Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019

NHỎ VÀ XINH VÀ... HUẾ



           Một anh bạn có lần nói với tôi: Huế cái chi cũng nhỏ, trừ cục thịt heo trong tô bún Huế thì... rất to. Tôi phải giải thích rằng, chả phải đâu, thời chúng tôi sinh viên, mơ ước lớn nhất là cái miếng thịt heo mỏng tang trong tô bún Kho Rèn, gắp giơ lên nhìn thấu mặt người đối diện kia, dày hơn chút nữa, dày hơn chút thôi, chứ không mong nó dày như... bây giờ, mà nào có được. Đưa miếng thịt vào mồm chưa kịp nhai nó đã... tan đâu mất. Quả là giờ vẫn có những quán bún Huế có miếng thịt heo rất dày to, nhưng nó đa phần là các quán bán cho khách du lịch. Và cũng thật, chả hiểu sao nó lại sinh ra những cái quán bún Huế mà... phi Huế như thế. Phải chăng là để... trả thù cái thời phải xắt những miếng thịt heo mỏng đến... méo cả dao lẫn miệng kia.

Huế cái chi cũng nhỏ, rõ nhất là trong ẩm thực. Cái ăn vừa là vật chất vừa là nghệ thuật, vừa là văn hóa vừa là ý thức. Người Việt một thời lấy cái ăn để... đánh giá con người. Ăn uống thô lỗ, chặt to kho mặn là phong cách của người bình dân, thậm chí gọi tiện dân. Kỹ càng công phu nhỏ nhẹ tinh tế... là của giới quý tộc. Không phải tất cả người Huế đều là quý tộc, nhưng cái cách chế biến, trình bày và thưởng thức thì đượm phong cách quý tộc. Rất nhiều người phải thốt lên, nhìn mâm cỗ Huế mà hoa cả mắt, ở sự hài hòa màu sắc, hài hòa vật liệu, hài hòa hương vị và hài hòa sắp đặt. Ấy là những cái bát/ chén, đĩa, tô... rất nhỏ, thức ăn cũng rất ít trong ấy, nhưng rất nhiều món, cứ thế trình bày trong một tổng thể hết sức... Huế. Nhỏ, xinh, tinh tế và thanh cao.

           Tôi rất thích những cái ngõ nhỏ ngoằn nghoèo trong những khu nhà vườn Huế. Nó nhỏ đến tư lự. Những đốm nắng cũng nhỏ, cũng như trầm tư cùng ngõ. Ở đấy, cuộc sống rất chậm, những con bướm cũng chả thèm đập cánh khi người chạm đến. Bình an đến ngại ngần, đến thấy như mình cũng nhỏ lại. Con người nép vào thiên nhiên, lễ phép và chừng mực, khiêm tốn và như muốn hòa tan, trong veo và tĩnh tại.

           Không phải tất cả cái gì ở Huế cũng nhỏ. Con đường rất to, vỉa hè to, cầu rất to, nhà thờ rất to, chùa rất to... nhưng lạ là, khi soi chiếu vào, khi ta xuất hiện ở đấy, tất cả, cả người và vật, lại trở thành nhỏ bé đến kỳ lạ.

           Hình như có một điều gì đấy, chưa cắt nghĩa được, nó khiến Huế như nhỏ lại, trầm mặc, tư lự, đến như con sông Hương ấy, rất rộng chứ, nhưng vẫn như nhỏ, như vẫn dùng dằng không chảy, cái cầu Trường Tiền ấy, dài rộng chứ, vẫn như rất nhỏ, như nép mình lại để trở thành cái lược e ấp cài trên mái tóc sông Hương, con đường Lê Lợi cũng thế, thực ra là nó khá rộng, một thời là rất rộng, nhưng nó vẫn lẫn đi đâu đấy giữa rờm rợp xanh của cây, của những dáng Huế rất mềm rất ảo mỗi buổi tan trường...

           Cái chưa cắt nghĩa được kia phải chăng là một tâm thức Huế, là cũng một cách gọi thế, chứ nó là cái gì thì cũng hết sức mù mờ. Chỉ biết rằng, khi chạm vào nó, cái tâm thức Huế ấy, con người phải gói mình lại, phải tự vấn, phải soi mình, phải bỏ lại cái thói tự cao tự đại ở đâu đấy, cái ngang tàng ngạo nghễ ở đâu đấy, để mà hài hòa, để mà được là chính mình, vừa tự tin lại vừa như nghi hoặc, vừa ung dung lại cũng vừa tự vấn, một dạng lưỡng lự hoài vương để mà hoàn thiện, để mà trưởng thành...

           Xuôi theo dòng Hương về phía biển, ta gặp một phá Tam Giang rợn ngợp. Hồi nhỏ thường nghe “Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang”, ơ kìa, bây giờ Tam Giang cũng như nhỏ lại, hiền hòa và tĩnh lặng. Cái tiếng dạ nao lòng giữa phá dài và mảnh như sợi tóc mai bết má của cô gái lái đò khiến lòng ta mềm lại giữa một chiều nắng vàng như hổ phách, mà nước sông thì leo lẻo như mắt chú mèo hiền khoanh mình bên cửa sổ đầy xanh lơ đãng nhìn mây bay trên rêu phong Thượng Tứ...

           Cái phố nhỏ Bao Vinh hiền lành nữa, bao lần làm những trái tim thổn thức, làm bước chân tần ngần. Xưa ở phía này có cái ký túc xá của những chàng sinh viên Quảng ra Huế học. Hôm nọ ngồi ở Đà Nẵng, tôi hỏi các bạn, có biết tại sao tiếng Đà Nẵng nhẹ hơn tiếng vùng phụ cận không? Biết bao nhiêu tiếng dạ con gái Huế làm mềm đi cái giọng Quảng ấy đấy. Dẫu “học trò xứ Quảng ra thi/ thấy cô gái Huế bỏ đi không đành” nhưng cũng đã rất nhiều cô gái Huế khăn gói vượt đèo về làm dâu xứ Quảng, và họ góp phần làm mềm đi giọng nói rất tự tôn xứ Quảng, kết hợp lại, một thứ tiếng lai nghe giữa hai phía đèo rất vào...

Huế có một hệ thống đền đài lăng tẩm rất nguy nga, nhưng lạ, lên tới nơi, vẫn thấy cái gì đấy rất khiêm cung. A có hẳn một khiêm cung đấy. Té ra cái kiến trúc ẩn trong cây trong rừng khiến những đồ sộ như mềm đi, những lớn lao như nhỏ lại...

Biết mình biết người, tinh tế, nhỏ nhẹ, hoặc cố tình làm mình nhỏ lại, để hòa vào tự nhiên, để mình được là mình rõ nhất, dẫu vẫn rất bề thế sông Hương núi Ngự, vẫn hoành tráng đền đài lăng tẩm, vẫn những con đường hun hút, những cổ thụ những rêu phong... Huế là thế chăng, tâm thức Huế là thế chăng, triết lý sống Huế là thế chăng?

Huế vẫn là một bí ẩn, điều ấy là chắc chắn. Và đấy chính là điều khiến Huế trở nên mê hoặc, khiến vẫn biết bao mong ngóng muốn về...

(Báo tết Kỷ hợi Thừa Thiên Huế) 
 
                                                                         
          

Không có nhận xét nào: