Tượng mồ, từ lâu đã được coi như là
một trong những “đặc sản” cả về vật chất và tinh thần của người Tây Nguyên.
Nó là sản phẩm của một phong tục, tục
bỏ mả. Người ta làm một lần rồi bỏ, mãi mãi. Nhưng mà người ngoài nhìn vào thì thấy,
té ra nó là một tuyệt tác nghệ thuật.
Bỏ mả, không thờ cúng nhiều đời như
người Kinh, có nhiều lý do giải thích, nhưng tôi thiên về lý do: Nó phù hợp với
đời sống du cư một thời.
Mỗi khi bỏ mả, việc đầu tiên phải
chuẩn bị là làm tượng mồ. Lên núi lấy những cây gỗ nguyên, rồi chỉ bằng cái rựa
và cây rìu, cộng với tư chất tài hoa bẩm sinh bản năng, chỉ bằng những nét vạc
thô, nhưng những cái tượng mồ hết sức sống động, hết sức đẹp, hết sức có hồn...
tăm tắp đứng bên nhà mồ. Khi nào xong thì mới bắt đầu lễ bỏ mả.
Tượng
mồ sẽ thay người sống đi với người chết mãi mãi. Từ mai mọi vui buồn sướng khổ
sẽ có tượng này thay ta chia sẻ với mình. Này là hình dáng người sống buồn đau
ôm mặt khóc người chết. Này là chú khỉ tinh nghịch sẽ cùng người chết bầu bạn.
Này là mẹ cha, này là hàng xóm... người chết mang theo tất cả những gì lúc sống
mình từng có để không lẻ loi lúc sống ở thế giới A tâu, cái thế giới chỉ nằm
trong hình dung, trong tưởng tượng, trong ý nghĩ... chứ nào ai đã thấy bao giờ.
Tôi đã lang thang không biết bao nhiêu lần trong các khu nhà mồ, dưới ánh chiều
chạng vạng mà mê mẩn ngắm vẻ đẹp mê hồn của các pho tượng mồ. Chúng, những pho
tượng mồ ấy, không chỉ là những súc gỗ vô tri vô giác, mà dưới đôi bàn tay khéo
léo của nghệ nhân cộng với một cõi tâm thức thiêng liêng của họ, đã trở thành
một tuyệt tác dân gian. Dưới ánh chiều, tất cả mọi pho tượng mồ như thức cả
dậy, lung linh và huyền ảo, mỗi pho tượng có một sắc thái biểu cảm riêng, một
đời sống riêng, hợp thành một thế giới sống động. Người ta nói rằng không phải
ai và không phải lúc nào cũng có thể đẽo được tượng mồ. Mỗi làng thường chỉ có
vài người, và chỉ vào lúc xuất thần nhất, họ mới làm. Tất nhiên đấy là những
phút xuất thần trong khuôn khổ, bởi chỉ khi nào bỏ mả thì người ta mới làm
tượng mồ, và những pho tượng ấy chỉ đặt ở nhà mồ. Những pho tượng ấy chính là
một thế giới người thu nhỏ với tất cả mọi cung bậc tâm trạng tình cảm. Những
người đàn bà ôm mặt khóc, những người đàn ông đánh trống, những hình người cả
đàn ông đàn bà khoả thân với bộ phận sinh dục được đặc tả và phóng đại... tất
cả hiện lên sinh động rực rỡ và lộng lẫy như cuộc sống vốn vừa diễn ra trước
đấy bước vào. Tất nhiên âm hưởng chung là buồn hiu hắt, nỗi buồn không chỉ toát
ra từ các pho tượng, mà còn từ khung cảnh khu nhà mồ.
Ðẽo
một cây gỗ thành hình người thì dễ, ai cũng có thể làm được, nhất là các nhà
điêu khắc, nhưng thổi hồn vào đấy cho nó thành tượng mồ với khắc khoải những kiếp
người thì chỉ nghệ nhân bản địa tây nguyên làm được trong những thời khắc nhất
định. Những thời khắc loé sáng của tâm linh như những "vụ nổ tâm thức"
theo cách nói của lý thuyết hiện đại, chính là lúc con người thăng hoa nhất, nhập
thân nhất, phiêu diêu với người đang nằm dưới đất đen đất đỏ kia. Người đẽo tượng
thì lý giải rất tự nhiên: Giàng bảo làm. Thế thôi.
Là
tôi vừa xuống Plei Bông, ngôi làng rất đẹp của họa sĩ Xu Man ngày nào. Đây là
nơi rất nhiều văn nghệ sĩ đã xuống ăn ở và sáng tác thời họa sĩ Xu Man còn sống.
Có 3 địa điểm rất đẹp mà ai từng đến đây cũng đều phải ra thăm ngó là nhà rông,
giọt nước và khu nhà mồ với rất nhiều tượng mồ.
Nhưng
giờ, khi ra thăm mộ họa sĩ Xu Man tôi đã... choáng trước sự nguy nga của khu
nhà mồ của làng này: Tất cả đã xi măng và tôn hóa. Và, không có một ngôi/ khu mộ
nào có tượng nữa. Và nữa, hình như người ta cũng chôn cất người chết vĩnh viễn
như người Kinh chứ không bỏ mả nữa. Tất cả các ngôi mộ đều tăm tắp một kiểu:
huyệt xi măng, thành mộ và gắn ảnh người chết. Phía trên lợp tôn phỏng mô hình
nhà rông, mái dốc vút cao, mộ càng mới thì tôn càng nhiều màu sắc. Trong ngôi mộ
của họa sĩ Xu Man có 3 người nằm: Xu Man, vợ ông và con trai thứ.
Có thể tạm thời
lý giải như thế này chăng: Ngoài việc học theo người Kinh một cách tự phát việc
xây mộ kiên cố, còn một yếu tố rất quan trọng nữa chi phối là: Không còn gỗ để
làm. Điều này nó phù hợp với luật lâm nghiệp hiện nay. Và khi không được làm
thì sẽ lụt nghề. Cũng như nhà rông, chắc chỉ một thời gian nữa, nếu có đủ
nguyên liệu cho các làng làm lại nhà rông truyền thống thì... cũng không còn
người biết làm, bởi đây là các nghệ nhân, họ làm toàn bằng sự tài hoa thiên bẩm
cộng với sự truyền nghề tự phát. Lâu không được làm, các nghệ nhân qua đời hết
rồi, thế là... hết nghề. Chả phải ngẫu nhiên mà các tỉnh Tây Nguyên đều mở các
lớp dạy đánh chiêng, dạy dệt vải, đan lát, dạy làm tượng nhà mồ vân vân... Vấn
đề là, gỗ ở đâu để làm tượng thì hình như người ta chưa nghĩ tới. Chưa nghĩ tới
nhưng các khu nhà mồ đã và đang hoàn toàn vắng bóng tượng mồ... Thêm nữa, đẽo
tượng hoàn toàn không phải là nghề, nó không thể là nghề chuyên nghiệp như mấy
ông thợ mộc người Kinh cũng như không phải nghiệp như mấy anh họa sĩ điêu khắc...
Nó hết sức nghiệp dư và ngẫu hứng, nó hoàn toàn tự phát...
Cũng như thế,
không còn không gian làng truyền thống thì chiêng và các loại hình nghệ thuật
dân gian như Hri (hmon, khan), xoang... cũng không còn đất để tồn tại, và không
còn người sử dụng vải thì nghề dệt thổ cẩm cũng chả còn...
He he tượng mồ đểu ở một nhà hàng Pleiku |
Nhà mồ làng ông Xu Man Plei Bông hiện tại |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét