Việt Nam từng được mệnh danh là đất
nước của... rau muống. Đâu đâu cũng rau muống, bạt ngàn rau muống. Hồi tôi mới
về Huế, có mấy người bà con đùa: người Bắc thì ăn rau muống, người Huế ăn giá.
Nhưng té ra không phải thế. Cả thành phố Huế sau đấy được bao bọc bởi những
cánh đồng rau muống bạt ngàn. Các chỗ xưa là rau muống, giờ là khu phố mới,
hiện đại. Nhưng một thời nó nuôi dân Huế cộng với hàng chục ngàn sinh viên của
bốn năm trường đại học bằng... rau muống. Người ta có thể ăn cả tuần rau muống,
nhưng giá, cứ đến bữa thứ 3 mà xem, biết tay nhau ngay. Có ông chồng muộn con,
nghe ai xui ăn giá xào với gan. Hồi bao cấp thì đây là món quý, vợ, rồi mẹ
vợ... dồn sức lo cho chồng, cho con rể ăn để mong có cháu. Được đâu một tuần
thì anh này đầu hàng, bảo con hay con thì đừng, chứ bắt ông ăn giá nữa thì thà
ông... bỏ vợ!
Rau muống, ngon nhất là rau muống ao, và
những chỗ nào nhiều nước như ao, ví dụ chuôm, mương, ruộng sâu... Đầu tiên thì
chỉ có rau muống nước, nó đương nhiên là ở các ruộng nước, ở ao chuôm... sau
chả biết ở đâu sinh ra món rau muống cạn, gieo bằng hạt. Thì nó cũng là rau
muống nhưng lại không phải là rau muống. Bởi nó không ngon bằng rau muống ao.
Là nói thế chứ thấy nhiều người bảo nó cũng chả kém cạnh gì đâu. Và khi cụ
Nguyễn Tuân viết về sự ăn rau muống sành điệu bằng cách lấy cái vỏ ốc úp vào
gốc rau muống, sau đấy thì gỡ rau muống từ cái vỏ ốc ấy, nó non sểu, ngọt lừ và...
đằm thắm... thì chính là ông cụ nói đến món rau muống cạn ấy. Khi thu hoạch,
người ta cắt sát gốc, rồi lại tưới, bón thúc cho nó tăm tắp lên.
Và ngon nhất của nhất nữa là sau cơn mưa
rào, đêm mưa, sáng ra rau muống ngóc đầu... thở, gọi là rau muống ngoi. Lúc này
những cọng rau non mởn, to, từ mắt này tới mắt kia dài cả gang tay, và cũng to
như ngón tay.
Rồi nữa, rau màu tím thì ngon hơn màu xanh.
Ở ao ấy, có 2 loại, một là nó mọc ở bờ
ao rồi vươn ra, mỗi khi hái phải lội ra. Loại thứ 2 là làm bè. Trên bè cho bùn
và phân lên, rồi trồng rau trên ấy, có cái dây cột với bờ, khi nào cần hái thì
cầm dây kéo vào. Hồi làm ở Vinpearl Nam Hội An, tôi thiết tha và quyết tâm chỉ
đạo làm một cái bè rau muống ở cái ao Bắc Bộ, dù nước ở đấy trong leo lẻo (cát
nên đào xuống rồi lấy bạt phủ rồi chèn gạch rồi bơm nước vào thành ao), lấy mấy
miếng xốp rồi "bôi" bùn lên, mấy bữa bùn trôi hết thế mà rồi rau cũng
bò dài ngoằng, nhìn là muốn... luộc.
Giờ hiếm rau muống ao. Rau muống cạn
cứng quèo, luộc hoặc xào xong cứ đen sì sì, ăn dai ngoách. Và chát nữa. Chưa kể
có hồi còn đồn, mà chả đồn nữa, thật đấy, là người ta tưới rau muống bằng...
nhớt thải. Nghe nói nó non và ngon và bắt mắt. Ao hồ kênh rạch thì ô nhiễm trầm
trọng nên rau muống... xuống cấp. Các món ăn ngon từ rau muống một thời bị hạn
chế, như món rau muống chẻ chẳng hạn. Tôi nhớ ở các chợ ngày xưa, như chợ Vườn
Hoa Thanh Hóa tôi sống hồi nhỏ, có những người ngồi chẻ rau thuê. Mua bó rau
mang lại đấy giao rồi đi mua các loại thức ăn khác. Xong quay lại thì bó rau
cũng vừa chẻ xong, đều tăm tắp và quăn tít, nhìn đã muốn... bún ốc.
Hôm qua một cô giáo mời tôi đi uống cà
phê. Tiện thể bảo cháu đọc chú biết chú thích... rau muống quê, biếu chú một bó
rau muống ao thứ thiệt cháu hái từ ao của mẹ cháu.
Tôi lơng tơng xách bó rau muống về, thấy
vợ đang... quấn nem. Hỏi có rau sống chưa, bảo có xà lách. Tôi phán như thần:
Nem rán mà ăn với xà lách là... vất, cứ phải là rau muống chẻ nhé, nó đây. Rau
muống ao sạch, trông thích chưa. Rau muống ao mà chẻ ăn sống thì thôi rồi, nó
mềm, ngọt và giòn chứ không như rau cạn. Thêm nữa, chẻ rất dễ. Tất nhiên phải
chạy đi mua kinh giới. Rau muống chẻ rồi mà không kinh giới cũng vất. Ít giá
nữa chứ. Nước mắm chua ngọt: Ớt tỏi giã cùng, pha nước đường, dấm, cuối cùng
mới cho nước mắm. Pha làm sao để chấm đẫm được, hoặc múc vào bát riêng mà húp.
Ngày xưa mà có thêm cái cuộng bắp cải (Bắp sú) nữa thì tuyệt vời ông mặt trời.
Giờ đang có phong trào làm rau thủy
canh. Ơ thế cái món rau muống bè thì nó đích thị là rau thủy canh chứ là gì nữa
ạ. Các cụ ta xưa có nhiều món mà chúng ta giờ hiện đại, cải tiến cải lùi, phát
minh phát sáng... một hồi rồi quay lại như các cụ.
Các cụ xưa luộc rau muống cũng tài. Ai
cũng biết luộc rau nhưng luộc cho ngon không phải ai cũng có thể. Thế nên mới
có chuyện, con dâu mới về, mẹ chồng thử bằng cách nhờ con luộc cho mẹ mớ rau
muống. Người luộc giỏi là rau chín và xanh mướt, mềm nhưng không nhũn, dai nhưng
không cứng, và bát nước rau thì cứ phải leo lẻo xanh chứ không mang màu nước...
cống.
Một số người sống qua thời bao cấp
thì... rưng rưng nhớ những bó rau muống bán theo phiếu phân phối, nần nẫn, cọng
to như... cuộng đu đủ, dính đầy bèo hoa dâu, bèo tấm, và khẳng định đấy mới là
loại rau ngon nhất. Loại này rửa không kỹ thì một là bát nước rau vẫn còn...
bèo, và 2, có vài chú đỉa chui trong ống rau. Luộc thì mềm mà xào thì mướt.
Ngày xưa ấy, chỉ hôm nào có "sự kiện" thì người to nhất nhà mới quyết
một bữa rau muống xào. Và những cái tóp mỡ thần thánh giấu kỹ ở đâu đấy, giờ
được phép xuất hiện trên đĩa rau ngằn ngặt xanh trước sự ồ à của cả nhà.
Những người ở gần sông thì lại khẳng
định, rau muống sông là ngon nhất. Tôi chưa thấy và cũng chưa ăn rau muống
sông, nhưng có lần được "thời" rau lang sông Lô trên ngay cái bè ở
chính con sông nổi tiếng này. Tức là rau lang trồng ở bờ sông, những bãi phù sa
ấy. Trời ạ, nó to, non búng và ngọt, giòn tan, cá thịt còn nguyên nhưng cái món
rau ấy liên tục được gọi thêm...
Mà hôm ăn ấy, toàn những văn nhân già
khó tính...
Bài đăng Ở ĐÂY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét