Hết
sức tình cờ, cuối năm, trong một chuyến vòng biên giới, đến cái xã xa nhất, sâu
nhất của huyện Chư Prông, tôi gặp bà, người mà lâu nay tôi chỉ nghe tên với sự
tò mò, hết sức lạ lẫm, thế mà giờ lại được gặp, hết sức bất ngờ.
Ấy
là chiều ấy, anh em chỉ huy trung đoàn kinh tế quốc phòng 710 thuộc binh đoàn
15 làm con heo tháu nuôi trong đơn vị, vừa là chiêu đãi tôi, vừa là... xem bóng
đá, bán kết lượt về Việt Nam Philipin ấy. Giữa rừng biên giới, mấy bước chân nữa
là sang Campuchia, ngồi vừa lai rai nhẹ vừa xem bóng đá, thú quá đi chứ. Khách
mời ngoài tôi, có mấy cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng 731 và bà Ksor H’lâm.
Và
tôi được bố trí ngồi sát bà khi tôi reo lên, a già làng.
Vâng,
bà là già làng Ksor Hlâm.
Nó
là thế này, người Tây Nguyên lâu nay vẫn tồn tại chế độ mẫu hệ, tức người đàn
bà có quyền to nhất trong nhà, mà quyền to nhất là... bắt chồng và làm việc
nhà. Nhưng hầu như hàng ngàn năm nay, như định hình, như mặc định, già làng lại
luôn luôn là... đàn ông. Cái nhà rông của làng lại cũng chỉ đàn ông được lên để
xử lý việc làng, nhiều việc quan trọng của làng khác nữa, cũng chỉ đàn ông quyết
định, như dời làng, như phạt vạ, như chiến tranh, như làm nhà rông... vân
vân...
Thế
mà giờ, ở cái làng người Jrai sát biên giới ấy, lại có một già làng là nữ. Mà lại
rất uy tín, nói gì dân nghe nấy, dân có gì đều hỏi già, các đơn vị quân đội,
biên phòng đóng trên địa bàn đều dựa vào già để thực hiện công tác dân vận vân
vân...
Lạ
quá đi chứ.
Té
ra là thế này. 13 tuổi Ksor H’lâm đã đi làm giao liên. Sau đấy được ra Bắc đi học
văn hóa và học ở trường sĩ quan lục quân. Năm 1973 về quê trở lại chiến đấu rồi
về hưu. Và được bầu làm già làng. Và không phải dễ dàng gì mà người đàn bà này
được toàn thể dân làng, với mặc định ngàn năm là chỉ đàn ông mới làm được già
làng, bầu làm già làng.
Già
làng Tây Nguyên thực ra nó chả phải là một chức vị gì, mà đấy là người có uy
tín với dân làng đã đành, nó lại còn phải là người có kinh nghiệm sống, có thể
“liên thông” với những bí ẩn của đời sống, như biết trước mưa nắng, dịch bệnh,
có thể thay dân làng “linh ứng” với thần linh, đưa ra những lời khuyên hết sức
hợp lý mỗi khi dân làng cần, nhất là những việc liên quan đến sự sống của làng,
đến sinh mệnh của từng cá nhân trong làng, phân xử những vụ kiện dựa trên luật
tục vân vân. Và ý kiến của già làng thường là quyết định cuối cùng. Trong xã hội
còn nhiều hỗn mang một thời, vai trò của già làng hết sức to lớn và quyết định
tới sự sống còn của cộng đồng làng, và có nhiều “vụ án” do già làng xử mà giờ
nghe lại vẫn còn rùng mình, như xử ma lai, xử người ăn trộm, chửa hoang, loạn
luân vân vân.
Giờ
thì, thứ nhất là bên cạnh già làng còn có... cán bộ, như thôn, chi đoàn, chi bộ...
và thứ 2, cuộc sống không còn u mê như xưa. Nhưng vai trò của già làng cũng vẫn
còn rất lớn, bởi cuộc sống phát triển, những mối quan hệ, những ứng xử hàng
ngày... của dân làng cũng tăng theo với sự phát triển, sự hiểu biết chung của họ...
74
tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn và nhanh nhẹn, già làng Hlâm không có chồng
con. Tôi đùa: Giờ hơn 70 mà thế này, chắc chắn hồi xưa trong rừng đẹp lắm, rất
nhiều anh vây quanh, sao vẫn một mình từ xưa tới nay thế. Chắc rất nhiều người
yêu phải không? Cười: chả yêu ai mà, còn có ai yêu mình không thì... không biết.
Vấn đề là, không chồng con nhưng tất cả trẻ con tới thanh niên trong làng đều
coi bà là mẹ, là bà. Có gì là lại đi phát cho chúng. Sống với một người em, bà
Hlâm là người làm kinh tế gia đình rất giỏi. Ngoài lương hưu của một thượng úy
về hưu, hình như xấp xỉ 6 triệu, thì bà còn nuôi heo gà, và đặc biệt là đàn bò
luôn trên 2 chục con, nhà ai khó khăn trong làng, bà lại dắt đến một con bò...
tặng làm vốn. Hàng chục năm nay vẫn thế. Xã Ia Mơ chưa có chợ, chỉ có vài gia
đình người Kinh bán hàng tại nhà, có rau củ thực phẩm và hàng tạp hóa, nhưng đường
làng rất sạch và rợp bóng cây xanh. Công của già đấy, người làng bảo thế. Làng
rất yên bình, trên dưới lớp lang, thuận hòa đoàn kết. Công của già đấy, người
làng bảo thế. An ninh biên giới được giữ vững, quan hệ quân dân rất tốt, với bạn
cũng rất tốt, công của già đấy, bộ đội biên phòng nói thế, chỉ huy trung đoàn
710 nói thế. Nhìn cái cách già xuất hiện ở trung đoàn 710 và mọi người đón có
thể biết ngay họ thân thiết với nhau như thế nào. Tất cả cán bộ chiến sĩ đều gọi
già và xưng con.
Trong
câu chuyện xen kẽ giữa bữa ăn và xem bóng đá, tôi hỏi bà có biết chị H’noanh ở
làng Bạc không, bà bảo biết chớ, nhưng lâu lắm không biết còn sống hay chết.
Tôi
lại nhớ đến câu chuyện của chị H’noanh mà mấy chục năm trước tôi đã từng ngủ ở
nhà chị.
Làng
Bạc, Chư Prông có một đội du kích nổi tiếng, và chị H’Noanh là đội trưởng đội
du kích ấy. Chồng chị cũng là chiến đấu viên của đội du kích này. Trong một trận
chiến đấu, anh hy sinh, để lại cho chị một đứa con gái. Theo phong tục nối dây
của người Jrai, một thời gian sau, chị lấy tiếp người em ruột chồng, lúc này
cũng đang là chiến sĩ du kích của chị. Và, được mấy năm, người chồng sau của chị
cũng hy sinh.
Hôm
ấy, tối nhọ nhẹ mặt người, những người khách là chúng tôi ngồi đợi ở căn nhà sàn
có một người mẹ và mấy đứa trẻ. Người mẹ ấy là bà nội của những đứa trẻ, và những
đứa trẻ ấy là con của chị H’noanh với cả 2 người chồng. Chị giờ là chủ tịch Hội
phụ nữ xã. Hôm nay chị đi làm rẫy. Hạ chiếc gùi trên vai xuống, trong ấy có mấy
quả bí đỏ và ít lá sắn, chị vào bếp nấu cơm và nói chuyện với chúng tôi. Gương
mặt đẹp, nhưng không giấu được nét hiu hắt, nhất là khi những cơn gió lạnh cuối
năm luồn qua liếp, bùng lên ngọn lửa bếp đang liu riu.
Trong
những câu chuyện đứt quãng, chúng tôi hỏi chị đủ thứ chuyện. Tối ấy chúng tôi
ăn cơm và ngủ tại nhà chị, ngôi nhà vắng tay đàn ông nhưng khá tươm tất. Có những
ghè rượu dựng sát vách nhà sàn, những quả bầu đầy nước và bếp lửa luôn phập phù
suốt đêm. Những thứ quan trọng của một nếp nhà Tây Nguyên đều đầy đủ trong nhà
chị, ngoài góc vườn, có một cái chòi nhỏ. Đấy là kho chứa lúa. Dưới gầm sàn lịch
kịch tiếng lợn và gà tranh nhau chỗ ngủ.
Và
té ra là thế này, bà mẹ chồng ở cái nhà sàn sát bên cạnh, thi thoảng sang nhà
chị chơi với mấy đứa cháu. Toàn bộ tiêu chuẩn liệt sĩ của 2 người chồng, chị
nhường hết cho mẹ chồng, còn chị, tự làm rẫy nuôi các con và làm công tác xã.
Năm 1990, chị được thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì và chế độ 110.000 đồng/tháng,
được hỗ trợ 1 căn nhà, sau đó vào làm ở công ty cà phê…
Sau
đấy tôi có gặp chị vài lần nữa, có thắc mắc giùm chị là tại sao chị không được
phong anh hùng, trong khi, bằng những gì tôi biết và nghe mọi người cũng như
chính chị kể về mình, tôi thấy chị xứng đáng là anh hùng. Nhưng chị chỉ cười, nụ
cười như là không năm tháng...
Chư
Prông từng là mảnh đất rất ác liệt trong chiến tranh, chỉ cần nghe nói tới các
địa danh Plei Me, Ia Đrăng... cũng đủ hình dung sự “nổi tiếng” của vùng đất
này. Và 2 người đàn bà Jrai tôi vừa nhắc trên, là những công dân của vùng đất ấy...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét