Hôm
rồi, gần 6 chục anh chị nguyên là học sinh trường Trỗi ngày xưa tổ chức họp lớp,
nhờ tôi đặt bằng được một bữa ăn tối ở quán Ba Zan. Nghĩ, mấy ông này tài, tận
Hà Nội, Sài Gòn mà biết tới cái quán có vẻ lặng lẽ này.
Nó
nguyên là một khu vườn trong một ngôi làng Jai ở ngoại ô thành phố Pleiku. Một
thời ra đấy là khá xa, chả ai ra, giờ chỉ 10 phút phóng xe.
Hôm
ấy tôi đặt giúp cơm nướng ống nứa (kiểu cơm lam ngoài Bắc), gà nướng nguyên con
chấm muối é, rau mì nấu cà đắng, thịt heo nướng cục...
Khỏi
phải nói, các cụ đã ồ lên sung sướng như thế nào khi ngồi vào bàn. Đúng ra là
ngồi dưới sàn, nhưng nể các cụ đều đã trên thất thập nên hôm ấy họ bố trí ngồi
bàn. Và tất cả còn đồng loạt vỗ tay khi dàn chiêng xuất hiện. Mưa nên kế hoạch
đốt lửa chơi chiêng và xoang dưới sân thất bại, bù lại, ghế dẹp xịch vào một
tí, dàn chiêng lên tận ngôi nhà sàn nơi bày tiệc, cuốn tất cả mọi người vào
theo. Cứ thế bất tận...
Cũng
tháng ấy, tôi cũng tổ chức cho một đoàn cán bộ báo Nhân Dân, số chơi với nhau từ
hồi còn... mẫu giáo, thời chiến tranh phá hoại, sơ tán các kiểu, giờ cũng... họp
lớp. Phu nhân một bác nguyên Tổng biên tập, khi chiêng nổi lên đã nhảy hăng say
khiến các anh chị con cháu... lác mắt.
Chủ
nhân nhà hàng này là vợ chồng Ksor Thức, Ksor H’oanh, cùng là người Jrai. Thức
là chủ nhân của chính ngôi nhà này, ở tại làng này đã mấy đời. Ngôi làng này là
một làng người Jrai, ngày xưa nó xa lắc, đèn dầu thâm u, ra đấy đã là thế giới
của... fulro, giờ là một phần của phố, thậm chí lọt thỏm trong phố. Còn H’oanh
là người Jrai Ayun Pa, 2 nhánh Jrai khác nhau, giờ cùng chung tay lo cho cái
nhà hàng khá nổi tiếng này.
Thức
là giáo viên Mỹ thuật, dạy ở trường tiểu học Chu Văn An trong thành phố Pleiku.
Anh là một giáo viên cần mẫn, hát rất hay chơi đàn rất giỏi, đã từng đi biểu diễn
nhiều nơi từ hồi còn là sinh viên của trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai, nhưng
quyết tâm làm nghề gõ đầu trẻ chứ không đi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.
H’oanh học âm nhạc ra, chuyên ngành thanh nhạc, từng đi biểu diễn rất nhiều nơi
trong nước, rất nhiều huy chương vàng bạc các loại, nhưng giờ là nhân viên ngân
hàng chính sách xã hội. Kể, với lương của 2 vợ chồng như thế, sống trong môi
trường như thế, giàu thì chưa nói, nhưng ăn tiêu rồi hàng năm có chút để dành
tích lũy là khả dĩ.
Nhưng
là những người nhạy cảm, vừa thương bà con trong làng giờ đất đai chả còn, làng
lọt thỏm trong phố nhưng lại không phải phố, và cũng chưa thích nghi được với
phố, đất rẫy không có, vườn chả bõ trồng “cây gì con gì” cho ra thu nhập, toàn
đi làm thuê, “hưởng lương” theo ngày, rất phập phù. Thêm nữa, phố lan vào làng,
những đặc sắc dân tộc phai nhạt, cồng chiêng ghè ché cho đến áo váy, thậm chí
là tiếng dân tộc mình, chả có dịp dùng đến. Làng thành phố, nhưng lại vẫn phải
là làng.
Thế
là mày mò “làm gì đấy” cho vẫn là Jrai, vẫn là máu thịt mình, mà lại vẫn trong
phố. Đầu tiên là cái nhà sàn của gia đình được cải tạo thành chỗ... ngồi. Ngồi
xếp bằng trên sàn. Gà trong vườn, rau trong rẫy, rượu ghè làm lấy, bảo đảm ngon
và sạch. Các món ăn Jrai được chính tay hai vợ chồng chế biến. Nguyên vật liệu
được đặt cho chính bà con người Jrai ở khắp nơi, cả từ Ayun Pa, cách Pleiku 90
cây số, tìm kiếm rồi gửi lên. Tiền nong sòng phẳng, mình vừa có mối hàng mà bà
con có thu nhập. Thì những là lá mì hái trong rẫy, ớt kiến, muối kiến, lá é, lá
teng neng, cà đắng... Lác đác rồi đông dần, khách đến những buổi chiều cuối tuần,
vì ngồi nhà hàng hộp trong phố mãi cũng chán. Rượu ghè bày ở đây nó chất hơn.
Các cuộc tiếp khách trong phố, nhiều khi chủ nhà cũng khuân ra ghè rượu cần cho
nó ra chất... Tây nguyên. Nhưng trong phòng lạnh, đèn sáng choang, bàn ghế
nghiêm cẩn, dụng cụ ăn óng ánh, khách bệ vệ... cái ghè rượu chỏng chơ đến là khổ,
hết sức lạc lõng và... buồn. Mọi người chiều chủ nhấp môi vào cần rồi quay lại
với bia, rượu các loại. Phải về làng, giữa cái sàn nhà thân thuộc kia, bãi cỏ
mượt mà kia, cây nêu gắn bó kia, đống lửa huyền thoại kia... rượu cần nó mới là
rượu, nó mới lên hết chất của nó.
Rồi
nhu cầu tăng dần, cũng là do vợ chồng chủ nhà khéo “dụ”, làng có hẳn một đội
chiêng, đội xoang phục vụ khách. Từ một căn nhà sàn vốn là nhà ở được cải tạo,
giờ nhà hàng Ba zan mở rộng như một cái làng thu nhỏ. Giữa là sân, có nơi dành
cho chiêng và xoang, có nơi đốt lửa. Xung quanh là nhà sàn, nhiều ngôi nhà sàn
bao quanh, có thể chứa một lúc hàng trăm khách.
Vấn
đề là, như vợ chồng Thức, H’oanh thổ lộ, mục đích không chỉ là kinh doanh, mà
là giữ lại làng. Làng với tất cả phần hồn tinh túy độc đáo của nó. Làng, dẫu làng Việt hay làng
Tây Nguyên, nó khác đô thị là dẫu có phát triển đến đâu nó vẫn phải còn cái hồn
làng, cái bản sắc làng, cái làm cho người ta phải thương phải nhớ, để dẫu có
nghìn trùng tít tắp nhưng cứ phải đau đáu nhớ thương, phải tìm mọi cách để về.
Bởi từng làng hết sức khác nhau, chứ không như dập từ một khuôn ra. Người sinh
ra ở làng như con sinh ra từ mẹ, không thể có làng thứ 2, không thể thương nhớ
làng thứ 2 như thế. Làng chứa trong nó những bí ẩn riêng mà làng khác không có,
tất nhiên làng khác có bí ẩn của làng ấy. Nó làm nên ký ức làng. Và ký ức con
người gắn với ký ức làng. Không có ký ức con người sẽ thành rô bốt mất, sống đấy
mà như thất thểu. Sợ nhất là làng mà rồi như phố tất cả thì rồi sẽ tan tác hết,
phân ly hết. Giữ lại hồn ngôi làng này, làng Chuết, là ước mơ của vợ chồng Thức.
Gần
như toàn bộ dân trong làng được huy động về đây. Nấu bếp, quản lý, kế toán thủ
quỹ, phục vụ, trăm phần trăm là người trong làng, là người Jrai. Nhưng quan trọng
là, 2 vợ chồng còn khôi phục và duy trì được một đội chiêng một đội xoang của
làng.
Người
dân tộc Tây Nguyên nói chung, Jrai nói riêng, rất có năng khiếu âm nhạc. Vấn đề
là anh khơi gợi đúng khả năng tiềm ẩn của họ, giúp họ phát huy, đặt họ vào đúng
môi trường, và tạo điều kiện cho họ.
Trong
tốp cồng chiêng âm nhạc thường xuyên của nhà hàng Ba Zan có cậu bé tên Y Tói.
Tói sinh ra đã bị khiếm thị, chưa bao giờ thấy ánh mặt trời. Nhưng bù lại, cậu
có khả năng thẩm âm tuyệt vời, và năng khiếu cũng tuyệt vời. Vợ chồng Thức Oanh
đã nhận Tói vào và bày cho cậu chơi trống Kajon, là một loại trống của Tây Ban
Nha. Bên cạnh dàn cồng chiêng với đội Xoang phụ họa, thì vợ chồng Thức Oanh mỗi
tối đều ôm Ghi Ta tới từng nhà sàn khách ngồi hát những bài hát Tây Nguyên nổi
tiếng, nhất là những bài của nhạc sĩ Y Phôn Ksor. Và, bao giờ đi kèm cặp đôi
nghệ sĩ kiêm chủ nhà hàng này, là cậu bé Tói. Giờ cả cha và mẹ Tói đã mất, Tói
lấy việc phục vụ tại nhà hàng này làm nơi kiếm sống và nuôi em. Vừa rồi, Tói và
Ksor H’oanh tham gia cuộc thi “Hát mãi ước mơ” của HTV7 và đoạt
giải nhất, em đang đầy hồi hộp đợi số tiền giải thưởng chuyển về để nuôi em.
Ksor Thức kể, thực ra thì là giúp lẫn nhau, dân là giúp vợ chồng anh và vợ chồng
anh hỗ trợ lại dân làng. Cụ thể hơn anh cho biết, nhân viên có
22 người là thường xuyên- lương trả khoảng 80 triệu, 4 nhà chuyên làm rượu ghè,
chặt nứa... toàn con cái anh em trong làng. Đội cồng chiêng giao một người quản
lý riêng, nhận tiền theo suất đặt của khách... Anh nói với tôi: Vợ chồng em rất
chân thành cảm ơn bà con vì có họ em mới tồn tại và phát triển, và một phần họ
cũng có thu nhập để trang trải cuộc sống.
Thường
là một cuộc Ba Zan nó diễn ra như thế này: Khách đến, xếp bằng trên sàn, ăn những
món ăn Tây Nguyên. Trong khi ăn có vợ chồng Thức Oanh và cậu bé Tói phục vụ, chỉ
dân ca và những bài hát hay về Tây Nguyên. Thi thoảng, nếu khách biết và yêu cầu,
sẽ có sự xuất hiện của một cây T’rưng nữa. Người biểu diễn là nghệ sĩ chuyên
nghiệp, học ở trường đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội ra, giờ là sĩ quan
quân đội. Cô này cũng là người Jrai, tên là Ksor H Bla. Không
gian ấy, khung cảnh ấy, tiếng T’rưng cất lên như ru mọi người vào một thế giới
Tây Nguyên vừa gần gũi, trước mắt, lại sâu thẳm, như từ những ngàn xa nào đấy vọng
về.
Làng trong phố. Mục tiêu ấy được nhiều
đô thị đặt ra khi sự phát triển đang ở ngưỡng nóng, nhưng rất khó thực hiện, bởi
tư tưởng phân lô đổ bê tông ngự trị trong hầu hết mọi người. Có thể là vô thức
thôi, chả ý thức được việc làm của mình nó can hệ gì tới sự phát triển, nhưng
nhà hàng Ba Zan của vợ chồng người Jrai Ksor Thức và Ksor H’oanh đã làm nên một
điểm nhấn đẹp trong lòng thành phố Pleku cũng đang phát triển rất nóng, cũng
đang bê tông hóa khiến cho những đặc trưng rất đẹp của Pleiku như dốc, sương
mù, thông và dốc đang có nguy cơ biến mất. May mắn, trong cơn lốc ấy, còn cái
làng Chuết, ngôi làng chứa trong lòng nó một nhà hàng, gọi là nhà hàng là cách
gọi thời thượng bây giờ, chứ nó là một cái làng, trong ấy có những món ẩm thực
Jrai, do người Jrai làm chủ, quản lý và phục vụ.
Cũng như bản Lác của người Mường nổi
tiếng ở Hòa Bình. Nhưng bản Lác là ở Mai Châu chứ không giữa phố. Và tất nhiên,
làng Chuết chưa thể bằng bản Lác, cả về tên tuổi lẫn sự phát triển và quy mô du
lịch gắn với làng. Nhưng biết đâu đấy, từ đốm lửa này, ngày nào đấy, thành phố
Pleiku sẽ có một hệ thống làng trong phố, làng bao quanh phố, làng gắn với phố,
mở ra một sự phát triển mới, sự phát triển dựa trên đúng đặc trưng, bản sắc của
mình, sự phát triển do chính những con người bản địa trên đất này sáng tạo và
làm chủ.
Cái quan trọng là, dẫu phát triển,
như một tất yếu, một quy luật không thể đảo ngược, ta vẫn còn những ngôi làng
đúng nghĩa, vẫn vẹn nguyên, không hư hao bản sắc. Và những khu phục vụ ẩm thực
dân gian như Ba zan trở thành hạt nhân của những ngôi làng giữa bạt ngàn phố.
Nơi ấy, bản sắc văn hóa, linh hồn
làng, sức sống dân tộc được bảo tồn, để một ngày, giữa phố phường náo nhiệt, ta
có chỗ để tìm về.
Lại nhớ
một bác đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An phát biểu ở quốc hội: Làm sao kinh tế thì
như ngày nay mà văn hóa thì được như... ngày xưa...
Khó
nhưng không phải là không thể.
(Ảnh trong bài của Huy Tịnh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét