Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018

THÔNG CỦA MỘT THỜI



           Một thời, Pleiku được mệnh danh là thành phố thông. Tập thơ đầu tay của nhà thơ Phạm Đức Long  là tập “Khoảng trời lá thông”, lấy tên bài thơ hay nhất tập, và có thể hay nhất của Phạm Đức Long cho đến nay, làm tên cả tập thơ để sau này cái hình tượng ấy trở nên ám ảnh nhiều người.

           Thời ấy, đúng là thông rợp trời Pleiku, toàn thông cổ thụ. Giờ muốn biết nó từng như thế nào, có thể ngắm mấy cây còn sót lại trong khuôn viên ủy ban tỉnh, và Hội đồng nhân dân tỉnh. Có mấy cây ở quảng trường, phía bây giờ đang trồng thông non, thì cách đây mấy năm bị chết thêm mấy cây. Chết tự nhiên, có nhiều cách giải thích. Một là nó đã già, đã đến tuổi... chết. Hai là bị đắp ụ lên gốc. Chả biết thông tin nào đúng, chỉ biết là nó đã chết.

           Thông được thay bằng trứng cá, bàng, bằng lăng... rồi sau, thấy chả gì thay được thông, người ta lại trồng lại thông. Lần ấy có 2 loại thông được trồng, một là thông non và hai là thông di thực.

           Một thời gian lại phát hiện là thông di thực sẽ gây nguy hiểm vì rễ không cân đối với thân cây, sẽ dễ bị đổ, thế là một số cây thông mười mấy năm tuổi lại bị... chặt. May mới chặt một ít, còn lại để đấy. Và giờ thì phát hiện là, số thông di thực ấy, nó không lớn như dự kiến, mà cứ quẩn quanh... như cũ, biến thành một dạng bonsai trên phố, tức lag không gây nguy hiểm như dự báo nữa.

           Thì trước mắt cứ biết thế, chứ còn ngày mai ngày kia nó có lớn vụt lên không, nó có gây nguy hiểm không thì chưa biết. Nhưng giờ, phố đã có thông, dù lác đác.

Có một sự thật là thế này, ngay chính một số thầy cô giáo dạy văn, biết tôi ở Tây Nguyên và có tìm tòi một chút về mảnh đất này, vẫn hay hỏi tôi rằng xà nu là loại cây như thế nào, nó có thật không, hay lại cũng do nhà văn Nguyên Ngọc "sáng tạo" ra như cái tên làng Kông Hoa và Xô Man nổi tiếng. Làng Kông Hoa thì tôi đã nhiều lần viết trên báo rồi, tên thật của nó là làng S'tơ, thuộc xã Tơ Tung, huyện K'bang, Gia Lai. Làng Xô Man trong tác phẩm "Rừng xà nu", nơi có già Mết, có T'nú, có Mai, có bé Heng, có lũ làng của ông với tinh thần quật cường và lòng dũng cảm vô song, với những trái tim nhân hậu và tình yêu vừa đằm thắm vừa dung dị của những con người tập trung và tiêu biểu của khí phách Tây Nguyên, tâm hồn Tây Nguyên, do Nguyên Ngọc sinh ra, đặt tên cho nó, giống như ông đã khai sinh ra làng Kông Hoa... có thể tên thật là Xã Đoàn cách làng bây giờ đến 70 cây số, còn bây giờ nó là làng Xốp Nghét thuộc xã Xốp, huyện Đăc Glây...

           Có nhiều khi sự thật nó đơn giản vô cùng. Khi lên Tây Nguyên tôi đã tìm hiểu về cây Kơ nia và biết nó là cây cầy (hoặc là cậy) ở đồng bằng, tìm hiểu cây Pơ lang thì biết nó là cây hoa gạo, mộc miên ở miền Bắc... sự thật nói ra nhiều khi nó mất đi sự thiêng liêng và cả cái bí ẩn dẫn dụ sự mê tưởng của con người, khiến nó không còn lung linh huyền ảo, nhưng biết làm sao được, chả lẽ lại cứ giữ mãi để rồi thiên hạ lao xao hỏi nhau, nó là cây gì.

           Thì cái cây xà nu ấy nó chính là cây... thông đấy ạ. Thông có 2 loại, thông 3 lá và thông 2 lá. Thông hai lá mới là thông lấy nhựa, nó có thể cho 6kg nhựa/1 cây/1 năm, từ nhựa ấy người ta làm ra colophan, còn gọi là tùng hương và dầu thông người ta hay dùng để quang nón cho bóng. Người dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt vùng người Dẻ Triêng ở Đăk Glei chỉ sử dụng của xà nu một thứ duy nhất, là nhựa của nó để thắp sáng ban đêm. Họ tước những mảnh nhựa, đốt thay đèn. Tôi nhiều lần đi về các làng người Tây Nguyên, chưa bao giờ thấy họ sử dụng gỗ cây thông làm nhà hoặc sử dụng vào đời sống thường nhật, kể cả củi, có lẽ do thời ấy rừng còn nhiều loại gỗ tốt hơn cây thông nhiều mà lại không có nhựa, khói, không bị hăng... người Dẻ Triêng gọi cây thông ba lá là loong nuh...

           Tôi vẫn cho rằng, Tây Nguyên nói chung, Pleiku nói riêng rất hợp với thông, nó, từng cùng với dốc, với sương mù làm nên một đặc trưng, một bản sắc riêng của Pleiku. Tất nhiên là đành chờ những cây thông non mới trồng phủ bóng. Và tiếc cho một thời thông của Pleiku, và không chỉ của Pleiku. Và điều ấy giải thích vì sao việc mấy chục cây thông ở Biển Hồ Trà bị những kẻ thiển cận hủy hoại lại xôn xao dư luận đến thế. Chỉ là một đoạn đường ngắn, với hàng thông được trồng từ trăm năm nay, nhưng giờ là một điểm check in của dân du lịch, và không chỉ dân du lịch.

           Du lịch không chỉ là xây mới, mà còn là biết giữ cái cũ, những cái cũ làm nên thương hiệu, nên đặc trưng của một vùng đất thì lại càng quý. “Khoảng trời lá thông” từng là đặc trưng của Pleiku một thuở, hy vọng không xa nữa, Pleiku lại là “khoảng trời lá thông”...




                                                                         

Không có nhận xét nào: