Tôi
có cô em con dì sống ở Sơn La, hôm rồi hai vợ chồng từ Sơn La xuống Hà Nội bay
vào Pleiku rồi xuống Krông Pa dự đám cưới đứa cháu ruột. Tính là thuê xe đi
tiếp, nhưng chiều rồi nên tìm không ra xe. Nhẩm sáng mai có cuộc họp lúc 8 giờ,
chịu khó dậy sớm chạy lên vẫn kịp nên tôi quyết, anh sẽ chở hai vợ chồng xuống,
sáng mai anh lên sớm, vẫn kịp họp.
Và,
té ra, cú đi ấy tôi mới phát hiện, con đèo Tô Na giờ cực đẹp.
Khi
xuống thì chả thấy gì, vì mới vừa ra khỏi Pleiku là mưa, mưa mù mịt xuống tới
tận Krông Pa. Nhưng sáng hôm sau dậy sớm, phóng xe lên, đường vắng, một mình ôm
vô lăng, nó thú vị vô cùng...
Phải
nói là đường cực ngon. Con sông Ba chảy từ Kon Tum, vòng An Khê, qua Kông Chro,
Ia Pa, Ayun Pa, xuống Krông Pa rồi xuôi xuống Tuy Hòa để nhập vào sông Đà
Rằng. Từ Pleiku nếu đi đường bộ thì chạy theo đường 14, đến ngã ba Chư Sê
rẽ trái theo đường 25, xưa là con đường 7 nổi tiếng trong những ngày tháng tư
năm một chín bảy lăm mà nhà tình báo Sneep bỗng biến thành nhà văn khi viết
được cuốn “Cuộc tháo chạy tán loạn” nổi tiếng.
Từ
thị xã Ayun Pa xuống Krông Pa, đường 25 cặp song song với sông Ba, gần giống
như ở miền Tây bao giờ kinh cũng cặp với lộ.
Ngày
xưa đi trên con đường này là một cực hình, từ Krông Pa lên Pleiku chỉ 140 cây
số nhưng thường là phải đi tới 2 ngày. Ngày thứ nhất từ Krông Pa lên Ayun Pa
chỉ chừng 40 cây, phải ngủ lại vạ vật ở bến xe, gần sáng dậy xếp hàng mua vé
Ayun Pa – Pleiku. Rồi lại từ Pleiku muốn đi đâu mới đi tiếp. Giờ tôi phi một
mạch từ Kông Pa lên Pleiku, kể cả nghiêng ngó, hết 3 tiếng, quả là một sự đổi
đời kinh khủng.
Địa giới giữa Ayun Pa và Krông Pa là đèo Tô Na, ngày xưa qua đây là một cuộc
thử thách lòng can đảm của khách và sự “liều mạng” của lái xe. Có tài xế hài
hước “Mỗi lần qua đèo là mất một lứa đẻ”, giờ tôi phon phon lên đèo chỉ cần lùi
một số, con sông Ba như một sợi tóc ngoằn nghoèo phía dưới, màu đen xậm chứ
không ánh bạc như mọi con sông khác…
Và mới thấy con đèo này hữu tình kinh
khủng.
Giữa sông và đèo là cây. Xậm xịt cây,
lớn nhỏ cao thấp. Nhưng thích nhất là lá. Rất nhiều màu. Thi thoảng vút lên một
cây lá đỏ, như một ngơ ngẩn, như một thảng thốt, như dấu hỏi gửi vào trời.
Không còn những gấp khúc, những vút
cao, những cua ngoặt, con đèo giờ thoai thoải trong mây, trong sương và trong
tầm mắt.
Lại nhớ năm kia, một lần vượt dốc
Cun, Hòa Bình.
Từ nhỏ tôi đã nghe đến sự khủng khiếp
của con dốc Cun, là bởi có một bà dì ruột là công nhân bảo dưỡng ở đấy. Nó là
sự thử thách kinh khủng với tất cả các loại xe, nghe tới là đã rùng mình. Rồi
sau đấy là đọc sách báo, đều tả đến con dốc này, thực chất là đèo, với tất cả
sự khắc nghiệt mà nó có. Và cứ nghĩ mãi về nó, giữ ấn tượng về nó cho đến khi
một anh bạn chở lên Hòa Bình chơi, và
tất nhiên qua dốc Cun. Ôi chao là nó đẹp, và hiền, và rất là... dốc. Nhưng
thích nhất là, khi cải tạo nó thành một đèo hết sức thơ mộng, người ta đã thiết
kế những khoảng đỗ xe để du khách có thể dừng lại ngắm toàn bộ con đèo, ngắm
thung lũng với những làng người Mường rất đẹp phía dưới. Hoa lau trắng, mây xốp,
đèo quanh co mềm như dải lụa, những đống lúa xanh, những ngôi nhà sàn Mường ẩn
hiện trong mây trong sương... tạo nên sự kỹ thú níu chân bao du khách.
Giờ nghĩ lại, thấy đeo Tô Na cũng chả
kém gì con dốc Cun nổi tiếng kia. Cái tài của con người là, có thể biến những
điều khó khăn, đến mức nguy hiểm, đến khủng khiếp, đến như một nỗi nơm nớp
thường trực... thành nơi tham quan, thành điểm du lịch. Nó vừa là một tiện dụng
cho con người sử dụng, phục vụ đời sống con người, mặt khác, thỏa mãn thú khám
phá, cái thú xê dịch để tìm hiểu, để đổi gió, để học hỏi, để thu nạp vốn sống,
để thỏa mãn các nhu cầu của con người...
Từ Pleiku xuôi về Tuy Hòa, qua đèo Tô
Na, ta xuống tới 2 bậc để từ Cao Nguyên tụt xuống đồng bằng. Bậc thứ nhất là
đèo Chư Sê, ta xuống thung lũng Ayun Pa, và bậc thứ 2 để xuống Krông Pa. Thực
ra thì đèo Tô Na có xuống có lên chứ không chỉ xuống như đèo Chư Sê, nhưng
xuống hết đèo, ta gặp một Krông Pa nắng chan hòa, đến mức khốc liệt, một thời
được ví như cái đít chảo khiến không khí, cụ thể là cái nắng cứ quẩn, cứ tụ ở
đấy biến thung lũng này thành một lòng chảo nắng, nóng như lửa. Nhưng từ hồi có
các hồ thủy lợi điều tiết thì khí hậu vùng này dễ chịu hẳn.
Chân đèo Tô Na, phía bên Ayun Pa, có
mấy cái quán thèo lèo ra sông, ngồi rất thích. Toàn cá tươi dưới sông, trong
đấy phải kể 2 thứ cá đặc sản, cực quý hiếm mà chỉ khúc sông này mới có, là cá
phá và cá chốt. Dân Ayun Pa, thi thoảng nổi hứng, phóng xe vào đấy, bày ra vài
mâm, vừa ngắm cảnh, đón gió sông, vừa thưởng thức đặc sản cá, nghĩ, đời mấy khi
được thế...
Đèo Tô Na chụp từ trong xe, ngày xưa rừng rậm rịt... |
Dốc Cun Hòa Bình |
Với tay lái lụa, nhà văn Hà Phạm Phú, U70 vẫn chạy tốt... |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét