Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2018

VỀ PLEI ƠI



           Plei là làng, Ơi là tên riêng, Plei Ơi là làng Ơi.

           Nó là cái gì mà lại được nhắc một cách trang trọng thế.

           Xin thưa nó là cái làng đã từng có một ông vua “trị vì”, ông vua này nói lên thì ai cũng biết, dẫu có thể nói cái tên làng thì có người biết người không, vua lửa.

           Ở Gia Lai, theo truyền thuyết từng có các ông vua sau đây “trị vì”: Vua gió, vua nước và vua lửa. Hai ông trước chỉ còn trong truyền thuyết, ông sau từng hiện diện, có tên tuổi thân xác đàng hoàng, và giờ cái làng ấy vẫn còn ở ngay đầu huyện Phú Thiện. Dịp Festival cồng chiêng này, nếu có dịp, mời bạn mở rộng phạm vi du lịch, chạy xuống Plei Ơi để biết thêm một địa danh kỳ thú.

           Từ trung tâm thành phố Pleiku, xuôi về hướng đông nam sáu mươi cây số, vượt qua đèo Chư Sê, ta sẽ đến một vùng đất cực đẹp, một đồng bằng giữa cao nguyên hùng vĩ. Sau khi công trình thuỷ lợi Ayun hạ hoàn thành, nơi đây đã trở thành một đồng bằng thứ thiệt với mười ba ngàn năm trăm héc ta ruộng lúa nước. Lọt thỏm giữa mênh mông ruộng nước và lúa ấy là ngọn núi Chư Tao Yang, không cao lắm (209,5m) nhưng nó chứa trong lòng một huyền thoại, một sự kiện văn hoá tín ngưỡng: Cây gươm thần của Pơtao Pui ("vua" lửa). Thanh gươm được cất rất kỹ trong hang, phần lớn là... chưa ai được thấy, kể cả một số người có trách nhiệm của tỉnh Gia Lai và huyện Ayun Pa cũ, bây giờ chia tách nó thuộc về Phú Thiện. Phải qua hai ngách hang thì mới đến nơi cất gươm. Cửa hang chỉ rộng chừng 70cm. Lách qua cửa hang này, sẽ gặp một nhánh hang nữa. Và đây chính là nơi mà chiếc gươm đang ẩn mình, mà người duy nhất có thể vào sau khi đã làm lễ cúng là Pơtao Puih Siu Luynh. Nhưng ông đã băng hà năm 1999. Bên cạnh núi Chư Tao Yang là Plei Ơi (làng Ơi), quê hương của các Pơtao Pui. Nó thuộc xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai.

           Chúng ta đều biết, thực ra xã hội Tây Nguyên chưa có nhà nước. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đến giữa thế kỷ XX thì Tây Nguyên vẫn còn đang ở giai đoạn mạt kỳ mẫu hệ. Cái gọi là chính quyền mới chỉ xuất hiện vai trò của già làng, một vài nơi có tù trưởng như ông Chut Cheo Reo, người lãnh đạo nhân dân Jơrai Ayun Pa chống pháp... Cho nên từ “Pơtao” như lâu nay ta hay dịch là “vua” thực ra là không chính xác. Ở đây, pơtao để chỉ mối liên hệ giữa người Jơ Rai với các sức mạnh vô hình với họ như thần linh hoặc vũ trụ. Các Pơtao cũng đồng thời giữ mối liên hệ giữa huyền thoại và lịch sử. Thế tức là Pơtao là những người không thực quyền, họ chỉ có vai trò là cầu nối giữa cộng đồng với các đấng siêu nhiên, cụ thể ở đây là với việc cầu mưa...

Trong hệ thống các "vua" mang yếu tố thần quyền ở Tây Nguyên gồm "vua" lửa, "vua" nước, "vua" gió... thì "vua" lửa là người có vai trò lớn trong đời sống tinh thần các tộc người Tây Nguyên, đặc biệt là người Jrai. Ông "vua" này đã từng nhận sắc phong của triều Nguyễn trong những nỗ lực cố gắng của các vua Nguyễn muốn thâu tóm vùng đất cao nguyên rộng lớn này. Siu Luynh là đời Pơtao thứ 14 trong hệ thống các Pơtao đã tồn tại ở Tây Nguyên. Gọi là "vua" nhưng thực chất Siu Luynh không khác gì người bình thường, cũng đi làm rẫy kiếm ăn, lấy vợ sinh con... Ông chỉ thực sự có quyền khi mà hạn hán thì ông cúng cho... mưa? và mưa nhiều quá thì ông lại cúng cho... hết mưa để khỏi úng? Cái thanh gươm của "vua" nghe đồn là gươm thần được tôi bằng máu người mới nguội. Đây là một thanh gươm có thật nhưng chưa ai được thấy bao giờ. Theo suy đoán của người viết thì nó chỉ có ý nghĩa tượng trưng cho thần quyền còn thì ít nhất nó cũng đã gỉ sét hết, và nó cũng tương tự như các thanh gươm hoặc các loại binh khí được tôn làm vật thiêng treo trên các nóc nhà rông (các vật thiêng trên nóc nhà rông ngoài binh khí, nhiều khi chỉ là hòn đá suối hoặc xương thú...). Làng "vua" lửa ở đã được bộ Văn hoá Thông tin (cũ) công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia từ năm 1993. Khi ông mất, cả  Plei và các vùng phụ cận đều đi đưa. Nghi lễ đám ma của ông cũng khác người thường một chút: Không đặt thi hài trên sàn nhà mà đặt dưới đất theo hướng đông tây, xác được quàn trong một cây gỗ to khoét rỗng. Nhà mồ hiện đại lợp ngói và trang trí đẹp nhưng không có tượng mồ như phong tục của người Tây Nguyên, vì tuy ông chết nhưng hồn ông vẫn còn ở với dân làng giúp những người kế vị tốt hơn?

Chúng tôi vừa trở lại Plei Ơi, ngôi làng cũ bây giờ về cơ bản đã khác hoàn toàn. Ngày xưa, ngôi làng này đặc trưng là một làng Jrai với những ngôi nhà sàn liền kề, loi xoi lúp xúp quây quần rất đẹp quanh ngọn núi Chư Tao Yang. Nhà "vua" lửa vững chãi ở ngay đầu làng. Cầu thang lên nhà nhẵn bóng dấu tay người. Trong nhà chứa nhiều đồ quý như trống, chiêng, ché cổ... Bây giờ nhà xây nhiều hơn nhà sàn, đường làng thẳng tắp, dây điện, cột ăng ten ngất nghểu... Ngôi nhà sàn của "vua" để không, cũ nát xiêu vẹo. Bà vợ ông Siu Luynh giờ ở một ngôi nhà xây nền xi măng cách đấy khoảng năm chục mét cùng với con cháu. Cái trống da voi trắng để sau lưng cái... tivi. Bộ chiêng cổ xếp dưới gầm giường bụi và mạng nhện giăng đầy...

Trẻ con làng vua lửa, ảnh VCH, tất nhiên
 
Hang chứa gươm thần, cũng ảnh nhà cháu
                                                               

2 nhận xét:

Unknown nói...

Có lễ chỉ là dạng thầy mo thấy cúng bác ạ. Riêng Ơi chắc là ông trong tiếng Jrai

Unknown nói...

Ơi chắc là ông trong tiếng Jrai ác ạ