Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2019

"NGHỆ NHÂN"



           Tôi thật, chả nghĩ mình lại cũng là... Nghệ nhân.

           Lý lịch của tôi từ xưa đến nay ghi: Quê cha Thừa Thiên Huế, quê mẹ Ninh Bình, sinh ra lớn lên và học phổ thông ở thành phố Thanh Hóa, học đại học ở Huế và giờ ở... Pleiku, tiệt chả có chút liên quan gì tới Nghệ.

           Hồi nhỏ ở Thanh Hóa thì chỉ biết tàu hỏa đến Vinh là hết đường. Quảng Bình, Vĩnh Linh là một địa danh nào đấy hết sức xa vời bí ẩn, hun hút như một... thế giới khác. Nhà tôi ngay bên đường tàu, nên mơ ước lúc nào được leo lên tàu đến tận ga cuối cùng của phía Nam luôn là sự thôi thúc mà mãi chả thực hiện được. Toàn lên tàu là ra phía Bắc.

           Rồi sau năm 75 thì ước mơ của tôi hiện thực. Từ Thanh Hóa ba con tôi đã đi tàu vào ga Vinh ở gần... 1 tuần để có thể mua được vé xe khách liên vận về Huế. Cuộc chờ đợi mua vé xe khổ ải trần ai mà ai đã từng qua thì chắc chắn không thể quên thời ấy, khiến tôi, cậu bé vừa tốt nghiệp cấp 3 có cái nhìn kỹ hơn về Vinh.

           Rằng té ra, Vinh cũng... hiện đại dẫu cái ga và cả bến xe Vinh thời ấy thì nó là một sự hỗn độn khổng lồ với nghìn nghịt người suốt 24/24 giờ, mùi mồ hôi, nước cống và chất thải từ con người, tiếng la hét mất cắp, đuổi nhau, đánh nhau, tiếng loa, tiếng còi công an liên tục khiến con người trong trạng thái căng thẳng, cảnh giác và tạm bợ. Thì biết đâu, trước đấy vừa nghe nó là nơi tận cùng tàu hỏa, rồi lại bị bom Mỹ hủy diệt chẳng còn gì, thì cứ nghĩ nó như nơi... thâm sơn cùng cốc. Nhưng té ra nó cũng như... thị xã Thanh Hóa nơi tôi sống. Chưa hết, con gái Vinh rất đẹp. Cái trí tưởng tượng của gã trai đang trổ giò giúp tôi có vẻ phóng khoáng hơn trong cái nhìn về những cô gái cùng trang lứa mà tôi gặp ở ga Vinh. Một buổi chiều, ba tôi bảo, ăn bậy vừa xót ruột vừa tốn tiền, con vào nhà ai đấy nấu nhờ cơm rồi mang ra đây ba con ta ăn.

           Tôi cầm 2 bò gạo gói trong cái khăn mùi xoa, cứ men theo đường tàu mà đi, một đoạn thì gặp một ngôi nhà, đèn dầu lờ mờ. Vào, chào rất to thì cô chủ nhà xuất hiện. Tôi trình bày lý do, hoàn cảnh, mục đích ý nghĩa... sau mấy phút dò xét thì cô bảo: vào bếp mà nấu.

           Nhà chỉ 2 anh em trai nên việc nấu cơm của tôi chỉ là dễ như... rửa tay. Rất nhanh thì nồi cơm đã chín, đang loay hoay giữa việc lại gói cơm vào khăn mang về hay xin giấy báo thì... cô con gái chủ nhà xuất hiện.

           Không hoạt bát nhanh nhảu như con gái bây giờ đâu. Bạn này e lệ ấp úng mặt đỏ tưng bừng rồi nói, nắm lại mà mang về. Ừ nhỉ. Tôi giặt khăn mùi xoa định dùng nó để nắm thì cô này lại bảo: Có mo cau đấy. Thú thật là, thi thoảng tôi có nắm cơm nhưng bằng khăn mặt, chứ mo cau thì chưa từng. Tất nhiên là lóng lóng, từ cái cách rửa mo cau cho nó mềm và sạch, thế là cô bé... xắn tay.

           Đấy là cái thứ tiếng Nghệ mà tôi nghe ngọt nhất cho tới lúc này, dù nói thật có nhiều câu tôi... không hiểu. Mà cái hơi thở cũng nhẹ, cái sợi tóc mai hơi bết mồ hôi cũng như run lên. Cái chiều sâm sẫm Vinh ấy, đến giờ tôi cũng vẫn... ước được trở lại. Giờ vẫn nhớ, cô ấy học sau tôi một lớp...

           Sau này học đại học ở Huế, gặp nhiều... Nghệ nhân. Ra trường đi làm, cũng gặp Nghệ nhân, rất nhiều Nghệ nhân. Ở đâu có Nghệ nhân ở đấy tưng bừng ngay, biết ngay, không lẫn, một “đặc sản” Nghệ vừa tự tôn vừa bảo thủ, vừa tự tin vừa chiếm lĩnh, vừa thô vừa ráp, vừa ngang vừa... nhọn.

           Tôi cũng chơi với mấy Nghệ nhân.

           Ông nhà văn Phạm Đức Long quê Yên Thành. Nghe nói hồi ở quê khổ lắm. Bố nguyên là chủ tịch xã mà nhà rất khổ, vì ông này rất trong sáng. Sau này ông con cũng trong sáng đến khổ hạnh như thế. Học đại học Nông nghiệp, ra trường lên Gia Lai nhận công tác. Chờ cả tháng mùa mưa, buồn quá, chả biết làm gì bèn... làm thơ. Thế mà rồi giờ có hơn 10 đầu sách, trở thành Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam. Về ngạch công chức là chi cục trưởng chi cục phát triển nông thôn Gia Lai, một hàm quan không nhỏ, một cái ghế nhiều người mong. Nhưng còn 3 năm mới tới tuổi hưu thì đùng đùng xin về hưu trước tuổi.  Ngoài viết văn và làm chi cục trưởng, ông này rất mê sáng tạo, từ làm máy ấp trứng gà vịt ngan ngỗng các loại, giờ mỗi ngày ấp hàng mấy nghìn trứng cho thiên hạ, còn sáng chế ra thuốc chữa và phòng dịch gia cầm bằng lá cây vân vân...



           Ở Đăk Lăk có ông Văn Thanh, nguyên là giáo viên tiếng Trung từ Nghệ An vào Buôn Ma Thuột mần... thơ. Khác ông Long, ông này gàn và ngang... bát sách. Ông có hai câu thơ nổi tiếng về Biển Hồ ở Pleiku nơi tôi sống: “Thương thương quá suốt một đời thiếu nước/ nên cái ao tù cũng thành biển của em”. Thật, chỉ có một kẻ hết sức gai góc, có cái nhìn... không thuận, mới phát hiện ra điều ấy. Tôi phục ông ở sự thông minh ấy.

           Lần đầu tiên tôi gặp ông Văn Như Cương là tại một cuộc... nhậu. Tôi rón rén lại làm quen, ông cười rung râu trắng, tôi biết ông mà. Uống bia, ông bảo rót vào cái... tô cho ông. Tôi tròn mắt, ông bảo uống đọi thế mới sướng. Sau này thân nhau, tôi biết thêm một tính cách Nghệ sống giữa thủ đô. Có cái gàn nhưng chừng mực, cái liều nhưng chỉn chu, cái sóng gió nhưng khẽ lặng. Ông là một trong rất ít người Nghệ nói rất nhẹ, kể cả trong cuộc nhậu, ông cũng nói rất khẽ, chân tay cũng ít... vung. Chuyện “ Heo nuôi giáo sư Văn Như Cương” và bộ râu của ông đã thành giai thoại và huyền thoại. Ở ông, có vẻ như, sự bảo thủ và hòa tan luôn luôn nhấp nháy để tạo nên một Văn Như Cương rất Nghệ nhưng lại cũng rất Việt.



Mệt nhất là chơi với ông Lê Huy Mậu. Ông này là một thương hiệu... Nghệ, tất nhiên là phải có thêm ông Tạo, Nguyễn Trọng Tạo, hai người làm nên bài... Nghệ ca nổi tiếng “Khúc hát sông quê”.

Một lần tôi ra Hà Nội họp, mượn được cái ô tô, tôi rủ ông Lê Huy Mậu về Thanh Hóa chơi, nơi ngày xưa tôi sơ tán, rồi mấy chục năm chưa trở lại. Báo tin trước với bạn bè và người quen ở đấy, họ chuẩn bị đón tôi rất chân tình và linh đình. Bạn học cũ được triệu về, bí thư xã ấy cũng được mời đến. Khi vào, sau màn ôm nhau cảm động giữa các bạn với tôi thì tôi giới thiệu: Nhà thơ Lê Huy Mậu, tác giả lời “Khúc hát sông quê”, thế là ngay lập tức tôi thành... người thừa. Mọi người vây lấy Mậu, năm bảy người rút điện thoại ra mở chứng minh là, chuông điện thoại của mình cài “Khúc hát sông quê”, có người gọi điện thoại khoe đang được ngồi với Khúc hát sông quê. Và rồi cứ thế... quá nửa đời phiêu bạt cứ bát ngát suốt cuộc gặp, cả trong điện thoại lẫn lai vờ...



Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là người viết giới thiệu tập thơ đầu tiên của tôi khi ông chưa... đọc nó, mà khi sách in ra xong, đọc lại thì ông bảo, thế té ra tớ viết bằng... linh cảm mà đúng nhé. Tôi là đàn em, kính trọng ông anh từ... xa, nhưng lại luôn được ông xông đến gần. Ông rất thích đến nhà tôi để “bắt Yến hầu”. Yến là tên vợ tôi. Nếu chọn ra một người có khả năng “ngồi” lì nhất Việt Nam, thậm chí là cả... thế giới, thì phải kể ngay tới ông Tạo. Ông Tạo có thể ngồi từ... sáng tới chiều. Rồi lại “dọn mình” ngồi tiếp từ chiều tới... sáng. Nhà tôi ở Pleiku đã đón ông vài cuộc như thế. Những người xung quanh như tôi, Nguyễn Thụy Kha... đã gà gật hoặc gục hẳn thì ông vẫn vững như bàn thạch. Ông là Nghệ nhân thứ thiệt. Mới đây bị đột quỵ, cả tỉnh Nghệ An lo cho ông, lo thiết thực, cụ thể, chứ không chỉ lo như khán giả, bạn đọc với nhạc sĩ nhà thơ mình yêu quý. Chừng nửa năm, như một sự thần kỳ, ông bình phục, lại bát ngát các cuộc, tất nhiên cầm ly... nước. Và sau đấy gần năm, ông lại bạo một bệnh khác. Nhưng vẫn thấy ảnh ông trên facebook, vẫn thấy ông đong đưa chỗ này chỗ kia. Đời mà, lạc quan mà sống chứ. Hình như chưa bao giờ thấy ông Tạo bi quan, “ngài” Nghệ hắn rứa...

Nhưng rồi, ông đã không cưỡng nổi số mệnh. Trước tết này hơn tháng, ông đã về miền mây trắng, thọ 72 tuổi. Và, có thể nói là, chưa có đám tang nào kỳ lạ như đám tang của ông. Ngay khi ông đang hấp hối thì tên ông đã tràn ngập trên facebook. Sau đấy, đám tang ông nghìn nghịt người, từ phó thủ tướng đến các bộ trưởng, từ bạn viết đến bạn đọc. Và nhiều người mới ngạc nhiên thốt lên: Té ra Nguyễn Trong Tạo “phi thường” thật, khi mất mới biết sức lan tỏa của uy tín, của tính cách, của tài năng, của con người ông nó khủng khiếp đến như thế nào? Lâu lắm rồi mới thấy một người nằm xuống mà gây xúc động cho xã hội đến thế. Điều ấy tự nhiên mà tới, không ai bắt buộc được. Cũng như, chắc ông Tạo cũng chả nghĩ là, khi mình nằm xuống lại có nhiều người yêu đến thế...



           Ngay tại Nghệ An, ở thị xã Hoàng Mai ấy, tôi cũng đang có một “bạn thân”. Tôi ngoặc kép chữ bạn thân là bởi bạn thân mà chưa bao giờ... gặp nhau. Cái thời mạng phát triển nó khiến cho con người có những hành xử giao tiếp bất ngờ như thế. Là anh này chơi phây phúc, là bạn phây búc của tôi. Anh nói anh thích đọc tôi, và mời tôi khi nào ra Nghệ An thì ghé Hoàng Mai làm khách của anh. Quan trọng là, anh nhấn mạnh rằng, tôi là cư dân Hoàng Mai đấy, mộ tổ 600 năm trước phát tích từ Hoàng Mai đấy. Chúng tôi cứ nói chuyện với nhau trên phây, cho đến một ngày tôi phát hiện, anh là một trong những “yếu nhân” của Hoàng Mai. Tôi quý anh này ở cái nhìn hết sức uyển chuyển và có trách nhiệm về thời cuộc, về nhân tình thế thái, và đặc biệt, là “yếu nhân” mà chơi facebook rất “mả”, dù trước đấy tôi biết cũng khá nhiều “yếu nhân” chơi phây búc, để làm việc, để nắm thông tin xã hội, để gần dân hiểu dân. Đặc biệt nữa, là anh rất yêu quý anh em văn nghệ sĩ, trí thức...

           Hồi cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng còn sống, có lần ông ngắm tôi rồi nheo mắt, nâng ly bia lên nói: Ông có biết ông gốc ở đâu không, Chăm đấy. Tinh hoa Chăm đấy.

           Cũng định lúc nào hỏi thêm ông để rõ, thì ông đã mất.

           Rồi tôi nhận được thư của Văn tộc Việt Nam thông báo, rằng  nhà thờ tổ họ Văn ở Hoàng Mai Nghệ An được xây dựng, dịp khánh thành mời con cháu họ Văn tề tựu. Rồi sau đấy là mấy cuộc đại hội đại biểu họ Văn Việt Nam toàn quốc. Tôi có mấy lần hẹn hò với giáo sư Văn Như Cương sẽ cùng về viếng tổ, chưa kịp thực hiện thì giáo sư đã ra đi...

           Giờ thì tôi chính thức biết mình cũng là... Nghệ nhân, tức ngài Nghệ.

           Một cảm giác rất lạ đan xen ngay khi biết thông tin xác thực ấy. Té ra từ 600 năm trước, họ Văn của tôi đã chia ra hai nhánh, có một nhánh ngược Bắc, một sự lạ, bởi lịch sử Việt Nam là lịch sử Nam tiến. Nhánh ra Bắc ấy giờ có gia đình danh tiếng là gia đình đại tướng Văn Tiến Dũng. Còn lại là xuôi Nam như quy luật. Thời ở Thanh Hóa, cái họ tôi hiếm lắm, đi đâu xướng lên thế nào cũng có người nhìn. Giờ vào Nam mới biết, nhiều vô cùng, bắt đầu từ Quảng Trị, vào tận Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Con cháu họ Văn giờ đang tổ chức... tìm nhau, hàng năm đều về Hoàng Mai viếng tổ. Có một anh trai họ Văn rất trẻ, nhưng rất có ý thức dòng họ, là người xắn tay lo đến sáu bảy mươi phần trăm công việc cho họ, là “thủ từ” của nhà thờ họ Văn, là anh Văn Minh Phụng. Anh này từng bỏ cả mấy tháng trời đi khắp nước để tìm họ Văn...

           “Nghệ nhân”, chả biết ai là người đầu tiên gọi người Nghệ như thế, tôi đồ chừng chắc chắn phải là một ông đồ Nghệ. Xứ Nghệ lắm người tài, giọng nói cứ ngân lên là thành nhạc, vậy nên, âm nhạc xứ Nghệ khiến người đi xa cứ nao lòng mà nhớ là thế. Hồi chưa biết mình cũng là “ngài” Nghệ, trong một lần đi nước ngoài, tôi đã kỳ công cop rất nhiều bài hát Việt vào điện thoại để nghe trong những ngày xa xứ. Sang tới nơi nghe mới giật mình, ¾ số bài hát tôi cóp ấy có âm hưởng Nghệ...



Không có nhận xét nào: