Mùng
4 tết tôi và nhà văn Phạm Đức Long chạy xuống An Khê dự cái lễ kỷ niệm khởi
nghĩa Tây Sơn và lễ hội cầu Huê của người Việt vùng An Khê. Thôi không điểm đến
cái vụ kỷ niệm 248 năm khởi nghĩa kia, vì ai cũng biết rồi, năm nào cũng diễn
ra rồi, không chỉ ở An Khê, mà còn ở Bình Định và đặc biệt là gò Đống Đa, Hà Nội
nữa, đều rất trọng thể, rất xúc động và vui tươi tự hào.
Tôi
muốn nói đến cái chợ quê trong khu lễ hội ấy, nó đặc trưng An Khê và Bahnar. Nó
khiến tôi và Phạm Đức Long mê mẩn, nửa muốn mua xách về, nửa muốn, ước muốn,
giá có thể, ngồi ngay đấy, làm một trận.
Thực
ra thì, chợ quê ấy, nó là sản phẩm của người Việt, chứ người Tây Nguyên nói
chung, người Bahnar An Khê nói riêng chưa có chợ. Theo phỏng đoán thì chính
Nguyễn Nhạc là người mang “không khí” chợ lên vùng Bahnar An Khê này đầu tiên,
khi ông, trong tư cách người buôn trầu, đã len lỏi, ngày này tháng khác, nhích
từng bước một, từ Tây Sơn lên An Khê lập “chiến khu” dấy binh, và mang cái văn
hóa người Việt lên nhập vào văn hóa Bahnar vùng này, mở ra một vùng An Khê đầy
dấu ấn lịch sử hôm nay.
Chợ
quê đầu tiên là ở không khí quê, ấy là người ta mang sản vật “của nhà giồng được”
ra trao đổi, chứ chưa có kiểu mua đi bán lại, tức là từ bán lẻ tới bán sỉ rồi lại
bán lẻ như ở chợ phố. Và những người đi bán ấy cũng không phải là dân buôn bán
chuyên nghiệp, cách bó rau, bày hàng cũng vụng, mà cách nhẩm tiền trả lại cho
khách càng vụng. Cái “thái độ” chợ quê cũng khác, nó vừa xởi lởi vừa e dè, vừa
ngượng ngập vừa tự tin, vừa thật thà vừa bản lĩnh... hợp thành một không khí hết
sức tuyệt vời, hết sức thân quen, hết sức tin cậy...
Và
thứ 2 là sản vật. Rau dớn xanh rì từng bó quăn tít, non mởn. Ngày xưa nó là món
ăn của bộ đội, bộ đội thì học của dân làng, qua những trận đói, qua những cơn sốt
những trận càn, hậu sinh chỉ được đọc trong sách báo, dù sách thời ấy cứ tả khó
khăn vất vả, khốc liệt hy sinh là nhắc rau dớn. Giờ, nó là đặc sản. Tôi nhớ có
lần nhà thơ Nguyễn Duy lái xe xuyên Việt, qua dốc Lò Xo đã mừng đến thế nào khi
gặp một cháu bé gùi mấy bó rau dớn, ông đã mua hết rồi về Pleiku yêu cầu tôi chế
biến theo cách của ông. Và quả là, giờ muốn ăn miếng rau dớn, ở Pleiku hình như
không nhà hàng nào có, ở Kon Tum có mấy quán, ra phía Bắc cũng lớt phớt có. Nó
có thể chế biến 2 món chính, xào tỏi và luộc.
Và
té ra, nó không phải là thứ rau rừng xoàng xĩnh. Bằng chứng là trên các nóc nhà
rông luôn có những hình rau dớn cách điệu, đứng cùng với những hình mặt trời, mặt
trăng vân vân, nó chứng tỏ, người Tây Nguyên hết sức quý trọng rau dớn, đặt nó
ngang hàng với sự linh thiêng của vũ trụ.
Gặp
ở chợ quê này rau tàu bay, môn thục vân vân các loại nữa. Toàn những món đã
nuôi biết bao người qua cuộc chiến tranh, giờ trở thành đặc sản. Và không chỉ đặc
sản An Khê, mà có cả của những vùng lân cận như K’bang, Kon Chro. Không chỉ của
Bahnar, của Việt, mà cả các dân tộc phía bắc giờ sống ở vùng này... tất cả làm
thành một náo nhiệt quê, một đặc sắc quê, một phong vị, một ấm áp quê... dù hôm
ấy An Khê rất nắng.
Chưa
hết, một lễ hội cầu huê rất thú vị vẫn náo nhiệt bên cạnh chợ quê.
Mỗi
làng Việt, khu vực Việt đều có những lễ hội đầu năm để cầu mưa thuận gió hòa, cầu
làm ăn trúng mùa, không thất bát. Biển có lễ hội biển, đồng có lễ hội đồng, rừng
có lễ hội rừng, và An Khê có lễ hội cầu huê.
Nó
đơn giản là cầu cho có huê lợi, tức là làm ăn được, có lời lãi. Huê lợi không
chỉ là được mùa, mà là còn phải có hoa lợi, tức không chỉ lấy công làm lời, mà
phải được tích lũy từ chênh lệch, tức là người Việt An Khê từ xưa đã không chỉ
mong trúng mùa đủ ăn mà phải giàu, giàu từ mùa vụ và giàu từ trao đổi hàng hóa.
Hết
sức thú vị nếu chúng ta nhớ, cái tư tưởng làm giàu, kinh tế thị trường chính thức
mới trở thành chính thống ở nước ta vài chục năm trở lại đây dù từ xưa đã có
câu “phi thương bất phú”, nhưng cũng bên cạnh đấy có câu nữa là “Nhất sĩ nhì
nông, hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ”, chả thấy “thương” đâu?
Cả
khi chạy xuống và chạy lên, tôi đều gặp hàng đoàn người, đa phần là xe máy, rồng
rắn đến An Khê dự lễ hội này. Và cách tổ chức của An Khê cũng hiện đại hơn, ấy
là tôn trọng phần hội, tôn trọng chủ nhân của hội, phần lễ ngắn nhưng trang trọng.
Song,
có vẻ sự liên kết để tạo thành một điểm nhấn du lịch vào đúng ngày này, nơi đây,
hàng năm... thì chưa được thông đồng bén giọt lắm, du khách đúng nghĩa vẫn ít,
các dịch vụ vẫn chưa đủ dẫu ngay trong chợ quê có khu ẩm thực. Ông anh nguyên
là trưởng phòng Văn hóa Thông tin An Khê đã phải điện cho năm sáu quán ăn mới
có một quán mở cửa mùng 4 tết để chiêu đãi chúng tôi trưa ấy, dẫu chúng tôi đã
lường trước khó khăn nên định chạy thẳng về Pleku mới ăn trưa...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét