Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

MÂY TÂY NGUYÊN MÙA NÀO CŨNG ĐẸP...



           Trước tết, tôi có chuyến đi xa, xa hẳn, khác hẳn các lần trước đi đi về về trong ngày hoặc trong tuần. Mà lại đi xa liên quan đến văn hóa, đến Tây Nguyên: Đi giảng bài văn hóa cho một lớp bồi dưỡng nhân viên du lịch của một khu du lịch lớn. Nhìn về, không chỉ nhìn về, mà còn so sánh, từ cái tổng thể văn hóa Việt, rồi đến các dân tộc phía Bắc, Trường Sơn, Chăm vân vân...

           Chiều chiều, tha thẩn trên bờ biển, nhiều khi bất giác nhìn lên. Trường Sơn mờ xanh phía Tây. 8 tiếng chạy xe là tôi tới nơi ấy. Nhìn lên, tôi vẫn giữ những cái cảm xúc nguyên vẹn ban đầu khi mình đeo ba lô lên nhận công tác cách đây gần 40 năm: Cái gì phía trên ấy, những bí ẩn nào đang chờ tôi, và không chỉ tôi, mà rất nhiều người nữa, yêu hoặc không yêu, tự nguyện hay không tự nguyện, vụ lợi hay không vụ lợi... đến với Tây Nguyên từ trước tới nay.

           Tây Nguyên giờ đã khác rất xa ngày xưa, điều ấy ai cũng biết. Nó khác như một quy luật lại cũng vừa vượt quy luật, nó vừa bị cưỡng bức khác lại vừa chấp nhận khác, tự nguyện khác. Nó phát triển, vừa lộn xộn nhưng lại cũng quy củ, nó bung phá trong ngỡ ngàng vừa ngộ nhận vừa hợp quy.
           Nơi tôi đang cộng tác làm việc bây giờ có một khu Tây Nguyên truyền thống. Người ta làm một cái nhà rông cao vút đề là nhà rông Bahnar, một cái nhà dài đề là nhà dài Ê Đê, một chòi lúa, mấy cái tượng để trước nhà rông... ai đi qua cũng nói ngay: Tây Nguyên đấy. Nhưng rồi, chính ông chủ của tập đoàn ấy đã chấp nhận: Bỏ đi, làm lại, cho nó ra Tây Nguyên dù đã đổ vào đấy rất nhiều tiền, và đang hoạt động động, thế mà quây lại đập bỏ và dịch chuyển.

           Bởi đấy là một Tây Nguyên... đơn độc.

           Tây Nguyên có thể đơn độc nhưng là trong một chỉnh thể, một không gian đầm ấm, quần tụ, một thiết chế chặt chẽ dù trông có vẻ lỏng lẻo. Tây Nguyên không phải là một cái nhà rông đơn độc cao vút lên, bên trong chằng đụp các thanh giằng tạm bợ để đỡ kết cấu, mà đã là nhà rông dù nó chỉ được làm bởi những nghệ nhân mù chữ, chưa ra khỏi làng, cũng tuân thủ rất nghiêm nhặt các tỉ lệ vàng của kiến trúc hiện đại, nó tạo nên sự hài hòa, vững chãi, sự tôn nghiêm nhưng chở che, nó “liên kết liên thông” với hệ thống nhà sàn xung quanh, làm nên một chỉnh thể làng, không gian làng. Cũng như thế, không có chuyện đặt tượng vô tội vạ xung quanh nhà rông, dù trong nhà rông có tượng. Ở khu này, ngay lập tức người ta đã dời khu tượng đi nơi khác theo ý kiến góp của các chuyên gia.

           Tây Nguyên đơn độc là khi ta từ dưới nhìn lên, thấy như cách chia với quần thể đồng bằng bằng những bí ẩn xanh rì Trường Sơn ấy, nhất là những chiều nhiều mây, nhìn lên cứ gờn gợn, cứ mông lung, cứ như một bồng lai cõi khác. Hoặc khi ta... nhìn xuống, ta tiếp cận Tây Nguyên bằng cách vào tận làng, nhưng cách vào của một khác xa văn hóa, của tư thế... nhìn xuống, áp đặt đất lề quê thói của vùng này vào vùng khác, cho là văn hóa của mình cao hơn, văn minh của mình chuẩn hơn...

           Từ đồng bằng lên Tây Nguyên có những liên kết rất thú vị. Tôi tạm gọi đấy là những liên kết, tức là những vùng đệm giữa đồng bằng với Tây Nguyên. Căn thẳng hướng xuống, tỉnh nào cũng có, đoạn nào cũng có, mà An Khê là một ví dụ.

           Đấy là một khúc đệm hết sức thú vị, tôi hình dung nó như một chiếu nghỉ trong xây dựng. Thường ở các cây cầu, các con đường, các tòa nhà, những kiến trúc sư tài hoa thường tạo ra những chiếu nghỉ, như vô tình, như thảng hoặc, như một bất chợt... để con người dường như lơ đãng dừng chân. Những lơ đãng cố ý bởi đến đấy thì hoặc là vừa cơn mệt, thì chợt nhận ra xung quanh đẹp quá, có nhiều điều để dừng lại, để ngắm, để suy nghĩ, để chuẩn bị hành trang cho chặng đường trước mặt... thì dừng lại, nghỉ đã.

           An Khê là một chiếu nghỉ như thế.

           Để nó tạo ra ở đây một vùng văn hóa lịch sử rất lạ, khiến sự kiên kết biển rừng trở nên vừa chặt chẽ vừa hài hòa, vừa chỉn chu vừa phá cách, vừa tự nguyện vừa bắt buộc, vừa có thể khác vừa không thể khác...

           Nó là con đường, nhưng không chỉ là con đường cơ học, con đường sinh tồn, con đường phát triển... mà là con đường văn hóa, con đường nhân văn, liên kết con người với những vùng đất mới, và những vùng đất mới ấy liên kết với nhau. Những con đường ấy liên kết cả các quốc gia. Ví dụ cái con đường 19 bây giờ, cái địa danh An Khê bây giờ là nơi kết nối đồng bằng biển với Tây Nguyên với “ông vua buôn trầu” Nguyễn Nhạc, là con  đường để văn minh Chăm vươn từ vương quốc Vijaya (Chà Bàn) lên Tây Nguyên và sang cả Campuchia. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà mới đây chúng ta có một thông tin chấn động dư luận, cả giới khảo cổ quốc tế, khiến bản đồ xuất hiện loài người phải... viết lại: Gần triệu năm trước, con người tối cổ đã xuất hiện ở An Khê này. Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương sau lần đến đây, gặp tôi ở đâu là lại xuýt xoa: An Khê rất lạ ông ạ, có rất nhiều điều để tìm hiểu, để nói về vùng đất này.

           Không phải ngày một ngày hai để hiểu được, cũng không thể ngày một ngày hai để có thể yêu ngay một vùng đất. Nhưng những linh cảm là có thực, những tiên cảm cũng là có thực. Phía cuối những tìm tòi là đức tin, cuối những con đường là sự thực, và cuối những áng mây bay bất tận kia là những chân trời, dẫu bất định hay mơ hồ thì nó cũng vẽ lên trong con người những giấc mơ, những hoài bão, những khát khao về một vùng mơ ước, vùng hoặc định để mà tin, mà sống và yêu thương, mà nhớ mà thắc thỏm mà cả đau đớn...

           Nói mãi về chuyện rừng thì quả là cũng... dai quá, nhưng giờ nhìn lên, Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, đã bớt xanh hơn. Đồng nghĩa với việc môi trường sống của Tây Nguyên đã có rất nhiều thay đổi. Tây Nguyên là rừng, và rừng tức là Tây Nguyên, một thực thể hòa quyện, tương hỗ, gắn liền. Rừng không chỉ là môi trường sống mà nó trở thành môi trường văn hóa của người Tây Nguyên, một môi trường trùm lên đời sống, trở thành lẽ sống, lấy rừng làm mục tiêu sống, và văn hóa Tây Nguyên chính là văn hóa rừng. Giờ, như một nhát hẫng, nó khiến Tây Nguyên như lễnh loãng hơn, như thưa vắng, như bớt đi những bí ẩn để phơi ra những sự thực chưa mát lòng.

           Những con đường bớt xanh, những bàn chân như ngập ngừng hơn, những muốt trần ánh sáng như măng như tơ dường như không còn tự tin dưới cái ánh trăng huyền hoặc thuở nào.

           Và như thế thì, cái làm nên một đậm đặc Tây Nguyên, hồn cốt Tây Nguyên, bản sắc Tây Nguyên, một Tây Nguyên nói lên ai cũng biết, nhắc lên ai cũng tường, một Tây Nguyên như một vĩnh hằng văn hóa với sự khu biệt và phong phú, lan tỏa và mặc định, phóng khoáng và chỉn chu, cởi mở và giữ gìn, thẳm sâu mà minh triết... đã nhạt đi, đã như một gió thoảng để là đà trong những chiều Trường Sơn như những sợi khói cháy rừng. Nghĩ cho cùng, cái còn lại cuối cùng của con người, của cuộc đời là văn hóa. Văn hóa như một cái đinh cuối cùng để loài người treo hình hài của mình lên đấy, trao lại cho hậu thế để hậu thế biết tiền nhân đã sống đã ứng xử như thế nào. Ứng xử chính là văn hóa. Mọi thứ rồi sẽ tan, kể cả thân xác, chỉ còn lại văn hóa...

           Nhưng những tâm hồn Tây Nguyên vẫn trong trẻo thế, vẫn hết mình với cỏ với suối như thế. Những ngôi làng vẫn thấp thoáng trong sương, vẫn chứa trong mình nhân hậu, yêu thương, vẫn giữ cho mình những đậm đà bản sắc để nó luôn là hồn là cốt Tây Nguyên, để mãi mãi vững bền một mạch nguồn trong trẻo và đồng nhất như một chứng chỉ của niềm tin và ý thức sống mãnh liệt. Tây Nguyên là thế. Gia Lai là thế...

           Nhưng không co cụm. Những ngôi làng đang vươn ra, những con người đang vươn ra. Những con đường, những cánh bay bung đầy mây trắng. Mây Tây Nguyên mùa nào cũng đẹp...

Báo Gia Lai tết Kỷ hợi


                                                                                     

Không có nhận xét nào: