Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2018

CƠM BÚN PHỞ VÀ... CHỬI


           1. Kinh nghiệm của nhà cháu là, không bao giờ vào một quán ăn mà biển đề hoành tráng: “Cơm bún phở mì lẩu...” (các quán này thường ở phía Bắc) và “Bún phở mì Quảng” (thường ở phía Nam). Nếu tìm quán ăn, thì cơm ra cơm phở ra phở. Còn ăn sáng thì phở ra phở bún ra bún mì quảng ra mì quảng... thậm chí phở cũng chỉ một thứ thôi, chứ không thể vừa tái vừa bò kho vân vân. Tức là, chỉ chơi... độc món, nó chuyên sâu, nó kỹ lưỡng, nó tận cùng, nó chất lượng, nó bùng nổ, nó tinh tế, nó trách nhiệm, nó không lẫn, từ những phụ kiện đi kèm như rau sống, nước dùng cho tới nước chấm vân vân...


           Và như thế, xem bóng đá chẳng hạn, cứ là cứ phải giải bóng đá thứ thiệt, không lẫn vào các bộ môn khác như thế vận hội chẳng hạn, ...Asiad chẳng hạn, có xem tí cũng là xem vậy vậy, chứ bảo tập trung tinh huyết vào, đam mê vào, tận cùng vào, vỡ phổi vào, nổ tim vào... thì, chưa tới. Bởi các cuộc mà có chữ "hội" ấy, mũi nhọn của nó là điền kinh, bơi lội... kia...


           Và cũng chưa thấy bóng đá nước nào dồn hết tâm huyết cho các giải có tên cuối là... hội cả. Thường là những nước có nền bóng đá mạnh họ chú trọng các giải cúp châu lục, cúp thế giới, thậm chí là cúp khu vực, chứ olimpic họ coi là giải... phong trào. Bóng đá là một trong hàng mấy trăm bộ huy chương. Tất nhiên nó cũng vẫn quan trong trọng (có thể chưa nhất, tùy từng nước) trong cái Olimpic thế giới, châu lục hoặc khu vực ấy. Nhưng bảo sống chết cho nó thì... chưa nhé. Vậy nên, hãy chờ xem, cái đích nó đang ở phía trước kia. Nhưng với ta, hạng 4 cuộc vừa rồi là quá oách rồi, là, thậm chí vượt sự tưởng tượng rồi. Nhưng từ đấy mà nghĩ là, cúp thế giới đang trong tầm tay thì hơi... mơ.


           Nhà cháu cũng quạt cuồng, nhưng cuồng... vừa vừa, biết chỗ nào cuồng chỗ nào bình tĩnh, chứ quyết không cứ lăn đùng ra cuồng, nhảy từ cực này sang cực kia, thấy thiên hạ cuồng cũng cuồng, nhắm tịt mắt lại mà cuồng rồi đến lúc mở mắt ra mới... ơ thế à, thế mà em... tưỡng... rồi... chửi.




           2. Thực ra thì, tiếng Việt mất thế đếch nào được, phỏng các cụ. Lâu nay nhà cháu thật,  nhiều lúc cũng... u ơ, là từ cái hồi còn học “vỡ bụng” ấy, là thế lúc nào gọi Cờ lúc nào Xê, lúc nào Bê lúc nào Bờ. Cũng một cách phát âm sao lại tới mấy chữ, và ngược lại. Và rồi cứ theo thói quen mà đọc mà viết chứ bảo phân tích kỹ ra thì... em nỏ, huhu, thế mà cũng mang danh cử nhân văn chương, cũng nhà văn nhà báo.


           Giờ thì đang cứ sôi ào ào lên cái cách oánh vần mới, he he. Gớm, chửi mới hay làm sao, cứ như chưa bao giờ được chửi, làm nhà cháu mấy lần rón rén định lên tiếng mà... nỏ dám.


           Và té ra nó là thế này, người ta đã áp dụng nó lâu nay rồi. Giờ nhân anh Nhạ quá... nổi, nhân cụ Bùi Hiền đang bị ném (cụ này tự nghiên cứu và chưa áp dụng vào đâu, mới là một cái báo cáo trong một hội thảo he he) thế là người ta lôi cái vụ oánh vần ra.


           Nhà cháu trực tiếp nghe một số thầy cô giáo nói về việc này thì họ bảo dạy dễ, trẻ con tiếp thu nhanh, không bị lỗi chính tả, cái nạn lâu nay của chúng ta, kể cả các nhà văn nhà báo và nhà giáo, cứ đọc fb của họ thì biết. Và đọc ý kiến của những người từng học chữ kiểu này từ bé thì họ rất hoan hô, ví dụ bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu. Té ra ông bác sĩ rất giỏi và đang là đại biểu quốc hội này ngày xưa học trường thực nghiệm của thầy Hồ Ngọc Đại, và học đánh vần kiểu này, và giờ là một người rất thành đạt. (Đăng được nửa tiếng thì nhà văn Hoàng Xuân Tuyền vào nhắc GS Ngô Bảo Châu cũng học trường ông Hồ Ngọc Đại, ahaa...). Và đã từng, phụ huynh xếp hàng cả đêm, đạp đổ cả cổng để xin cho con vào học ở đây...


           Chửi cũng được, nhưng phải có lý do, có chuẩn, có chính kiến của mình, he he, không thì, kinh bỏ mẹ, huhu...


          

Không có nhận xét nào: