Mấy hôm nay lại tiếp tục xảy ra những
chuyện hết sức buồn trong ngành giáo dục. Những là học sinh hiếp dâm tập thể bạn,
mà toàn những cháu “hiền và ngoan”, và đỉnh điểm là vụ khiến cả xã hội sục sôi
bức xúc, bộ trưởng và chủ tịch tỉnh phải làm việc ngay trong ngày chủ nhật, là
vụ cháu học sinh ở Hưng Yên bị đánh hội đồng hết sức dã man trong lớp.
Học trò ngỗ ngược nghịch ngợm thì thời
nào cũng có, chả thế mà các cụ ta xưa từng xếp học trò vào hạng thứ... 3: Nhất
quỷ nhì ma thứ ba học trò. Nhưng nghịch ngợm và ác nó khác nhau. Xưa cũng có
đánh nhau, nhưng đánh nhau kiểu khác, vẫn còn một cái gì đấy nhân văn, tính người,
vẫn còn biết sợ. Chứ giờ oánh nhau, oánh bạn còn quay clip, hoặc phát trực tiếp,
hoặc treo lên mạng sau, cho cả vạn người biết, hãnh diện và hả hê, tự hào và phấn
khích...
Nó có nhiều lý do khiến nền giáo dục
của chúng ta lúng túng chạy theo xử lý vụ việc như hiện nay. Hình như bắt đầu
là từ triết lý giáo dục lúng túng. Chúng ta dạy người hay nhét chữ vào người. Dạy
kiến thức hay dạy cách sống. Kiến thức gồm những gì, tri thức khoa học thông
thường hay cả kỹ năng sống. Ngay tri thức, cái gì cần thiết, cái gì vô bổ, cái
gì học mà cả đời không dùng đến nhưng vẫn phải học vân vân và vân vân.
Rồi sự biến đổi của xã hội cũng tạo
thành những bất ổn ghê gớm. Kinh tế thị trường lên ngôi, cái nghề xưa được coi
là cao quý nhất ấy, ban đầu bị coi thường, giờ cũng phải lún quá sâu vào đời sống
vật chất. Giờ tiền làm ra có khi không đủ phục vụ việc học của con, cái gì cũng
phải quy ra tiền, trường công chi phí có khi nhiều hơn trường tư. Người ta lấy
tiền để làm thước đo sự quan tâm đến con cái, và ngược lại. Và đến khi ra trường,
lương chỉ bằng một phần rất nhỏ những gì bỏ ra để học, nhưng rồi ai cũng cố
nhoi mà học, xã hội học tập nhưng hết sức hình thức và mờ mịt.
Rồi gia đình. Nhất là những gia đình
khá giả coi con cái là cục vàng cục bạc. Một mặt dùng tiền để... giao phó con
cái cho thầy cô, mặt khác, coi thầy cô như Ô Sin của con mình, sẵn sàng lao vào
đánh chửi thầy cô, quay clip trước mặt thầy cô tố cáo con mình phải... khiêng
cái bàn dù nó là đứa học sinh lớp 8 cao lêu nghêu.
Và thầy cô, một mặt thì ngại, mặt nữa
cũng bị xã hội cuốn vào, cũng phân bì sao bác sĩ khám bệnh nhận tiền bệnh nhân
được mà mình thì không, nên cũng tìm hết cách để... thu tiền học trò. Thời kỳ đầu
tôi đã không thể chịu đựng được cảnh thầy cô công khai thu tiền học thêm của học
sinh, ngồi đếm từng tờ. Con tôi toàn được ba mẹ bỏ phong bì mang tới nộp, nhưng
có hôm nó về bảo: cô mở ra đếm lại!
Rồi bản thân những quy định oái oăm của
ngành giáo dục cũng khiến thầy cô giáo chờn, im lặng quẫy cựa và im lặng tiêu cực,
để qua những thủ tục hình thức như soạn giáo án, thi giáo viên giỏi, dự giờ...
vân vân, ai cũng biết là hình thức nhưng không dám bỏ. Rồi những chi phí đầu
vào, chi phí chuyển trường chuyển lớp của cả giáo viên và học sinh, ai cũng biết,
vì nó rành rẽ trước mắt mọi người, nhưng rồi ai cũng như... không biết, hoặc
coi nó đương nhiên phải thế.
Chưa kể chương trình, sách giáo khoa
xa rời thực tế.
Gia đình, nền tảng xã hội cũng có vấn
đề. Bố mẹ lao vào kiếm tiền, tất nhiên để lo cho con, nhưng là lo kiểu... có tiền.
Đến lúc xảy ra sự cố mới cuống cuồng lên. Chưa kể, lối sống ảo hiện nay đang đầu
độc tệ hại cả một thế hệ, như cái vụ ông thánh chửi đầu trọc tay chân vằn vện
công khai về nhà cô bé bị đánh, một mặt là ủng hộ mấy chục triệu, mặt khác dọa
xử mấy đứa đánh bạn, nghênh ngang trên đường làng và được học trò đón như...
anh hùng. Những Lệ Rơi, Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, bà Tưng... trở thành... thần
tượng của giới trẻ là một điều hết sức đáng báo động, nhưng có vẻ như chúng ta
chưa có một nghiên cứu sâu nào về vấn đề này, dù các cơ quan ban ngành đoàn thể
vẫn đông nghìn nghịt cán bộ mẫn cán.
Khi vụ học sinh Hưng Yên xảy ra, một cô giáo, nguyên là học
trò tôi, đã nhắn tin cho tôi: “Thầy ơi! Em thật sự cũng
rất bất bình, em cứ nghĩ nếu là con em bị như thế, em có thể liều mạng với
chúng nó, em sẽ đau thắt trong tận tim, tận óc. Nhưng em là một giáo viên trong
cái thời đại này, em vô cùng lo lắng khi mà phụ huynh giáo dục con họ rất độc lập,
không cần phải phụ thuộc vào sự giáo dục của thầy cô, thậm chí còn đối đầu với
thầy cô, tước quyền của thầy cô, khi thầy cô muốn dạy con họ, họ còn muốn phi đến
và ấp lấy con, rồi thì con cái lộng quyền trong gia đình hoặc cha mẹ nó sống
nghênh ngang nó cũng sẽ học theo thầy ạ! Giáo giục gia đình là vô cùng quan trọng,
trong cái thế giới đầy rẫy sự cám dỗ và tấn công của nhiều luồng văn hóa này,
gia đình ko thuần khiết (hoặc không có chút nào thuần khiết) thì con trẻ sẽ
phát triển theo hướng vô cùng tệ hại vì các con chưa có sức đề kháng trước các
luồng văn hóa kia. Thầy cô vì ko còn quyền đối với học sinh, không dám la mắng,
không dám cho điểm thấp, không dám xách tai học sinh từ khi chúng còn bé thì lớn
một chút chúng sẽ tự trổ trời thôi. Rồi từ đó, từ cái sự thất thế đó trong tiềm
thức của thầy cô sẽ tự nảy sinh sự vô cảm. Em cực lực phản đối sự vô cảm này, hằng
ngày chúng em và đồng nghiệp vẫn cảnh báo cho nhau, nhắc nhở nhau để không bị
trơ lì trước các vấn đề của học sinh, nhưng em không chắc sẽ trụ được đến bao
giờ khi mà khoảng cách giữa phụ huynh và giáo viên ngày càng xa ra. Tóm lại là
trăn trở thầy ạ!”.
Một cô giáo khác, cũng viết cho tôi:
“Cái chính của việc này (vụ học sinh đánh bạn ở Hưng Yên) là giáo
viên sợ lộ chuyện sẽ bị cắt thi đua, nhà trường sẽ bị cắt thi đua, ảnh hưởng đến
thành tích cá nhân và nhà trường, như chúng ta biết thì cả xã hội đang có cuộc
đua ngầm chạy thành tích mà chú. Nay học sinh thi mất dạy vô kể, một phần do
giáo dục gia đình, con cái muốn gì bố mẹ cho nấy không kiểm soát, nói chuyện
thì tay đôi như bạn bè với nhau, lỡ con có làm sai gì thì bố mẹ dùng tiền để lấp
liếm, chuyện này xảy ra trước tiên là do gia đình, sau đó mới tới trường học mà
giờ thầy cô còn sợ cắt thi đua, kiểm điểm hơn học sinh nhiều vì bị ảnh hưởng
nhiều thứ, chuyện này bị quay clip mới lộ ra chứ chắc nhiều lần lắm rồi chú.”.
Cả 2 cô giáo này đều viết thư riêng cho tôi, họ đều rất tâm huyết,
yêu thương học trò và hết sức yêu nghề. Viết ra như thế, họ đã rất đau lòng, và
tôi, dù là thư riêng nhưng thấy lợi cho cộng đồng nên xin chép ra đây...
Nói thêm tí về
những clip bạo hành trong ngành giáo dục. Từng có chỉ thị cấm đăng clip học
sinh oánh nhau, ai đăng bị kỷ luật như người đánh. Nói ngay nhé, lâu nay tất cả
những vụ bạo hành trong giáo dục như học sinh tẩn nhau, giáo viên tẩn học sinh,
học sinh tẩn thầy... đa phần là nhờ clip. Và nó cũng mới chỉ là một phần nhỏ sự
thật, chứ phần trong bóng tối còn nhiều, rất nhiều. Ngay vụ Hưng Yên, khủng khiếp
thế nhưng từ hiệu trưởng tới GVCN tới thầy cô trong trường còn đều cho là, có
gì nghiêm trọng đâu, tức là, còn nhiều việc nghiêm trọng hơn các thầy cô biết
mà chưa nói. Điều này càng khẳng định khi thái độ của tất cả các thầy cô ở đây
hết sức thờ ơ, chữa cháy bằng cách... xóa clip...
Và cuối cùng, cái việc không công bố tên thí sinh gian lận thi cử vì đấy là việc của... người lớn, rằng như thế là... nhân văn. Và cái việc, dẫu gian lận nhưng chấm lại đủ điểm vẫn không bị đuổi học, nó như là sự... khuyến khích gian lận, mà không thể gọi là gian lận được, mà nó là sự ăn cướp công khai. Nên nhớ, vào phòng thi chỉ lỡ quên mang theo điện thoại, dẫu đã khóa, cũng bị buộc cấm thi ngay lập tức, không trình bày. Thế mà ở đây, hành vi ăn cướp đã hoàn thành, chỉ là may mắn đủ điểm (không loại trừ bị đánh động nên chọn trường thấp điểm để vào) mà vẫn được ngồi lại học thì là, ngành giáo dục tiếp tay cho hành vi hết sức xấu hổ này, và sinh viên ấy, ngồi lại được thì cũng hết sức... dày mặt. Loại này khi ra trường có khi lại là... công dân tốt...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét