Cuối đời, tôi
lại tham gia vào chuyện du lịch.
Tôi
vốn dĩ là kẻ mê đi, cứ nói đi là thích. Gần 40 năm ở Tây Nguyên, ngoài chuyện
xông xuống nhiều buôn làng ở Tây Nguyên (nhưng so với mấy tên ma xó thì tôi còn
là "muỗi". Tôi chơi với một đứa, tên Nguyễn Quang Tuệ, giờ cũng gần
sáu mươi rồi, mà cứ thứ 7 chủ nhật là lại một mình một mô tô phóng xuống làng.
Phải xuống làng nó mới ngủ ngon. Già làng coi nó như con còn trẻ con trong làng
lại coi nó như... bố. Mà có mấy đứa trẻ con trông... giống nó thật. Nó nói tiếng
Barnah, Jrai như tiếng... Thanh Hóa quê nó. Là thạc sĩ văn hóa nhưng kiến thức
văn hóa Tây Nguyên của nó thì tiến sĩ thứ thiệt phải nể. Đã có mười mấy đầu
sách từ sưu tầm tới nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên), tôi còn cứ có điều kiện
là... nhót ra ngoại tỉnh. Từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, bắc khu 4 là nơi tôi đã
sống tuổi thơ, thì các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Tây... cứ có dịp
là lội, mà không có thì tạo ra có. Hồi có cái việc ở Hà Nội nhiệm kỳ 5 năm, năm
ba bốn lần ra họp và làm việc, tôi đều kiếm cớ kéo dài thời gian để mỗi lần ra
là nhót đi một tỉnh nào đấy. 5 năm tính ra đi cũng nhiều phết. Nước ngoài thì
đi chưa nhiều vì nó không phụ thuộc vào mình mà phụ thuộc vào... con, nó mời
thì mình mới đi được. Hồi còn đi làm, đang còn chế độ cán bộ nhà nước được thay
nhau ra nước ngoài "nghiên cứu, học tập", cứ sắp đến lượt mình, hoặc
đến nơi rồi, có tên trong giấy tờ rồi, thì lại có một ai đấy nhảy vào. Nói cho
công bằng, có 2 lần cũng được đi bằng tiêu chuẩn của một nơi mình không ăn
lương, nhưng cũng là tiêu chuẩn nhà nước. Giờ về hưu mới thấy, té ra đi bằng tiền
của mình (hoặc của con) nó... sướng thật.
Thì
để thấy, dẫu chưa nhiều như cái tên "mọt đi" tôi kể trên, hoặc khát vọng
đi hiển hiện thành chữ như ông nhà văn nổi danh xê dịch Nguyễn Tuân muốn lấy da
mình làm va li để đi cho sướng, tôi là kẻ, cứ thấy đi là... chân sáo nhảy.
Thì
đi chính là du lịch chứ còn gì nữa?
Về
hưu, thế quái nào lại đầu quân làm cho
du lịch.
Tham
gia giảng dạy mấy khóa bồi dưỡng hướng dẫn viên cho một khu du lịch nổi tiếng
dù mình... chả biết gì du lịch, học trò toàn loại có sạn trong đầu về du lịch.
Nhưng chúng lại cần mình, chúng bảo, nhờ thầy chúng em biết thêm, du lịch không
chỉ là... du lịch. Cái gốc của nó là văn hóa. Ăn cũng là văn hóa, ngủ, mặc, tắm,
đi lại, xỉa răng, húp canh, gắp miếng thịt, ngắt cọng hành, bẻ quả ớt... cũng
là văn hóa. Tứ khoái là văn hóa, và tất nhiên nó thay đổi theo... thời điểm. Chỉ
nguyên việc "nhất quận công" thì yếu tố thời gian, vùng miền, điểm
rơi, địa thế, tài chính... cũng can thiệp vào rất nhiều, chỉ để làm một cái việc
là, khoan khoái mỗi buổi sáng (cũng chả hiểu sao đa phần người ta lại làm việc
này vào buổi sáng).
Tôi
đã đến một nơi nguyên thủy là khu đầm lầy, là chiến khu bưng biền cũ, ở Củ Chi.
Xuống đây mới thấy lạ. Chỉ không đầy 50 cây số từ trung tâm quận 1, Sài Gòn, thế
mà bao nhiêu năm nó là căn cứ kháng chiến, mà đối phương quân hùng tướng mạnh
thế vẫn không thể xâm nhập.
Giờ
ở đấy có một khu du lịch "Một thoáng Việt Nam". Thực ra nó đã từng hoạt
động, nhưng rồi vì nhiều lý do, ngừng mất một thời gian, giờ lại đang cấp tập
xúc tiến để mở cửa lại.
Cũng
bởi, có lẽ tại những người điều hành kỹ tính, cái gì cũng phải thật, cũng phải
tới tận cùng bản chất, cũng hướng tới cái đẹp cái thiện, cái tốt cho con người,
vì con người, vì cuộc sống tốt đẹp, chứ không chụp giật, không được chăng hay
chớ.
Nó
là văn hóa, một thứ văn hóa đằm sâu hồn cốt, từ đồng bằng Bắc bộ tới Miền Trung
Tây Nguyên rồi miền Tây, không chỉ là văn hóa tinh thần, với những không gian
Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Phạm Ngũ Lão, Hồ Xuân
Hương, "Ở trọ", với những hiện vật gần như có một không hai..., nó
còn có... nước mắm, thứ nước mắm truyền thống thứ thiệt, đúng gốc tích của nó,
có căn nguyên, có xuất xứ, có những lý giải khoa học trên nền dân gian. Là lúa
nước, tre, trúc... cũng tìm những thứ gốc rễ nhất, sâu xa nhất, như lúa ma,
hàng mấy trăm loại tre, như... sâm Ngọc Linh, thửa từ Nam Trà Mi về trồng ở đất
này, với một tâm nguyện, nếu trồng được, phát triển được, thì dân được dùng. Bởi
nếu cứ quý hiếm mãi thì làm sao, lúc nào
dân nghèo được hưởng. Nó là hàng loạt các nghề truyền thống, mời nghệ nhân bản
địa về làm và biểu diễn tại chỗ, như đan lát, như làm giấy, dệt..., vừa giới
thiệu vừa bảo tồn vừa truyền nghề, nó là những khu nhà cổ truyền Bắc Trung Nam
đặt trong những mẫu làng truyền thống. Vào đấy, thấy quê hương hiển hiện, thấy
lịch sử ùa về và ký ức bùng cháy...
Nó
còn là công nghệ hiện đại với hệ thống phòng nuôi cấy mô, phòng lab nghiên cứu
và phát triển sản phẩm mới, nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm hỗ trợ nông
nghiệp. Sản xuất các sản phẩm hữu cơ, áp dụng công nghệ cao (chế phẩm nano, chế
phẩm sinh học cao cấp). Và còn sản xuất và giới thiệu các loại hương liệu, các
loại nấm, từ thượng hoàng, tới đông trùng hạ thảo, rồi nấm linh chi, nấm hầu thủ,
nấm sò, nấm bào ngư, nấm sữa, nấm mối đen vân vân...
Còn
sông còn rừng, dẫu là rừng nhân tạo. Rồi vườn kỳ hoa dị thảo... tôi không giới
thiệu sâu mà chỉ điểm qua để nói về một cách làm du lịch mới, nó bền vững và
sâu, nó cặn kẽ và tôn trọng đời sống, nó hòa đồng nhưng có đầu tư, nó khiến những
cuộc đi trở nên có ý nghĩa, và người ta học được nhiều sau mỗi chuyến đi.
Giờ
thấy người ta chia ra nhiều loại du lịch, có du lịch sức khỏe, du lịch hội thảo,
du lịch tham quan, du lịch văn hóa, du lịch tôn giáo, du lịch thăm thân... tôi
nói thật, đọc xong các tài liệu phân chia loại hình du lịch ấy, hoa không chỉ mắt,
mà cả... tứ chi.
Nhu
cầu du lịch ngày một tăng cao là có thật. Giờ, một cú đi như thế cũng không lấy
gì làm to tát khó khăn lắm. Các thầy cô giáo, kể cả các trường khó khăn có cách
để hàng năm thay nhau đi, là mỗi tháng lương góp mấy chục ngàn, đến hè thì tổ
chức đi, đến các cơ quan thưởng bằng vé du lịch, rồi con mời, rồi... trúng đền
bù giải tỏa... đều có điều kiện để đi.
Nhưng
đi như thế nào cho đúng nghĩa lại là chuyện khác.
Tôi
ra nước ngoài, nhất là mấy nước loanh quanh nước ta, thấy đa phần là người...
Việt. Đông lắm, cứ nườm nượp đi, nườm nượp mua đồ về. Hôm qua thấy một ông phó
giáo sư tiến sĩ ở một trường đại học lên mạng than: Con gái, học ở Trung Quốc,
đã hẹn đi hẹn lại rồi, đi chơi thôi, thích gì thì ăn, chứ đừng mua gì về. Hứa với
con rất chắc chắn là ba sẽ như thế, nhưng mà rồi vẫn... mua, khi thấy cái cô
gái rất xinh dí đoạn xích đỏ rực vào tay mỡ chảy xèo xèo, xong bôi tí thuốc, mịn
như... mông em bé ngay. Lại còn con gà trống, đang tươi mởn thế, bẻ chân cái
oác đầy đau đớn. Bó tí bột, thả ra, thấy con mái đang nghển cổ bên cạnh, xè xè
tới đè nghiến ra ngay. Ơ thế thì phải mua chứ, mua ngay về mà dùng, rồi làm
quà. Và về, áp dụng thử vào con chó cưng, a ha ha, nó cứ thế rên và giãy chứ có
lành có khỏi tẹo nào đâu. Mà tính ra đến mười mấy triệu tiền thuốc chứ ít ỏi
gì?
Trong
nước, giờ nhiều tỉnh thành lấy du lịch làm mũi nhọn, coi du lịch là cái mỏ...
tiền, khoan thoải mái. Lúc nào cũng kêu gọi đầu tư, chỗ nào cũng xẻ ra làm du lịch,
nhưng rồi thấy rất nhôm nhoam. Có nơi khách đến một lần rồi... cạch, có nơi bày
ra chờ khách đến nhưng họ đến bằng đường nào thì... không biết. Kinh nhất là
nhiều nơi, du lịch dính vào là tan nát văn hóa luôn, dù nơi đấy được quy hoạch
làm du lịch... văn hóa. Văn hóa bản địa bị băm chặt, bị áp đặt, bị cưỡng... chế.
Người dân làm du lịch bằng cách... thu tiền khách, kể cả chụp ảnh.
Du
lịch chính là văn hóa, nó làm ra tiền nhưng từ từ, chứ đòi nhanh như... đền bù
giải tỏa thì chỉ là một thứ du lịch cũng ngang đền bù giải tỏa, lấy du lịch
làm... nghị quyết, và mãi mãi nó nằm trên giấy...
Là
nghĩ lan man thế, chứ vẫn rất tiếc nếu Việt Nam không thể trở thành cường quốc
du lịch. Nhưng ngoài quyết tâm và cả hệ thống chính trị vào cuộc, còn rất cần
con người, những con người cụ thể, không chỉ nhăm nhăm thu tiền mà phải biết phục
vụ, một cách hiểu biết và tôn trọng sản phẩm du lịch, tài nguyên du lịch và
thành quả du lịch...
Là
tôn trọng văn hóa, thứ văn hóa thứ thiệt, nhân văn, thiết dụng và cũng đầy năng
lượng để vỗ về con người ở bến bờ của yêu thương, của độ lượng, biết sống vì
cái chung, vì cái đẹp...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét