Năm 1981, tôi lên Gia Lai Kon Tum nhận
công tác sau khi tốt nghiệp khoa Văn Đại học Tổng hợp Huế. Công việc đầu tiên
là đi sưu tầm văn nghệ dân gian, và chuyến công tác đầu tiên của tôi là được đi
với nhóm công tác của Viện Văn hóa do giáo sư Tô Ngọc Thanh làm trưởng đoàn.
Thú thật thời ấy là do được cử thì đi, chứ tôi cũng chưa có khái niệm gì về văn
hóa Tây nguyên cả. Mộng của tôi là sáng tác cơ. Tôi còn nhớ giáo sư Thanh hỏi
tôi: cậu học văn hay ngữ. Dạ, văn ạ. Cậu có thích đi sưu tầm văn nghệ dân gian
không? Dạ không, em thích sáng tác nhưng cơ quan cử đi với các bác thôi ạ. Ông
không hỏi nữa nhưng vẻ thất vọng hiện lên rất rõ trên mặt.
Sau giáo sư Thanh thì tôi lại được tiếp
xúc với giáo sư Từ Chi. Một con người hết sức lạ lùng. Cái gì cũng biết mà lại
luôn như không biết gì. Mọi lời nói ra đều hết sức thận trọng với sự lặng đi một
lát như suy nghĩ khi có ai đó hỏi về việc gì, rồi chậm rãi: Tôi đồ chững rằng
là... dù ai cũng biết những kiến giải ấy là hết sức chính xác, và các câu hỏi của
những kẻ như tôi thì hết sức hổ lốn, đủ kiểu đủ phạm vi đủ đề tài và đủ hướng.
Rồi một loạt các đại thụ khác nữa, và
tôi bập vào văn hóa Tây Nguyên từ đấy, hết sức tự nhiên và tự nguyện, tôi thành
trò nhỏ lặng lẽ của các ông, trò nhỏ của cuộc sống này.
Và vì thế mà tôi... shock, trước những
gì đang diễn ra.
Tây Nguyên, rộng hơn chút, là vùng
Trường Sơn Tây Nguyên là một vùng rộng lớn men theo dãy Trường Sơn với các dân
tộc đặc trưng như Vân Kiều, Tà Ôi, Cơ Tu, Giẻ Triêng, Bahnar, Sê Đăng, Jrai, Ê
Đê, Mnông, Mạ, Lạch vân vân... với một hệ thống văn hóa nương tựa vào rừng, vào
văn minh nương rẫy. Hay đúng hơn, là cuộc sống của họ đã tạo cho họ một đời sống
văn hóa hết sức đặc trưng để phù hợp với đời sống, phù hợp hoàn cảnh và phù hợp
với tư duy của họ.
Một hệ thống luật tục, dẫu còn thô sơ
tùy dân tộc, nhưng khá phù hợp để họ ứng xử với nhau, với tự nhiên, trong đó chủ
yếu là ứng xử với người trong làng và ứng xử với rừng.
Có những ứng xử hết sức khắc nghiệt
như với người loạn luân, với người ăn cắp, với người bị nghi ma lai, và cũng hết
sức nhân văn như với việc bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, như quan hệ vay trả.
Ví dụ người đàn bà đẻ con mà không có sữa thì sẽ làm lễ vay sữa cây sung và sẽ
trả sòng phẳng. Ví dụ như lẽ công bằng, nếu săn được thú rừng, ngoài phần ăn
chung cả làng, còn lại thì sẽ được chia rất đều, từ đứa trẻ sơ sinh đến cụ già
sắp chết, ai cũng bằng nhau. Tôi đã chứng kiến một người đàn ông Bahnar tự tử
chỉ vì hôm ấy làng săn được một con nai, và trong phần thịt chia cho anh này,
anh ấy cảm thấy ít hơn người khác trong làng. Thế là anh ấy chọn cái chết để
bày tỏ thái độ. Cũng có những luật với xã hội văn minh thì là man rợ, nhưng nếu
so vào đời sống thực tại của người Tây Nguyên thì lại là nhân văn, ví dụ chuyện
khi sinh, mẹ chết thì sẽ chôn theo con. Ban đầu ai cũng cho đây là phong tục
man rợ. Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng rồi đi sâu tìm hiểu, gặp gỡ hỏi thăm, thì tôi
nghe họ giải thích thế này: Đứa bé sinh ra, nguồn sống duy nhất là sữa mẹ. Và
người duy nhất nuôi được đứa bé là người mẹ. Phong tục Tây Nguyên là khi chuẩn
bị sinh con thì người mẹ tự vào rừng làm lán để vào đấy sinh. Tự sinh, khi nào
cứng cáp thì bế con về. Và trong hoàn cảnh khó khăn lạc hậu ấy, nếu mẹ chết, và
trường hợp này là khá nhiều. Ngay bây giờ, mỗi lần sinh vẫn là mỗi lần ngấp
nghé cửa tử, huống gì cái thời lạc hậu ấy, thì đứa bé không còn có thể một nguồn
sống nào khác ngoài chuyện cho nó... đi theo mẹ. Thà như thế còn hơn nó sẽ chết
dần. Và với người Tây Nguyên, đấy chính là việc làm nhân văn. Nói luôn, sau này
bộ Y tế có chính sách cô đỡ thôn bản, là một việc hết sức thiết thực với bà con
Tây Nguyên, nó khiến tỉ lệ sống khi sinh con tăng vọt, chứ trước đấy, mười ca
sinh thì 8 ca chết là cái chắc.
Người Tây Nguyên sống hài hòa với tự
nhiên, với chính mình, và họ hài lòng với cuộc sống ấy. Của cải từ rừng và cuộc
sống của họ cũng từ rừng. Nhưng họ không bao giờ phá rừng tràn làn, mà đều có
những tính toán rất phù hợp. Ngay cuộc sống du canh du cư tưởng là lang thang
hoang sơ nhưng thực ra cũng rất là có lý. Ấy là họ đi... loanh quanh chứ không
đi hẳn. Chuyện dời làng xảy ra khi có dịch bệnh, chiến tranh, và đất hết màu mỡ.
Thì họ đi, đến chu kỳ nào đấy lại quay lại chỗ cũ, lúc này đất đã tốt trở lại,
dịch bệnh đã hết vân vân. Tất nhiên không phải là tất cả, có những nơi không
bao giờ họ quay lại nữa. Và đấy chính là một phần của nguyên nhân sinh ra tục bỏ
mả. Khác người Kinh sống bám vào quê cha đất tổ, dẫu có ly tán tới phương trời
nào thì vẫn quay đầu về bàn thờ tổ tiên, người Tây Nguyên khi đã bỏ mả là xong,
là không quan hệ gì với người chết nữa. Và vì thế mà bỏ mả là một trong những lễ
rất lớn của họ, là nơi họ phô bày hết tình cảm máu thịt của mình, đồng nghĩa với
phô bày sự tài hoa như có hẳn những bài chiêng riêng cho bỏ mả, những nhà mồ,
tượng mồ... là những công trình nghệ thuật tuyệt vời dù họ hoàn toàn không có ý
thức sáng tạo nghệ thuật, mà đơn thuần chỉ là bày tỏ tình cảm lần cuối cùng với
người chết.
Và làng của họ cũng thế, là những
công trình nghệ thuật và văn hóa tuyệt vời dù họ không có ý thức ấy. Ví dụ như
nhà rông. Đấy có thể gọi là trái tim của làng, linh hồn của làng Tây Nguyên.
Ngay bây giờ, nhiều kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư cũng vẫn ngạc nhiên khi ngồi
phân tích kỹ thuật làm nhà rông của người Tây Nguyên. Đấy là, không có kỹ thuật
gì cả. Tất cả chỉ là kinh nghiệm của nghệ nhân. Những nghệ nhân mù chữ, hoàn
toàn ước lượng bằng sự tưởng tượng và kinh nghiệm truyền đời này sang đời khác.
Và họ làm những cái nhà rông khổng lồ ấy chỉ bằng 2 dụng cụ là rìu và rựa. Hoàn
toàn không có vật liệu nào hiện đại, mà tất cả khai thác từ rừng, như gỗ,
tranh, dây buộc... mà cái nhà rông hàng trăm tấn lừng lững giữa trời, giữa nắng
gió cao nguyên lồng lộng. Mỗi nhà rông lại ứng với phong cách của dân tộc mình,
như nhà rông Bahnar khác Jrai, Sê Đăng khác Giẻ Triêng vân vân, và nghe một số
kiến trúc sư nói, nó hết sức phù hợp với tỉ lệ vàng của kiến trúc.
Cuộc sống ấy, sinh ra văn hóa và đời
sống tinh thần của những con người ấy, hòa quyện vào nhau, nâng đỡ nhau cùng tồn
tại, qua thời gian trong không gian dằng dặc ấy, tồn tại một cách có lý, vững bền
và hết sức phong phú chứ không như một số người mới liếc qua bèn phán: Lạc hậu
quá, phải thay đổi. Phải đưa đời sống văn hóa mới vào “giáo dục” đồng bào.
Và một loạt chính sách ra đời. Có cái
thích nghi, phù hợp đời sống, và có cái xa rời đời sống, thậm chí méo mó, sai lệch.
Như có thời người ta làm lễ... xóa khố.
Cơ khổ, hối ấy Cán bộ công nhân viên được 4 mét vải/năm/ người. Xóa khố thì lấy
vải đâu cấp cho dân. Đấy là nói một cách lý tính, cơ học, chứ khố còn là văn
hóa. Cái gì có lý thì nó tồn tại. Kết quả hôm nay đang phải đi vận động bà
con... bảo vệ bản sắc, phải có khố, có người mặc khố, có người dệt khố, tất
nhiên không phải mọi lúc mọi nơi.
Rồi Kon Cheo hóa. Kon Cheo là một địa
phương thuộc tỉnh Gia Lai, được tỉnh đầu tư làm nhà trệt, lấy đấy làm mô hình để
vận động tất cả bà con bỏ nhà sàn, làm nhà trệt ở. Kết quả là con số không. Cái
nhà sàn nó hết sức thích hợp với đời sống bà con Tây Nguyên. Nó ngăn thú rừng,
nó hợp vệ sinh, từ cái cách đất Tây Nguyên đỏ mà bà con đi chân đất, đến sàn
nhà phải có chỗ cho nước rượu cần (món thường trực của bà con) chảy xuống, có
chỗ... nhổ nước bọt (bà con hút thuốc rất nặng nên thường xuyên nhổ, sàn nhà bằng
le có kẽ hở là để xử lý việc này nữa) vân vân và vân vân. Và y như rằng, bây giờ
các nhà quản lý lại đang hết sức lo lắng việc bà con bỏ nhà sàn làm nhà xây,
may mắn là, việc này chưa rầm rộ.
Rồi
việc “phổ cập” nhà rông văn hóa lại là một sai lầm lớn nữa. Về nguyên tắc nhà rông bao giờ cũng nằm ở trung tâm
của làng, nó đạt đến độ hài hòa kinh ngạc giữa cảnh quan chung quanh, với các
ngôi nhà sàn của làng và với chính nó. Nó đủ lớn để chứng minh sự uy dũng,
nhưng cũng đủ mềm mại để thân thuộc trong mắt mỗi người dân trong cộng đồng. Nó
đủ cao to để tự hào, để mọi người dân gửi khát vọng của mình vào đó trong ước
muốn chinh phục, và cả tư tưởng thần phục, nhưng cũng đủ để chống chọi với nắng
với gió cao nguyên để tồn tại như một biểu tượng vĩnh hằng của cái đẹp và sự
trường tồn... Nhà rông văn hóa đã phá vỡ điều này. Vì ngôi nhà là của xã, nên
thường đặt cạnh trụ sở xã. Với người dân Tây Nguyên, khái niệm "xã"
còn khá xa lạ, vì bà con coi làng là đơn vị trung tâm, ý thức làng của bà con
rất lớn, vì thế khi nhà rông văn hóa được dựng ở ngoài làng, bà con coi như
không phải của mình. Chưa kể còn các bất tiện khác để bà con không lên, không
sử dụng nhà rông văn hóa. Thực tế này bắt đầu từ chỗ, khi làm nhà rông văn hóa,
chúng ta đã không tính đến các yếu tố sau đây: Một là, ý nghĩa tâm linh không
còn vì không có nơi để vật thiêng, dù vật thiêng đôi khi chỉ là hòn đá, cái
nanh thú, con dao,... nhưng đó là nơi dân làng gửi niềm tin, nơi trao gửi ước
mơ, khát vọng và bao điều sâu xa thầm kín. Hai là, người Tây Nguyên không hình
dung nổi một ngày nào đó lại thờ chung Yang, cùng người làng khác "đối
thoại" với Yang từ cái nóc nhà rông cao vút kia, từ cây nêu mềm mại trước
sân kia? Ba là, về sự tiện dụng. Nhà rông truyền thống được lát sàn bằng le,
chừa các kẽ hở với nhiều tác dụng. Khi uống rượu ghè thì sẽ có nước chảy ra và
nước sẽ theo kẽ hở lọt xuống sàn ngay, không ướt lép nhép như sàn xi-măng hoặc
ván khít khịt của nhà rông văn hóa. Nhà rông truyền thống là của chung của
làng, nhưng cũng là của từng người, thanh niên chưa vợ và đàn ông vợ chết có
thể lên ngủ hằng đêm, nhà rông văn hóa không có điều này, vì đến khuya là khóa
cửa. Bốn là, ngôi nhà không còn là niềm tự hào của làng nữa, vì của Nhà nước
làm cho, nên dẫu có rồi, mỗi làng vẫn cứ làm một nhà rông của mình. Lúc ấy nhà
rông văn hóa trở thành... biểu tượng. Năm là, nhà rông văn hóa được trang bị để
trở thành một thiết chế gồm máy nổ, loa đài, vô tuyến truyền hình, đầu chiếu
vi-đê-ô,... nhưng lại chưa tính tới chi phí vận hành. Sáu là, nó phá vỡ sự hài
hòa, và cả sự yên bình vốn có của các làng Tây Nguyên. Hãy hình dung giữa những
ngôi nhà sàn lúp xúp lại nổi lên một khối bê-tông lù lù với mái tôn lạnh lẽo,
thô kệch. Về các làng Tây Nguyên sẽ thấy một nghịch lý, là: bên ngôi nhà rông
văn hóa hoành tráng đứng đâu đó ở đầu làng, thì giữa làng vẫn có ngôi nhà rông
nhỏ bé thôi, nhưng ấm áp và thân thuộc. Nhà rông này là nơi dân làng thường
xuyên lui tới, còn nhà rông văn hóa, năm thì mười họa mời bà con lên họp khi có
cán bộ về phổ biến gì đó, họp xong bà con lại về nhà rông của mình uống rượu,
chuyện trò, sinh hoạt như hàng nghìn năm qua... Như vậy là phải chăng, chúng ta
đã duy ý chí khi áp đặt suy nghĩ của mình vào sinh hoạt cộng đồng của cư dân
Tây Nguyên, dù có thể ý tưởng ban đầu là tốt? Vân vân các kiểu...
Rồi “chiến dịch” biến 50 ngàn héc ta
rừng nghèo thành vườn cao su với quan niệm “cao su cũng là rừng” mà lại có lợi
trước mắt ngay đã biến Tây nguyên, làng Tây Nguyên thành những... lô cốt công
nghiệp thứ thiệt. Những ngôi làng vô hồn, vô bản sắc, làng công nghiệp với
những người dân hết sức bỡ ngỡ với những dang đổi thay ào ạt mà họ chưa kịp
định thần. Và từ đây, các chuẩn mực đạo đức, văn hóa... bị xô dạt, bị biến đổi
theo hướng tiêu cực.
Tất nhiên Tây Nguyên không thể cứ mãi
mãi cởi trần đóng khố, mãi mãi đốt xà nu thay điện, đánh chiêng thay Ghi ta
hoặc Organ, nấu bếp củi thay vì bếp ga, mà Tây Nguyên phải phát triển theo
hướng văn minh, hòa nhập với đời sống.
Vấn đề là sự phát triển ấy phải hợp
quy luật và có lý. Nó không chịu sự tác động vô lý đến mức nhẫn tâm. Nó là một
sự tiếp nhận chọn lọc trên cơ sở có cái sẽ triệt tiêu, có cái giao thoa, có cái
kế thừa và có cái du nhập.
Sự phát triển nào cũng kéo theo những
hệ lụy. Tây Nguyên cũng thế, cũng không ngoài quy luật. Vấn đề là nhìn ra sự
phát triển ấy, nhìn thấy những cái sẽ tồn tại, những cái mất đi, để chuẩn bị,
để có sự tiếp nhận, hết sức tránh những
áp đặt chủ quan duy ý chí, lấy văn này đè văn hóa kia, coi của mình là nhất,
hết sức chủ quan.
Cũng như Văn học Nghệ thuật. Có người
quan niệm, văn học nghệ thuật về Tây Nguyên là phải có Tây Nguyên cụ thể trong
tác phẩm, là các địa danh, là lửa rừng, là chân trần sơn nữ, là ôi a, là bụng
tao bụng mày... tức là miêu tả trực diện. Tôi cho rằng, điều ấy cũ rồi. Bây giờ
là một cách nhìn mới. Không miêu tả mà là chiêm ngẫm. Không thấy mà nghĩ. Nghĩ
tới những điều sẽ mất, sẽ rạn vỡ, sẽ trôi dạt. Rồi mà cảnh báo, chứ không làm
thay. Không thể thay thế cái mất (tất yếu) này bằng một cái mất cơ học khác.
Phát triển là mất mát, nhưng có những cái mất đúng quy luật, cái mất để phát
triển. Và có những cái mất do duy ý chí, do thiếu hiểu biết, do những việc phi
lô gich, phi quy luật.
Việc đầu tiên, quan trọng, chưa phải
là đổ tiền vào Tây Nguyên. Mà là, đào tạo những người hiểu biết văn hóa Tây
Nguyên, tôn trọng Tây Nguyên, đồng hành cùng Tây Nguyên chứ không đứng trên chỉ
bảo, để về phục vụ Tây Nguyên...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét