Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

HÀI HOÀ TÂY NGUYÊN



           Thực ra thì, hài hòa là một trong những thuộc tính thẩm mỹ của con người, con người ở đâu cũng có ý thức, ý thích và lý tưởng hài hòa. Nhưng vấn đề là, thế nào là hài hòa, nó lại là chuyện khác.

           Mà chả cứ con người, ngay tự nhiên, từ cách đối xứng của lá đến cả sự gấp khúc của những con đèo, từ cặp sừng trâu đến cái vút cong của vầng trăng khuyết... cũng đều có sự hài hòa, thậm chí là hài hòa đến... vô đối, đến tuyệt vời.

           Nhưng vẫn có những sự hài hòa khiến ta kinh ngạc, bởi nó không chỉ là tiện dụng, là ý thích, là bản năng hoặc là vô thức bất kỳ, mà nó biểu hiện một ý thức hết sức duy mỹ nhưng cũng rất thực tế của con người, nó chi li và chăm chút, nó hợp lý và chắt chiu để tạo sự hợp lý nhất cho con người tồn tại suốt hàng ngàn năm nay. Trải năm trải tháng, trải đời trải số phận, tầng tầng lớp lớp kinh nghiệm, những con người tưởng như sống hết sức sơ khai, bản năng lại kiến tạo nên, lưu trữ lại, những triết lý sống hết sức thông minh và tiện dụng, hết sức hợp lý và tài hoa, khiến đời sau chỉ còn ngả mũ thán phục.

           Là tôi đang muốn nói đến sự hài hòa trong đời sống của người Tây Nguyên hôm nay, với tư cách những gì họ thừa hưởng của cha ông suốt từ nghìn năm trước, thế hệ này thế hệ khác, đời này đời khác truyền nhau, bằng kinh nghiệm và những gì ghim lại trong đời sống của mình, cho đến bây giờ, cũng vẫn chưa có thư tịch, mà tất cả vẫn chỉ là... truyền lại như ngàn năm nay họ đã làm, nhưng những gì “truyền lại” bằng trí nhớ và kinh nghiệm ấy, khiến những con người hiện tại phải thán phục, những con người thông minh hôm nay, học thức đầy mình, vẫn kinh ngạc thốt lên: Tài quá.

           Nhiều năm ở Tây nguyên, tiếp xúc và học hỏi, cảm nhận và thu nạp, đi và sống, tôi lờ mờ nhận thấy có một nguyên tắc hài hoà trong đời sống của đồng bào Tây nguyên. Cái nguyên tắc này nó tự nhiên nhi nhiên hoà lẫn vào đời sống như bản thân đời sống chứ không gò bó bắt buộc, không câu nệ, như kiểu chả ai bảo ai, chả ai bắt buộc, nhưng nếu sáng sáng nhìn dân ta đi bộ thể dục quanh hồ hoặc quanh công viên, bao giờ cũng theo chiều ngược kim đồng hồ...

           Cái nhà rông là một tiêu biểu cho tính hài hoà. Bản thân các chi tiết của nhà rông đã là đối xứng 1.1 rất khéo. Tiếp đến nó hài hoà với môi trường kiến trúc xung quanh. Những nhà sàn lúp xúp nghiêng nghiêng trên triền đồi hoặc ven suối trông như cả đàn gà con thì nhà rông, trong một vị thế đắc địa, đứng vững chãi như con gà mẹ giữa bầy gà con ấy. Nó đầm ấm và sum họp. Nó chở che và tin cậy. Nó trung tâm nhưng cũng dàn đều. Nhà rông còn hài hoà với trời, với đất, với gió với nắng với mưa... Thử tưởng tượng gió tây nguyên khủng khiếp thế, có thể cuốn phăng những gì trong luồng của nó, ấy thế mà khi gặp cái mái nhà rông kiêu dũng mà trữ tình lợp bằng tranh kia, nó như chỉ còn chức năng ve vuốt the thẩy. Mưa cũng thế, bao nhiêu nhà xây nhà hộp nhà tầng chống thấm các loại sơn các kiểu mà có chịu nổi mùa mưa dai dẳng dầm dề cao nguyên đâu. Thế mà cái mái nhà rông như lưỡi rìu dựng ngược vào trời xanh, như lá buồm no gió biển khơi thì càng mưa nó càng nén chắc lại. Ấy là bởi cái mái nói riêng, cả cái nhà rông nói chung kia đã tuân thủ nghiêm ngặt cái quy luật hài hoà đến kinh ngạc mà con người có thể tạo ra. Ấy là cái cứng cáp vững chãi hài hoà với cái mềm mại duyên dáng, cái hoành tráng vút cao hài hoà với trữ tình đắm đuối, cái trường tồn rưng rưng cùng khoảnh khắc, cái rộng hài hoà với cái dài, cái cong với thẳng, âm với dương... Từng có khá nhiều các nhà rông bê tông lợp tôn màu sắc loè loẹt đứng chơ vơ lạc lõng ở mọi nơi mọi chỗ, không có giá trị sử dụng mà lại cũng phá vỡ tính hài hoà vốn có, khiến nó trở nên xa lạ ngay trong đời sống cộng đồng.

           Chả cứ nhà rông, hãy quan sát màu sắc của các hoa văn váy, áo và khố, tấm dồ cũng thấy sự hài hoà đến độ tinh xảo. Đồng bào Tây nguyên chủ yếu sử dụng màu nguyên, nhưng khi phối với nhau sao đó mà nó trở thành một hoà sắc rất tuyệt. Phần lớn là trên các nền đen có các hoạ tiết đỏ. Tất cả là đều từ cây rừng. Cũng như làm nhà rông, cái cách dệt vải pha mầu của từng nghệ nhân vô cùng ngẫu hứng mang đầy dấu ấn cá nhân, nhưng lại vô cùng hài hoà với tổng thể phong cách dân tộc, làm nên bản sắc riêng không thể lẫn. Lại thấy thương cho các đồ thổ cẩm lưu niệm bán khắp phố phường, nó loè loẹt chả giống cái gì, trông cứ như đồ hàng mã. Một số chương trình văn nghệ, ca nhạc cứ có tiết mục liên quan đến Tây nguyên lại thấy người ta mặc những bộ đồ xanh đỏ kim tuyến nhằng nhịt chả ai biết nó xuất xứ từ đâu, cẩu thả đến vô cảm.

           Các tượng mồ lại cho ta một sự kinh ngạc khác. Nó hài hoà một cách tuyệt vời giữa thể xác và tâm linh, giữa gỗ và hồn gỗ. Giữa nghệ nhân và tượng. Chỉ bằng rìu rựa và công cụ của các công cụ là đôi tay, bằng trực giác nghệ thuật và tâm linh tuyệt vời mà những nghệ nhân Tây nguyên sáng tạo ra những pho tượng mồ độc nhất vô nhị, những pho tượng mồ chứa đựng trong mình toàn bộ phù du kiếp người, toàn bộ hưng thịnh cuộc đời. Tượng mồ như bản sao đời sống vừa qua với tất cả các cung bậc tình cảm, như sự nhìn lại, nghiêm khắc và bao dung, nhân hậu và soi xét. Nó là một thứ tâm linh huyền ảo đến độ linh thiêng, đồng thời là nghệ thuật với khả năng thu hút kinh ngạc. Nó như một thứ văn hoá sám hối để con người soi vào và nhận lấy ở đó những vệt sáng của lương tri, của nhân văn, để con người tự thanh lọc bằng một thứ ánh sáng tinh khiết nhất, tươi nguyên nhất. Ở đó, bản nguyên vô cùng tinh khôi như vừa ló dạng bắt con người nhìn lại mình, bắt con người nhớ lại, bắt con người xấu hổ. Và xấu hổ chính là thuộc tính cao cả để con người tồn tại bằng chính tư cách người của mình. Và như thế, tượng mồ không chỉ là tượng mồ, nó chính là triết lý về đời sống, là sự đúc kết đời sống trong tư duy của người Tây nguyên bản địa. Bây giờ nơi này nơi kia tổ chức thi tạc tượng nhà mồ. Việc làm ấy có thể cũng có cái lý của các nhà tổ chức, có thể cũng vẫn có rất nhiều tượng đẹp. Nhưng chắc chắn sẽ mất đi yếu tố tâm linh mang đậm các trạng huống cảm xúc của con người gửi vào, hay đúng hơn là lặn vào tượng. Nó cũng như tổ chức thi hát ru, còn đâu hồn cốt của hát ru nữa vì khi ru người ta nhắm vào một đối tượng nhất định, và cũng qua đó mà bộc lộ tâm trạng?...

           Hãy nhìn một dàn chiêng chuyển động. Nó hài hòa một cách kỳ lạ. Hài hòa giữa chiêng với chiêng, giữa người chơi và chiêng, giữa cái dáng khom khom với mặt đất, giữa những bước chân, bàn chân, giữa các chàng trai lưng thon bụng ếch với các cô gái vai trần óng mượt trong đội xoang luôn giữ một khoảng cách rất ý tứ với dàn chiêng nhưng lại luôn có vẻ như muốn nhập làm một, Cứ hài hòa dập dình thế, nó khiến tất cả tạo nên một không gian hài hòa đến mức không ai nghĩ dàn chiêng ấy là từ các chàng trai hết sức riêng lẻ, mỗi chàng giữ nốt một cái chiêng, và toàn bộ cái dàn chiêng ấy lại phải qua tay một nghệ nhân chỉnh chiêng, bởi người Tây Nguyên không làm ra chiêng mà họ đi mua của người Kinh ở Phước Kiều, Quảng Nam hoặc An Nhơn Bình Định, hoặc Lào, thậm chí là Mã Lai. Nghệ nhân chỉnh chiêng này chính là người làm nên hồn cốt của chiêng Tây Nguyên, thậm chí có thể phong cho anh ta là người khai sinh ra chiêng Tây Nguyên, bởi không có anh ta, chiêng chỉ là thứ phèng la gì đấy chẳng hạn, của người Kinh. Và cái kinh ngạc cuối cùng, toàn bộ dàn chiêng này, nó hài hòa một cách máu thịt, một cách như không thể chia rời, không thể khác, không bao giờ được khác, bởi khác là sẽ không còn chiêng, với không gian chiêng, chính là cái làng mà người Tây Nguyên sinh sống. Người Tây Nguyên tạo ra làng, ra không gian làng, lại phải hài hòa tuyệt vời với rừng nữa. Rừng chính là một không gian vừa bao la vừa nghiêm nhặt, vừa khắt khe vừa phóng túng cho đời sống của người Tây Nguyên. Tất cả, nó làm nên sự hài hòa tương hỗ, nhiều lớp hài hòa, những vòng sóng hài hòa, giao thoa hài hòa, hài hòa từ chi tiết tới đại cục, từ vi mô tới vĩ mô, từ chiếc lá tới cả cánh rừng, từ cái nhún của một bàn chân đến cả vòng tròn hàng trăm người...

           Còn nhiều nữa những nguyên lý hài hoà ở đời sống cư dân Tây nguyên, từ những bậc cầu thang với cặp vú căng mẩy để ta nắm ta cầm mỗi khi lên xuống đến bếp lửa trong sàn suốt ngày bập bùng tối sáng. Từ cái giọt nước đầu làng đến những đống củi hứa hôn xếp đầy dưới gầm cầu thang. Từ hương rượu cần đến đôi mắt thiếu nữ bắt men lung linh như những đốm lửa, cả ở cái tay áo thiếu nữ được dệt rất công phu nhưng lại không bao giờ xỏ vào mà lại để thõng ngoài cánh tay trần tròn lẳn... Tây nguyên còn rất nhiều kỳ bí lý thú mà không thể ngày một ngày hai ta đã hiểu hết... Và muốn Tây nguyên phát triển thì có lẽ cần phải hiểu về nó một cách thấu đáo trước khi đề ra các chính sách kinh tế xã hội phục vụ nó...



                                                                        

2 nhận xét:

Phạm Đức Long nói...

OK bác. Sâu sắc tinh tế

Phạm Đức Long nói...

OK bác. Sâu sắc tinh tế