Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2018

THỬ LÝ GIẢI VỀ ÔNG NÚP



           Những người am hiểu Tây Nguyên và lịch sử kháng chiến của nhân dân Tây Nguyên đều biết, từ thời chống Pháp, ở Tây Nguyên có nhiều người, với vai trò lãnh tụ, người đứng đầu cộng đồng, cùng đứng lên chỉ huy dân làng chống Pháp, như cụ Mết, như anh hùng Wừu, như ông Núp... họ cũng đều được tiếp xúc với “người Đảng, rồi giác ngộ, rồi lập làng chiến đấu. Thậm chí có người, chiến công còn vang dội hơn ông Núp. Ông Núp chỉ mới “bắn pháp chảy máu” chứ ông Mết bắt được Pháp rồi diệt được Pháp nữa kia.

           Rồi cùng vào sách, cả ông Núp và ông Mết cùng trở thành nhân vật của văn chương, thậm chí hình tượng ông Mết với cái rừng xà nu bất tử còn lung linh hơn ông Núp với làng Kông Hoa huyền thoại.

           Nhưng người ta vẫn thấy một ông Núp lừng lững, một ông Núp trở thành biểu tượng của Tây Nguyên, của không chỉ một thời kháng chiến, mà sau này, gần trăm năm sau đó, ông cũng vẫn là một tượng đài.

           Hình như chưa có ai cắt nghĩa một cách thấu đáo vấn đề này. Nó đặt ra một vấn đề thú vị của đời sống lịch sử, của văn hóa và cả văn chương nghệ thuật.

           Tôi, bằng sự hiểu biết lõm bõm, bằng tư duy có thể còn nhiều hạn hẹp, có thể lý giải một cách đơn giản nhất như thế này chăng:

           Thứ nhất, là ở cốt cách từng người. Có người sinh ra đã mang mệnh đế vương, có người mang dáng cao sang, người mang tư chất thủ lĩnh... Ở ông Núp toát lên tư chất thủ lĩnh. Dù nhìn ông rất hiền, râu trắng xóa (khi về già), trước đó thời trẻ không có râu, cũng rất hiền. Đôi mắt nhỏ như mắt voi. Nhưng ở ông có sự thu hút lạ kỳ. Chính sự thu hút ấy khiến ông dễ dàng nổi bật ở tất cả mọi nơi mình xuất hiện, từ thời “bắn Pháp chảy máu” cho đến sau này khi ông về quê đánh Mỹ và rồi xây dựng quê hương. Vai trò của ông là vai trò tập hợp, vai trò thủ lĩnh, chứ không phải là người thực hiện cụ thể từng công việc. “Bắn Pháp chảy máu” là công việc cụ thể, và ông chỉ thực hiện thời còn làm thủ lĩnh “lũ làng Kông Hoa”, sau này ông là thủ lĩnh tinh thần, là biểu tượng Tây Nguyên, chứ ngay cả khi về nhà mình, ông cũng không biết tối nay sẽ ăn gì, ăn lúc nào. Đi với ông về nhà ông ở làng, đồng nghĩa với việc khách phải tự lo việc ấy, lo cho mình và lo cho ông luôn, chứ ông gặp dân làng là cứ thế díu lại, chả biết việc gì cụ thể.

           Thứ hai, ở chất Tây Nguyên hết sức đậm đặc của mình. Ra Bắc, đi học, làm cán bộ, rồi trở lại quê, ông giữ nguyên cốt cách Bahnar, cốt cách Tây Nguyên của mình. Từ cái cách địu người con trai xuyên Việt ra Bắc, đến trở về nối dây với bà Ch’rơ, rồi lang thang xuống làng, xuống làng như một nhu cầu thường trực. Tôi từng nhiều lần theo ông xuống làng, và tức là, chưa biết ngày nào sẽ về, chưa biết sẽ dừng ở đâu, ông là người Tây Nguyên lãng mạn nhất mà tôi gặp. Đi đi và đi, ít có khái niệm dừng hoặc quay về. Và khi về nhà ông, cái phòng trong khu tập thể Mặt trận tỉnh trên đường Trần Hưng Đạo, ông như một con người khác, chỉ ngồi, ít nói, như đang mơ tưởng về đâu đó xa lắm, khác hẳn cái tư thế chủ động, hoạt bát, năng nổ khi ông về làng, lên một ngôi nhà sàn nào đấy giữa dân làng, bên ghè rượu, bếp lửa... hoặc một ngôi nhà nào đấy, chủ nhà vần ghè rượu ra, và nồi cơm nghi ngút, đĩa cá khô nướng giã muối, ông “Sa ngo” với họ, tưng bừng và hết mình.

           Thứ ba, tất nhiên có vai trò của văn chương, của nhà văn Nguyên Ngọc. Có thể nói không ngoa, cặp bài trùng anh hùng nhà văn này là đẹp nhất trong lịch sử cách mạng và lịch sử văn học Việt Nam. Nguyên Ngọc có nhiều tác phẩm hay và đẹp. “Rừng xà nu” rất hay, văn lung linh, đẹp như huyền thoại. “Đường chúng ta đi” một thời được coi là bài thơ xung trận, là tiếng kèn tiến công, là một áng văn tuyệt tác, bất hủ của tiếng Việt, hàng triệu người thuộc lòng, hàng vạn người gói nó trong tim ra trận... nhưng, “Đất nước đứng lên” lại trở thành tác phẩm có sức lan tỏa rất mạnh, hình tượng Núp rất nhanh chóng trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, của sự dũng cảm, của Tây Nguyên, của đất nước... là bởi, thứ nhất, “Đất nước đứng lên” vẽ ra một Tây Nguyên cụ thể hơn. Tây nguyên không chỉ có Núp đánh Pháp, mà còn có Liêu, có dân làng với những bí ẩn văn hóa, tò mò văn hóa, lạ lẫm văn hóa, một văn hóa khác lạ mà bấy giờ bạn đọc, nhất là bạn đọc phía Bắc, chưa biết chưa nghe chưa đọc. Nó mở ra một kênh mới về Tây Nguyên mà ông Núp là đại diện. Thứ hai, gu đọc của một thời là hình tượng người anh hùng. Ông Mết đẹp kiểu ẩn hiện, lẫn vào... rừng xà nu, bị những cây xà nu đẹp đến đau đớn và bi thương đến... trữ tình che khuất. Còn ông Núp, lẫm liệt trong văn Nguyên Ngọc, hiện diện đủ đầy với tư cách nhân vật tiểu thuyết và mang hơi hướng bút ký, là những thể văn miêu tả nhân vật trực diện chi tiết đến tận cùng chứ không thăng hoa ảo mờ kiểu tùy bút của ông Mết. Thời ấy, những nhân vật anh hùng trong văn chương luôn là hình ảnh lý tưởng của người đọc, của thế hệ ấy, cả người lớn và trẻ em... Mà ông Núp thì lại vừa là nhân vật văn chương vừa là người thật ngoài đời...

           Và, cũng phải nói luôn nữa, bài hát “Ca ngợi anh hùng Núp” của nhạc sĩ Trần Quý quá hay. Hay cả ca từ và giai điệu. Cái giai điệu hào hùng nhưng da diết, hoành tráng mà trữ tình, trong sáng nhưng vẫn gieo thổn thức, gieo cảm xúc chiều sâu, đến giờ nghe vẫn thích dẫu nó nằm trong trường phái âm nhạc cách mạng...

           Và, cũng rõ ràng, về vai trò của ông Núp trong kháng chiến chống Pháp với Tây Nguyên, với đất nước này. Và bây giờ thì ông cũng vẫn lớn. Những cắt nghĩa thêm, có chăng, chỉ làm vai trò của ông nổi bật hơn, chính xác hơn và hiện hữu hơn, mà thôi...

 Ông Núp với tác giả và các nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Chử Anh Đào trong một chuyến công tác lên Kon Tum.

Không có nhận xét nào: