Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

XEM NGƯỜI THÁI LÀM DU LỊCH (kỳ 1)



          Thái Lan là thiên đường du lịch. Câu này ai cũng nghe và cũng chả ai phản bác lại, thế tức là... điều ấy đúng. Ở nhà, nghe nói hàng Thái là nghĩ ngay tới sự hoành tráng, thứ thiệt, đồng nghĩa với hàng hiệu.

          Mới nhất đây, việc Big C trên đất Việt Nam nhưng tuyên bố không nhập hàng may mặc Việt Nam khiến không chỉ các doanh nghiệp may mặc Việt Nam sốc, mà nhiều người khác cũng sốc. Cư dân mạng cũng chia làm 2 phe, phe lên án Big C và phe ủng hộ. Nhưng có chống thì trước câu hỏi anh có mua hàng kém chất lượng không thì đều là câu trả lời... lắc đầu.

          Quả là nếu cứ một mình một chợ nó khác, còn khi mở ra, bao nhiêu điều mới lạ ùa tới, và mới lạ chưa chắc đã là tốt hơn, đẹp hơn, mà có khi nó chỉ là... cách làm. Giữa bộn bề đời sống với rất nhiều quen thuộc, hàng ngàn năm quen thuộc, sống chung với quen thuộc, thì cách làm cho mới những điều quen thuộc là việc hết sức quan trọng. Mới nhưng vẫn phải quen thuộc, vẫn là những điều đã cũ chứ mới không có nghĩa là phá đi làm lại, trừ những lĩnh vực phải làm mới hoàn toàn.

          Du lịch là một thí dụ.

          Lần thứ 2 tôi sang Thái, lần sau cách lần trước gần chục năm, bỏ qua cái tour Pattaya nổi tiếng mà hầu như một thời ai qua Thái Lan đều ghé, kể cả phụ nữ, lần này chúng tôi chọn tour Bangkok tới Kanchanaburi, một thị trấn thuộc miền Trung Thái Lan. Thì vẫn biết người Thái tài làm du lịch, nhưng phải đến đây mới biết họ... tài thế nào.

          Tức là, tài giới thiệu, tài marketing, tài dụ người có tiền mang đến đấy tiêu... chứ thực sự thì nó cũng... thường thôi. Nhận phòng khách sạn được phát cái chìa khóa phòng có miếng nhựa to oành để cắm vào ổ điện thì đã... nghi nghi. Đa phần khách sạn ở Việt Nam giờ đều đã dùng thẻ từ thay thế loại chìa khóa từng một thời hiện đại này (vì nó tiết kiệm điện, khi ra ai cũng phải nhổ cái chìa khóa ra khỏi ổ cắm điện, trừ mấy anh láu cá lấy cái lược trong phòng tắm cắm vào, thậm chí gấp tờ giấy rồi thay chìa khóa, thì gửi chìa khóa ở lễ tân khi về phòng vẫn mát rượi). Tức là biết cái khu du lịch rất rộng và nhiều cây xanh này đã có từ khá lâu rồi. Vào phòng thì đúng là thế, các thứ đều... không mới, thậm chí có những thứ rất cũ, lạc hậu.

          Nhưng đến sáng hôm sau mới thấy họ tài. Là họ tổ chức cho mọi người đi... bè. Anh chàng hướng dẫn viên trước đấy đã rất hào hứng (sự hào hứng kéo từ tour này tới tour khác thì chắc không phải là hào hứng tự nhiên), nói về việc đi bè, như một phát minh từ... tiền sử mà lại cũng như sự thống khoái không thể nào lặp lại lần 2 trong đời khiến ai cũng hăm hở "có chết cũng đi", dù có người không biết bơi, nói ở nhà chưa bao giờ dám ra sông.

          Trời ạ, ai đã từng sống cạnh vùng sông nước Việt Nam thì chuyện đi bè nó rất là bình thường, thậm chí là... khổ cực. Thế mà ở đây họ biến thành một cuộc đi chơi đầy lãng mạn, đầy háo hức dẫu như đã nói, nhiều người vừa ngồi vừa run.

          Hồi nhỏ tôi sống ở Thanh Hóa, xứ sở có đến mấy con sông như sông Mã, sông Chu, sông Cầu Chày vân vân. Và, bè là thứ mà người dân ở đây hay dùng để chở tre, luồng, gỗ từ thượng nguồn về xuôi. Cơ quan mẹ tôi là nhà máy Diêm thì bè là phương tiện chính để chở gỗ về làm diêm.

          Đi bè cực nguy hiểm khi qua thác, qua những khúc ngoặt. Bình thường thì cũng rất vất vả, phải lái cái bè dài thượt, to oành đầy tre luồng nứa gỗ ấy đi để không mắc cạn, không va vào chướng ngại vật, nhất là các cây cầu nổi tiếng như cầu Đò Lèn, cầu Tào Sơn, cầu Hàm Rồng vân vân, rồi không đụng vào thuyền ngược chiều, không ủn đít bè cùng chiều (Thuyền thì có thể đi ngược nước chứ bè thì chỉ có thể đi xuôi vì hầu như không ai đủ sức để chèo bè ngược). Mỗi chuyến bè đi có thể cả tuần đến chục ngày. Có cái mui bè để ai nghỉ thì chui vào đấy ngủ. Có bếp nấu ăn thủy thủ bè tự nấu ăn ngày 3 bữa. Rất nhiều người chuẩn bị làm nhà, làm một chuyến bè. Thành công thì có thể đủ ngôi nhà, còn thất bại thì tay trắng.

          Còn miền Tây Nam bộ nước ta, trời ạ, sông rạch chằng chịt, nhà dân thì cứ ngoảnh mặt ra sông, lấy sống làm kế sinh nhai. Lần đầu vào miền Tây tôi đã hết sức ngạc nhiên khi thấy tài công điều khiển xuồng dưới sông như mấy anh tài điều khiển mô tô trên đường bộ. Cũng tới, lui, phải, trái phà phà như ô tô vậy, xe máy còn không lùi được, chứ ở đây, xuồng, ghe lùi đẹp.

          Là xuồng, bè, ký ức tôi là như thế, còn ở đây, là một cuộc du ngoạn trên bè hết sức sảng khoái.

          Con sông Songkalia bao quanh khu du lịch có cái resort chúng tôi ở lượn quanh một khu rừng hoai hoải tuổi, tức không non cũng chưa già, chắc tương đương rừng khộp bên ta vì rất nhiều đá. Gọi là sông chứ có khi nó nhỏ hơn mấy con suối ở Tây Nguyên. Trên ấy có mấy cái bè tre để sẵn. Khách leo lên đấy ngồi theo hướng dẫn xong thì một con thuyền máy hình dáng như thuyền con én chạy đến, ngoắc cáp vào kéo, ngược nước. Khách ngồi trên ấy, ban đầu còn khép nép, sau thì... sướng quá, đứng lên hú hét, chụp ảnh tự sướng các kiểu, kể cả nhảy co chân lên như thể đang bay vào không gian, kiểu chụp ảnh mới phát sinh gần đây.  Chạy chừng 45 phút thì thuyền tháo dây, lúc này bè trôi xuôi nước trở lại nơi xuất phát, thuyền chạy về trước. Lúc này mới biết vai trò của mấy ông Thái địa phương lên bè ngồi từ lúc xuất phát: các ông ấy điều khiển bè. Khách ai thích các ông ấy cũng giao cho một cái mái chèo mà khua loạn xạ, chủ yếu để... chụp ảnh nuôi phây.

Là thấy mấy anh Thái tài, chả có quái gì mà cứ lôi người khắp thế giới đến nườm nượp như đi... du lịch Thái Lan. Ngoài món Sex như là đặc sản mà trung tâm là Pattaya thì giờ các khu du lịch sinh thái như chỗ tôi đang ngồi bè cũng rất đông khách đến. Ngoài đoàn của tôi có đến chục đoàn nữa cũng hớn hở lên bè hôm ấy, đa phần là Việt, Trung Quốc và Nga. Không hiểu sao Nga lại khoái chốn này. Lúc ăn sáng Buffet thấy nhiều món Nga biết ngay nơi đây đông khách Nga, giờ đi bè, thấy mấy cô Nga trắng nõn, chân miên man như... câu hò sông Hậu, dáng chuẩn như người mẫu (ấy là các cô bé chưa đầy 20 tuổi, còn cỡ tuổi như... tôi, có khi ngồi lệch cả bè). Biết là người Nga bởi tôi vẫn nhớ bập bẹ mấy câu tiếng Nga từ thời... 30 trước khi nghe họ xôn xao xờ ba xí bơ với nhau...

Trở lại Việt Nam, mấy thứ sông, bè, tàu, thuyền, rừng (thưa) thế này là gấp mấy Thái, hầu như tỉnh thành nào cũng có, kể cả nơi tưởng như chỉ có nhà cao tầng với... kẹt xe là Sài Gòn, nhưng tại sao khách du lịch khắp nơi cứ đến Thái mà lơ Việt cũng là vấn đề. Và không chỉ khách thế giới, rất đông người Việt hàng năm dành dụm bỏ ống, nuôi heo, hoặc trúng số, hoặc trúng... đền bù giải tỏa, hoặc con cái cháu chắt mời... thì lựa chọn ban đầu cũng vẫn là... Thái Lan. Rồi mới là Singapore, là Mã Lai, là Trung Quốc vân vân... Mà du lịch Thái không thân thiện bằng VN nhé, khách sạn không có dép, không bàn chải... cho khách, tất nhiên lý do nghe nói là để bảo vệ môi trường. Nhưng tôi chả hiểu đôi dép đi trong phòng khách sạn thì liên quan gì tới môi trường. Nếu bí có thể sang Việt Nam mua dép tổ ong mang về xài mà, 10 năm chưa hỏng thì hại gì đến môi trường nhỉ? Đi du lịch thường là đi giày thể thao, không có dép đi trong phòng hết sức bất tiện, mà mang theo đôi dép thì lại... tăng cân. Đa phần đi du lịch là máy bay giá rẻ, phải tính toán từng lạng hành lý. Chả bù cho khách sạn Việt Nam, tùy hạng nhưng trăm phần trăm có dép, khăn tắm, kem bót đánh răng, lược chải đầu, sang hơn tí còn có sữa tắm, muối tắm, áo mặc trong phòng, đến cả cái gói nho nhỏ bên trong có kim chỉ và vài cái cúc áo, chắc rất ít người dùng đến nhưng luôn luôn có. Ngay mạng wifi bên này cũng thế, rất phập phù chứ không căng đét mọi nơi mọi chỗ như bên nhà. Ở khách sạn, đa phần là phải... trả tiền wifi, còn ở sân bay, nó bắt khai báo rất lằng nhằng mà vẫn không vào được dù là hiện rất rõ chữ free. Tóm lại là, phải mua cái sim Thái để vào mạng.  Và cũng tức là, họ có đủ cách để khách du lịch... tiêu tiền, tiêu đến đồng Bạt cuối cùng trước khi lên máy bay Goodbye Thái Lan kết thúc chuyến du lịch...





Còn một kỳ nữa ạ, đón xem ạ, báo Sức khỏe Đời sống ạ
                                                            




Không có nhận xét nào: