Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2018

ÔNG NÚP GIỮA ĐỜI THƯỜNG



           Năm 1981, tôi lên Pleiku nhận công tác ở Ty Văn hóa Gia Lai Kon Tum. Lạ nước lạ cái, tôi bỏ ra mấy ngày thám thính dọc ngang các con đường ở Pleiku. Một buổi chiều mùa khô, nắng âm âm trên con đường rất đẹp ở Pleiku là đường Hoàng Hoa Thám, tôi đang vừa đi bộ vừa ngó nghiêng thì suýt đâm vào một ông già cũng đang đứng vẩn vơ bên đường. Ngẩng lên, một ông già rất phúc hậu, đẹp lão, râu dài trắng xóa, áo vét nguyên cà vạt, bên trong áo sơ mi trắng, quần âu nhưng... đi dép. Trên cổ ông là một đứa trẻ con trai. Nó vừa tè một phát từ cổ ông xuống. Tôi thì, đã ở Pleiku mấy ngày rồi, biết rằng mùa này, khi ấy, mà mặc áo trắng thì phải là loại rất... xa xỉ. Bởi hồi ấy thành phố chưa nhựa hóa, bê tông hóa nhiều như bây giờ, đất đỏ là chủ yếu. Mà mùa khô, gió lồng lộng, nên đất đỏ bay tứ tung, nhiều khi có hẳn những cuộn gió toàn đất đỏ cuốn lên cao tít như vòi rồng. Nói tóm lại, mỗi ngày thay 2 bộ đồ mà vẫn bẩn, chưa kể nước rất hiếm, một tuần mới chảy một lần, hết sức nhớp nháp khó chịu. Thế mà có ông già chơi áo trắng thì rất nể. Mặc cái áo, đi một vòng về là đã đỏ kè, nhất là cổ và tay áo...

           Hôm sau tôi được dự cuộc họp bàn chuyện đón nhà văn Nikulin, người Liên Xô, chuyên gia văn học Việt Nam. Ông Núp sẽ là người đọc diễn văn trong cuộc nói chuyện của ông Nikulin tại nhà văn hóa, và ông Nikulin cũng sẽ đến thăm nhà ông Núp. Tôi được giao soạn bài phát biểu của ông Núp. Yêu cầu: Viết tay, chữ to, rõ ràng, không quá nửa trang giấy pơ luya đánh máy, tương đương tờ A4 bây giờ.

           Tất nhiên là phải tìm ông để xem ông định nói gì để viết. Là tôi cẩn thận thế, mới ra trường mà, chứ sau này được phân viết dạng như thế, tôi cứ viết trước rồi đưa lên, các bác sửa thoải mái rồi về viết lại, chứ chả cần gặp trước. Hết sức hồi hộp đi tìm nhân vật văn học mình đọc từ hồi bé.

           Hỏi thăm mấy lần thì đến nhà ông. Ơ ông già hôm qua mình gặp đây mà, Núp đây mà, nhân vật “Đất nước đứng lên” lừng danh đây mà. Té ra tôi đã gặp ông chiều hôm qua, và cái đứa ngồi trên cổ ông tè từ cổ ông xuống, tưới đẫm bộ com lê của ông, là cháu nội ông, chiều nào ông cũng cõng nó ra đường chơi. Lúc này gia đình ông đang được bố trí ở trong ngôi biệt thự của vua Bảo Đại, ngôi nhà sàn bằng gỗ rất đẹp.

           Tối sau, vẫn bộ com lê ấy, nhưng ông đi dép rọ bộ đội, quần xăn lên một gấu, ông lên sân khấu đọc bài của... tôi đón ông Nikulin đến thăm và nói chuyện với nhân dân Pleiku.

           Sau đấy thì tôi liên tục có các cuộc đi công tác với ông. Đa phần là tôi tìm cách để xin đi với ông.

           Tôi có được chơi và quen biết với một số trí thức và quan chức người dân tộc Tây Nguyên, chủ yếu là người Jrai và Bahnar, trong đó, theo tôi 2 người mang chất Tây Nguyên hết sức đậm đặc là ông họa sĩ Xu Man và ông Núp. Đây là 2 người Bahnar đã từng ra Bắc học, từng đi nước ngoài nhiều, nhưng khi về lại làng, họ lại trở về với Tây Nguyên thứ thiệt, Tây Nguyên cốt cách, Tây Nguyên bản chất và bản sắc, Tây Nguyên “lũ làng” chan hòa dân dã và bình dị, như sinh ra đã thế, như chưa từng ra khỏi làng, chưa từng rời xa cái bếp lửa luôn rừng rực giữa ngôi nhà sàn bình dị, luôn quây quần bên ấy những con người hay cười phô lợi, tay luôn vít cần và hồn nhiên như cây cỏ. Ông Núp luôn là vậy. Ra Bắc, đi học, làm cán bộ, rồi trở lại quê, ông giữ nguyên cốt cách Bahnar, cốt cách Tây Nguyên của mình. Từ cái cách địu người con trai xuyên Việt ra Bắc, đến trở về nối dây với bà Ch’rơ (em gái bà Liêu trong “Đất nước đứng lên” ông cưới rồi mới ra Bắc, rồi bà Liêu mất vì bệnh), rồi lang thang xuống làng, xuống làng như một nhu cầu thường trực. Tôi từng nhiều lần theo ông xuống làng, và thế tức là, chưa biết ngày nào sẽ về, chưa biết sẽ dừng ở đâu, cũng chưa biết làng sẽ tới ngày mai là làng nào. Ông là người Tây Nguyên lãng mạn nhất mà tôi gặp. Đi đi và đi, cứ miên man tít mù đi, ít có khái niệm dừng hoặc quay về. Và khi về nhà ông, cái phòng bé tí trong khu tập thể Mặt trận tỉnh trên đường Trần Hưng Đạo (sau này ông chuyển về đấy trả lại ngôi biệt thự gỗ nguyên là dinh Bảo Đại cho nhà nước trước khi chuyển hẳn vào khoa nội 4 bệnh viện tỉnh Gia Lai và “thường trú” ở đấy cả chục năm cho đến khi mất), ông như một con người khác, chỉ ngồi, ít nói, như đang mơ tưởng về đâu đó xa lắm, khác hẳn cái tư thế chủ động, hoạt bát, năng nổ khi ông về làng, lên một ngôi nhà sàn nào đấy giữa dân làng, bên ghè rượu, bếp lửa... hoặc một ngôi nhà nào đấy, chủ nhà vần ghè rượu ra, và nồi cơm nghi ngút, đĩa cá khô nướng giã muối, ông “Sa ngo” (ăn cơm bốc bằng tay) với họ, tưng bừng và hết mình.

Nối dây là một phong tục của người Tây Nguyên và các dân tộc ít người sống dọc dãy Trường Sơn, bảo nó lạc hậu cũng được mà bảo nó... nhân văn cũng xong. Nó là sản phẩm đặc trưng của chế độ mẫu hệ. Nếu chẳng may mà vợ chết đi (mà điều này rất hay xảy ra ở thời Tây Nguyên còn lạc hậu, và phụ  nữ khi sinh nở bắt buộc phải vào rừng tự làm chòi để sinh một mình, nhiều khi cả tuần chưa thấy về, vào tìm thì cả mẹ và con đã chết tự hồi nào), thì một người trong nhà vợ, chủ yếu là em vợ, nhưng nếu không có em thì đành phải một người khác, có khi là chị, dì, cháu..., may mắn thì ít tuổi hơn, còn không thì nhiều tuổi hơn, bao nhiêu mặc kệ, được cử ra để nối dây. Và ông Núp đã tuân thủ luật lệ dân tộc mình, sau khi đã từ hôn với nghệ sĩ H’ben ông tái hôn khi ở Hà Nội, để về quê, giữa những ngày bom đạn sinh tử nhất, nối dây với em gái người vợ đầu H’liêu của mình tên là Ch’rơ. Chính bà Ch’rơ này là người sống lâu nhất với ông Núp, là cây gậy chống, là hộ lý, là vợ, là tình nhân... của ông Núp suốt hơn 10 năm cuối đời của ông lấy một phòng của khoa nội 4 bệnh viện tỉnh Gia Lai làm nhà. Sau khi ông mất, bà Ch’rơ về quê, chính là cái làng Kông Hoa trong “Đất nước đứng lên” ấy, sống với con dâu và cháu nội, mấy đứa cháu đều học trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội thời cố nhạc sĩ An Thuyên còn làm hiệu trưởng, và chính nhạc sĩ An Thuyên đã mang vở nhạc kịch “Đất nước đứng lên” của mình về diễn tại làng này, mấy người cháu nội của ông Núp có tham gia vở diễn, dân làng rất thích vì thứ nhất là nó tái hiện lại một thời Núp, một thời “làng mình”, nhưng quan trọng hơn là của người của làng mình tham gia trong ấy.

Lịch sử văn chương Việt Nam đã chứng kiến một hiện tượng rất lạ ấy là một nhân vật văn học đã tồn tại cùng với tác phẩm mà mình là nhân vật chính hàng hơn nửa thế kỷ, một tác phẩm nổi tiếng và nhân vật cũng nổi tiếng. Một tiểu thuyết viết về toàn cái tốt cái đẹp mà nổi tiếng. Rồi nữa tác giả tiểu thuyết và nhân vật cũng gắn bó với nhau hơn nửa thế kỷ. Họ có những kỷ niệm cực đẹp về nhau. Và từ nhân vật ấy cả cộng đồng làng đã coi tác giả văn học là người của cộng đồng mình.

 Cặp bài trùng anh hùng nghệ sĩ này là một hiện tượng của văn chương Việt Nam của một giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc và nó sẽ còn sống mãi không chỉ trong văn chương mà trong ký ức của những người đã sống đang sống và sẽ còn mãi đến mai sau. Không ai quên và không được phép quên lịch sử. Và may mắn thay văn chương đã góp phần góp một phần làm nên lịch sử lưu giữ lịch sử cùng với những con người bình dị S tơ hôm nay. Trong họ có một phần lịch sử.

 Lịch sử nhỏ nhoi từ cái giọt nước mắt trùng phùng đến cả một dân tộc vĩ đại từ cái bến nước nơi Núp đã trao vòng cầu hôn cho Liêu đến cái dáng còng của bà Ch’rơ người em của Liêu người vợ nối dây tảo tần chịu thương chịu khó của Núp. Từ ngọn núi Tơ Tung hùng vĩ đến dấu tích hầm chông bẫy đã vẫn còn ở làng S’tơ (Kông Hoa) ngày nào...

Trận sốt rét rừng đầu tiên của tôi, dấu chứng nhận Tây Nguyên của tôi cũng là từ một chuyến đi với ông Núp.

Lần ấy chúng tôi xuống chiến khu Dân Chủ, nơi ngày xưa ông Núp sống và hoạt động. Đây tất nhiên là vùng rất sâu rất xa của tỉnh Gia Lai, vì thế nó mới được chọn làm chiến khu, và nó được đặt một cái tên hết sức... chủ nghĩa xã hội là thị trấn Dân Chủ. Đi từ sáng sớm, cứ tưởng tầm trưa thì tới, thăm và làm việc xong thì tối về nên chả chuẩn bị gì. Ai dè trên đường ông bảo ghé hết làng này tới làng khác, nên phải tới 8 giờ tối mới tới nơi cần đến. Giữa rừng sâu thăm thẳm chả có gì ăn, ông thì xà ngay vào với dân làng, kệ tôi với anh lái xe. Chừng tiếng đồng hồ sau thì mấy anh du kích khiêng tới một... con chó. Thế là tôi và anh lái xe của ông trở thành đao phủ và đầu bếp bất đắc dĩ khi trong tay chỉ có con dao găm, dân làng chỉ có muối. May thay, ven suối có nhiều sả và lá lốt. Hơn một tiếng đồng hồ bên suối, vừa làm vừa méo mặt với những con muỗi kềnh càng như... ruồi trâu, một nồi hỗn độn thịt chó của chúng tôi cũng xong, và hơn 3 giờ sáng thì chúng tôi mới xong bữa tiệc có một không hai ấy. Về nhà 3 ngày sau thì tôi bị sốt rét vật, và đấy là “chứng chỉ Tây Nguyên” của tôi...

Hôm ông Núp mất, được quàn ở hội trường tỉnh ủy. Tang lễ phối kết hợp giữa nghi thức nhà binh, phong tục truyền thống Việt và Tây Nguyên. Tức là có tiêu binh điều lệnh, có thắp hương và có cả cồng chiêng. Điều lạ là, rất nhiều người dân bình thường chả liên quan gì đã đến viếng ông. Đến khi đã chuẩn bị di quan, đội tiêu binh đã vào vị trí, khẩu lệnh đã vang lên, vẫn có hơn chục người, là các chị bán vé số, chạy vội vào viếng ông. Họ lạy rất thành kính, rất đúng bài bản, như lạy vĩnh biệt một người ông trong gia đình. Họ biết tin muộn, đã bỏ cá buổi bán đến để chia tay ông. Hôm ấy nghi lễ đã phải dừng lại một lúc để chờ những người dân như họ, viếng ông.  Và đoàn người tiễn ông tới nghĩa trang liệt sĩ đông đến mức đầu đã tới nơi mà đuôi vẫn còn ở hội trường. Anh hùng của nhân dân là thế, dù trước đấy có người còn nghĩ, ông Núp mất lâu rồi...


                                                          



1 nhận xét:

Lê Văn Thuận nói...

Nhập nhận xét của bạn... Ô. Núp không biết chữ