Tháng
11 này, tỉnh Gia Lai có một cái lễ hội rất là... bất chợt, lễ hội hoa dã quỳ và
núi lửa Chư Đăng Ya.
Cả
ngàn năm rồi, dã quỳ vẫn thế, bình yên thế, vô tư thế. Núi Chư Đăng Ya cũng thế.
Nó là một cái miệng núi lửa trong trập trùng hàng ngàn núi lửa ngủ yên triệu
năm làm nên Cao nguyên Pleiku. Nó mê mải ngủ, mê mải tồn tại, mê mải thắt ruột
thắt gan làm nên cái màu vàng đặc trưng bất tử của hoa tiệp với màu xanh của
núi, như một thứ song trùng với trời với đất, với mây trời với gió núi... để rồi
có ngày nó được bừng tỉnh. Chính xác là được con người đánh thức, để thành lễ hội.
Mà
cũng chả dễ dàng gì. Thì cả vạn năm rồi nó thế, nó cứ hồn nhiên sống hồn nhiên
sinh và hồn nhiên... chiếm đất của con người. Có một thời, người ta từng ghét
dã quỳ, vì nó... vô dụng, nó chiếm đất, nó làm khổ con người. Người ta phát cỏ
làm rẫy, trồng hoa màu, lương thực. Và, cái thứ sống dai dẳng nhất, bền bỉ nhất,
không chịu khuất phục nhất, chính là dã quỳ. Cứ mưa là xanh, lá xanh ngằn ngặt,
xanh mướt mát, xanh như không thể xanh hơn, như không còn dịp để xanh hơn. Và nắng
là vàng. Giống hoa này rất lạ. Mùa khô Tây Nguyên, nắng thế, gió thế, khô thế,
hạn thế... thì nó lại càng vàng. Vàng đến mê mải, đến vô ngôn, đến như là chỉ
còn nước ngờm ngợp vào đấy, tan hòa vào đấy. Mùa khô, mọi vật đều khô, đều chết,
trừ dã quỳ. Vậy thì người nông dân nào ưa nổi chúng. Người ta từng thù chúng,
mong chúng... tuyệt diệt.
Cho
đến một ngày, có người chợt ngẩn ngơ phát hiện ra vẻ đẹp của chúng. Ừ nhỉ, sao
nó lại... hợp với Tây Nguyên thế. Mơn mởn giữa khô khát, tăm tắp giữa gió lộng,
rực rỡ giữa mặt trời, sống như một điều đương nhiên giữa khi các sinh vật khác
gục chết. Cũng không hẳn ngay đầu tiên đã được chấp nhận. Cái thời người ta
đang cắt áo dài ra sửa thành áo cánh để mặc, phá cả rừng trồng sắn để qua cơn
đói, hè đường được lật lên để trồng khoai nuôi người và... lợn, mà lại tỉ tê với
dã quỳ thì có họa là... điên.
Và,
điều này nữa, thực ra dã quỳ nó có ở khắp mọi nơi trên nước ta. Mấy gã dở hơi
mang về và gán cho... Tây Nguyên, coi nó là đặc sản Tây Nguyên, là chỉ Tây
Nguyên mới có. Năm nào đấy, nhân Festival hoa, tỉnh Lâm Đồng còn nhanh hơn, lấy
nó làm biểu trưng cho hoa Đà Lạt, và nghiên cứu, cải tạo nên một giống dã quỳ
lùn để có thể trông trong phố, trên vỉa hè, ở các bùng binh...
Giờ
thì, nó là của Tây Nguyên thật, dù năm ngoái, ngay Hà Nội thôi, dân phượt rùng
rùng với những con đường dã quỳ.
Năm
ngoái, huyện Chư Păh tỉnh Gia Lai “làm nháp” cái lễ hội hoa dã quỳ núi lửa Chư
Đăng Ya, tức là lấy hoa và núi lửa ở ngay huyện họ làm một cái lễ hội để hút
khách du lịch. Và năm nay thì... làm chính thức. Thế tức là, qua năm ngoái, họ
thấy thành công, thấy có vẻ tìm được đường phát triển cho huyện nghèo từ... hoa
dã quỳ và núi lửa, những món tồn tại khách quan ở đây cả vạn cả triệu năm, thậm
chí từng làm họ... khó chịu.
Cũng
cách đây mấy năm, tự nhiên dân mạng lên cơn sốt với một cánh đồng cỏ hồng ở huyện
Đăk Đoa, cách thành phố Pleiku 13 cây số. Thì nó là cái đồi thông, cũng lững thững
ở đấy từ hồi nào rồi. Cổ thụ có, non tơ có. Sau mùa khô, mưa lắc rắc, bất ngờ đội
đất ngoi lên là cái thứ cỏ gì đấy, mỏng manh, hết sức mỏng manh, mãnh liệt, hết
sức mãnh liệt, đến như bất diệt, như trường sinh, cứ hồng rực lên, hừng hực
lên, mịn màng lên. Rồi nó vươn lên, lại mùa khô, màu hồng của thứ hoa li ti ấy
áp đảo tất cả các màu khác, như một lớp lông tơ phủ lên mẹ đất, nó ngút mắt, nó
chan hòa, nó miên man, nó mê hoặc... Thế là có một đồi cỏ hồng cho du khách mê
mải. Và cũng nhanh tay, huyện này cũng tổ chức ngay những ngày hội ở đấy. Hàng
vạn người đổ về, ngơ ngác tự hỏi, ơ sao lại có sự phối màu kỳ lạ đến như thế,
giữa mây trời, giữa thông xanh, giữa màu đỏ vàng bazan và cái màu hồng như cổ
tích kia.
Lại
cũng một cái huyện giữa Cao nguyên. Cái huyện tưởng chỉ có núi với khô khát với
hừng hực nắng. Huyện quê của ông vua lửa ấy, cái ông sinh ra để cầu mưa cho dân
làng vì quanh năm khô khát. Một hôm có ông cựu chiến binh phát hiện có đến mười
mấy héc ta đầm lầy, bèn xin... đấu thầu. Ì oạch hai vợ chồng mấy năm dọn dẹp rồi...
mua giống sen về thả, mục đích là lấy hạt bán. Thế mà rồi hoa đẹp quá. Sen thì ở
đâu cũng có, nhưng sen trên núi, giữa núi, trong núi... thì đây mới có. Thế là
cũng nườm nượp người đổ đến ngắm. Ông bà này thì... không ủng hộ, vì mất công
trông giữ, nhưng huyện vào cuộc thuyết phục chuyển hướng, vẫn lấy hạt nhưng
thêm... du lịch, huyện đầu tư làm đường vào...
Ơ
thế thì, cỏ hoa có bất chợt đâu nhỉ, chẳng qua, con người có khi thi thoảng
có... bất chợt không hay thôi!!!
(Nhà cháu hăng hái cổ vũ du lịch GL đến thế mà không được ai thưởng thưởng thì cũng... oan uổng phỏng ạ? Bài đăng trên Nhân dân cuối tuần số 2/9, phát hành hôm nay)...
Không phải khoe được "lên tivi" mà chứng minh, đang ra sức quảng bá cho dã quỳ Chư Đăng Ya đấy |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét