang về làng.
Tiền
kiếm được mang một phần về làng để cho/ biếu bà con anh em, cũng để thể hiện
mình, dù có khi cũng chả có gì để thể hiện. Số giàu hơn, làm ăn tốt hơn thì ủng
hộ làng làm đường, làm nhà thờ, xây mồ mả. Nhà thờ họ Văn của tôi ở quê có hẳn
một bác làm ăn ở Đăk Lăk mang về cung tiến 500 triệu và toàn bộ gỗ để làm lại.
Hàng năm trai họ đóng góp một khoản tượng trưng để phục vụ tế lễ thường kỳ và
cúng dịp tết.
Tết
để trở về. Về với làng, với truyền thống, với ân nghĩa với quê hương. Nhưng
hàng triệu người rùng rùng trở về, chủ yếu là ra Bắc trên tất cả mọi loại
phương tiện, trong một thời gian ngắn, rồi sau đấy lại nguyên đội hình ấy, ra
đi, thì quả là những hệ lụy không nhỏ. Những cuộc hành xác tập thể ấy nó khiến
không khí tết, rạo rực xuân không còn thanh nhã nữa, mà đúng là... hành
xác. Nhưng người Việt là thế. Trừ một số
ít khóa cửa đi du lịch, còn lại là tay nải để trở về. Té ra, làng nó dù có thế
này thế kia, dù có teo lại hay dịch chuyển, thì vẫn là một nơi để mà con người
có thể lặn vào nó, vui buồn với nó. Về để được thật là mình, để sống tận cùng cảm
xúc, để hiểu hết nghĩa của 2 từ quê hương...
Bài đăng báo Nông nghiệp Việt Nam số tết Canh Tý 2020.
Bài đăng báo Nông nghiệp Việt Nam số tết Canh Tý 2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét